Home Thông tin khác “Việt Nam đang bước lên vũ đài Thế giới”

“Việt Nam đang bước lên vũ đài Thế giới”

Email In PDF.

Công việc của tổ chức UNESCO thế giới đã đưa bà Katherine Muller-Marin đến và dừng lại nhiều nơi, đơn cử như Peru (nơi bà từng làm Đại diện và Trưởng văn phòng UNESCO). Hiện tại, bà đang sống và làm việc tại Hà Nội với vai trò Trưởng văn phòng UNESCO. Đối với bà, làm việc tại Việt Nam chính là một bước đi rất quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Sự hứng thú của người Việt đối với văn hóa lễ hội

Mỗi một đất nước, một mảnh đất đi qua đều khác nhau và luôn để lại trong lòng bà Katherine những kỷ niệm và cảm xúc rất riêng. Tại Việt Nam, bà nhận thấy người dân đất nước này có một sự tôn trọng đáng ngạc nhiên đối với Tổ chức UNESCO nói chung và với những công việc của UNESCO tại Việt Nam nói riêng. Người Việt có một tình yêu và sự hứng thú rất lớn đối với văn hóa và lễ hội; đội ngũ làm việc cho Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cũng đã thể hiện được sự tận tâm, chăm chỉ và nhiệt huyết trong công việc của mình.“Đây chính là nguồn động viên lớn không ngừng tiếp thêm sức mạnh cho tôi, khiến công việc tại đây trở thành một ước mơ mà tôi muốn thực hiện”. Bà chia sẻ.

Việt Nam còn khiến vị Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Hà Nội ấn tượng với cách mà đất nước, con người nơi này thoát ra khỏi thời kỳ khó khăn và vươn lên thành một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực; hay cách mà khoan dung tha thứ có thể giúp kiến thiết đất nước ra sao. Người Việt cũng rất sẵn lòng tiếp nhận những nền văn hóa khác nhau từ Tây sang Đông, cũng như tích cực trong hoạt động xúc tiến bảo vệ các khu di sản và văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.

alt

Bà Katherine Muller-Marin trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam

Theo bà, Việt Nam đang đứng trong giai đoạn quan  trọng trong việc tiến ra vũ đài thế giới và bà rất vinh dự được là một phần của thời khắc này.

UNESCO Hà Nội và Sự kiện lớn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Góp phần vào sự kiện lớn của Việt Nam – Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, văn phòng UNESCO Hà Nội cũng đã tham gia và tổ chức một số hoạt động đáng ghi nhớ.

Trước hết là Đại hội đồng lần thứ 35, Tổ chức UNESCO đã quyết định chính thức ủng hộ các hoạt động kỷ niệm của Hà Nội và tham dự vào Đại lễ.

Bên cạnh đó, bà Katherine Muller cho rằng cách tốt nhất để góp phần kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nộichính là thông qua những dự án tiến hành bảo tồn và bảo vệ Hoàng Thành Thăng Long – tâm điểm lịch sử của Hà Nội. Từ 2008, văn phòng UNESCO Hà Nội với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam cùng sự trợ giúp về mặt kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nhật Bản (NRICP) đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ dự án xác định các giá trị lịch sử, khảo cổ và kinh tế xã hội của Hoàng thành; cũng như tìm các biện pháp bảo tồn và xây dựng một kế hoạch quản lý khu di sản toàn diện cho địa điểm này. Dự án là sự cộng tác giữa Trung tâm Bảo tồn Thành cổ Hà Nội – Khu Di tích Cổ Loa, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (IVIDES) và Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sẽ giúp bảo tổn lâu dài Hoàng thành và tăng cường sự đóng góp của khu di sản cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.

Tiếp đến là Triển lãm với chủ đề “Hồ Chí Minh và Học tập suốt đời” được tổ chức tại Bảo tàng Hồ chí Minh ở Hà Nội, Cao Bằng, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động này được phối hợp tổ chức với Vụ Giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt NamLiên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Ngoài những hoạt động nhân sự kiện lớn sắp tới, Tổ chức UNESCO còn có những chương trình đang được tiến hành nhằm hỗ trợ Việt Nam về các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, truyền thông – thông tin với tư cách là một thành viên của Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam. Đối với bà Katherine Muller, được góp công sức vào việc đưa Việt Nam ngày một tiến bộ hơn là vinh dự, cũng như trách nhiệm của chính mình.

“Năm Đức ở Việt Nam 2010” – những nỗ lực  trong sự hợp  tác của hai bên

Là một người gốc Đức sinh sống làm việc tại Việt Nam, bà Katherine Muller đã chia sẻ sự vui mừng khi nhận thấy sự chào đón và coi trọng của người dân Việt đối với những hoạt động của “Năm Đức ở Việt Nam 2010” cũng như  các hợp tác, dự án khác giữa hai quốc gia.

Nước Đức đã và đang hợp tác rất mạnh mẽ với Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực Phát triển Kinh tế bền vững, Đào tạo nghề và Chính sách Môi trường. Các dự án với sự hỗ trợ của Chính phủ CHLB Đức bao gồm Dự án Bảo tồn tại khu Di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng của tổ chức GTZ (Đức), việc trùng tu các di tích cổ của Huế, giúp đỡ hệ thống chăm sóc sức khỏe và công tác chống nước biển dâng lên ở Kiên Giang. Các chương trình trao đổi sinh viên du học giữa Việt Nam và Đức cũng gợi mở ra những cơ hội hợp tác phát triển mạnh mẽ trong tương lai. “Tôi biết rõ những nỗ lực mà người bạn tốt của tôi – Ngài Đại sứ Đức tại Việt Nam – cũng như các cơ quan hợp tác của Đức đã bỏ ra. Và tôi rất lấy làm vui mừng khi người Việt Nam trân trọng mối giao hảo đó.”./.

Quỳnh Hoa

alt