Dự án ‘Trống đồng - Âm vang đất Tổ’ với kinh phí xã hội hóa dự kiến đúc 37 chiếc trống tặng Đền Hùng (Phú Thọ), Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội) và Bộ Ngoại giao để mang sang Đại Sứ quán VN ở các nước.
Dự án được Hội Di sản VN, Hội Khoa học Lịch sử VN cấp phép; công ty Đầu tư và Truyền thông Kinh Đô cùng công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển AMC thực hiện. Kế hoạch chi tiết về dự án được công bố chiều 14/2 trong cuộc họp báo tại Hà Nội.
Theo kế hoạch, 37 chiếc trống đồng sẽ được đúc ở Thanh Hóa, nơi có làng nghề đúc đồng truyền thống, khởi công từ ngày 20/2. Đến ngày 5/4, ban thực hiện dự án sẽ bàn giao đợt trống đầu tiên cho UBND tỉnh Phú Thọ (dâng lên Đền Hùng) và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến ngày 28/8, số trống còn lại thuộc về Bộ Ngoại giao sẽ được trao tặng cho Bộ đúng dịp kỷ niệm 66 năm ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam.
Một trong những tác phẩm nổi bật của làng nghề đúc đồng truyền thống ở Thanh Hóa, chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam do nghệ nhân nghệ nhân Đặng Ích Hoàn và các cộng sự ở làng Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Hiện chiếc trống được trưng bày tại Khu tưởng niệm Bác Hồ, thành phố Thanh Hoá |
Ông Nguyễn Sĩ Hùng, đại diện ban quản lý dự án cho biết, tổng cộng Bộ Ngoại giao sẽ nhận 18 chiếc trống đồng để mang sang trưng bày tại đại sứ quán Việt Nam tại các nước.
Trên những chiếc trống này, ngoài hoa văn truyền thống còn có hình ảnh các di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An hay Thánh địa Mỹ Sơn… Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, ý tưởng đúc trống đồng là một nét mới của dự án. Đây là hình thức đưa một biểu tượng văn hóa của Việt Nam đến gần hơn với các nước bạn.
Chiếc trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp |
Trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp.
Ban quản lý dự án khẳng định “tự tin với nguồn kinh phí xã hội hóa”. Ông Nguyễn Sĩ Hùng cho biết, hiện tại kinh phí lấy từ vốn của cá nhân và các tổ chức như Hội Di sản VN, Hội Khoa học Lịch sử VN và các công ty đầu tư. Tuy nhiên, ông tin rằng sau khi được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, dự án sẽ thu hút rất nhiều nguồn đầu tư từ xã hội.
Trống đồng ở Việt Nam được tôn vinh là bảo vật quốc gia, di vật độc đáo của dân tộc, phản ánh tinh thần dựng nước và giữ nước. Trống đồng được linh thiêng hóa thành Thần và được thờ tại Đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa và Hà Nội. Bảo vật này cũng đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nghiên cứu riêng, tổng hợp thành những bộ sách lớn và trở nên nổi tiếng ở phương Tây.
Nguồn: Vnexpress.net