Home UNESCO Tham gia Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova thăm chính thức Việt Nam

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova thăm chính thức Việt Nam

Email In PDF.

Nhận lời mời của Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức thăm Việt Nam và dự các hoạt động quan trọng của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra, TGĐ UNESCO còn thực hiện một số hoạt động quan trọng khác liên quan đến công tác UNESCO tại Việt Nam. Chuyến đi thăm Việt Nam 3 ngày của người đứng đầu tổ chức UNESCO đã thành công rất tốt đẹp, gây sự chú ý và quan tâm đặc biệt của công chúng và các phương tiện tuyền thông tại Việt Nam. Dưới đây là một số hoạt động của TGĐ UNESCO.

Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Tổng giám đốc UNESCO trao cuốn sách Văn bản Nghị quyết của Đại hội đồng UNESSCO khóa 24Xuất hiện duyên dáng và đầy ấn tượng trong chiếc áo dài truyền thống Việt Nam tại lễ khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra vào sáng 1/10/2010, Bà Irina Bokova đã thay mặt UNESCO trang trọng trao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Bằng Chứng nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa Thế giới trước sự chứng kiến trực tiếp của các vị lãnh đạo Việt Nam và hàng triệu người dân Việt Nam theo dõi các kênh truyền hình trực tiếp.

Bà Irina Bokova mở đầu bài phát biểu tại Lễ Khai mạc bằng những lời lẽ rất giản dị và chân thành: “Hôm nay tôi vô cùng vinh hạnh được mặc chiếc áo dài rất đẹp đẽ, truyền thống của Việt Nam cùng các bạn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hôm nay, trái tim của chúng ta cùng hòa một nhịp đập và tôi tin rằng, thần Kim Quy và các cụ Rùa cũng đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng quý giá về tinh thần yêu hòa bình của mọi người dân Việt Nam”. Đồng thời Bà cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc về việc Hà Nội đã gìn giữ được di sản văn hoá qua nghìn năm lịch sử.

Trong phát biểu của mình Tổng Giám đốc UNESCO lưu ý việc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là một di sản thế giới vừa là một vinh dự, đồng thời cũng mang đến những cam kết và trách nhiệm mới cho Hà Nội và Việt Nam. Bà nói: “Kể từ ngày hôm nay các bạn có trách nhiệm với nhân loại, quảng bá bảo vệ và truyền lại di sản này cho các thế hệ tương lai, cho giới trẻ, để rồi đến lượt họ, họ lại kể cho con cháu về vua Lý Thái Tổ với bức tượng đài đang hiện diện với chúng ta ở đây”. Bà Bokova đánh giá Hoàng thành Thăng Long là minh chứng sinh động cho 10 thế kỷ giao lưu và giao thoa văn hóa từ khắp nơi ở lục địa châu Á, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét “bản thân Việt Nam được sinh ra từ sự giao thoa giữa các dân tộc phương Đông và phương Tây”. Bà kết luận: “Không có biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản. Thế giới cần các biểu tượng về đối thoại và khoan dung, đặc biệt trong bối cảnh năm nay là năm nay là năm quốc tế của liên hợp quốc về tình hữu nghị giữa các nền văn hóa do Unesco khởi xướng”.

Triển lãm “Hồ Chí Minh và học tập suốt đời”

Sáng ngày 2/10/2010 Bà Bokova đã tham dự lễ cắt băng khai mạc triển lãm “Hồ Chí Minh và học tập suốt đời” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với sự có mặt nhiều vị lãnh đạo các bộ, ngành và đoàn ngoại giao tại Hà Nội.

Đây là một hoạt động có ý nghĩa được tổ chức theo sáng kiến của Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội phối hợp cùng với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bảo tàng Hồ Chí Minh để chào mừng ngày Khuyến học Việt Nam (2/10) và Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Một số Trung tâm UNESCO và Câu lạc bộ UNESCO trực thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp cho việc tổ chức triển lãm với tư cách là đơn vị phối hợp và giúp đỡ VP Đại diện UNESCO tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Bokova – TGĐ UNESCO đã bày tỏ lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà phát biểu: “Hồ Chí Minh là một nhà thơ, nhà báo, nhà giáo nên Người nhận thức rất rõ tầm quan trọng của giáo dục, và chỉ có thông qua giáo dục con người mới có đủ năng lực để thực hiện quyền tự quyết cho một dân tộc. Con người là vốn quý giá nhất của một quốc gia. Nguồn vốn ấy không thể có được qua cách thức học một lần trong thời thơ ấu mà phải cần học tập suốt đời. Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng về học tập suốt đời.” Bà Bokova tỏ ra tự hào khi UNESCO được đóng vai trò đối tác tham gia quảng bá và bảo vệ văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân chuyến thăm này, Bà Tổng Giám đốc UNESCO đã trao tặng phía Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh cuốn “Văn bản Nghị quyết của Đại hội đồng UNESSCO khóa 24 họp từ 20/10 đến 20/11/1987”, là tài liệu quý giá trong đó có Nghị quyết 18.65 ghi tại trang 134 và 135 về việc tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới (Có minh hoạ ảnh – A2).

