Home Khoa học Đại dương Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển

Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển

Email In PDF.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỷ trọng kinh tế thu nhập từ biển là rất lớn, do vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) biển là một yêu cầu của thực tiễn khách quan, rất cần sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực biển.

Ý nghĩa quan trọng của nghiên cứu KH&CN biển

Việt Nam là một trong số các quốc gia trên thế giới được coi là quốc gia biển. Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích phần đất liền) với rất nhiều các đảo lớn nhỏ và dải bờ biển kéo dài trên 2.000 km. Có hơn một phần ba số các tỉnh/thành trong cả nước (24/64) có kinh tế biển. Vùng lãnh hải Việt Nam có quan hệ với nhiều nước láng giềng, có đặc điểm tự nhiên rất đa dạng với nguồn tài nguyên phong phú. Tuy nhiên, biển cũng tiềm ẩn nhiều ẩn hoạ, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, kinh tế biển (xuất khẩu dầu thô và hải sản) chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng thu nhập quốc dân; mặt khác, các tỉnh ven biển cũng phải hứng chịu nhiều tai biến liên quan đến biển như bão lụt, sạt lở bờ biển, nguy cơ động đất, sóng thần…

Xu hướng phát triển của thế giới hiện nay và trong tương lai đang đẩy mạnh các nghiên cứu về biển và đại dương. Điều này đặt ra nhiều cơ hội về sự hội nhập trong nghiên cứu, đồng thời cũng tồn tại sự cạnh tranh rất quyết liệt về chủ quyền lãnh hải, khai thác các nguồn tài nguyên quý giá trên biển. Các nước láng giềng có ranh giới lãnh hải với Việt Nam như Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Thái Lan… đang có các chiến lược nghiên cứu khoa học biển rất mạnh mẽ và thu được những thành tựu đáng ngạc nhiên.

Những vấn đề trên cho thấy, việc đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN biển ở nước ta là một đòi hỏi tất yếu không chỉ nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, phòng tránh thiên tai có hiệu quả mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải. Nghiên cứu KH&CN biển bao gồm nhiều lĩnh vực phức tạp, đa dạng và có tính đặc thù; nhiều nội dung nghiên cứu, phương pháp khảo sát rất tốn kém và khác với quá trình tiến hành nghiên cứu đất liền, vì vậy đòi hỏi phải có chiến lược phát triển đúng và các bước đi thích hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra.

Hoạt động nghiên cứu KH&CN biển

altNghiên cứu biển bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu điều kiện địa chất; đánh giá tiềm năng tài nguyên biển; dự báo tai biến thiên nhiên; đánh giá đặc điểm khí tượng, thuỷ văn, động lực biển; khả năng sử dụng năng lượng biển; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; xây dựng mô hình kinh tế biển…

Những năm qua, trường Đại học Mỏ địa chất, trong đó các cán bộ của Khoa Dầu khí và Khoa địa chất đã chủ trì một loạt các nghiên cứu theo các hướng chủ yếu sau:

      - Nghiên cứu đặc điểm địa chất và địa vật lý vùng biển Việt Nam bao gồm: Nghiên cứu đặc điểm địa chất và địa chất công trình vùng thềm lục địa phục vụ phát triển kinh tế biển và xây dựng các công trình biển; làm sáng tỏ đới chuyển tiếp giữa đất liền và biển; các hoạt động địa động lực hiện đại và mối quan hệ giữa chúng với nguồn gốc của các tai biến địa chất; phân vùng đặc điểm địa chất và địa chất công trình biển…

Nghiên cứu áp dụng các thành tựu mới trong xử lý và minh giải tài liệu địa chất và địa lý nhằm nâng cao hiệu quả thăm dò dầu khí ở các bể trầm tích thềm lục địa Việt Nam…

Các nghiên cứu này được thực hiện dưới dạng các đề tài KH&CN trọng điểm cấp nhà nước thuộc chương trình nghiên cứu biển và các đề tài thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản.

