Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 có hiệu lực từ 1/8/2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội (sáp nhập nguyên tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), Hà Nội được mở rộng hơn 3 lần và là Thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, với diện tích đất tự nhiên 334.470.02 ha và dân số 6.232.940 người.
Hà Nội mở rộng có thêm tiềm năng đất đai, nguồn lực con người dồi dào hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bố trí lại các khu công nghiệp và các khu chức năng khác của Thủ đô cho phù hợp với yêu cầu thị trường, môi trường, cảnh quan và phát triển, cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng, hiện đại và hiệu quả hơn, có thị trường mở rộng, có tính bổ sung, liên kết, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn. Nông nghiệp Thủ đô tuy gia tăng về tỷ trọng trong cơ cấu GDP, nhưng sẽ có thêm cơ hội được chuyên môn hóa và hiện đại hóa cao hơn.
Sự tập trung và cộng hưởng của hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (trong đó nhiều di sản có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm và được xếp hạng quốc gia) của các địa phương thuộc Hà Nội mở rộng, đồng thời việc triển khai chuẩn bị Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ tạo nên sự thăng hoa rực rỡ hơn bức tranh văn hóa đa sắc, hoành tráng và vô giá, góp phần khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, tạo điều kiện thu hút thêm nguồn đầu tư, góp phần khai thác, mở rộng tiềm năng sẵn có của những địa phương và thị trường liên quan...
Sau mở rộng, Hà Nội có đội ngũ đông đảo các làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 45% về số lượng trong tổng số gần 2.800 làng nghề và có mặt 47 nhóm nghề trong tổng số 52 nhóm nghề của cả nước. Trước sáp nhập, Hà Nội có 26 làng nghề truyền thống với hơn 20.000 lao động tham gia trực tiếp; Hà Tây trước sáp nhập có tới 1.150 làng nghề và làng có nghề (chiếm 80% tổng số làng trong tỉnh), trong đó 220 làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn cấp tỉnh, chiếm khoảng 1/5 giá trị toàn ngành công nghiệp và hơn 2/5 giá trị sản xuất khu vực ngoài quốc doanh, xuất khẩu tới 30.000 tỷ đồng mỗi năm, thu nhập bình quân làng nghề từ 1.500.000đ - 4.000.000đ/người/tháng và tỷ lệ hộ nghèo ở làng nghề 3,7%, bằng 1/3 mức trung bình cả nước. Bình quân 5 năm (từ 2006 - 2010), GDP của Hà Nội (mở rộng) dự kiến tăng 10,38%/năm (cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước), giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ đạt 10,15%/năm, của ngành công nghiệp - xây dựng đạt 12,31%/năm, của ngành nông nghiệp đạt 1,75%/năm. Cơ cấu kinh tế Thủ đô ngày càng đậm nét: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2010, ước tỷ lệ các ngành trong cơ cấu GDP: dịch vụ là 53,62%, công nghiệp - xây dựng: 40,92%, nông nghiệp: 5,46%.
Hằng năm, Thủ đô đã tạo việc làm cho hơn 10 vạn lao động. Năm 2010, hệ thống cơ sở đào tạo nghề tăng hơn 20%, quy mô đào tạo nghề tăng khoảng 20.000 người so với đầu năm 2006, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung lên 53% năm 2010.
Đến nay, Hà Nội đã thu hút được khoảng 22 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu hàng hóa sang gần 200 khu vực thị trường của các quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm đón gần 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế.Nhiều quy hoạch phát triển đã và đang được tập trung xây dựng, hoàn thiện: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”, “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050", quy hoạch chi tiết, quy hoạch các khu đô thị, trục giao thông chính; quy hoạch chi tiết 1/500 các khu nhà chung cư cũ, xuống cấp để có kế hoạch đầu tư, xây mới. Kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng ngày càng đồng bộ: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai 3, Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Lê Văn Lương kéo dài, quốc lộ 32 (đoạn Mai Dịch - Sơn Tây), trục phía bắc Hà Đông, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), đường Láng - Hòa Lạc mở rộng, Lạc Long Quân, Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, đường Văn Cao - Hồ Tây, nút giao Kim Liên, nút giao Ngã Tư Sở; một số công trình hạ tầng giao thông cấp thiết khác đang được tập trung triển khai quyết liệt: dự án đường 5 kéo dài, Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 3 (đoạn Hà Nội - Thái Nguyên), đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trục Bắc - Nam và trục phía Nam, đường Hòa Lạc - Hòa Bình, các tuyến đường sắt đô thị: Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi, Nam Thăng Long - Thượng Đình (giai đoạn 1).
Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu đô thị được đầu tư, khớp nối, chỉnh trang gắn kết với các khu dân cư lân cận theo hướng ngày càng hoàn chỉnh hơn. Hoàn thành đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải tại các khu vực hồ Yên Sở, hồ Bảy Mẫu, hồ Trúc Bạch, Bắc Thăng Long - Vân Trì, nhằm cải thiện môi trường. Vận tải công cộng tiếp tục mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 17m2; bảo đảm thu gom 95% lượng rác thải trong ngày tại đô thị, tổ chức chôn lấp hợp vệ sinh. Tích cực xây dựng, cải tạo các hồ, công viên, nâng cấp 49 vườn hoa, nâng diện tích đất cây xanh bình quân đầu người từ 5m2 năm 2005 lên 5,7m2 năm 2010.
Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội được quan tâm, triển khai tích cực. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa lớn được tổ chức thành công, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô ở trong nước và trên thế giới.
Bên cạnh đó, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách và người nghèo được thực hiện có hiệu quả; phong trào “đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành; chính sách đối với người có công và các chính sách xã hội khác được quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Phát huy vai trò “là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”, Hà Nội sẽ tập trung vào phát triển nền kinh tế tri thức với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hiện đại làm động lực thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Hà Nội phấn đấu cómức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 9% - 10% (2011 - 2020), tương ứng thu nhập GDP bình quân đầu người tăng 2,6 đến 2,8 lần so với hiện nay (đạt từ 5300 USD đến 5.500 USD; tăng trưởng 8% - 9% vào năm 2030 và thu nhập người dân tăng 2,3 đến 2,5 lần, đạt từ 11.000 đến 12.000 USD/người/năm); đóng góp từ 18% đến 18,5% vào GDP cả nước; tỉ lệ hộ nghèo dưới 1%, an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô ngày càng được nâng cao.
Trong thời gian tới, Hà Nội đứng trước nhu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu, phát triển mạnh các ngành, sản phẩm và thương hiệu có giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, các ngành công nghiệp phụ trợcó hàm lượng vốn và khoa học cao, công nghiệpchế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Phát triển đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại; chú trọng quan tâm bảo vệ và cải thiện môi trường; phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở các vùng còn khó khăn, vùng nông thôn. Đồng thời, coi trọng phát triển Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia, trung tâm đánh giá chất lượng quốc gia, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của cả nước, một số lĩnh vực đạt đẳng cấp quốc tế; Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội và góp phần từng bước xây dựng Thủ đô thành một trung tâm giao dịch quốc tế có uy tín ở khu vực và thế giới…/.
TS. Nguyễn Minh Phong
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội