Home Văn hóa Nhân vật Giáo sư Vũ Khiêu – Còn sức lực tôi sẽ còn cống hiến

Giáo sư Vũ Khiêu – Còn sức lực tôi sẽ còn cống hiến

Email In PDF.

Hẳn không ít người đã từng nghe, từng biết về Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu. Cụ tên thật là Đặng Vũ Khiêu (sinh năm 1916), là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).Và mới đây ở tuổi 94 ông trở thành đại biểu cao tuổi nhất tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII tổ chức từ ngày 27 - 28/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

GS Vũ Khiêu (phải) trò chuyện cùng phóng viênTên tuổi của giáo sư (GS) tôi đã được nghe nhiều và đọc nhiều, nhưng thực sự để được một lần diện kiến GS là điều tôi chưa từng nghĩ đến. Nhân có Chương trình Gia tộc doanh nhân do GS Vũ Khiêu đề từ chúng tôi đến thăm nhà GS khi ông mới trở về từ Đại hội thi đua yêu nước. Tiếp chúng tôi tại tư gia trong bộ trang phục màu nâu truyền thống, dáng vẻ còn hoạt bát lắm, nhưng đôi tai cụ thì đã có phần giảm thính. Với giọng nói truyền cảm đầy dí dỏm, không ai có thể nghĩ rằng đó là giọng của một ông cụ chỉ còn ít năm nữa là tuổi… đầy trăm. Phong thái cụ trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của bậc bô lão được xem là cao niên nhất của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Cụ còn "xài" cả… điện thoại di động. Điều này chứng tỏ cụ đi lại nhiều, bởi nếu chỉ lọm cọm buộc chân góc nhà thì nội chiếc điện thoại bàn đã là quá đủ!

Sức dẻo dai của một người từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đặc biệt là từng chứng kiến trận đói lịch sử năm 1945, nay đã bước sang tuổi 95, nhưng GS vẫn khẳng định: “Còn sức lực là tôi sẽ còn cống hiến để tiếp tục phụng sự nhân dân, đất nước”. Là người "Không khát khao danh lợi. Sống vui vẻ. Luôn xác định không có gì để mất" như cụ từng nói. Vì thế trong lần mừng thọ mới đây - tuổi 94, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết đôi câu đối: “Hai bàn tay trắng không vương bụi/Một tấm lòng son ở với đời”, còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Triết gia trong cách mạng/Nghệ sĩ giữa anh hùng” để tặng GS.

Biết GS vừa trở về từ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và GS cũng là người đã từng tham gia nhiều kỳ Đại hội thi đua yêu nước, chúng tôi tò mò muốn biết về ý nghĩa của Đại hội lần này. Với giọng trầm và ấm, GS tâm đắc: Đại hội lần này mở ra khi 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa khép lại và mở ra một thiên niên kỷ mới với trách nhiệm mới đầy những thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Như Bác Hồ đã từng dạy, thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và thi đua trên tinh thần yêu nước. Khi thi đua đã trở thành phong trào thì tác dụng của nó đến lao động - sản xuất và sự phát triển xã hội là rất lớn. Nhưng khó ở chỗ là làm thế nào để thi đua trở thành phong trào. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh cứu nước, mọi người đều ra sức thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, bởi họ thấy được tiền đồ tươi sáng của dân tộc khi đánh đuổi xong quân thù. Lúc đó, mỗi hành vi tàn bạo của quân thù đều dấy lên lòng căm phẫn của mọi người. Mỗi tin thắng trận đều làm nức lòng quân và dân cả nước. Đó chính là những động lực để mọi người ra sức thi đua. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, thành tích thi đua của người này không chỉ là động lực mà còn là niềm vui của những người xung quanh. Ngày nay, hoàn cảnh đã khác trước. Đất nước đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh cứu nước và đi vào xây dựng, phát triển. Quy luật phát triển đòi hỏi cả tầng lớp lao động chân tay và lao động trí óc càng phải ra sức thi đua, cống hiến. Muốn đẩy mạnh phong trào này, không gì khác là phải tạo ra những động cơ, động lực thi đua tương tự như thời kỳ trước. “Tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là làm sao để thi đua thực sự là ý thức của mỗi người, trở thành sự tự giác, tạo nên cao trào thi đua trong mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp nhân dân. Phong trào thi đua phải gồm những nội dung, hình thức thi đua thiết thực, cụ thể. Còn nếu không, sẽ không tránh khỏi bệnh hình thức, chạy theo bề nổi”.

Băn khoăn trước những thay đổi tư duy của thế hệ trẻ ngày nay, chúng tôi ngỏ ý hỏi GS về thế hệ trẻ ngày nay cần phải được nuôi dưỡng như thế nào để tiếp tục truyền thống cha ông để lại. Không một chút đắn đo, GS trả lời ngay tắp lự: Phải làm sao nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ ngày nay một tấm lòng yêu nước. Thế hệ trẻ phải biết nhìn vào quá khứ xem con đường ông cha ta đã đi qua như thế nào, để có một nền độc lập dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra và nuôi dưỡng trong thời kỳ trí tuệ, dân tộc nào biết nâng cao nhận thức con người dân tộc đó thành công. Trí tuệ là điều kiện quan trọng bậc nhất để chúng ta vươn lên, tồn tại và phát triển. Hơn nữa thế hệ trẻ Việt Nam lại là con em của những anh hùng, họ cần được trang bị những tri thức và nhân rộng ra cho các thế hệ tiếp theo đời đời cháu con học tập và noi theo, như vậy họ cũng sẽ trở thành anh hùng, xứng đáng với một dân tộc anh hùng!

Được biết GS Vũ Khiêu đề từ cho Chương trình Gia tộc doanh nhân chúng tôi hỏi GS nghĩ thế nào về Gia độc doanh nhân? Như được cất sẵn trong đầu, mỗi lĩnh vực khi được nhắc đến đều được GS lôi ra mà không hề nhầm lẫn: Gia tộc hay rộng hơn là dòng họ là các thế hệ nối tiếp nhau định hình, tồn tại và phát triển lâu dài, thế hệ tiếp nối thế hệ biểu hiện sự trường tồn của một dòng họ. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay các gia tộc có truyền thống kinh doanh rất ít, chúng ta chỉ thấy được hàng ngang (anh, chị, em) làm doanh nhân, chứ hiếm quan hệ hàng dọc (bố, mẹ, ông, bà) là doanh nhân. Vì thế ngày nay gia tộc doanh nhân cần được phát huy sâu rộng hơn nữa không chỉ vật chất làm giàu cho bản thân, đất nước mà còn cần phải phát triển văn hóa kinh doanh gắn liền với trách nhiệm, bảo tồn danh tiếng của gia tộc trong các thế hệ hôm nay và mai sau. Đúng như hai câu đối nhân dịp đầu xuân Tân Mão GS đề tặng các doanh nhân: “Phúc lâm vọng tộc/Lộc mãn doanh môn”.

Thời gian trò chuyện với GS tuy ngắn nhưng những ấn tượng GS để lại cho bất cứ ai lần đầu tiếp xúc là một sự ngưỡng mộ về một kho tàng tri thức ở mọi lĩnh vực. Giới trí thức nước ta đánh giá GS Vũ Khiêu là một nhà văn hóa, là người đầu tiên trong danh sách các nhà văn Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Khi tiễn chúng tôi ra cửa, cụ vẫn không quên nhắc “nhớ gửi báo cho tôi thường xuyên đấy nhé”. Thế mới thấy cái ham đọc, ham biết của cụ còn quá lớn! Năm Canh Dần đang qua đi nhường lại cho năm Tân Mão đang tới, một thiên niên kỷ đã khép lại và một thiên niên kỷ mới nữa lại mở ra, chúc GS sức khỏe tốt để tiếp tục cống hiến và phụng sự nhân dân như GS đã từng nói./.

Giáo sư Vũ Khiêu sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng,huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cụtham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành khoa học xã hội tại Việt Nam. Với những cống hiến to lớn, năm 2000, cụđược phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Trước đó, năm 1996, cụlà một trong số ít các nhà khoa học vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đầu tháng 9 vừa qua, cụ được bầu chọn và đứng đầu danh sách 11 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2010.

Tiểu Phương

alt

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...