Home Đời sống Sức khỏe Siêu vi khuẩn kháng thuốc NDM-1 Tiếp tục là một lời cảnh báo

Siêu vi khuẩn kháng thuốc NDM-1 Tiếp tục là một lời cảnh báo

Email In PDF.

Chân dung NDM-1

Ngày 11/8, các nhà khoa học Anh cho biết họ đã phát hiện một loại gien mới có tên gọi New Delhi metallo-beta-lactamase (còn gọi là NDM-1) trong cơ thể những bệnh nhân ở Nam Á và ở Vương quốc Anh. NDM-1 khiến cho vi khuẩn có khả năng kháng rất mạnh đối với hầu hết tất cả các loại kháng sinh hiện có, bao gồm cả kháng sinh mạnh nhất hiện nay là carbapenem. Tờ The Lancet Infectious Diseases dẫn kết quả của nhóm nghiên cứu trường Đại học Cardiff (Anh) do nhà khoa học Timothy Walsh đứng đầu cho biết đã phát hiện nhiều bệnh nhân có vi khuẩn chứa NDM-1 và có khả năng kháng thuốc.

altCho đến nay, các nhà khoa học mới xác định được khoảng hơn 50 ca nhiễm “siêu vi khuẩn” này tại Anh, tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại chúng sẽ lây lan ra toàn cầu. Trong số hơn 50 ca kể trên, ít nhất đã có gần một nửa bệnh nhân đã từng du lịch đến Ấn Độ hoặc Pakistan trong năm ngoái. Ở một số ca bệnh, nhiễm khuẩn chỉ ở mức nhẹ, trong khi những trường hợp khác bệnh diễn tiến rất nặng. Một số trường hợp bị nhiễm trùng máu. Một người đàn ông Bỉ được ghi nhận là trường hợp đầu tiên chết do “vi khuẩn siêu kháng thuốc” có nguồn gốc từ Nam Á, và ông này cũng đi du lịch từ Pakistan về. Đáng lo ngại là những ca bệnh này đã xuất hiện rải rác ở một số nước như Mỹ, Canada, Australia và Phần Lan. “Đây là một thách thức lớn với ngành y tế của Anh. Chúng ta cần kiểm soát dịch bệnh tốt trước khi nó có khả năng lây lan”. Tiến sĩ David Livermore, thuộc Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh nói.

Bộ Y tế Anh cũng đã đưa ra lời cảnh báo về vấn đề này và cho biết bệnh đã lan rộng từ các nước Nam Á sang Anh và có thể lan ra toàn thế giới, đồng thời khẳng định trong tương lai gần chưa có loại thuốc nào có khả năng đối phó với căn bệnh này.

Tại sao NDM-1 xuất hiện?

Vì sao “siêu vi khuẩn” này xuất hiện? vẫn là câu hỏi khiến giới khoa học băn khoăn. Từ khi nhà sinh học Alexander Fleming phát hiện ra kháng sinh Penicillin vào năm 1928 và bào chế thành thuốc vào năm 1943, tưởng như thế giới đã chống chọi được với tất cả các căn bệnh. Bởi lẽ, tiếp sau Penicillin, nhiều loại kháng sinh đặc chủng khác đã ra đời. Thống kê mới đây cho thấy hiện thế giới có hơn 5.000 loại kháng sinh đang được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm và đã có gần 1.000 loại kháng sinh bán ra trên thị trường thế giới.

Theo giới chuyên môn, sở dĩ “siêu vi khuẩn” NDM-1 xuất hiện và lây lan nhanh như vậy là do nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến tình trạng kháng thuốc do sử dụng thuốc tràn lan của con người. Nhiều loại kháng sinh công hiệu một thời thì nay tác dụng trị liệu đã giảm sút nhiều. Một phần là vì điều kiện môi trường, phần khác là do tình trạng lạm dụng thuốc ngày càng tăng.

Thông thường, kháng sinh được chia làm nhiều nhóm như nhóm penicillin, cephalosporin, tetracyclin, quinolon. Mỗi nhóm có một số kháng sinh khác nhau. Những kháng sinh thường được sử dụng hiện nay là penicillin, amoxycillin, ampicillin, cephalosporin….

Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế.

Với tốc độ lây lan nhanh và khó kiểm soát như hiện nay, khó có thể đòi hỏi dập dịch ngay tức thời. Tuy nhiên, NDM-1 tiếp tục là một lời cảnh báo: con người sẽ gặp thêm nhiều tai hoạ nếu tiếp tục lạm dụng thuốc và coi thường sinh mạng mình như hiện nay./.

Nhật Quang (Theo Le Figarro, RFI và BBC)

alt