Hà Nội toạ lạc trong vùng lưu vực sông Hồng từ thuở khai thiên lập địa, khi mặt đất đã nhô lên khỏi vùng ngập nước, tạo nên dòng chảy sông Cái (ngày nay quen gọi là sông Hồng) đỏ ngầu phù sa, hai bên bờ ruộng đồng xanh tốt và làng mạc trù mật đông vui. Nhưng Hà Nội được danh tiếng ngót 2000 năm nay và đặc biệt gần ngàn năm nay, bởi Hà Nội sớm trở thành một trung tâm lớn của cả nước, hay nói cách khác thương hiệu đế đô của Hà Nội ngày càng đậm dần trong tâm trí của dân Việt và bạn bầu chung quanh, rồi trở thành biểu trưng văn hoá - lịch sử của muôn đời dân nước Việt.
Một định nghĩa hay định danh Hà Nội không mấy khó khăn, song cũng không mấy dễ dàng; nó gần đấy mà xa vời vợi, nó dân dã đấy mà cũng thật cao siêu; một nắm bắt Hà Nội tưởng đã trong tầm tay song hầu hết chúng ta dường như đã để tuột nó lúc nào không biết! Có thể ta chưa hiểu hết Hà Nội chăng hay là cái thần của Hà Nội chưa được mọi người thấu đáo và chắt lọc? Nên chăng tìm cho Hà Nội những giá trị đích thực tưởng làm cho Hà Nội luôn luôn đạt đến vị thế cao nhất của đế đô muôn đời này! Cái làm nên Hà Nội quy cho đến cùng là thửa đất và con người nơi đây là hai yếu tố quan trọng nhất trong ba yếu tố tạo nên một thương hiệu địa danh, đó là thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời được coi là yếu tố chung mà khắp nước Việt, suốt mấy ngàn năm nay, trời luôn luôn phù giúp dân Việt chứ có riêng gì cho Hà Nội.! Thế là chỉ còn lại ĐẤT và NGƯỜI trở thành nét độc đáo của Hà Nội; hay nói cách khác Hà Nội là thửa đất linh thiêng và hào hoa!
Linh thiêng…
Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến Hà Nội linh thiêng, mà cái linh thiêng của Hà Nội được người xưa từng nói, ta không mấy vất vả để trích lục chứng cứ của người xưa, nhiều tư liệu thành văn và huyền thoại không biết bao nhiêu lần nói về cái linh thiêng ấy; nhưng chỉ dẫn đoạn văn hàm súc nhất trong Chiếu Dời Đô của vua Lý Thái Tổ làm chúng ta rất đỗi kính phục về đánh giá của vị vua khai sáng Thăng Long gần 1000 năm trước; Lý Thái Tổ viết trong chiếu dời đô: "Huống chi đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuốn hổ ngồi ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh và phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương là nơi thượng đô của Kinh sư muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở”. Có lẽ gần một thiên niên kỷ sau, chưa có bậc hiền nhân quân tử nào buông bút viết về Thăng Long - Hà Nội được như Lý Thái Tổ, dù rằng khi đó Lý Thái Tổ thiếu nhiều thông tin về vùng đất này! Kể cả khi Thăng Long thịnh vượng nhất, có nhiều thông tin nhất, cũng không có ai có được tầm nhìn và tổng thể như ông!
Vâng! Đó là điều linh thiêng của thửa đất Thăng Long - Hà Nội! Chúng ta hãy lùi xa về quá khứ đến vài ba ngàn năm trước từ thuở lập quốc đầu tiên thì Hà Nội là trung tâm của bộ (lạc) Giao Chỉ - một trong 18 bộ lạc thời Hùng Vương (thế kỷ VII - III TCN). Năm 258 TCN sau khi giành giang sơn từ Hùng Vương, An Dương Vương chọn Cổ Loa (thuộc huyện Đông Anh nay) làm kinh đô và trở thành một trung tâm lớn của đất Việt, sự phát triển rực rỡ của kỹ nghệ đồng thau của nông nghiệp, của giao thông đường thuỷ... Trong lòng đất Cổ Loa còn giữ lại muôn vàn giá trị văn hoá vật chất có từ thời An Dương Vương - Âu Lạc, những sưu tập lưỡi cày bằng đồng, hàng vạn mũi tên đồng, những trống đồng loại I (siêu hạng), và vết tích luỹ thành Cổ Loa... là chứng tích cho thửa đất linh thiêng này!
