Từ ngã tư thị trấn Cầu Giát huyện lỵ Quỳnh Lưu, Nghệ An về hướng tây theo đường 537A là đến xã Quỳnh Châu (xưa gọi là làng Tam Lễ) sẽ gặp ngã ba Tuần. Trên quãng đường chụccây số ấykhách bộ hành sẽ phải trèo qua bangọn truông: truông Thọ, truông Ách và truông Lá Da để đến Tam Lễ. Hai bên đường là những đồi núi trập trùng và thông non xanh mướt mắt. Truông Lá Da chỉ dài hơn cây số thuộc làng Tam Lễ, xưa kia núi rừng rậm rạp và nhiều thú dữ có tiếng, vì thế, làng Tam Lễ có ba bốn phường săn. Phía bên trái con đường ngược lên Tuần hiện còn dấu tích một con sông cụt được đào xuyên qua hai ngọn truông đá. Đó là công trình vừa giao thông vừa thủy lợi rất lớn mà bị dang dở của thời nhà Hồ. Cách đó không xa về hướng đông nam là núi Bất Nguỳ, nơi mang dấu ấn huyền thoại của một ông vua cải cách -Hồ Quý Ly. Trong dân gian còn truyền tụng nhiều huyền sử về truông Lá Da và núi Bất Ngùy và làng Bàu Đột-nơi có đền thờ hai vua (Hồ Quí Ly và Quang Trung) cũng là quê hương Hồ QuyLy.
Hồ Quý Ly là một ông vua tài năng xuất chúng. Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, ông đã từng bước tiến hành một loạt những cuộc cải cách rộng lớn về hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, những cuộc cải cách tích cực ấy là quá sớm nên không được chấp nhận. Việc đục đá đào sông xuyên qua truông Lá Da nối sông Thái (sông Cầu Giát) với sông Hiếu làm đường vận tải thủy từ miền Tây về miền Đông Nghệ An, cũng là phòng tuyến để chống giặc Minh. Và con sông dang dở ấy cũng là công trìnhthủy lợi đưa nước sông Hiếu về tưới cho vùng Quỳnh Lưu,vốn rất thiếu nước. Tuy nhiên công trình to lớn ấy bị bỏ dở 600 năm nay khi chủ nhân của nó bị giặc ngoạixâm đánh bại.
Hồ Quý Ly sinh ra và lớn lên ở Thanh Hoá nhưng ông tổ bốn đời của ông ở làng Bàu Đột, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau khi truất ngôi nhà Trần lên làm vua được một năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương rồi làm Thái thượng hoàng cùng coi việc nước theo truyền thống triều Trần. Ba năm sau, ông về làng Bàu Đột để củng cố lại đền thờ và các ngôi mộ của các vị tiền bối. Một hôm ông nằm mộng thấy một ông già cầm gậy trúc gõ vào đầu và nói:
- Người có công với xã tắc, nhưng không được lòng dân. Ngươi sẽ bị khốn nếu không nghe lời ta.
- Thưa cụ, sao thế ạ ? Hồ Quý Ly cung kính hỏi.
- Chôn sống hàng trăm người (của họ Trần) ở Đốn Sơn, xây thành đào sông, làm đường, đánh chiếm Chiêm Thành… Bách tính vất vả.
- Vâng thưa cụ, bây giờ phải làm gì ạ? Hồ Quý Ly vẫn cung kính hỏi.
- Hãy trở lại đất này.
Tỉnh mộng, Hồ Quý Ly hiểu ý ông già trong mộng. Ngay sau đó, Hồ Quý Ly cho xây dựng ở Nghệ An nhiều căn cứ địa để đối phó với quân nhà Minh đang lăm le xâm lược nước ta. Không hiểu giấc mơ đó là có thật, hay Hồ Quý Ly dựng lên để dễ bề thực hiện ý tưởng của mình.
Ông đã cho xây dựng ở Bàu Đột một căn cứ địa như là một kinh đô chiến lược. Ông quyết định đào sông Thái kéo dài về phía Tây để nối với sông Hiếu, đưa một phần nước sông Hiếu đổ vế sông Thái. Sông Hiếu là con sông có lưu lượng nước lớn là nhánh chính đổ về sông Lam. Khi sông đào hoàn thành sẽ là một công trình có ý nghĩa về giao thông, kinh tế vừa là hào lũy phía Bắc bảo vệ cho căn cứ địa chiến lược Bàu Đột.
