Home Khoa học Tin tức - Sự kiện Nguồn vốn cho KH&CN trong các trường đại học

Nguồn vốn cho KH&CN trong các trường đại học

Email In PDF.

Trong các trường đại học, đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nội dung hoạt động thường xuyên, bắt buộc. Các trường đại học có nhiệm vụ tiến hành NCKH và phát triển công nghệ, kết hợp đào tạo với NCKH và sản xuất. Uy tín của một trường đại học trước hết phụ thuộc vào chất lượng của hai hoạt động này, để nuôi dưỡng và phát triển chúng thì cần phải có nhiều điều kiện, trong đó, vấn đề tài chính bao giờ và luôn luôn là vấn đề quan trọng, tiên quyết cho tất cả các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH).

Cơ chế chính sách tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ thường là bao gồm việc huy động các nguồn thu, việc phân bổ cho các khoản chi, cơ chế giám sát tài chính và sự phân cấp tài chính giữa các bộ phận trong trường. Một vấn đề quan trọng khác là sự tự chủ tài chính trong các trường.       

alt

Hiện nay chúng ta đã có Luật Khoa học và công nghệ, Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17-10-2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ,  Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 16-1-2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Ngoài ra, điều lệ trường đại học đã được ban hành theo quyết định số153/2003/QĐ-TTg ngày 30-7-2003 của Thủ tướng Chính phủ... Đó là những văn bản pháp lý rất quan trọng để tạo điều kiện đổi mới và ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của các trường đại học và các văn bản này thực sự cởi trói cho các trường đại học đã có điều kiện ứng dụng.

Nguồn tài chínhcần thiết cho hoạt động KH&CN thường là: Ngân sách  Nhà nước; Quỹ phát triển KH&CN tài trợ theo quy định của luật pháp; Kinh phí thực hiện các đề tài NCKH cấp nhà nước, cấp bộ, ngành, các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ đột xuất khác được cấp có thẩm quyền giao; Vốn vay; Hợp tác quốc tế về KH&CN và một số nguồn vốn khác.

Về quan điểm:

Trước hết, chúng ta nên coi các loại trường đại học như là một “doanh nghiệp giáo dục” và đối xử với nó như là một doanh nghiệp. Tuỳ theo tính chất sở hữu của từng trường mà mỗi trường có những hoạt động tìm kiếm riêng về nguồn thu cho KH&CN của trường. Điều này hiện nay là hoàn toàn hợp pháp hợp lệ theo các văn bản pháp lý đã ban hành.

Thứ hai, nên xây dựng thị trường khoa học công nghệ, ở đó nhà trường là một đối tác nghiên cứu, tạo ra và bán sản phẩm nghiên cứu, có thể là  độc lập, có thể là theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Thị trường này sẽ hoạt động đúng như các loại thị trường khác, vừa là theo quan hệ cung cầu và cạnh tranh, vừa là nâng cao giá trị sản phẩm tạo ra với chi phí rẻ và độ hấp dẫn cao. Có như vậy, chúng ta mới không quá câu nệ vào nguồn ngân sách.

Thứ ba, nên coi trọng và nâng cao tính tự chủ của trường đại học theo đúng tinh thần Nghị định 10/2002, trong đó có tự chủ về KHCN. Đây chính là một bước đột phá trong công cuộc cải cách hoạt động của các trường đại học hiện nay.

Cơ cấu nguồn vốn:

Nguồn tài chính từ Ngân sách nhà nước là quan trọng, song không thể tăng mãi và cũng không thể chủ yếu dựa vào nguồn này.

Theo Điều lệ các trường đại học, các trường công lập thành lập Hội đồng trường và các trường dân lập thành lập Hội đồng quản trị. Các hội đồng này quyết định các vấn đề lớn của trường để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường được Nhà nước giao, trong đó có quyết định về chủ trương chi tiêu, xây dựng cơ bản...Các nguồn vốn chi cho NCKH của trường cũng là lấy từ một phần thu mà các trường được phép thu, trong đó có nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu khác theo quyết định của pháp luật. Trên cơ sở các nguồn thu đó, Hội đồng trường sẽ quyết định tỷ lệ chi cho hoạt động KHCN của trường trong từng thời kỳ.

