Tại triển lãm “Nắng cuối mùa Đông” của 3 họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Đỗ Ngọc Oanh và Lê Thu Dung (cùng đồng niên năm sinh 1956) diễn ra từ 8/1/2011 đến 15/1/2011 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội đã gây sự chú ý không phải bởi cách vẽ lạ mà là “các đặc sản nghệ thuật trước đó được trở lại dâng hiến cho thị giác bây giờ” bằng không gian ba chiều (lập thể), không gian trực họa, siêu thực và cả những mảng màu sắc sơn mài lấp lánh cùng ảo giác được phân chia một cách khéo léo bởi các lớp phủ hoàng kim (quỳ vàng) định vị cho những điểm nhấn cần thiết trong từng tác phẩm.
Nói thế để chúng ta nhận thấy không biết bao nhiên lần của các cuộc triển lãm khởi sự ở đầu thế kỷ 21 đã “mang theo hơi thở của sự trở lại” bởi các trường phái cứ luân phiên nhau như cổ điển, tân cổ điển, baroc, ấn tượng, hậu ấn tượng, hiện đại, hậu hiện đại, lập thể, hậu lập thể…ào về, nhưng không phải là cái “nguyên ngã” của trường phái ấy, mà đấy là sự sáng tạo được biểu cảm cho những đề tài, sự phối diễn đương đại, do hơi thở đương đại cấu thành.
Với triển lãm này, cơ số tranh chia đều cho 3 tác giả với gần 60 tác phẩm được treo thoáng đãng, đan xen và khá “bắt mắt” bởi các tranh lập thể của Ngọc Oanh rất rực rỡ màu sắc “thời thiếu nữ” lại làm “ấm thêm” cho Thu Dung và Mạnh Hùng “đứng” ở bên cạnh bởi các sắc “trầm” sơn mài, sắc dung dị của tĩnh vật hay chân dung “bắt cận” mà ai cũng thấy rõ các cây bút vẽ “kinh nghiệm” này có thể “át” được sự trật hẹp của phòng tranh, của ánh sáng phân kỳ chưa đủ và của những năm tháng mà họ đã trả giá cho “các diễn đàn treo tranh” trước đó mà không mấy các tác giả trẻ đương thời chú ý “dành cho bộ mặt nghệ thuật” của mình được phát huy hơn.
Trong các câu hỏi của tôi dành cho bài viết này đã không cùng lúc, mà là từng dịp tiếp xúc ít ỏi với các họa sĩ trong khi họ rất bấn cho việc chuẩn bị phòng tranh, việc cơ quan và vô số việc khác. Khi gặp được Ngọc Oanh thì cô nói rằng đã dừng “diễn đàn treo tranh” suốt 10 năm nay để “tự thẩm định” tư tưởng và bút pháp của mình. Ừ thì vẽ cả đời, nhưng vẽ cái gì, tiếp tục ấp ủ cái gì, dâng hiến cái gì…đấy vẫn là câu hỏi trong mỗi họa sĩ và ở họ chỉ có thể nói về tác phẩm đẹp nhất của mình là cái chưa ra đời mà thôi. Nhưng các tác phẩm sau 10 năm được đưa ra “diễn đàn” hôm nay quả là sự bứt phá của bản thân cô lật sang trang mới. Tôi hỏi: “Cô có thuộc Picasso? Trả lời: “Không thuộc, còn vấp, cái lạnh của ông ấy trong “Gái thanh lâu đường Avignon” nó đã “tát” vào lòng người bằng sức tò mò của sự đồng giới tính, của các mặt nạ châu Phi. Còn Guernica cho thấy những bi kịch của chiến tranh, sự khó chống chiến tranh và kết quả là đau khổ của những dân thường vô tội”. Tôi lại hỏi: “Còn không gian ba chiều của cô với những công cụ âm nhạc, hoa và dòng chảy sắc màu rất “hướng tâm” hoặc “lan tỏa” trong mỗi bức họa…cô có tâm sự gì thế ?”. Đáp : “Những người im lặng nhất không có nghĩa tâm hồn họ đã im lặng, cái cần thiết ở tranh của tôi cũng hy vọng rằng sẽ làm cho những tâm hồn im lặng phải reo lên và đồng điệu vui hưởng, còn dụng cụ âm nhạc, hình khối vuông, tròn, hoa và những dòng chảy ba chiều chỉ là cái cớ làm nên sự phấn khích mà thôi…”
