Nói tới văn hoá truyền thống Nhật Bản không thể không nhắc tới Geisha cũng như Bushido(Võ Sĩ Đạo), hai loại hình văn hoá độc đáo chỉ nước Nhật mới có. Geisha là nét văn hoá của đàn bà Nhật, Bushido là nét văn hoá của đàn ôngNhật. Nữ giới xứ sở hoa anh đào có thể tự hào vì họ đã sáng tạo nên nền văn hoá Geisha bất hủ, cho dù ngày nay nước Nhật chỉ còn rất ít người làm nghề Geisha và giới trẻ Nhật hầu như chẳng biết mấy về Geisha hoặc Bushido.
Trong mắt nhiều người, Geisha là cả một thế giới thần bí khó hiểu, đầy “thâm cung bí sử”, bởi lẽ nó là một loại dịch vụ của nữ giới phục vụ cho nam giới, mà mối quan hệ qua lại giữa hai giới này bao giờ cũng chứa đựng vô vàn bí ẩn. Ai cũng biết là trong xã hội nam quyền, một số phụ nữ vì đểkiếm sống mà phải phục vụ tình dục cho nam giới. Bán dâm là loại hình dịch vụ cổ xưa nhất không dân tộc nào, không nước nào không có, nhưng riêng tại xứ sở Mặt Trời Mọc, dịch vụ ô nhục này đã được phát triển, sáng tạo nâng cao lên thành một thứ văn hoá lành mạnh đáng ghi vào sử sách.
Có thể tạm hiểu Geisha là một loại ả đào cấp cao, nghĩa là loại phụ nữ làm dịch vụ giúp vui cho các buổi vui chơi của nam giới bằng hình thức biểu diễn tài nghệ văn hoá chứ không bán dâm, tức chỉ mãi nghệ, không mãi dâm. Chính vì thế từ Geisha trong tiếng Hán-Nhật viết là “nghệ giả”, tức người làm nghệ thuật. Đúng vậy, Geisha là những người chuyên làm một thứ nghề độc đáo – nghề làm vui lòng khách nam giới bằng các hình thức nghệ thuật lành mạnh, cao cấp, đầy tính nhân văn, hoàn toàn không dung tục, rẻ tiền.
Có lẽ chính văn hoá Bushido đã góp phần đưa tới sự ra đời văn hoá Geisha. Ta biết Võ Sĩ Đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ – một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (samurai) phải tuân theo: ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp,... Là tầng lớp quý tộc Nhật, các samurai sống rất có văn hoá, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Từ đó có thể suy ra họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, chứ không phải hình thức phục vụ tình dục nhơ nhớp. Có cầu tất sẽ có cung, nhu cầu giải trí cao cấp ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha, điều ấy không có gì khó hiểu.
Nguồn gốc của Geisha
Geisha có nguồn gốc ban đầu là những phụ nữ làm nghề múa hát rong ngoài đường thời kỳ đầu chế độ Mạc Phủ, một chế độ chính trị tồn tại tại Nhật trong 7 thế kỷ từ năm 1185 đến 1867. Cuối thế kỷ XVII, nhằm mục đích tăng thu tiền thuế, Mạc Phủ Tokugawa ra lệnh cấm hành nghề bán dâm tư nhân (nhưng vẫn duy trì các kỹ viện do chính quyền lập ra), vì các phụ nữ làm nghề bán dâm tại gia này đều không bị chính quyền kiểm soát và không nộp thuế. Trước tình hình đó, nhiều gái điếm tư nhân chuyển sang dùng cách đi lang thang khắp nơi vừa biểu diễn múa hát vừa sẵn sàng bán dâm khi có điều kiện, như vậy vẫn trốn được thuế. Nghề mới này câu được nhiều khách, kiếm ra tiền. Thấy vậy giới kỹ nữ trong các kỹ viện của chính quyền Mạc Phủ đã tiếp thu cách biểu diễn múa hát ấy và từ đó họ cũng trở thành loại Geisha vừa mãi dâm vừa mãi nghệ.
Giữa thế kỷ XVIII, Geisha được hợp pháp hoá như một nghề nghiệp, hình thành tập tục và quy chế chỉ mãi nghệ không mãi dâm. Xã hội Nhật dần dần tiếp nhận loại hình nghề nghiệp ấy; cánh đàn ông ngày một thích dịch vụ mới này. Các hình thức nghệ thuật của Geisha phong phú dần, không chỉ có ca múa mà có nhiều thứ khác như trà đạo, ngâm thơ kể chuyện, cách đi đứng duyên dáng, trò chuyện lịch sự khéo léo, cách tiếp khách ... Tại Tokyo, Kyoto và nhiều nơi xuất hiện những quán Geisha chuyên nghiệp (Geisha house) chuyên đào tạo Geisha từ nhỏ. Trong thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa, Geisha chủ yếu phục vụ cho tầng lớp võ sĩ của giai cấp thống trị, về sau họ phục vụ cho cả tầng lớp thương nhân mới xuất hiện trong xã hội Nhật bắt đầu đi lên chủ nghĩa tư bản.
