Home Khoa học Môi trường Bảo vệ môi trường bằng các công cụ tổng hợp

Bảo vệ môi trường bằng các công cụ tổng hợp

Email In PDF.

Trong quá trình đổi mới, mở cửa, không ngừng mở rộng và phát triển theo cả bề rộng, lẫn bề sâu, đất nước ta như một công trường khổng lồ với  sự gia tăng hoạt động kinh tế, kéo theo một loạt tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến môi trường. Có thể nói, chưa bao giờ đất nước phải đối diện với nhiều vấn đề bức xúc về môi trường đô thị như hiện nay, cả về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất bởi các loại rác thải, các làng nghề đang ngày càng tự đầu độc mình bằng chính nguồn thải loại các chất ô nhiễm trong công cuộc mưu sinh nhọc nhằn do thiếu tổ chức và đầu tư cần thiết. Nguồn phát thải tăng lên hàng ngày cả về quy mô, lẫn tính chất độc hại và nguy cơ đe dọa ô nhiễm lâu dài môi trường sống. Nguyên nhân là do cả trong ý thức của người dân và cả trong quản lý của các cơ quan liên quan đã gây tổn hại cho các giá trị văn hóa - tình thần, sức khoẻ, an toàn con người và lạm dụng tự nhiên vẫn chưa bị ngăn chặn và xử lý kịp thời, thích đáng, tận gốc.

altThực tế cũng ngày càng đòi hỏi phải mở rộng nội hàm về môi trường sống, không chỉ nhấn mạnh về môi trường vật lý tự nhiên (ánh sáng, không khí, nước...), mà còn về môi trường văn hóa xã hội (trong đó có nếp sống thanh lịch, văn hóa ứng xử, các giá trị xã hội truyền thống và hiện đại chuẩn chung, được đồng thuận và tự giác tuân thủ...) và gắn kết chặt chẽ vấn đề môi trường đô thị với yêu cầu bảo vệ cảnh quan đô thị, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo thẩm mỹ và ngăn chặn ô nhiễm thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ, cải thiện chất lượng sống của người dân.

Về nguyên tắc, việc sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường phải giúp cho tăng cường năng lực và động lực, cũng như bảo đảm phân phối công bằng các lợi ích thụ hưởng và các chi phí phải gánh chịu cho mục đích bảo vệ môi trường. Các chế tài về môi trường phải được cân nhắc hài hoà giữa sức chịu đựng của môi trường với sức chịu đựng và các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ưu tiên thích ứng với bối cảnh trong và ngoài nước; cũng như phải tính đến tác động qua lại giữa môi trường - tài nguyên thiên nhiên - kinh tế - dân số. Trước hết, cần bảo đảm yêu cầu: người sản sinh ra phế thải và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm tài chính và hành chính về hậu quả do mình gây ra, theo mức lũy tiến tương ứng với sự gia tăng các hậu quả đó; còn người được hưởng lợi từ việc sử dụng những sản phẩm và dịch vụ bảo vệ môi trường thì phải trả tiền, cũng với mức luỹ tiến theo mức thụ hưởng. Đồng thời các biện pháp được đưa ra cũng phải khuyến khích hạn chế tiêu dùng tài nguyên không có khả năng tái tạo, tăng áp dụng công nghệ cao không có chất thải hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên nhiên liệu không gây ô nhiễm (chẳng hạn dùng xăng không chì thay cho xăng pha chì).

Cần đa dạng hoá các công cụ, trước hết là các công cụ tài chính được sử dụng cho mục tiêu bảo vệ môi trường, bao gồm: Các định chế tài chính - tín dụng môi trường (quỹ môi trường, ngân hàng môi trường, các công ty đầu tư môi trường...).

Chi phí của nhà nước và doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường phải thường xuyên tăng (thực tế cho thấy, để phát triển bền vững, mức chi cho nghiên cứu khoa học- kỹ thuật- công nghệ, giáo dục và đào tạo, cải thiện môi trường của mỗi nước thường phải đạt tối thiểu 1,5 - 2% GDP hàng năm; riêng chi cho bảo vệ môi trường ở các nước phát triển là 0,8-1,7% GDP). Nguồn vốn của các định chế tài chính- tín dụng môi trường này được hình thành từ các nguồn khác nhau: ngân sách nhà nước, quyên góp, ủng hộ tự nguyện,vốn viện trợ, vay thương mại, huy động từ xổ số, tín phiếu môi trường, đặc biệt là từ các loại thuế và lệ phí môi trường,như:

+ Thuế tài nguyên gồm các sắc thuế chủ yếu như thuế sử dụng đất, sử dụng nước, thuế rừng, thuế tiêu thụ năng lượng... Mục tiêu của thuế tài nguyên là điều tiết nhu cầu tiêu dùng tài nguyên gây ô nhiễm và suy kiệt môi trường ở mức thấp nhất có thể.