Gặp Thu Dung ở gương mặt rất “phong cách kimono” Nhật Bản, cô đang làm việc cho một công ty thuộc tập đoàn khách sạn quốc tế 5 sao Nhật bản, cô rất yêu động vật và thiên nhiên. Hỏi : “Cô đã đi Nhật?. Đáp : “Chưa!”. Hỏi: “Cô đã đi các nước Đông Nam Á?”. Đáp: “Nhiều, Malaysia, Inđônêsia, Lào, Campuchia…”. Hỏi: “Vậy cô thấy phong cảnh vùng biển, vùng núi các quốc gia kia đẹp hay Việt Nam đẹp?. Đáp: “Họa sĩ các nước có biển vẽ trong sương mù, vì họ cận biển hơn ta, họa sĩ của ta được vẽ trong nắng sớm vì núi non nhiều hơn họ và cũng rất bảng lảng sương non, sương xanh của núi khác sương trắng của biển…”. Hỏi: “Chắc cô rất bận công việc của công ty liên doanh, cô vẽ vào lúc nào”. Đáp: “Đêm, rất thiếu ánh sáng, những ngày nghỉ thì nhờ cậy chồng con làm tất việc mình để mình được vẽ”. Lại hỏi: “Cô có cá tính trong tranh, nó không bao giờ già cỗi bởi những tĩnh vật và những con vật yêu quý của cô vẫn tươi rói trong sắc màu trau chuốt, cô có nghĩ đến sự đồng điệu của người xem?”. Đáp: “Đấy là số một, người vẽ ra nó là số hai. Nói vậy đừng tưởng là tôi nịnh, không có đối tượng nghệ thuật thì người ta không thể làm bất cứ việc gì, chứ đừng nói là sáng tác”. Câu hỏi cuối: “Là hội viên UNESCO, chủ trương của một tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông là bất vụ lợi, cô có suy nghĩ gì về điều này?”. Đáp: “Tất cả những gì có giá trị trường tồn đều không nên thương mại hóa nó, tất cả những gì về tinh thần đạt được sự trong sáng đều không nên đẩy nó vào con đường tối tăm để kiếm trác một nhận thức mà người ta quen đồng hóa nó…”. Rất cám ơn Thu Dung.
Bây giờ dành cho Mạnh Hùng nói điều gì chứ, Mạnh Hùng: “Tôi đang chu kỳ bút pháp sơn mài, chu kỳ truyền thống không bao giờ ngắt quãng của người Việt Nam, chính chất liệu sơn mài này đã làm nên các diện mạo đời sống của nghệ thuật, cao nhất là tranh, tiếp đến là các hiện vật thờ phụng, sau mới đến đồ dùng thường thức. Đặc biệt sơn mài còn có sức biến hóa vô cùng và vẫn mang đặc tính của nó, bởi các tạo hình do nó cũng đạt được hòa sắc nóng, lạnh, sần, phẳng, Academy hay Folk đều được tất…”. Hỏi : “Anh đưa đời sống vào tranh hay anh chịu “sức kéo” của đời sống?”. Đáp: “Cả hai, tôi đã sáng tác, các sáng tác lại kéo tôi vào với không gian và tư tưởng của nó, nên hiểu sức kéo của đời sống phụ thuộc người lựa chọn đời sống mình hợp, mình thích, cũng như các bạn cùng treo tranh với tôi hôm nay, họ cũng lựa chọn sức kéo của đời sống mà họ đã thích để ra các tác phẩm của họ…”. Hỏi: “Mạnh Hùng có cái tên rất mạnh, tâm lý khi sáng tác có “khỏe” không?”. Đáp: “Người ta không thể thiếu cơm ăn cũng như nghệ thuật không thể thiếu thi vị, còn khỏe hay yếu sẽ phụ thuộc thi vị lúc đó còn “đói” hay đã được “no”…
Rất cám ơn các bạn. Tại sao tôi không nhắc đến riêng dẽ từng tác phẩm của các bạn, bởi tôi còn nhường nó cho sự phân định của người xem, nhưng tôi sẽ lựa chọn cho mình những bức họa của các bạn mà tôi thích sẽ đăng tải theo bài viết này trên mạng MÁI NHÀ CHUNG của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và tôi tin khán giả của chúng ta cũng rất cần cái thứ đằng sau các tác phẩm là tác giả đã nghĩ gì, làm gì để vượt qua công việc của mình với một chuỗi đời sống vui, buồn để có được sự dâng hiến hôm nay.
HS Trịnh Yên