Nói tới Geisha, ta hình dung ngay tới những cô gái trang điểm vô cùng cầu kỳ, mặt thoa phấn trắng, môi tô son đỏ thẫm, tóc búi cao, mặc bộ ki-mô-nô cực kỳ kiểu cách, đi đứng duyên dáng yểu điệu. Là đại diện cho tầng lớp phụ nữ có văn hoá cao, họ dùng tài nghệ của mìnhgóp vui cho các buổi giải trí của giới mày râu giàu có trong xã hội và qua đó họ được trả thù lao rất hậu.
Nghề nghiệp độc đáo này đòi hỏi họ phải tránh quan hệ tình cảm đối với đàn ông, phần lớn Geisha sống độc thân đến già. Tuy vậy cũng có một số chạy theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng Geisha khi đã lấy chồng thì phải giải nghệ. Ai đã xem phim Hồi ức của Geisha (Memoirs of a Geisha) do Chương Tử Di và Củng Lợi thủ vai nữ chính, chắc còn nhớ cảnh gian khổ tập luyện nghệ thuật (hát, múa, thực hành trà đạo, rót rượu ...) của các Geisha tập sự và những giọt nước mắt tủi nhục của họ khi hành nghề phục vụ cánh đàn ông. Rõ ràng, chỉ các Geisha mới hiểu được nỗi vinh nhục của cái nghiệp họ theo đuổi.
Nghề Geisha càng phát triển, ngày càng có nội dung phong phú và giàu chất lãng mạn, do đó nó thu hút các cô gái ưa lãng mạn. Nhiều gia đình có truyền thốngvăn hoá cao cảm thấy tự hào khi con em mình được gia nhập thế giới Geisha.
Người làm nghề này không nhất thiết phải xinh đẹp song phải có tài, có chí. Muốn trở thành một Geisha đạt tiêu chuẩn phải mất rất nhiều công sức học tập và rèn luyện. Thông thường những cô gái có chí làm nghề này ngay từ tuổi lên 10 đã được gia đình gửi vào các quán Geisha đểđược đào tạomột cách bài bản dưới sự hướng dẫn của các “mẹ”, sau ít nhất 5 năm mới ra tập sự phục vụ khách.
Họ phải học rất nhiều thứ, từ cái lớn như ngâm thơ đọc sách kể chuyện, múa cổ điển, hát các bài ca truyền thống, chơi đàn shamisen, thổi sáo shakuhachi, chơi trống, trà đạo, thư pháp, cắm hoa (ikebana), trò chuyện, trang điểm ... cho tới cái nhỏ như cách đóng mở cửa sao cho duyên dáng, cách đi đứng yểu điệu, cách cúi người khi chào, cách tiếp rượu... Chương trình đào tạo ấy sử dụng các kiến thức tâm lý, xã hội-nhân văn rất phong phú. Qua quá trình đào tạo gian khổ, cuối cùng họ trở thành loại người sang trọng có văn hoá ứng xử cực kỳ lịch sự duyên dáng, khả năng giao tiếp vô cùng tự nhiên và có sức hấp dẫn nam giới. Trước khi được công nhận là Geisha chính thức, họ phải trải qua thời kỳ tập sự khá lâu.
Việc đào tạo Geisha rất tốn kém cho nên chi phí trả cho sự phục vụ của họ cũng rất đắt, chỉ có giới quan lại, quý tộc, nhà buôn, điền chủ mới đủ tiền đến quán Geisha. Theo giá cả hiện nay, chi phí mời 2 Geisha dự một bữa tiệc 2 khách có giá từ 750 USD trở lên. Khả năng gọi Geisha đến phục vụ tại gia là tiêu chí tượng trưng cho địa vị quyền quý của một người. Nhiều kẻ có tiền tranh nhau chọn cho mình Geisha ưa thích và vung tiền cho họ.
Geisha với nền chính trị ở Nhật Bản
Trong lịch sử 300 năm của Geisha từng xuất hiện không ít Geisha nổi tiếng, một số người còn có tác động quan trọng tới tiến trình lịch sử nước Nhật.
Nàng Trung Tây Quân Vỹ, còn có mỹ danh Geisha Cần vương (Cần vương: cứu giúp vua) là một Geisha tiêu biểu hồi nửa cuối thế kỷ XIX. Quân Vỹ xuất thân gia đình võ sĩ, do cha bị kẻ thù giết chết nên gia cảnh sa sút, buộc phải đi học nghề Geisha. Cô thường biểu diễn tại một quán trà có tên Ngư Phẩm. Hồi ấy tại Kyoto đang diễn ra cuộc tranh giành quyền lực gay gắt giữa thế lực Mạc Phủ với phái Duy Tân. Hai phái này thường lợi dụng quán trà làm nơi hội họp bí mật. Nhiều nhân vật chủ chốt của phái Duy Tân năng lui tới quán Ngư Phẩm, trong đó có Tỉnh Thượng Hinh (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính trong chính phủ Minh Trị). Lần đầu gặp Quân Vỹ, cô Geisha tài sắc vẹn toàn này đã làm Tỉnh Thượng Hinh rơi vào mối tình sét đánh. Ít lâu sau, một quan chức cấp cao trong Mạc Phủ là Đảo Điền Tả Cận phụ trách việc truy nã các chí sĩ phái Duy Tân tại Kyoto cũng say mê Quân Vỹ. Giới Geisha đều biết Đảo Điền là kẻ quyền cao chức trọng, ai được làm thê thiếp của hắn là một vinh dự lớn, nhưng Quân Vỹ lại từ chối lời cầu hôn của viên quan này.