Từ năm 1991 trở lại đây, Trường đã liên tục chủ trì 4 đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước về nghiên cứu biển, đó là Đề tài KT03-15 (1991-1995) về ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật mới trong công tác đo đạc và bản đồ biển; 3 đề tài về nghiên cứu địa chất - địa chất công trình thềm lục địa Việt Nam gồm Đề tài KHCN 06-11 (1995-2000) nghiên cứu chung toàn thềm lục địa, Đề tài KC09-09 (2001-2005) nghiên cứu tỷ mỉ hơn cho vùng thềm lục địa Đông - Nam và Đề tài KC09-01/06-10 (2006-2010) nghiên cứu khu vực thềm lục địa miền Trung. Qua việc triển khai một cách có hệ thống các đề tài nghiên cứu biển nói trên, cho phép rút ra một số nhận xét sau:

- Các kết quả nghiên cứu địa chất và địa chất công trình biển trong các đề tài này không chỉ cho phép làm sáng tỏ đặc điểm địa chất biển một cách có hệ thống từ cấu trúc sâu đến cấu trúc nông, liên kết tài liệu nghiên cứu địa chất trên đất liền, ven bờ và ngoài biển mà còn có tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên vùng biển như thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng công trình biển, quản lý và bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu còn quan tâm đến đặc điểm các vùng biển như đánh giá điều kiện địa chất, các yếu tố biến động đường bờ biển, phân vùng địa chất công trình các vùng cửa sông, vùng kinh tế biển có nhiều công trình trọng điểm…

- Để nâng cao hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu biển không thể chỉ tiến hành trong phạm vi một đơn vị độc lập mà cần thiết phải có sự phối hợp thực sự có hiệu quả của nhiều cơ quan và các địa phương có liên quan. Trong quá trình nghiên cứu khoa học của trường đã có sự phối hợp của các đơn vị khác nhau thuộc Viện KH&CN Việt Nam, Cục Địa chất và Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải Quân, các tỉnh ven biển… Sự phối hợp này mang đã lại hiệu quả khoa học và kinh tế cao trong quá trình khảo sát biển của Trường vì đã tận dụng được tàu thuyền, phương tiện, thiết bị, các kết quả khảo sát của các cơ quan khác đã có (mẫu địa chất các giếng khoan dầu khí và các chuyến khảo sát khác, tài liệu địa chấn dầu khí và địa chấn phân giải đới ven bờ…) để phục vụ việc khảo sát và nghiên cứu.

- Ngoài ra, cũng cần phải  phối hợp tốt với đội ngũ cán bộ là các nhà khoa học trẻ. Việc tập hợp lực lượng và kết hợp các thế hệ cán bộ trong nghiên cứu khoa học biển cho phép khai thác trí tuệ và kinh nghiệm của các nhà khoa học lớn tuổi, qua đó bồi dưỡng thêm kiến thức cho đội ngũ cán bộ trẻ. Các kết quả nghiên cứu khoa học về biển đã tạo điều kiện xuất bản các chuyên khảo và giáo trình về địa chất và địa vật lý biển, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ về địa chất và địa vật lý biển ở các đơn vị như Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện KH&CN Việt Nam…

- Với xu hướng phát triển mạnh mẽ nghiên cứu biển của các nước trên thế giới, các thành tựu nghiên cứu biển của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc mở rộng hợp tác quốc tế là rất cần thiết, nhằm trao đổi kinh nghiệm, rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiết kiệm vốn đầu tư và nâng cao vị thế khoa học biển của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học biển, các nhà khoa học Việt Nam đã tham gia báo cáo khoa học ở các hội nghị quốc tế có uy tín như Hội nghị Công nghệ biển (Mỹ), Hội nghị Địa chất dầu khí (Ba Lan), Hội nghị Khoa học Biển (Hàn Quốc), Hội nghị Địa chất Quốc tế (Italia)… Ngoài ra, sự phối hợp trong nghiên cứu khoa học biển của Nhà trường với Cục Địa chất Đan Mạch (thông qua Dự án ENRECA), Viện Địa chất và Khoáng sản KIGAM - Hàn Quốc (thông qua dự án hợp tác giữa 2 cơ quan) đã cho thấy rõ hiệu quả hợp tác quốc tế trong những điều kiện khó khăn của Việt Nam…

