Nguyễn Kim Thoa sinh năm 1973 tại Hà Nội. Ngay từ bé, tuy chỉ mới lên 6 lên 7, cô đã bộc lộ niềm đam mê đặc biệt đối với thú vui làm ra các mô hình nhỏ xíu bằng tre, trúc và gỗ. Cha cô phát hiện niềm đam mê đó đã vượt quá sự thú vui tự nhiên của một đứa trẻ. Khác với đa số những trẻ em cùng lứa chơi đồ chơi dăm bữa nửa tháng rồi chán, Thoa thì miệt mài đẽo, gọt các khúc gỗ, các thanh tre, làm hết ngày nay qua ngày khác, càng làm càng chăm chú, càng làm càng nghiêm túc, càng làm càng như bị hút hồn hút vía vào công việc. Mẹ cô nói không hiểu tại làm sao mà con bé có thể chịu đựng được các trò đẽo gọt này đến mức quên ăn, quên ngủ và ngay cả trong mơ con bé cũng bảo rằng nó được một người vô hình nào đó chỉ dạy cho cách làm.
Rồi cũng đến cái ngày mà niềm say mê và tài năng của Kim Thoa được phát lộ. Đó là mùa đông năm 2000, người anh em sinh đôi của cô đã đưa cô đến giới thiệu với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam với tác phẩm “Nhà sàn của Bác Hồ”. Mọi người kinh ngạc với mô hình ngôi nhà sàn của Bác được cô thể hiện vô cùng tinh xảo, khác hẳn với các mô hình nhà sàn Bác mà mọi người vẫn thường thấy. Chỉ trên một diện tích khoảng 2 viên gạch mà có đủ cây vườn, mái ngói, ao cá, hàng rào cây ô rô… đặc biệt là ngôi nhà sàn của Bác Hồ chỉ to bằng bao thuốc lá nhưng bên trong có đủ mọi thứ vật dụng của Bác Hồ, từ chiếc giường, bàn làm việc, chiếc đồng hồ báo thức, đôi dép cao su… tất cả đều chỉ bằng hạt gạo hay hạt đỗ, hạt lạc mà thôi. Ngắm nhìn tác phẩm của Thoa, hoạ sĩ Trịnh Yên, uỷ viên Ban Chấp hành Liên hiệp đã thốt lên rằng đây là tác phẩm nghệ thuật “siêu hạng không đối thủ”. Năm đó Thoa đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam kết nạp làm hội viên của Liên hiệp.
Giờ đây, sau 10 năm ngày đêm miệt mài, trong sự mong đợi của mọi người, cô đã có một mùa gặt hái đáng ghi nhớ. Điều đó đã đến trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khi cô báo cáo với Liên hiệp cô đã hoàn thiện gần chục tác phẩm làm chủ yếu bằng tre, trúc và gỗ. Đó là mô hình Chùa Một Cột, thực hiện trong bốn tháng; mô hình minh hoạ chủ đề “Kiều gặp Kim Trọng” trong không gian lầu son gác tía đã thể hiện vô cùng tinh tế ròng rã suốt 5 năm liền; chủ đề “Kiều đi tu” thể hiện 4 tháng; là mô hình kiến trúc gothic “Nhà Thờ Lớn Hà Nội”, một tác phẩm đầy cách điệu về hình khối hình, mới mẻ về phong cách và tư duy đã được cô thể hiện liên tục trong 2 năm. Bên cạnh đó là một số tác phẩm nói về đời sống của Đức Phật. Hiện nay tâm trí của Thoa đang dành cho một khởi phát mới trên một mô hình vô cùng phức tạp, vô cùng tinh xảo, đòi hỏi cô phải dành nhiều năm tháng thực hiện. Đó là tác phẩm mang phong cách toàn bích với tên gọi “Phố Chùa”. Đây là một mô hình được thực hiện trên một chiếc trống truyền thống Việt Nam, trên vành tang đường kính 81cm sẽ được khắc chạm 25 mô hình cổng Tam Quan các ngôi chùa đặc biệt trên đất nước, bên trong là các mô hình thờ phụng liên quan đến “đa phương và đa diện Tam Bảo”, trên mặt trống là thế giới Phật với 1000 vị Phật đã được Kim Thoa thực hiện trong suốt hai năm qua, nay đã hoàn tất. Thật không khỏi kinh ngạc khi được tận mắt ngắm nhìn 1000 vị Phật kích thước chỉ tương đương hạt lạc, mà đủ các tư thế, đủ chân, tay, mắt, mũi, lỗ tai thậm chí là đủ các trạng thái biểu cảm khác nhau trên các khuôn mặt chỉ lớn bằng hạt đậu xanh. Đây không chỉ là một khả năng đạt đỉnh cao của thủ công mỹ nghệ truyền thống trên các chất liệu truyền thống Việt Nam mà còn phản chiếu một đời sống nội tâm sâu sắc và phong phú của tác giả.
Một số tác phẩm của Kim Thoa đang được trưng bày tại bảo tàng Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và gây được sự chú ý của đông đảo quần chúng.
Ra mắt lần này là cả quá trình nỗ lực âm thầm, bền bỉ trong suốt 10 năm của Kim Thoa với sự thông cảm, chăm sóc của anh chị em trong gia đình lớn của Thoa, vốn là một gia đình lao động bình dị tại Thủ đô Hà Nội. Sự đùm bọc và yêu thương của gia đình đã tạo điều kiện để Thoa yên tâm vừa chăm sóc gia đình nhỏ của mình vừa được thăng hoa sáng tác nghệ thuật.
Đứng trước các tác phẩm tinh xảo từ một cô gái Hà Nội làm ra, Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã nhận xét “Kim Thoa đã vượt lên trên tầm của một nghệ nhân mỹ nghệ bởi khả năng khái quát, tổng hợp và cách điệu rất cao được thể hiện chính xác, tinh vi và trọn vẹn trên mỗi tác phẩm do cô làm ra. Đây là một khả năng đặc biệt, hiếm có, đáng trân trọng và cần được xã hội quan tâm giúp đỡ để trở thành một nhân tài phục vụ cho xã hội”.