Home Thông tin khác Phong trào Câu lạc bộ UNESCO tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Phong trào Câu lạc bộ UNESCO tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Email In PDF.

Từ ngày 25 đến 28/9/2010, Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Châu Á – TBD (AFUCA) đã tổ chức tại Cố đô Nara của Nhật Bản để tổng kết và đánh giá về tình hình hoạt động của phong trào UNESCO phi chính phủ tại khu vực. Khoảng 50 đại biểu quốc tế đại diện cho các nước thành viên của AFUCA đã tham gia hội nghị. Ngài George Christophides, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) và Bà Akané Nozaki, đại diện cho Tổ chức UNESCO thế giới cũng đã được mời tham dự hội nghị.

 

alt

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị AFUCA lần này được tiến hành dưới hình thức một hội nghị chuyên đề thảo luận về vai trò và đóng góp của các tổ chức UNESCO phi chính phủ và của các trường liên kết tại các quốc gia đối với cuộc vận động của UNESCO và Liên Hợp Quốc cho một Thập kỷ Quốc tế  Giáo dục vì Phát triển bền vững. Hội nghị này thực hiện theo sáng kiến của Tổ chức UNESCO và của Liên hiệp các Hội UNESCO Nhật Bản.

Bà Akane N., Đại diện của Tổ chức UNESCO, đã trình bày một báo cáo rất quan trọng đề cập đến vai trò của xã hội dân sự và mối quan hệ của UNESCO với xã hội dân sự, trong đó đánh giá một cách khách quan tầm quan trọng của các hình thức hoạt động mang tính nhân dân, trong đó có các câu lạc bộ, trung tâm và các hội UNESCO, Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA), khu vực AFUCA đối với tiến trình phát triển của thời đại. Bản báo cáo cũng nêu lên các phương thức và hình thức hợp tác giữa UNESCO với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trên các lĩnh vực mà UNESCO quan tâm vì mục tiêu phát triển và bảo vệ hoà bình thế giới.

Báo cáo của các hiệp hội quốc gia cho thấy vấn đề giáo dục vì phát triển bền vững hôm nay đã trở thành một bộ phận rất quan trọng và không thể tách rời với nền giáo dục kiến thức nhà trường, cho thấy sự quan tâm đặc biệt cũng như những hoạt động cụ thể mà các thành viên AFUCA đang dành cho lĩnh vực này. Các báo cáo của các chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra những cách tiếp cận mang tính đột phá rất có giá trị trên lĩnh vực giáo dục vì phát triển bền vững, ểtong đó lấy nội dung phổ cập kiến thức về giá trị văn hoá thông qua việc nâng cao ý thức bảo vệ các di sản văn hoá theo tiêu chuẩn UNESCO. Các bạn Nhật Bản cũng đã đưa ra được những mô thức và phương pháp rất sinh động, cụ thể có thể áp dụng ngay và có hiệu quả vào trong nhà trường. Hiệp hội Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Nepal, Mông Cổ, Hàn Quốc, Nga, Kazakhstan, Thái Lan, Bhutan, Philippines … đều đưa ra những giải pháp, những sáng kiến và hình thức phổ cập rất độc đáo, đáng tham khảo để áp dụng trong lĩnh vực giáo dục vì phát triển bền vững.

Báo cáo của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam được Ban tổ chức Hội nghị lựa chọn làm báo cáo điển hình với chủ đề giới thiệu kinh nghiệm hoạt động của VFUA như một tổ chức xã hội dân sự và những đóng góp của VFUA cho Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới. Trong báo cáo, Ông Nguyễn Xuân Thắng với tư cách vừa là Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO VN, vừa là Tổng Thư ký của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới, đã trình bày một số kế hoạch liên quan đến việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thế giới lần thứ 8 của WFUCA sẽ tổ chức vào tháng 8 năm 2011 tại Thủ đô Hà Nội và các công tác của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới mà Việt Nam đang đảm trách.

Song song với Đại hội BCH khu vực, Liên hiệp các Hội UNESCO Nhật Bản đã tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 66 cố đô Nara với gần 1000 đại biểu đến từ khắp mọi miền Nhật Bản. Tại Đại hội này Ngài Masatake Matsuda, Chủ tịch NFUAJ đã thông qua lời tuyên bố của Liên hiệp các Hội UNESCO Nhật Bản về việc chống chạy đua chiến tranh hạt nhân vì mục đích bảo vệ hoà bình cho toàn nhân loại. 

Ngoài chương trình tham quan các di tích lịch sử văn hóa có giá trị tại cố đô Nara, các đại biểu còn đến thăm và giao lưu với học sinh và giáo viên của trường phổ thông trung học cơ sở Tonan tại Nara nhân dịp trường này nhận bằng công nhận là “Trường Liên kết”. Hội nghị lần này cũng đã kết nạp Kazakhstan làm thành viên chính thức AFUCA.

Hội nghị AFUCA lần này được các bạn Nhật Bản chủ trương tổ chức tại Thành phố Nara là có lý do đặc biệt. Năm 2010, cùng với Thủ đô Hà Nội của Việt Nam kỷ niệm 1000 năm tuổi, Nara - Thủ đô đầu tiên của Nhật Bản cũng kỷ niệm tròn 1300 năm tuổi. Đây là một sự trùng hợp đặc biệt và thú vị đối với Đoàn đại biểu Việt Nam. Nara tuy chỉ thực hiện sứ mạng là thủ đô của Nhật Bản chưa đầy 100 năm, trong vòng thế kỷ thứ tám, nhưng đã kịp xây dựng hàng trăm cung điện, đền chùa, miếu mạo có giá trị về kiến trúc và văn hoá. Điều đặc biệt là đến nay Nara vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn trên một nghìn ngôi đền, chùa đồ sộ cổ kính có trên dưới nghìn năm tuổi, trong đó có nhiều khu đền chùa, miếu mạo được UNESCO xếp hạng là Di sản Văn hoá Thế giới.

alt