Suốt thiên niên kỷ I sau CN, đất trung tâm Hà Nội lại luôn luôn toả sáng, rồi cứ quay chung quanh tâm điểm gần kề phía nam sông Tô Lịch (dòng sông bao lấy cái quận trung tâm Hà Nội hiện tại). Kể từ Lý Bí chọn đây làm kinh đô cho xây Tử Thành ở cửa sông Tô Lịch mà cho đến nay, nhiều người cho rằng cửa sông Tô Lịch ấy nằm về phía nam Hồ Tây, thuộc đất quận Ba Đình? Kể từ sau vương triều độc lập Tiền Lý (thế kỷ thứ VI) Hà Nội trở thành đất trung tâm đô hộ mà các triều đại phương Bắc chọn lựa để trấn trị dân Việt; bọn chúng đã thay tên gọi nào là Tống Bình, nào là Đại La... nhưng có gọi là gì đi chăng nữa thì đó vẫn là trung tâm Hà Nội; chúng ta biết nhà Đường cho xây La Thành hay Đại La Thành và Cao Biền xây Đại La, như một trung tâm lớn của phủ đô hộ An Nam (An Nam đô hộ phủ). Năm 905 với tài ba của Khúc Hạo quyền cai trị quận An Nam thuộc về người Việt và đặt trụ sở ở đất Hà Nội.
Sau chiến thắng Bạch Đằng 939, Ngô Vương Quyền chọn Cổ Loa để đóng đô, nhưng ở Tống Bình vẫn là điểm trọng yếu do tay chân của Vương trấn giữ. Nhưng sau tai biến của Vương triều Ngô, đất nước rơi vào tao loạn, xung quanh Tống Bình - Đại La nổi lên nhiều thế lực cát cứ,… dẫn đất nước vào cuộc chiến hàng mấy thập kỷ, và cuối cùng Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập nước Đại Cồ Việt đóng đô tận Hoa Lư (Ninh Bình) mảnh đất phát tích của Vương Triều Đinh; Hoa Lư duy trì là kinh đô của Tiền-Lê cho đến năm 1009. Bắt đầu từ Lý Thái Tổ, như đã nói ở trên, Đại La một lần nữa được chọn làm kinh đô năm 1010, và kéo dài cho đến cuối thế kỷ XVIII, tuy có 7 năm vương triều Hồ dời kinh đô vào Thanh Hoá và đặt tên là Đông Đô.
Thế kỷ XI - XVIII Thăng Long là kinh đô của Đại Việt, thửa đất linh thiêng được phát huy mọi giá trị của nó. Gần 800 năm là kinh đô liên tục của Đại Việt, Thăng Long đủ để chứng minh cho thửa đất linh thiêng của mình trước mọi thời đại lịch sử, rằng từ Thăng Long và bắt đầu từ Thăng Long mà đất nước hưng thịnh, trở thành một cường quốc trong khu vực suốt thiên niên kỷ I sau CN (và cùng với Thăng Long trong những thời khắc rủi ro làm luỵ đến đất nước, nhưng những rủi ro ấy nhanh chóng được vãn hồi để Thăng Long trưởng thành hơn!). Dấu vết ngàn năm Thăng Long xưa nay chỉ được nghe truyền lại ít ỏi trong thư tịch và chút ít giai thoại bị mai một và thêu dệt một cách tuỳ hứng. Nhưng mới đây xuất lộ dấu tích Thăng Long, với tầng tầng lớp lớp văn hoá cũng hơn 13 thế kỷ, đời nọ chồng lên và nối tiếp đời kia, bị chôn kín trong lòng đất một cách ngẫu nhiên, bỗng bừng lên dưới nắng Ba Đình, để con cháu thấy biết bao giá trị ông cha để lại. Há chẳng phải vì Thăng Long là thửa đất thiêng đó sao!
Vương triều Nguyễn không chọn Thăng Long làm kinh đô, nhưng cuối thế kỷ XIX người Pháp trở lại Hà Nội, nâng cấp Hà Nội lên làm thủ phủ của cả xứ Đông Dương, bởi không đâu có vị thế hơn thửa đất này! Và Hà Nội hơn 60 năm là Thủ đô của đất nước Việt Nam thống nhất!
... Và hào hoa
Ngạn ngữ xưa nói rằng: "Cây nào thì quả ấy" và "đất nào thì người ấy", đã là nơi địa linh hẳn phải sinh ra nhân kiệt! Thửa đất Thăng Long - Hà Nội linh thiêng là thế, ắt phải có lắm bậc hào hoa! Vậy chi mà lâu nay câu ca cứ lan truyền: "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" là có căn duyên của nó lắm lắm!
Người Thăng Long vốn hào hoa, bởi được sinh ra từ thửa đất linh thiêng; người đến với Thăng Long cũng là những bậc anh hào!
Người gốc Thăng Long - Hà Nội không chu cấp đủ cho bộ máy chính quyền Trung ương các thời và cho hoạt động của Kinh đô suốt hơn ngàn năm ấy (và trước đó rất lâu nữa!), nhưng có mặt những ai họ đều là bậc hào hoa. Một chàng Tô Lịch làm nghề chài lưới và bán cá ở chợ Tiên Ngư đi vào huyền thoại của Hà Nội mới hình thành, và tên chàng được gọi cho tên dòng sông chảy ôm lấy hai phía Bắc và Tây Thăng Long - Hà Nội. Và lại nữa tên chàng lại hoá thân vào vị thần nguyên thuỷ của Kinh thành. Ngược về tận thời Âu Lạc, những ông Nỏ, ông Nồi từng giúp An Dương Vương xây dựng nước Âu Lạc và thành Cổ Loa; ông Nỏ người sáng tạo ra nỏ thần kỳ diệu bắn một phát bay ra hơn trăm mũi tên, làm kẻ thù kinh hãi. Với vương triều Tiền Lý, danh tướng Phạm Tu (quê ở xã Thanh Liệt, Thanh Trì) là nhân vật tài ba, như là kiến trúc sư của nhà nước độc lập giữa thế kỷ thứ VI. Các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn, Thăng Long - Hà Nội luôn luôn cung cấp cho đất nước biết bao nhiêu bậc anh tài: Một danh sư Từ Đạo Hạnh, người được đời sau liệt vào "Tứ bất tử" của nước Nam, quê ở vùng Láng Thượng (nay thuộc quận Đống Đa - Hà Nội); Hai vợ chồng người bán dầu Vũ Phục, tự nguyện nhảy xuống sông để dòng Thiên Phù cạn nước, cứu lấy đôi mắt mù cho vua Lý Thần Tông, vợ chồng ông được phong thần muôn đời thờ phụng. Chu Văn An (quê ở Thanh Liệt) người thầy giáo lỗi lạc của mọi thời đại, với đức độ và tấm lòng cao cả, dâng lên vua "Thất trảm sớ" mong diệt trừ bọn tham nhũng lộng hành trong triều; thế không được cáo quan về ở ẩn. Chỉ với chừng ấy gương mặt, nét hào hoa Thăng Long - Hà Nội, chỉ riêng người gốc Thăng Long - Hà Nội, làm cả nước kính nể!
Những người đến với Thăng Long - Hà Nội hết thảy là các bậc hào hoa; khởi thuỷ là An Dương Vương, ông về Cổ Loa từ đất Yên Bái. Hầu hết các vương triều đến lập nghiệp ở Thăng Long - Hà Nội đều không phải sinh ra ở đây, họ đều là bậc cái thế, có sức mạnh và uy tín lớn trong cả nước; có gần 10 vương triều đến với Thăng Long - Hà Nội, mang đến cho thửa đất này cấp số nhân của bậc hào hoa. Không nói đến các vị vua sáng, chúa hiền, mà riêng trong phạm vi văn nhân tài tử, thì hầu hết họ đều đến với Thăng Long - Hà Nội, hàng ngàn tiến sĩ nho học, hàng mấy trăm nhà văn nhà thơ lừng danh đất nước đều có nhiều thời gian sống ở Kinh đô. Một Nguyễn Trãi, một Trương Hán Siêu, một Lê Văn Hưu, một Ngô Sĩ Liên, một Lê Hữu Trác, một Nguyễn Du... đều đến với Thăng Long - Hà Nội, và đạt đến tầm cỡ hào hoa một cách khôn lường.
Thăng Long - Hà Nội ngàn năm linh thiêng và hào hoa, xưa nay đã vậy mà bây giờ cũng vậy. Hãy giữ cho Hà Nội mãi mãi linh thiêng và hào hoa./.
Nhà sử học Bùi Thiết