+ Thuế môi trường có tới trên 16 loại khác nhau trên thế giới, như thuế ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, .v.v.... Mục tiêu đánh thuế này là kích thích cải tiến và áp dụng kỹ thuật-công nghệ chống ô nhiễm, nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu hoặc thay thế bằng nhiên liệu khác ít ô nhiễm hơn.

+ Các loại phí và lệ phí được đưa ra theo nguyên tắc “trả tiền tiêu dùng”. Các khoản thu này vừa trực tiếp làm tăng thu cho Quỹ môi trường, vừa có tác dụng giáo dục ý thức cộng đồng và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

+ Trợ cấp và thưởng, phạt tài chính được áp dụng nhằm chung một mục tiêu là khuyến khích và định hướng các ngành công nghiệp sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và làm cho môi trường tốt hơn.

Tuy nhiên điều cần lưu ý là các công cụ tài chính phải được sử dụng mềm dẻo, hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất mặt trái của chúng đến kìm hãm phái triển kinh tế và cả đến mục tiêu bảo vệ môi trường (như nếu đánh thuế Gas quá cao sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang đun than, do đó làm tăng ô nhiễm môi trường).

Đặc biệt, cần quy định rõ các chế tài cụ thể, nhất là việc áp dụng rộng rãi hình thức "đặt cọc - hoàn trả" cho mục tiêu ngăn chặn hiệu quả và xử lý trên thực tế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, trước hết trong các hoạt động:

- Xây dựng nhà ở, xây dựng và sửa chữa đường xá.

- Buôn bán và vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa dễ gây ô nhiễm.

- Các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác có khả năng tạo nguồn phát thải, gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là  các nhà hàng, quầy chợ, hộ kinh doanh mặt đường, trên bờ hồ và hè phố, các nhà ga, bệnh viện, nhà máy và các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp...

Đối với từng trường hợp trên, tùy điều kiện cụ thể mà  tiến hành thu tiền đặt cọc và định ra các mức thu tiền phạt khác nhau. Tiền phạt thu được sẽ được dành phần lớn (khoảng 50%) để bồi dưỡng trực tiếp cho những đơn vị và cá nhân trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra và thu tiền phạt vi phạm môi trường. Phần tiền còn lại sẽ được sung quỹ môi trường thành phố (khoảng 20%) và sung vào quỹ của phường, xã, huyện (khoảng 30%).

Để việc sử dụng các công cụ tài chính bảo vệ có hiệu quả môi trường của thành phố, cần áp dụng đồng bộ những giải pháp khác có liên quan, mà trước hết là:

Thứ nhất,rà soát điều chỉnh, thay thế, nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường.

Thứ hai,tăng cường xã hội hoá các hoạt động cung cấp dịch vụ công ích đô thị, trước hết trong công tác vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch và thoát nước; xây dựng, khai thác, quản lý các công viên cây xanh, chợ, bến xe và các trung tâm dịch vụ khác... nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, khắc phục sự quá tải, cải thiện dần chất lượng các dịch vụ đô thị, trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường.

Thứ ba,tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu và hợp đồng kinh tế về mua-bán dịch vụ trong các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cơ quan, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân trong các hoạt động đó.

Thứ tư,tăng cường phân cấp và phối hợp, kiểm tra trong quản lý môi trường đô thị. Các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường phân cấp quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường cho các quận, huyện, xã, phường và cơ sở trực tiếp hoạt động trên địa phương. Sự phân cấp nhiệm vụ, yêu cầu bảo vệ môi trường trên từng địa bàn cần được khép kín, tập trung và bao quát, tạo thuận lợi cho sự chủ động của địa phương, cơ sở, cũng như phát huy sức mạnh, lợi thế, năng lực, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ sở được phân cấp trong tổng thể mạng lưới, guồng máy hoạt động bảo vệ môi trường của Thành phố, đồng thời, kiện toàn công tác tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả của các đơn vị, tập thể trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Trước hết, cần xây dựng những cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường theo hướng tập trung chức năng, định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế hoạt động cụ thể, tránh tình trạng phân rải chức năng quản lý môi trường một cách không rõ ràng hoặc vô hiệu hóa nhau. 

Thứ năm, nâng cao chất lượng và tôn vinh xứng đáng các cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ môi trường. Cùng với việc tăng cường thông tin - tuyên truyền giáo dục nhận thức rộng rãi trong nhân dân về bảo vệ môi trường, cần quan tâm đúng mức đến đội ngũ người lao động, cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác bảo vệ môi trường theo hướng chuyên nghiệp hoá, tiêu chuẩn hóa, phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn và đãi ngộ xứng đáng cả về vật chất, lẫn tinh thần cho từng người, từng chức danh cụ thể./.

TS. Nguyễn Minh Phong

alt

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung