Home Di sản Việt Nam Độc đáo cồng chiêng Tây Nguyên

Độc đáo cồng chiêng Tây Nguyên

Email In PDF.

 

Ảnh TLTrong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, cồng chiêng có vị trí quan trọng. Nó không chỉ là vật thiêng, công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh mà còn là tài sản quý giá của mỗi gia đình, bản làng. Là nhạc cụ có tính thực hành xã hội cao, cồng chiêng luôn có mặt trong nhiều sự kiện của cộng đồng và con người từ lúc lọt lòng đến khi từ giã cõi đời như: “lễ thổi tai” của trẻ sơ sinh, “lễ mừng lúa mới”, “lễ cúng Bến nước”, “lễ chào đón người anh hùng trở về”, “lễ bỏ mả tiễn” tiễn đưa linh hồn của người chết .v.v.. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào tháng 11 năm 2005. Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên Tạp chí Ngày Nay với nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền, người đã có nhiều năm nghiên cứu và tham gia chuẩn bị hồ sơ “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” đệ trình lên UNESCO về loại hình nghệ thuật này.

PV: Xin chào nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, xin anh giới thiệu cho bạn đọc Tạp chí Ngày Nay đôi nét về nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên.

Bùi trọng Hiền (BTH):  Có thể khẳng định nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên là một nền nghệ thuật đồ sộ, vĩ đại. Vĩ đại ở chỗ người Tây Nguyên không sản xuất ra cồng chiêng mà thu mua, gom lại của các tộc người khác sống quanh mình. Họ mua lại của người Kinh, người Lào, người Khơ me, mua từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó tập hợp lại thành bộ, căn chỉnh và xếp theo hàng âm sao cho phù hợp với thẩm mỹ của họ. Rồi từ đó dần hình thành nên một nền nghệ thuật cồng chiêng đồ sộ như ngày nay. Đặc điểm nổi bật nhất của cồng chiêng Tây Nguyên khi so với các nước Đông Nam Á, khác là: nó cấu tạo thành dàn và dàn cồng chiêng được diễn tấu bởi một tập thể người. Nghĩa là ở đây mỗi nhạc công chỉ chơi một chiếc cồng hoặc một chiếc chiêng, tức là mỗi người chỉ đảm nhiệm một nốt nhạc trong một bản nhạc. Bởi vậy, khi hoà tấu cồng chiêng, các thành viên phải diễn tấu, kết hợp với nhau theo từng đơn vị tiết tấu nhất định để tạo nên bài bản. Đó là một kỹ thuật không dễ thực hiện, đòi hỏi nhạc công phải có một bản lĩnh tiết tấu vững vàng. Trong bài bản cồng chiêng, chúng ta thấy có tầng giai điệu trên, tầng giai điệu dưới, có phần hòa âm, có phần bè trầm đan xen hòa quện; bởi vậy mỗi thành viên khi diễn tấu phải kết hợp với nhau theo một quy luật nào đó để cấu thành nên những bài cồng chiêng khác nhau v.v… Trên một nền kinh tế nương rẫy còn nhiều khó khăn đói nghèo, việc đồng bào Tây Nguyên sở hữu một nền nghệ thuật như vậy quả là điều thật kỳ vĩ. Với đồng bào Tây Nguyên, kỹ thuật tiết tấu dường như là bản năng của họ. Ở đây, do mỗi người chơi một chiếc cồng, chiêng tức là mỗi người chơi một nốt nhạc nên chúng ta có cảm giác dàn cồng chiêng trải dài trong không gian. Nó giống như một cây đàn khổng lồ mà mỗi người chỉ chơi 1 phím đàn thôi. Bởi vậy, nếu người nghe đứng giữa dàn cồng chiêng, tức “chiếc đàn khổng lồ” này thì họ sẽ cảm thấy giai điệu bài bản chạy qua, chạy lại, đi vòng quanh. Ví dụ: nếu họ đứng ở khúc giữa thì sẽ nghe giai điệu bản nhạc diễn ra ở một vài cái chiêng ở trước mặt thôi còn ở phía xa hơn về bên tay phải hoặc tay trái sẽ khó nghe thấy toàn bộ sự hiển thị giai điệu cân bằng. Khi hoà tấu, âm thanh của dàn cồng chiêng chuyển động, chúng ta sẽ cảm thấy bản nhạc thực sự chuyển động trong không gian và đấy chính là hiệu ứng của âm thanh vòm (surround sound) rất là thú vị!