Việc trích lập các nguồn thu để dành cho hoạt động KHCN phải được xây dựng từ kế hoạch KHCN cụ thể hàng năm, 5 năm. Kế hoạch này bao gồm: Các khoản chi tiêu cho các hoạt động KHCN thường xuyên của trường như chi cho các hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng nghiệm thu đề tài của giáo viên, sinh viên hàng năm... trên cơ sở định mức cụ thể; Các khoản chi cho hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ khoa học, giao lưu giữa các doanh nghiệp và nhà trường; Các khoản chi cho hợp tác quốc tế về đào tạo và NCKH (hội thảo quốc tế, tham quan, khảo sát, hợp tác song phương và đa phương...)

Trên cơ sở các khoản chi cụ thể trong từng năm, Hội đồng trường quyết định trích tỷ lệ chi cho KHCN.

Các trường nên chú trọng đến việc thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của trường, trích từ lợi nhuận hàng năm của trường, sự đóng góp của các doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động KHCN, sự hỗ trợ của ngành chủ quản (đối với các trường chịu sự chi phối của Bộ Giáo dục &Đào tạo và ngành chủ quản), các khoản tiền thưởng về KHCN, một phần kinh phí đề tài khoa học mà các chủ biên trích ra khi họ được sử dụng các thiết bị của  nhà trường để thực hiện NCKH, sự đóng góp của các tổ chức bên ngoài, các khoản thu từ hoạt động KHCN. Trên thực tế trong những năm qua, quỹ này thực sự có hịêu quả đối với các trường do ngành quản lý, giúp gia tăng nguồn vốn để NCKH trong khi nguồn vốn từ ngân sách và Bộ Giáo dục & Đào tạo khá mỏng manh.

Đối với các trường dân lập, trên cơ sở nguồn vốn cổ phần thì có lẽ việc trích tiền vốn cổ phần để chi tiêu cho hoạt động KHCN dựa vào quyết nghị của Hội đồng quản trị không phải là điều khó khăn.

Hiện nay, sự liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp rất cần đẩy mạnh thực sự. Trong thực tế, giữa doanh nghiệp và nhà trường có một khoảng cách khá lớn. Chỉ những doanh nghiệp trường vốn,  có triển vọng, có tầm nhìn thì mới đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển. Nhiều doanh nghiệp, nhất là trong ngành tài chính- ngân hàng có quỹ khoa học công nghệ rất lớn để tìm tòi và ứng dụng các sản phẩm mới. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng cho các trường đầu ngành thực hiện và tham vấn. Nếu nhà trường có khả năng đáp ứng được nhu cầu này của doanh nghiệp thì đây là hướng đi rất đáng khích lệ.

Trong điều kiện hiện nay, việc mở rộng tìm kiếm nguồn vốn dành cho NCKH qua hoạt động tín dụng ngân hàng là rất nên khai thông và mở rộng. Việc này có thể thực hiện tương tự như hoạt động tín dụng sinh viên để hỗ trợ do Ngân hàng chính sách xã hội quản lý. 

Nguồn vốn khác là từ hợp tác quốc tế, tuy là rất quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, vì nó còn phụ thuộc vào vị trí, quan hệ, uy tín, mức độ quảng cáo thương hiệu của nhà trường, mức độ marketing và tầm nhìn của nhà lãnh đạo, nhất là trong điều kiện các trường tự bươn trải. Nguồn vốn từ sự ủng hộ của các cá nhân đối với hoạt dộng KH&CN ở các trường, nhất là kiều bào, các “đại gia”hiện nay là rất đáng quan tâm, từ liên doanh liên kết, hợp tác, góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ

Các khó khăn khi tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KHCN hiện nay:

 Rõ ràng là, hoạt động KHCN không phải lúc nào cũng dành cho tất cả mọi người, tuy rằng sự nghiệp khoa học là của toàn dân. Không phải ai cũng có khả năng làm khoa học, và vì vậy, không phải ai và nhà lãnh đạo nào cũng ý thức được tầm quan trọng thực sự của KHCN. Tính lý luận chuyên sâu không trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động tác nghiệp cụ thể của ngành, nhiều quyết sách của ngành thiếu hẳn tầm khái quát và gốc rễ của vấn đề. Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KHCN từ ngành trở nên khan hiếm hoặc ít ỏi. Nhiều cán bộ khoa học không được đặt trong guồng quay của thực tế trong ngành, làm cho khoảng cách giữa hoạt động KHCN và tầm dự báo mỏng đi. Họat động KHCN nhiều khi mang tính hình thức, chắp vá, không có hiệu quả thực sự khi không được đầu tư thích đáng.

Nghị định 10/2002 và Điều lệ trường đại học  đã được áp dụng từ năm 2004 đã tạo ra tính tự chủ cho các trường thực sự đem lại những kết quả đáng mừng về thu nhập cho người lao động, cho việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường. Hội đồng trường quyết nghị chủ trương chi tiêu và đầu tư. Hiệu trưởng quyết định mức chi quản lý, chi nghiệp vụ trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng, phê duyệt tất cả các dự án xây dựng cơ bản, mua sắm. Định mức chi tiêu hiện nay không giống nhau ở các trường tuy là đều thực hiện theo Luật ngân sách. Mối quan hệ thực sự giữa Hội đồng trường, Hiệu trưởng không phải  là thuận chiều khi mà tất cả đều là cán bộ lãnh đạo ở trường, không có tính quyết định và áp đảo trong sở hữu, nhất là đối với các trường công lập.

Đối với các trường do ngành (bộ) quản lý, hoạt động khoa học phụ thuộc nhiều vào sự quản lý của ngành, cán bộ khoa học thường thực hiện đề tài của trường, một số đề tài cấp bộ hoặc cấp thành phố mà trường thu hút được. Sự quan tâm của Bộ Giáo dục & đào tạo đối với họ chưa thường xuyên và do đó không được gắn hoạt động chuyên môn và NCKH với các hoạt động chung của Bộ. Tại các trường đại học, hoạt động NCKH thường đi sau hoạt động đào tạo,

Trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi cơ chế quản lývà tổ chức có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn vốn cho NCKH. Về mặt tổ chức, cần phát triển hoạt động marketing và quan hệ hợp tác giữa các bộ, các viện, các trường, các doanh nghiệp song song cả hai mặt đào tạo và NCKH, có thể dựa trên các bản ghi nhớ thỏa thuận, có thể trực tiếp qua hợp đồng cụ thể. Phần lớn các trường đại học có viện nghiên cứu riêng, việc tìm kiếm hướng đi cho các viện này không phải là dễ, nhất là khi đặt mục tiêu tăng nguồn thu từ NCKH. Thương mại hóa các ấn phẩm khoa học của nhà trường nên được quan tâm thường xuyên. Việc tận dụng các lợi thế về quan hệ quốc tế của bộ, ngành chủ quản là hướng đi cần chú ý, đặc biệt các dự án. Các trường cần có kế hoạch giữ quan hệ thường xuyên với cựu sinh viên của trường về nhiều lĩnh vực, trong đó có sự tài trợ về vốn NCKH. Ngoài ra, cần tăng cường mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về trao đổi, tọa đàm… trong các buổi tọa đàm có thu phí. Về mặt quản lý, rất cần cán bộ khoa học để làm khoa học, không phải là cán bộ quản lý dơn thuần khi làm khoa học.  Có như vậy, khả năng thu hút tập hợp cán bộ khoa học mới có  hiệu quả. Xuyên suốt đó là quan hệ thân thiện, thiện chí giữa nhà trường và các đối tác trên cơ sở cầu thị, cùng có lợi, thậm chí cả trong phân chia lợi nhuận một cách bình đẳng. Một dự án về “công viên khoa học”là rất đáng quan tâm trong phát triển KHCN ở tầm vĩ mô, nhưng có lẽ vượt quá tầm của một cơ sở đào tạo.

Việc tìm kiếm nguồn vốn cho NCKH trong các trường đại học là vấn đề khó, nhưng không phải là không làm được với một chiến lược nghiêm túc của từng trường. Có như vậy, chúng ta mới xoay chuyển được chất lượng đào tạo và NCKH ở các trường, tạo ra được những con người mới thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế, đuổi kịp các nước trong khu vực và vươn lên thành một nước công nghiệp hoá- hiện đại hoá vào năm 2020.

PGS.TS. Lê Hoàng Nga
                     Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

alt