Người lớn thường nhắc đến hai từ “truyền thống” như một điều gì rất khác biệt với cuộc sống hằng ngày, rồi đến một lúc nào đó lại chép miệng trách con trẻ không biết quý những “giá trị thuyền thống”. Dịp Tết về chính là một cơ hội để con trẻ được gần hơn với các giá trị, hướng trẻ đến các giá trị truyền thống thật ra không quá khó khăn như chúng ta vẫn nghĩ. Mọi việc không to tát như bạn nghĩ mà đơn giản là giúp con làm quen, thực hành những thói quen, hoạt động thường niên, tập tục của gia đình, nhất là trong dịp lễ Tết, giỗ chạp...
Bỗng một hôm con hỏi bạn “Truyền thống là gì mẹ ơi?”, khiến bạn lúng túng để giải thích. Nhưng bạn cũng thật sự muốn con mình biết kế thừa truyền thống của đời ông, đời cha để lại, bạn làm gì với trẻ? Văn hóa gia đình, dòng họ sẽ được lớp trẻ kế thừa tự nhiên và tự nguyện nếu bạn biết tôn trọng giá trị của bản thân trẻ khi chúng góp mặt vào các cuộc hội họp chung ấy.
Tìm hiểu giá trị của các sự kiện
“Việc giỗ chạp ông bà là của người lớn chứ không phải của trẻ con, chúng chỉ đến ăn cỗ cho vui thôi”. Nếu bạn nghĩ như vậy thì trước tiên nên thay đổi quan điểm chưa thật đúng đắn này nếu bạn mong muốn trẻ nhà mình biết tôn trọng các giá trị truyền thống. Có thể bạn nghĩ đơn giản, chúng còn nhỏ, hoặc con cái bận rộn học hành, thôi miễn cho nó. Do đó, nếu tiện bạn sẽ đưa con về quê cùng, nếu không tiện thì chúng ở nhà, chỉ cha mẹ là người lớn mới có nghĩa vụ phải có mặt. Nếu giữ quan điểm đó thì dù bạn có nhắc nhở, chỉ rõ cho con đến mươi lần rằng ông cụ tên thế này sinh ra ông nội, ông tên thế kia sinh ra bố thì chắc chắn trẻ sẽ chẳng lần nào nhớ nổi.
Trẻ con không phải là người bé, mà chúng cũng như người lớn, chỉ có điều cơ thể chúng chưa hoàn thiện. Vì vậy, khi đến ngày giỗ nếu được bố mẹ có lời mời long trọng đến trẻ rằng, ngày này là giỗ của cụ, cả nhà về quê làm giỗ để tưởng nhớ tới cụ đã sinh ra ông, thêm vào đó bạn giải thích rõ vai trò của trẻ như trẻ là cháu thứ bao nhiêu của cụ, về quê ăn giỗ để thể hiện điều gì, rồi giới thiệu về cụ như ngày xưa cụ làm gì, sống ở đâu... Cả quá trình được giới thiệu, về quê ăn giỗ, tham gia vào hoạt động chung với những trẻ khác con nhà ông nọ, bác kia, dì này... sẽ khiến một đứa trẻ dù nhỏ cũng sẽ có ký ức đẹp về một nhân vật đặc biệt nào đó. Việc làm tưởng đơn giản, nhưng thật ra bạn đang làm một việc rất quan trọng là giáo dục về gia phả cho con trẻ.
Trẻ con như một cái cây non cần được uốn nắn, vì thế cần phải có thời gian và quá trình, bạn không thể nóng vội, chỉ làm một vài lần thấy trẻ lơ đễnh bực mình rồi bỏ. Với trẻ cần kiên trì, nếu năm nay chưa nhớ, năm sau hoạt động ấy được lặp lại, trẻ sẽ nhớ và biết rằng đó là hoạt động quan trọng và đều đặn của gia đình, ai cũng phải có mặt, từ đó sẽ hình thành thói quen tôn trọng hoạt động với họ hàng. Trẻ không có trí nhớ như của người lớn là ngày này, tháng này hàng năm là giỗ ai, ngày khác, tháng khác là giỗ ai, nhưng sẽ biết việc giỗ chạp để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên là điều quan trọng. Ý thức đó sẽ được duy trì mãi nếu bạn biết tạo dựng cho con thói quen ngay từ bé.
Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Việc lễ nghĩa đối với người lớn đôi khi cũng khiến chúng ta cảm thấy áp lực và mệt mỏi, vì vậy bạn đừng cố ép mình và con vào những khuôn phép nặng nề. Tạo một không khí thoải mái, vui vẻ khi nói chuyện với con về những vấn đề truyền thống gia đình để trẻ tự tạo nên ý thức về trách nhiệm của mình chứ không phải bị ép buộc về trách nhiệm với con trẻ.