Để kích âm một chiếc cồng chiêng, người Tây Nguyên có hai phương pháp: phương pháp thứ nhất là: nghệ nhân dùng nắm tay đấm vào mặt lá chiêng. Đây là thẩm mỹ của những tộc người sống ở phía Nam Tây Nguyên. Phương pháp thứ hai là: nghệ nhân dùng dùi gõ vào mặt chiêng. Những tộc người ở Bắc Tây Nguyên thích sử dụng phương pháp này, các nghệ nhân dùng dùi diễn tấu chiêng. Dùi ở đây lại chia làm 2 loại: dùi cứng và dùi mềm. Người Ê đê K’pa dùng dùi gỗ cứng khi kích âm chiêng. Âm thanh tạo ra bên cạnh nốt nhạc chính còn cho ta rất nhiều tạp âm dạng tiếng động. Các tộc người Bah Nar, Gia Rai và Xê Đăng lại kích âm bằng dùi mềm. Dùi để đánh cồng được các nghệ nhân bọc đầu tầy để đánh tiếng cho ấm và vang rõ nốt nhạc, tức cao độ cơ bản. Còn để đánh chiêng và chiếc cồng nhỏ hơn thì người ta dùng mẩu thân cây sắn, là một chất liệu rất mềm nhằm làm cho âm thanh nghe rõ cao độ, vang rõ nốt nhạc cơ bản cũng như giai điệu khi hoà tấu bài bản. Tuỳ từng tộc người, từng vùng văn hoá thẩm mỹ mà đồng bào có những quy định riêng về phương pháp diễn tấu cồng chiêng, điều đó cũng rất thú vị.

PV: Anh có thể cho biết sự khác nhau giữa cồng và chiêng cũng như giới thiệu một số dàn chiêng tiêu biểu của các tộc người sống ở Tây Nguyên?

BTH: Đồng bào Tây Nguyên có những tộc người phân biệt rất rõ loại này gọi là chiêng, loại kia gọi là cồng, đồng bào gọi tên riêng là Ching hoặc Chêng hay Goong... Nhưng cũng có những tộc người không phân biệt mà gọi theo một tên chung. Người Kinh có thói quen gọi nhạc cụ có núm gọi là cồng và nhạc cụ mặt bằng gọi là chiêng. Ở đây tôi sử dụng thuật ngữ cồng để chỉ nhạc cụ có núm, còn chiêng là loại mặt bằng. Đối với cồng, khi kích âm bao giờ người ta cũng phải đánh vào núm lồi. Còn đối với chiêng bằng người ta đánh bằng dùi gõ vào tâm chiêng thì nó sẽ ngân vang nốt nhạc. Đối với các loại chiêng chỉ đấm của đồng bào vùng Nam Tây Nguyên, nếu đấm vào tâm chiêng sẽ không kêu mà phải đấm vào điểm ở 1/3 đường kính thì mới ngân vang. Các dàn cồng chiêng trên Tây Nguyên có biên chế từ ít đến nhiều, ví dụ: Những dàn chiêng chỉ có 2 chiếc ở phía Bắc Tây Nguyên là dàn chiêng Tha của người B’râu, ở phía Nam Tây Nguyên có dàn chiêng đôi chỉ đấm của người Chu ru, K’ho, Mạ, cũng có dàn cồng 3 chiếc, có dàn 6 chiếc v.v. Phổ biến nhất ở phía Nam Tây Nguyên là các dàn chiêng chỉ đấm 6 chiếc.