- Hướng nghiên cứu phục vụ nâng cao hiệu quả thăm dò và khai thác dầu khí trên biển đã được triển khai một cách có hệ thống dưới dạng các đề tài nghiên cứu cơ bản và các phối hợp nghiên cứu với các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong xử lý và minh giải tài liệu địa chất, địa chấn, địa vật lý giếng khoan… đã góp phần tăng cường hiệu quả thăm dò dầu khí trong các đới nứt nẻ của móng granit, các vùng có dị thường áp suất, các tầng chứa trong đá carbonat, vùng biển sâu và xa bờ…

Một số ý kiến về phối hợp trong nghiên cứu biển

Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển trong những năm qua cho thấy, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu biển là hướng nghiên cứu đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Mặc dầu đây là một lĩnh vực nghiên cứu rất đa dạng và phức tạp; quá trình khảo sát và nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Do vậy, những kết quả đạt được trong quá trình nghiên cứu mới chỉ là bước đầu, còn nhiều hạn chế và đòi hỏi phải có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trên cơ sở quá trình nghiên cứu đã qua, chúng tôi có một số đề nghị như sau:

- Việt Nam có khá nhiều các trường đại học, cao đẳng khối khoa học kỹ thuật có liên quan đến lĩnh vực biển. Tuy nhiên, những năm qua, sự đóng góp của các trường này còn rất hạn chế và thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Một loạt các vấn đề đặt ra có thể có sự phối hợp giữa các trường như nghiên cứu địa chất biển, dự báo các hiểm hoạ liên quan đến biển (động đất, sóng thần, biến động bờ biển, ô nhiễm môi trường biển…), khai thác năng lượng biển, thăm dò nguồn tài nguyên biển (dầu khí ở vùng nước sâu), khả năng tồn tại và khai thác nguồn năng lượng mới hydrad khí, điều kiện xây dựng các công trình biển và ven biển, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế biển (giao thông vận tải, xây dựng và phát triển đô thị, phòng chống thiên tai)...

- Nghiên cứu biển là một lĩnh vực nghiên cứu rất quan trọng song tổ chức thực hiện lại rất tốn kém và phức tạp; trong khi đó, các cơ sở nghiên cứu khác nhau ở trong nước lại được đầu tư mua sắm phương tiện trang thiết bị không đồng bộ, phân tán và nhỏ lẻ. Các trường đại học tuy có lực lượng cán bộ nghiên cứu nhưng lại rất thiếu cơ sở vật chất; ngược lại, nhiều cơ sở sản xuất được đầu tư mua săm thiết bị, máy móc hiện đại nhưng lại thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật. Cho đến nay, sự phối hợp giữa các trường đại học và các địa phương vùng biển trong triển khai nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bước đầu đã có chuyển biến nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Một vấn đề lớn cần được quan tâm là sự phối hợp ở tầm vĩ mô giữa các bộ/ngành chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, để đẩy mạnh các nghiên cứu biển cần có sự liên kết, phối hợp giữa lãnh đạo và các cơ quan chức năng của các bộ/ngành mà trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trong việc phê duyệt và cấp kinh phí cho các đề tài/dự án nghiên cứu…

- Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển, nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ nghiên cứu của Việt Nam với các nước. Muốn vậy, cần có sự phối hợp nghiên cứu có hiệu quả với các nước trong khu vực và các nước có vùng biển. Cần tạo điều kiện để các cán bộ (đặc biệt là cán bộ trẻ) được hoạt động trong môi trường hợp tác quốc tế, có điều kiện để công bố các kết q

uả của quá trình nghiên cứu trên các hội nghị và các tạp chí có uy tín trên thế giới…

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta, vấn đề đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu biển đóng vai trò rất quan trọng. Với tỷ lệ hơn một phần ba các tỉnh/thành trong cả nước có bờ biển, diện tích vùng biển lớn gấp ba lần diện tích đất liền và tỷ trọng kinh tế thu nhập từ biển là rất lớn, do vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động KH&CN biển là một yêu cầu của thực tiễn khách quan, rất cần sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức nghiên cứu với các tỉnh ven biển, đặc biệt là các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực biển./.

GS.TSKH Mai Thanh Tân
Trường Đại học Mỏ - Địa chất

alt