Khi biết tin Đảo Điền cầu hôn Quân Vỹ, Tỉnh Thượng Hinh cử người đến gặp Quân Vỹ, thuyết phục nàng nhận lời lấy Đảo Điền đểcó điều kiện tìm hiểu các bí mật trong chính quyền Mạc Phủ. Quân Vỹ đau khổ chấp nhận yêu cầu đó của người tình, đồng ý lấy Đảo Điền. Được chồng sủng ái, Quân Vỹ moi được nhiều thông tin bí mật và giúp nhiều chiến sĩ phái Duy Tân thoát khỏi sự truy sát của Mạc Phủ. Cũng nhờ thông tin từ Quân Vỹ mà phái Duy Tân thành công ám sát Đảo Điền, trừ được một mối hoạ lớn cho họ.
Mộc Hộ Hiếu Doãn, một trong 3 người được gọi là “Duy Tân tam kiệt” cũng yêu một Geisha. Thời gian bị Mạc Phủ truy nã, Mộc Hộ phải đóng giả kẻ hành khất sống chui lủi dưới gầm cầu. Nàng Geisha-người yêu ngày ngày cũng liều mạng tiếp tế cho Mộc Hộ bằng cách đem một túi thức ăn đến chân cầu rồi giả vờ bỏ quên. Sau này Mộc Hộ trở thành một trong các lãnh tụ của phái Duy Tân.
Nhiều Geisha đã có đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của phái Duy Tân đánh đổ chính quyền Mạc Phủ, dẫn đến sự thành lập chính quyền của vua Minh Trị, đưa nước Nhật đi lên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nếu không có sự đóng góp ấy rất có thể lịch sử Nhật Bản đã khác đi.
Sau khi chính quyền Duy Tân Minh Trị ra đời, mối quan hệ giữa giới Geisha với các nhân vật trong chính quyền mới ngày một thắt chặt. Y Đằng Bác Văn (tức Ito Hirobumi, 1841-1909, về sau là Thủ tướng của chính phủ Duy Tân Minh Trị) cũng lấy một Geisha làm vợ. Sau khi nắm chính quyền, ông này cho xây dựng tại Hoành Tân (Yokohama) một toà nhà gọi là “Phú Quý Lầu” đểlàm nơi vui chơi với giới Geisha.
Văn hoá Geisha sống mãi với nước Nhật
Từ sau thập niên 70 thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá phương Tây và nền văn hoá mới của nước Nhật, nghề Geisha dần dần suy tàn. Nếu đầu thế kỷ XX nước này có hơn 80 nghìn Geisha thì tới nay chỉ còn vài trăm và chỉ tập trung vào mấy đô thị lớn. Cựu đô Kyoto lưu giữ được truyền thống rõ nét nhất: nơi đây có 2 trong số các khu phố Geisha lâu đời và danh tiếng nhất là Gion và Pontocho. Các khu phố Shimbashi, Asakusa và Kagurazaka ở Tokyo cũng nổi tiếng.
Dù thế nào đi nữa, văn hoá Geisha vẫn có ảnh hưởng sâu sắc tới nước Nhật. Hai tiểu thuyết nổi tiếng Vũ nữ xứ Izu và Xứ tuyết của Kawabata Yasunari (nhà văn Nhật đầu tiên được tặng giải Nobel) đều viết về mối tình thơ mộng của các nàng Geisha.
Chuẩn mực hành vi được gọi là Geisha đạo (đạo như trong Võ sĩ đạo) đã trở thành một thứ khuôn mẫu lối sống và xã giao của phụ nữ Nhật hiện đại. Xét trên ý nghĩa đó, Geisha là vật truyền tải văn hoá truyền thống Nhật Bản; văn hoá Geisha đã bén rễ sâu sắc trong nền văn hoá đất nước này chứ không hề tàn lụi.
Các nguồn tin mới đây cho biết: sau nhiều thập niên suy giảm, nghề Geisha đang bắt đầu được phục hồi. Theo số liệu thống kê, năm 1965, Kyoto có 76 Geisha tập sự (gọi là maiko); tới năm 1978, số lượng maiko sụt xuống còn 28 và những năm tiếp theo chỉ còn từ 50 tới 80. Năm 2008, lần đầu tiên trong 40 năm qua số maiko ở cố đô Kyoto đã lên tới 100 người. Tuy vậy vẫn còn rất lâu nữa nghề này mới trở lại thời hoàng kim như hồi thập niên 20 thế kỷ XX, khi riêng khu phố Gion có tới 800 Geisha. Giới báo chí cho rằng sự gia tăng số lượngmaiko là bằng chứng cho thấy người Nhật đang muốn phục hồi văn hóa Geisha truyền thống của họ./.
Nguyễn Hải Hoành