Truông Lá Da thuộc làng Tam Lễ mà làng Tam Lễ có địa thế rất cao, được ví như nóc nhà của huyện Quỳnh nên nước ở đó chảy về ba phía: Bắc, Tây, Nam. Phía Bắc đổ về sông Mai, phía Nam đổ về huyện Diễn Châu; phía Tây đổ lên vùng Phủ Quỳ. Vì có truông Lá Da nên nước ở Tam Lễ không chảy về phía Đông. Thật hiếm thấy ở một vùng nào trong nước ta, nước lại từ phía Đông chảy ngược từ đông lên Tây. Tức là, nước ở Tam Lễ từ đầu nguồn khe Buôn, chảy lên khe Son rồi đổ vào sông Hiếu thuộc thị xã Thái Hoà. Nước chảy ngược, nên dân thường ở đây hay nói trạng vì vậyHồ Quý Ly cho đào sông là để nước khỏi chảy ngược. Ý tưởng đào con sông này là sản phẩm của một bộ óc siêu phàm. Như vậy công trình sông đào này xuyên qua được Truông Lá Da tới điểm phân thủy là đầu nguồn khe Buôn của làng Tam Lễ, sau đó chỉ cần hạ độ cao của đáy khe Buôn và đáy khe Son thì nước sông Hiếu sẽ ào ạt chảy xuôi về phía Đông đổ vào sông Thái, ngang qua phía Bắc làng Bàu Đột.
Hồ Quý Ly đã huy động hàng vạn dân phu khắp nước với gồng gánh, cuốc xẻng và binh ngũ chỉnh tề về đây để thực hiện hoài bão của mình. Khi công cuộc đào sông đến giữa truông Lá Da với độ sâu khoảng 25-30m thì sức cùng lực kiệt. Tướng sĩ mệt mỏi, dân phu chết chóc thê thảm vì đói rét, ốm đau và thú dữ. Trong lúc đó, giặc Minh bắt đầu mở màn cuộc tấn công xâm lược nước ta. Mẹ của Hồ Quý Ly vô cùng lo lắng cho vận mệnh của họ tộc và của đất nước, bà đã nghĩ ra một diệu kế là lấy nước vang đang đêm bí mật đổ xuống đoạn sông đang đào dở giữa truông Lá Da và phao tin lên rằng: sông đào đã chạm phải “mạch rồng”, nên dừng ngay việc đào sông. Được tin, nhà vua trẻ cho người đi kiểm tra và thấy có hiện tượng đó, liền thỉnh báo với Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly và cho dừng ngay việc đào sông.
Có một ngọn núi đứng thẳng hình chiếc nón úp nằm giữa vùng Bàu Đột và truông Lá Da. Tương truyền khi công trình bước vào giai đoạn quyết liệt thì trong một đêm tối trời bỗng nhiên gió nổi ầm ầm, mây đen vần vũ, sấm vang, chớp giật đến khi trời sáng thì ngọn núi như bị ai uốn khom, lưng ngoảnh về Bàu Đột nơi Hồ Quý Ly đang ở. Thấy chuyệnlạ, dân trong vùng dặt tên là núi Bất Ngùy (cũng có người gọi là Ất Ngùy). Cái tên gọi đó không hiểu người đặt có dụng ý gì nhưng cũng gợi cho người đời suy ngẫm.
Ngày nay, khi đến giữa truông Lá Da ta thấy có một vực sâu hun hút, chạy ngoằn ngoèo, đó là dấu tích con sông đào dở dang của nhà Hồ. Núi Bất Ngùy cạnh đó vẫn sừng sững giữa đồng lúa và đang quay lưng về Bàu Đột.
Qua huyền thoại Truông Là Da - Núi Bất Ngùy ta thấy một tư duy siêu phàm của Hồ Quý Ly. Nếu sông đào thành công thì đây là một công trình mang nhiều ý nghĩa về kinh tế quân sự, dân sinh. Nhưng trong điều kiện về kỹ thuật, công cụ cũng như sức người thời ấy thì việc đào sông là việc làm vô cùng mạo hiểm. Công trình dang dở là vi thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều không thuận.Trước hết là trời không thuận, thể hiện ở ngọn núi Bất Ngùy bỗng nhiên quay lưng về Bàu Đột. Thứ hai là địa không lợi, vì sông đào phải đi qua một vùng núi non hiểm trở, thú dữ quậy phá, lại chạm phải mạch rồng. Thứ ba là nhân không hòa. Vì nhân dân còn oán thán việc nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần và đang trong lúc giặc phương Bắc lăm le xâm lược lại bị hao công, tốn của vào việc xây dựng nhiều công trình lớn.
Truông Lá Da, núi Bất Ngùy và sông nhà Hồ, một di sản dở dang hiếm cólàmcho ai điqua nơi đây đều phải suy nghĩ về đất nướcvà con người./.
Trần Ngưỡng