Home Giáo dục Tin tức Một cái nhìn cận cảnh về: Hiện trạng giáo dục phổ thông ở xứ ta

Một cái nhìn cận cảnh về: Hiện trạng giáo dục phổ thông ở xứ ta

Email In PDF.

Chúng ta đang hướng tới xây dựng một nền “kinh tế tri thức”; mà muốn thế, phải nhanh chóng tạo nên một “xã hội học tập” - được hiểu như là một sự thay đổi hệ thống học - cổ truyền (học xong rồi làm), để chuyển sang hệ thống học tập mới - suốt đời. Trong hệ thống đó, tri thức có giá trị hàng hoá, và mỗi người phải biết chuyển hoá tri thức thành kỹ năng, thành công nghệ, thành giá trị. Trong hệ thống đó, do học tập, tiếp thụ mà con người có được tri thức chung; và do năng lực vận dụng của bản thân mà chuyển hoá được thành tri thức riêng, của cá nhân.

Hình minh hoạĐể tri thức luôn luôn mới và để không ngừng trau dồi kỹ năng, phát triển trí sáng tạo, thì ai ai cũng phải học tập, học thường xuyên, học suốt đời. Nói “học suốt đời”, bởi khoa học kỹ thuật phát triển và thay đổi rất nhanh; nếu con người không biết cách điều chỉnh và bổ sung kiến thức thì tất yếu sẽ bị lạc hậu và đào thải. Muốn vậy phải vận dụng và sáng tạo nhiều phương thức học. Học ở trường lớp và học ở ngoài đời. Học trong cộng đồng và học trên mạng. Học trong làm và làm gắn với học... Và hệ thống giáo dục phải đảm bảo cho mọi người bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể học được.

Có nghĩa là chỉ đến lúc ấy thì cái vốn người, vốn con người mới đích thực là vốn quý, và là vốn lớn nhất tạo ra các giá trị.

Hiểu một “xã hội học tập” trong tương ứng và trong khả năng đáp ứng một nền “kinh tế tri thức” như trên, quả là hiện tượng còn chưa thấy rõ lắm trong xã hội ta hiện nay.

Nhưng một chuyển động để hướng tới một “xã hội học tập” như thế, hoặc một diện mạo bề ngoài của sự học tập mang tính toàn cục như thế thì quả cũng đã có dấu hiệu ở ta trong nhiều năm gần đây. Có lẽ nó đã được bắt đầu từ khi chế độ bao cấp bị xoá bỏ; và trước áp lực của nền kinh tế thị trường, trước yêu cầu hội nhập vào khu vực và quốc tế, người ta bỗng thức nhận ra rằng: trên trường cạnh tranh, ở bất cứ đâu, và bất cứ lĩnh vực nào, nếu con người không học, không có tri thức thì sẽ không tồn tại được. Chuyện học, do vậy, không còn là chuyện của Nhà nước, hoặc của một bộ phận cư dân nào, mà phải là chuyện của mọi người, mọi nhà, vân vân... Tóm lại, dẫu với bất cứ cách nghĩ như thế nào, hãy cứ có nhu cầu học đã là tốt. Và cứ thế, cuộc sống như bị cuốn vào một guồng quay mới, khiến ai cũng lo lắng: phải học và học. Ngày học, đêm học. Quanh năm suốt tháng học. Học ở trường lớp chính quy hoặc không chính quy: hết lớp này sang lớp nọ, hết ca nọ đến ca kia. Học để có bằng hoặc chứng chỉ cho đủ loại nghề nghiệp lớn nhỏ, đủ loại cán bộ cao thấp, đủ loại công chức trên dưới. Sau ba cấp học ở bậc Phổ thông còn là Đại học, rồi trên Đại học và sau Đại học. Rồi còn là bổ túc, là tại chức, là ban đêm, là từ xa. Là chính khoá và ngoại khoá. Rồi là mở. Là bán công và bán tư. Là tư thục và dân lập...

Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì bức tranh đó phải nói là lạc quan. Một bức tranh học tập như thế quả là xưa nay chưa từng có, chỉ đến bây giờ mới có. Nhưng soi vào cận cảnh lại thấy bao là phiền muộn. Đứa trẻ vào lớp Một, mới 5, 6 tuổi đã phải mang trên lưng một cái ba lô to đùng, chất đầy các loại sách, vở, bút, bảng, cùng một chai nước là đủ oằn vai. Phải là một đứa trẻ khoẻ mạnh mới kham nổi một cái cặp như thế. Cả ngày ở trường, tối về lại cắm đầu vào bài học, bài tập, bài làm. Với bố mẹ hoặc ông bà kèm, phải đến 10 giờ đêm trẻ mới được lên giường ngủ. Và thế là mọi thứ được gọi là chương trình giải trí, là hoạt hình, là trò chơi, trên ti vi hoặc sách báo hoá ra vô nghĩa. Bởi chúng còn đâu có thì giờ mà xem! Một sự học như thế khiến cho trẻ rất mau già; học không còn là cuộc vui, học mà chơi, chơi mà học, đúng như nhu cầu của lứa tuổi.