Hiểu về tôn ti trật tự
Bạn băn khoăn vì chính mình còn không nhớ hết họ hàng nhà mình nên không biết liệu có là quá sức để dạy cho một đứa trẻ mới 4 tuổi biết về thứ bậc trong họ, nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Hoặc nếu bạn lôi con ra để mắng hoặc trách khi chúng không nhớ về tôn ti trật tự của họ hàng nhà mình hoặc bắt trẻ học thuộc lòng về thứ bậc này kia sẽ làm trẻ cảm thấy chán và sợ khi nói đến họ hàng. Mỗi khi bạn đưa con đi chúc Tết ông bà hai bên nội ngoại, nên đến nhà các cụ già lão trước, ông bà, rồi các bác, các cô chú... trẻ sẽ tự nhiên học được thứ bậc trong dòng họ. Bắt đầu từ nhà có vị trí cao nhất trong dòng họ, rồi lần lượt giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại đến chúc sức khỏe các cụ cao niên, rồi mới đến các ông, các bà, rồi các bác cô chú ...
Đến mỗi nhà, cha mẹ lại giải thích cho trẻ về những người có mối quan hệ với cha mẹ, dạy trẻ trước cách chào hỏi, xưng hô. Trẻ sẽ không thể nhớ ngay được từng người hoặc hiểu ngay được vị trí các mối quan hệ nhưng sẽ hình dung khái quát được "sơ đồ" họ hàng. Dần dần, trong nhiều câu chuyện khác, trẻ sẽ rõ ràng hơn với từng gương mặt họ hàng. Có thể làm một vài bài tập nhỏ về cây gia phả với trẻ như đố trẻ nhà ông bà có những ai …, kết quả sẽ khiến bạn ngạc nhiên hơn nhiều.
Một vấn đề cơ bản, đó chính là thái độ của người lớn. Bạn nên duy trì các hoạt động thường xuyên để trẻ tạo được dấu ấn về việc này. Hơn nữa, thái độ của người lớn cần nghiêm túc khi giới thiệu với trẻ, không nên đùa cợt. Người lớn cần trân trọng và tôn trọng sự có mặt của trẻ vào những dịp thăm viếng, khen ngợi trẻ khi trẻ hiểu rõ trật tự của gia đình. Sự đánh giá cao của người lớn với trẻ sẽ khiến chúng thấy vai trò của mình được người khác thừa nhận và được thấy mình lớn lên.
Biết tặng và nhận quà
Vào dịp Tết, mỗi khi đến thăm viếng nhà ai, bạn nên để bé lãnh trách nhiệm biếu quà những người thân. Khi ấy, trẻ sẽ học cách làm sao để thể hiện thái độ kính trọng của mình với người được biếu quà, sẽ phải học cách nói năng lễ độ, qua đó trẻ biết cách giao tiếp với người lớn tuổi. Điều này đôi khi sẽ là khó thực hiện với những trẻ nhút nhát. Tuy nhiên, bạn có thể giúp con thực hành trước ở nhà. Nếu trẻ làm không trôi chảy cũng không sao. Bạn có thể đỡ lời và khuyến khích để con làm tốt hơn ở lần sau.
Việc này vừa là cơ hội dạy con biết giao tiếp lưu loát, vừa cho trẻ thấy rõ vị trí quan trọng của mình khi có mặt trong các cuộc viếng của người lớn chứ không đơn thuần chỉ là đứa đi theo đuôi và chẳng biết làm gì, nói gì ngoài việc chờ đợi trong những câu chuyện chán ngắt của người lớn rồi nhõng nhẽo giục bố mẹ về.
Bên cạnh việc dạy trẻ cách tặng biếu quà người lớn tuổi, bạn cũng nên để ý việc dạy con cách nhận. Dạy trẻ thái độ đúng mực với việc nhận tiền lì xì cũng giúp người lớn không bị xấu hổ trước những tình huống tế nhị như trẻ xé phong bao lì xì trước mặt người lớn và chê ít tiền. Năm mới trẻ thường trở thành trung tâm để được nhận quà và nhận tiền lì xì, nên giải thích với trẻ ý nghĩa về giá trị tinh thần của món quà, là do trẻ ngoan và được người lớn yêu quý chứ không để trẻ sa đà theo thói mè nheo vòi vĩnh quà về giá trị vật chất. Đồng thời, trẻ phải biết bày tỏ sự biết ơn và nói lời cảm ơn với người tặng quà cho mình.
Đừng quên đưa trẻ vào câu chuyện của năm mới để trẻ được thấy mình là trung tâm, có vai trò quan trọng trong những cuộc giao tiếp với họ hàng. Để một đứa trẻ biết yêu truyền thống gia đình, cha mẹ phải là người nghiêm túc trong công việc hướng con tham gia vào các hoạt động chung. Đôi khi, trẻ không thể có thái độ nghiêm túc hay tích cực ngay như cha mẹ mong muốn, nhưng cần giúp con tạo được thói quen và nền nếp.
Tạo dựng một nét tính cách cũng cần sự trải nghiệm cả một quá trình. Tạo dựng cho trẻ biết về giá trị truyền thống cũng cần được rèn luyện qua nhiều năm tháng. Do đó, cha mẹ không cần vội vàng, đòi hỏi phải có kết quả ngay mà tích lũy dần trong quá trình lớn của trẻ. Bí quyết lớn nhất để xây dựng được thói quen duy trì truyền thống, nét đẹp của gia đình trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ là tạo dựng cho chúng thấy rõ vị trí quan trọng trong sự kế thừa của con trẻ đối với truyền thống của gia đình do cha ông để lại./.
Hà Minh Loan
Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực trẻ em và thanh thiếu niên