Ở vùng phía Bắc Tây Nguyên, với phương pháp kích âm bằng dùi gõ người ta có thể tạo ra được những cái chiêng rất lớn và bé, chính vì thế mà số lượng cồng chiêng trong dàn ở phía Bắc Tây Nguyên lớn hơn phía Nam Tây Nguyên, có những bộ biên chế lên tới 16 cồng kết hợp. Khi nghe dàn chiêng Bắc Tây Nguyên diễn tấu, người nghe cảm thấy âm thanh rất độ sộ bởi số lượng chiêng nhiều và do họ kích âm bằng dùi. Ở những dàn chiêng của các dân tộc Bah Nar, Gia Rai và Xê Đăng phía Bắc Tây Nguyên, chúng ta sẽ thấy những cồng trầm đảm nhiệm bè trầm, các cồng ở âm khu trung đảm nhiệm bè hòa âm và giữ nhịp điệu đồng nhau để tạo thành giai điệu. Các dàn chiêng vùng Nam Tây Nguyên thường có biên chế 6 chiêng và kích âm bằng nắm đấm nên âm sắc nốt nhạc sẽ khác hẳn với việc gõ bằng dùi. Cụ thể khi đấm chiêng ngân vang, bên cạnh nốt nhạc cơ bản bao giờ cũng vang song song một âm phụ, là bồi âm quãng 5 đúng trên âm cơ bản rất rõ. Điều đó có nghĩa là chơi 6 cái chiêng sẽ tạo ra 6 âm chính với chí ít 6 âm phụ đi kèm. Chúng tạo nên một giai điệu ảo song hành với giai điệu chính. Thế nên giai điệu và âm sắc của các dàn chiêng này thường mang dáng vẻ thật huyền ảo, thủ thỉ, tựa hồ như tiếng vọng bí ẩn tự ngàn xưa của núi rừng.

PV: Chúng tôi cũng được biết ở một số bộ chiêng Tây Nguyên người dân đặt tên chiêng theo tên các thành viên trong gia đình. Vậy anh có thể cho biết cách người Tây Nguyên đặt tên cồng, chiêng trong dàn chiêng cồng như thế nào?

BTH:Đúng là đại đa số dàn cồng chiêng Tây Nguyên được đặt tên theo một gia đình và ở đây thấy rất rõ là gia đình mẫu hệ, ví dụ: như dàn cồng ba chiếc của người Chu ru thì ba cồng đấy được đặt tên là: mẹ, dì và con gái; dàn cồng 6 chiếc của người Ê đê Bi thì phân làm 3 cặp: cặp thứ nhất gọi là bà, cặp thứ hai gọi là mẹ và cặp thứ ba gọi là con gái, đặc biệt là các dàn chiêng chỉ đấm 6 chiếc của các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên, chiếc thấp nhất đồng thời cũng là chiếc to nhất là mẹ, chiếc cao hơn liền kề gọi là bố và 4 chiếc còn lại là 4 đứa con. Tùy theo từng tộc người mà các chiêng con còn phân ra con trai hay con gái hoặc con nói chung. Tất cả những điều đó biểu hiện rất rõ tính chất của thời kỳ thị tộc mẫu hệ ở nơi đây. Trong dàn cồng chiêng việc đặt tên bố, mẹ, con cái cho chiêng cũng thể hiện chức năng nghệ thuật âm nhạc. Chẳng hạn ở dàn chiêng chi đấm vùng Nam Tây Nguyên, chiêng mẹ và chiêng bố bao giờ cũng đảm nhiệm bè nền trì tục làm cơ tầng để các chiêng con kết nối các đơn vị tiết tấu khác nhau hợp thành các tầng giai điệu khác nhau. Ví dụ khác, cặp chiêng Tha 2 chiếc người Brâu lại chia thành cặp chiêng vợ chồng. Đấy là biểu hiện của tín ngưỡng đực cái - một tín ngưỡng rất cổ xưa của các cư dân vùng Đông Nam Á nói chung và đồng bào Tây Nguyên nói riêng. Điều thú vị là riêng với bộ chiêng này, người Brâu còn phân dùi kích âm cũng thành 2 loại là dùi đực và dùi cái. Dùi đực chọc vào mặt trong và dùi cái gõ vào mặt ngoài của 2 chiêng… Đấy là những dấu vết của tín ngưỡng thời nguyên thủy còn biểu hiện trong quan niệm nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên.

Cảm ơn nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền./.

Nguyễn Quang Vinh

alt

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung