Home Đời sống Ẩm thực Đến vườn tre ăn chả rắn ráo

Đến vườn tre ăn chả rắn ráo

Email In PDF.

Ở Việt Nam,làng Lệ Mật là một trong số rất ít làng có nghề truyền thống bắt rắn và nuôi rắn rất lâu đời, gần 10 thế kỷ. Và cũng là làng có môn ẩm thực rắn rất phong phú và đặc sắc. Một con rắn được đầu bếp ở đây chế biến thành ít nhất là 12 món.

Hà Nội, tháng quí thu, những hàng cây đổi màu, lá lung linh vàng rực. Mà tiết trời lại không lạnh không nóng. Thường vào những lúc giao mùa như thế, tôi chỉ muốn lang thang ngoài đường và rồi ngẫu nhiên tôi lại lạc bước đến làng rắn Lệ Mật. Không biết vùng bưng biền đồng Tháp Mười có cái làng nào lấy việc nuôi rắn độc làm nghề cổ truyền như làng này không? Dĩ nhiên là không. Nghề nuôi rắn của Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội) có một trầm tích mười thế kỷ, có thủy tổ nghề, có thành hoàng, có lễ hội, có huyền thoại, có truyền thuyết, cao hơn là có ẩm thực rắn đạt đến trình độ cao, có thể nói là một văn hóa rắn đặc sắc mà vùng châu thổ sông Hồng mới có được.

        altVườn ẩm thực Rắn Ráo, tên tiếng Anh của nhà hàng là Bamboo Snakes Garden, nằm ở trung tâm Lệ Mật, không bề thế nhưng râm mát dịu dàng. Chủ quán là Trương Khắc Lập, một chàng trai dễ mến, có cái cười vô tư và cởi mở. Nghe nói anh từng là đầu bếp của một khách sạn 5 sao cũng đã có nhiều dịp phục vụ cho các hội nghị quốc tế ở Hà Nội và rồi để cho thỏa chí tang bồng, anh bỏ hết, trở về quê anh, chính làng Lệ Mật mở Vườn tre trổ tài đầu bếp có bằng cấp ở nước ngoài để biến một con rắn thành mười mấy món đặc sắc mà món nào cũng rất Lệ Mật, mà cũng rất Việt Nam.

        Đầu tiên là rượu. Rượu cũng mang phong cách của chủ nhân. Rượu tiết. Rượu mật. Rượu ngâm rắn độc cũng rất nhiều loại, ngũ xà, tam xà hoặc thất xà. Rượu cao xương rắn, có loại độc rắn, có loại tam linh, tứ linh cao. Chủ nhân xem chừng như có thú chơi rượu, như người ta chơi cây cảnh vậy...

        Lại đến các món ăn. Khai vị là món xúp da rắn. rồi tiếp đến là rắn xào sả ớt, da rắn chiên giòn, chả rắn lá lốt, nem rắn, lòng xào miến, xôi mỡ rắn, cháo trứng rắn, xương chiên xúc xích, rắn nướng. Món cuối cùng là canh gừng là món ngự thiện ngày xưa dùng cho vua giải cảm.        

        Một con rắn mà chủ quán bày biện ra được 11 món mà món nào cũng từ rắn, có hương, có sắc, có vị của rắn, chưa kể đến 3 loại rượu, thì cái sự đó đáng được gọi là nghệ thuật. Nó đã có lịch sử ngàn năm, có truyền thuyết, có huyền thoại, có lễ hội. Sự chế biến đã đạt đến tầm nghệ thuật. Mà rắn thì từ Lệ Mật nuôi lấy, không phải động vật hoang dã. Vậy đây là văn hóa Lệ Mật, một thứ văn hóa đặc sắc và bản địa.

        Đành rằng cái làm nên giá trị thưởng ngoạn nằm ở bản thân ly rượu màu xanh hay màu huyết, ở cái nem rán hay đĩa chả lá lốt với hương vị riêng của rắn nhưng nếu như du khách chúng ta không ngồi ở vườn tre này, không nhìn thấy con mãng xà dài 2m vắt ngang cành cây trong chuồng, không được nghe tiếng lá trúc xào xạc thì thế nào nhỉ? Chắc sẽ giảm bớt vài phần ý vị. Cho nên tôi ngẫm ra là, mùa thu nên đi lang thang ngoài đường, mùa đông nên uống rượu. Uống rượu nên ngồi dưới bóng trúc và nên có một hoặc hai người đẹp. Ăn thịt rắn nên ngồi ngoài vườn, vườn nên có trúc, có đá, có hào sâu để thỉnh thoảng thực khách nghe tiếng lá rơi giật mình tưởng rắn.../.