Tổng giám đốc UNESCO thăm trường Trưng Vương, Hà Nội

Ngay sau lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova đã tới thăm trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trưng Vuơng là tên nữ anh hùng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ 2.

TGĐ UNESCO đã phát biểu trước các thầy cô giáo và học sinh trường Trưng Vương: Việt Nam là đất nước của những di sản. Đất nước này đã trải qua lịch sử khó khăn gian khổ nhưng người dân Việt Nam đã biết vượt qua những khó khăn. Người Việt Nam rất thân thiện, luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ. Tôi tin rằng các bạn sẽ có tương lai tươi sáng và các bạn cần phải tự hào về dân tộc của mình”.

Nhân dịp này, Tổng giám đốc UNESCO đã trao tặng cho nhà trường chiếc kính thiên văn của Chương trình Giáo dục vũ trụ (SEP/UNESCO). Bà cho rằng “Thế giới có nhiều điều mới mẻ mà các bạn có thể học hỏi được. Một trong những điều thú vị là vũ trụ. Chính vì thế mà tôi muốn trao tặng món quà đặc biệt này cho trường với thông điệp là Vũ trụ bao la, không có giới hạn. Tri thức cũng như vậy. Những gì chúng ta biết cũng chỉ rất nhỏ nhoi. Với kính thiên văn này tôi hy vọng các bạn sẽ có những phát minh mới”.  

Bà Irina Bokova khuyến khích các em học sinh trở thành những học sinh chăm chỉ để có kiến thức cùng kỹ năng vì một thế giới bền vững, công bằng và tốt đẹp hơn.

Tổng Giám đốc UNESCO gặp gỡ “Gia đình UNESCO” tại Việt Nam

Chiều ngày 2/10/2010 Tổng Giám đốc UNESCO đã có cuộc gặp mặt thân mật với lãnh đạo và cán bộ của những cơ quan, tổ chức hoạt động UNESCO tại Việt Nam, trong đó có Uỷ Ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội, Đại sư của Việt Nam bên cạnh UNESCO, Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và đại diện một số cơ quan có hoạt động theo chương trình của UNESCO. Cuộc gặp này là một món quà lớn, có ý nghĩa đối với tất cả những ai đang dành thời gian, công sức và tâm huyết cho hoạt động UNESCO.

Bà Irina Bokova đã vui vẻ gọi tất cả những người hoạt động UNESCO tại Việt Nam là đồng nghiệp, là gia đình thân thiết của bà, là những người đang cống hiến cho những mục tiêu cao đẹp của tổ chức UNESCO. Trong lời phát biểu của mình, Bà Bokova đã nêu lên vai trò và vị trí quan trọng của tổ chức UNESCO trong đời sống quốc tế hôm nay, nói lên tính đặc thù, tính đa dạng về chuyên môn cũng như cơ chế hợp tác rất đặc biệt tổ chức UNESCO so với các tổ chức chuyên môn khác trong hệ thống Liên Hợp Quốc. Bà đã gợi ý về những nhiệm vụ mà những người hoạt động UNESCO quốc tế, quốc gia, chính phủ và phi chính phủ cần quan tâm, lưu ý trong việc triển khai các chương trình hoạt động để làm sao cho các hoạt động có hiệu quả. Bà cũng nói lên những mục tiêu ưu tiên hiện nay của UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, khoa học và thông tin tuyền thông. Trong lời phát biểu bà TGĐ đã dành những lời lẽ tốt đẹp để nói lên tầm quan trọng của những người hoạt động UNESCO tự nguyện, của phong trào Câu lạc bộ UNESCO ở Việt Nam và trên thế giới. Bài nói chuyện của Bà TGĐ vừa có ý nghĩa là lời giáo huấn của người đứng đầu tổ chức UNESCO, vừa có ý nghĩa động viên sâu sắc dành cho tất cả những người trong “đại gia đình UNESCO” tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã báo cáo với Bà TGĐ về những thành tựu trong hoạt động mà Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, đồng thời chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc và sự giúp đỡ có hiệu quả của tổ chức UNESCO đối với phong trào UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Ông Thắng đặc biệt đánh giá cao sự tin cậy, sự giúp đỡ và hợp tác có hiệu quả từ phía VP đại diện UNESCO tại Hà Nội và của Uỷ ban Quôc gia UNESCO Việt Nam dành cho Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Với tư cách là Tổng Thư ký của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) và được sự ủy quyền của Chủ tịch WFUCA, Ông Thắng đã trân trọng trao tận tay thư mời tham dự Đại hội lần thứ 8 của WFUCA tới TGĐ UNESCO. (Có ảnh minh hoạ - A3 và A4)

Sự có mặt của Bà Irina Bokova tại Việt Nam nhân sự kiện trọng đại kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã gây sự chú ý và quan tâm đặc biệt của công chúng Việt Nam, được các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều tin và bài. Chuyến đi thăm Việt Nam lần này của người đứng đầu tổ chức UNESCO đã thành công tốt đẹp.

 

Hà Nội – Tháng 10.2010

alt

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...