Và kể từ lớp Một cho đến hết bậc phổ thông, 12 năm, lớp nào cũng thế, để đến với cái đích là hai kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông và vào Đại học kéo dài từ đầu xuân ngay sau Tết Nguyên đán cho đến hết mùa thu hàng năm; nó là cả một sự náo loạn, khốn đốn cho toàn xã hội. Nói toàn xã hội, bởi mỗi trẻ tham gia vào học đường là kéo theo cùng với nó cả bố mẹ, cả ông bà, cứ thế mà nhân lên thì hàng năm có đến hàng chục triệu người cùng sa vào một cơn đại mất ăn mất ngủ; còn riêng bọn trẻ thì rối loạn tâm thần, thuộc đủ các dạng, gần như là một hậu quả phổ biến.

Vậy là sự nặng nề, quá tải của chương trình chất nặng trong tất cả 12 năm học của bậc phổ thông. Muốn có một chương trình nhẹ hơn, cho thích hợp với từng lứa tuổi và với yêu cầu đào tạo thì trước hết cần một sự hoạch định lại chương trình sao cho phù hợp với trình độ phát triển mới của khoa học - công nghệ và với nhu cầu đích thực của xã hội; và một đội ngũ viết giáo khoa thật giỏi, thật là có trình độ bậc thầy. Ta có rất đông Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ các loại, và mỗi năm con số người có hàm, vị còn tăng lên rất nhanh, theo tốc độ mong muốn (cho kịp người - chẳng hạn đến 2020 phải có 2 vạn Tiến sĩ!) và cách làm (mỗi năm lại điều chỉnh hoặc thay đổi văn bản pháp quy - tức là quy chế) của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, nhưng lại thiếu một đội ngũ chuyên viết giáo khoa đạt chuẩn quốc gia. (Giáo khoa chứ không phải giáo trình. Bởi giáo trình thì bất cứ ai được giữ lại hoặc được mời dạy bậc Đại học đều phải có, do mình viết ra, hoặc do được soạn lại, bất kể chất lượng thế nào). Muốn có đội ngũ viết giáo khoa giỏi cho bậc phổ thông, theo tôi nghĩ, phải có những cách làm khác. Khởi động lại công việc này, ngay từ đầu, ở thời điểm hôm nay tôi nghĩ vẫn là cần thiết.

Trở lại một ít với lịch sử. Sau ba lần cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1979, hiện nay trong công cuộc Đổi mới đất nước và trong các mối giao lưu với quốc tế được mở rộng, chúng ta lại đang đứng trước thử thách phải tự tìm lấy đường đi cho  mình. Trước đây, trong nhiều chục năm, ta yên chí dựa theo mô hình Trung Quốc, Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa. Còn bây giờ, theo mô hình nào trong các nước tiên tiến về khoa học và công nghệ như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật? Hoặc các nước quanh ta như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Xanhgapo? Việc đi tìm một mô hình mới để thay đổi mô hình cũ phải dụng công; nhưng việc xem xét mô hình đó có sát hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu giáo dục của ta không càng phải dụng công hơn. Việc áp dụng một mô hình nào đó rất nên cân nhắc, ngay cả trước khi thử nghiệm. Thử nghiệm - đó quả là việc con người trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần phải làm. Có cái thử nghiệm trong không gian hẹp của phòng thí nghiệm. Có thử nghiệm phải tiến hành ở chỗ không người hoặc dưới đáy biển. Còn thử nghiệm về giáo dục là thử nghiệm trên hàng triệu, hàng chục triệu học sinh, sinh viên; kể từ mẫu giáo, vỡ lòng trở lên; và nếu tính đến cả những người “ăn theo” thì còn là con số lớn gấp hai, gấp ba, gồm cả các bậc bố mẹ, ông bà. Thành ra nó gây nên chấn động lớn. Nếu sai nó thành nỗi âu lo, mất ăn mất ngủ cho toàn xã hội. Và sự thật là thế qua các sự kiện diễn ra trong nhiều năm gần đây  mà báo chí đã nêu. Thử nghiệm, nếu đúng là thử nghiệm thì phải cân nhắc kỹ trên sự tập hợp trí tuệ của các đội ngũ chuyên gia và của toàn xã hội và chớ gấp gáp biến thành đại trà./.

Kỳ sau: Một cái nhìn cận cảnh về:
hiện trạng giáo dục đại học ở nước ta

alt

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung