Chiều ngày 2/11/2010, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra buổi lễ khai mạc triển lãm tranh nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiến – hội viên Trung tâm UNESCO Văn hóa Dòng họ và Gia đình Việt Nam – nhân dịp ông 70 tuổi, treo 70 bức tranh tương đối tiêu biểu trong toàn bộ sáng tác của ông suốt 50 năm qua.
Đến dự khai mạc có ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và họa sĩ Trịnh Yên (Ủy viên thường vụ Ban chấp hành LH) đã cùng ban tổ chức cắt băng khai mạc và trao tặng bằng khen, bằng chứng nhận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho họa sĩ, chúc mừng ông với tuổi 70 đã dâng 70 bức tranh hòa cùng nhan đề triển lãm “Sắc màu quê hương”.
Xuân Tiến sinh năm 1940 tại làng Khương Hạ với 50 năm cầm bút, bay, giấy nháp…sáng tác đủ các chất liệu sơn mài, sơn dầu, sơn khắc, thuốc nước…Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có mặt ở phòng tranh này như “Đi hội” không tả chất, mà tả lượng theo cấu trúc tứ bình hóa cách nhìn “lứa đôi” kiểu tổ chức Quan họ. Bức họa “Âm thanh dân tộc” (sơn mài) cũng biểu cảm cái chất nâu non “thỏa sức” của các cấu trúc tung hoành trong bố cục kiểu tứ bình thiếu nữ được trang trí khăn vành dây quấn quít các tà áo mớ ba như bốc lên vũ điệu “quốc túy” như một sức sống “tỏa sắc” đọng hồn dân tộc. Bức họa sơn mài có tên “Thảnh thơi” thì người ta bắt gặp “cái nhìn” của ông sao tràn trề đồi núi, nhưng khác đồi núi ở chỗ phân định các đường cong, nhập thế đến tận cùng các hòa sắc đỏ, trắng, đen và da cam rất “nóng” nhưng được vẽ như chơi mà không tranh chấp màu kia, sắc nọ…
Nhìn cả loạt tranh của Xuân Tiến trưng tập ở tuổi 70, ta có thể đặt tên theo ý của ta như “Phượng đỏ”, “Sáo”, “Hoa đào”, “Bốn mùa”, “Tứ tấu”, “Phong cảnh Sa Pa”, “Rượu nồng”…mà ông đã chọn làm ta có thể nhận được 70 sự “lung linh” với các “ca khúc màu” của ông, nó giống như chiếc võng được mắc từ “ngọn đời sang ngọn thời gian” để kéo ông trở về những lời ru giao cảm mà chỉ có hội họa mới cho ông chiêm nghiệm được như thế.
Họa sĩ Trịnh Yên
Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam