Nằm trong phạm trù văn hóa, văn hóa sinh thái tự nhiên (VHSTTN) nhằm để chỉ mọi tác động của con người đến tự nhiên chung quanh theo hướng tích cực nhất, một mặt bảo tồn và duy trì một cách bền vững tính đa dạng vốn có của thiên nhiên, không làm phương hại đến tự nhiên, mặt khác với nhận thức khoa học của mình con người tìm mọi cách cải tạo - cải biến và thúc đẩy tự nhiên phát triển theo quy luật tiến hóa của tự nhiên; trên cơ sở đó không những con người chung sống hài hoà với tự nhiên, mà con người còn được thừa hưởng ngày càng nhiều hơn mọi của cải của tự nhiên ban tặng. Cũng có thể nói một cách cô đọng rằng VHSTTN là mọi hoạt động của con người nhằm làm cho môi trường sinh thái tự nhiên ngày càng đẹp đẽ hơn hoàn thiện hơn, phát triển bền vững hơn và chính sự bảo vệ tự nhiên sinh thái đó cũng là sự bảo đảm cho cuộc sống bền vững của con người.
Sinh thái tự nhiên, gọi cho đầy đủ là môi trường sinh thái tự nhiên, để chỉ toàn bộ thế giới tự nhiên mà trong đó con người sinh sống và ở một mặt nào đó con người là một bộ phận cấu thành môi trường sinh thái tự nhiên. Môi trường sinh thái tự nhiên bị mất cân bằng hay bị tàn phá bởi các yếu tố của tự nhiên, như mưa bão, lụt lội, hỏa hoạn và những hiện tượng thiên nhiên khác, trong đó sự tác động xấu đến nó bởi hoạt động của con người trong suốt lịch sử nhân loại cũng rất đáng kể, con người đã tàn phá môi trường sinh thái tự nhiên vì mục đích sinh tồn của mình nhưng một khi môi trường sinh thái tự nhiên bị tàn phá, thì cuộc sống của con người lại bị đe dọa nghiêm trọng, sự tồn tại của con người hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường sinh thái tự nhiên. Do đó việc bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên được đặt lên hàng đầu, là việc làm trước tiên quan trọng hơn cả việc bảo vệ thể chế chính trị, hệ thống kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, đặt ra vấn đề VHSTTN, như một cảnh báo đối với con người về những nguy cơ do môi trường sinh thái tự nhiên sẽ ập đến bởi các hoạt động phản văn hóa của con người đối với tự nhiên.
Sự nhận thức của con người đối với STTN
Đây là một loạt các vấn đề về tự nhiên chung quanh chúng ta, không những biết nó là gì, phải gọi đúng tên từng thứ một mà còn phải nhận biết một cách thấu đáo các quy luật hoạt động của chúng; biết nó để mà chung sống với nó, chẳng hạn biết rõ quy luật của mùa nước nổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long để có cách chung sống với lũ lụt; biết rõ vai trò giữ nước của các khu rừng để có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt rừng cây để mùa mưa, nước được giữ lại không gây lũ lụt nghiêm trọng.
Một loại hoạt động tích cực hơn của con người đối với tự nhiên, đó là sự nhận biết những tác hại của tự nhiên một cách có quy luật, con người có kế hoạch cải tạo tự nhiên một cách tích cực, nhằm giữ trạng thái bền vững cho môi trường sinh thái: chẳng hạn việc đắp đê ngăn nước hung giữ phá hoại mùa màng, hay đắp đập giữ nguồn nước, cải tạo đồng đất canh tác... Tuy nhiên sự quá lạm dụng thuỷ lợi hay quá lạm dụng xây dựng những cung đường giao thông, lại là việc làm lợi bất cập hại, thuỷ lợi chưa thấy đâu mà thuỷ tai đã nhẵn tiền, giao thông chưa thấy lợi mà rừng cây nhanh chóng bị tàn phá. Thiên nhiên mênh mông, quy luật hoạt động của thế giới sinh thái là vô cùng, mà nhận thức của con người, của mỗi cá nhân là có hạn; do đó cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu để nhận biết nó và có chính sách đúng đắn trước một vấn đề sinh thái, hoạch định chương trình ngắn hạn và dài hạn nhằm bảo vệ tính bền vững của môi trường sinh thái và có kế sách cải tạo môi trường sinh thái nhằm duy trì sự phát triển bền vững của sinh thái.
Có được nhận biết đúng đắn và có những kế sách tích cực về môi trường sinh thái chưa đủ, mà các cơ quan quản lý phải có được những biện pháp tích cực thông qua những chương trình kinh tế - xã hội – dân sinh có lợi cho sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái. Hội nghị quốc tế Côphen Hagen cuối năm 2009 về biến đổi khí hậu được nhóm họp là hướng tích cực của nhân loại nhằm hạ thấp nhiệt độ tăng hàng năm của trái đất vì khí thải do con người gây ra, song kết quả mà Hội nghị mang lại chưa tương xứng vì những nước nhả ra nhiều khí thải nhất còn so kè thiệt hơn, chưa chịu giảm đến tối thiểu khí thải như nhân loại mong muốn, bởi họ sợ tốn kém hơn.
Vì thế VHSTTN không chỉ là việc riêng của từng người từng cộng đồng nhỏ hẹp, mà là vấn đề của các quốc gia, các tổ chức liên quốc gia và quốc tế và của toàn thế giới. Một vụ sóng thần phá huỷ một khu vực rộng lớn, những núi băng ở các cực trái đất tan làm nước biển dâng lên 1-2m sẽ nhấn chìm hàng chục vạn km2 đất đồng bằng ven biển các châu lục.
- Các hoạt động tích cực cho STTN. Một chương trình chung vĩ mô cho bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái tự nhiên, rõ ràng là có vai trò chỉ đạo, nhưng sự tham gia bảo vệ và cải tạo tích cực môi trường sinh thái của hàng tỉ con người sinh sống khắp các châu lục, lại là sự quyết định đến việc có bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái tự nhiên được hay không ? Hằng ngày không có ai xả rác bậy vào môi trường, hàng ngày mỗi người không hút thuốc nhả khói vào không khí... đó là những việc nhỏ nhoi mà hàng tỉ người ai cũng có thể làm được nếu ý thức được rằng đó là những việc quá bé nhưng lại quá lớn tựa như góp những cơn gió nhỏ thành giông bão kinh động đất trời. Việc những loài thú rừng quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng, được các quốc gia và các tổ chức quốc tế bảo vệ và có nhiều cảnh báo, song ý thức của con người lại không tuân thủ các quy định đó, tổ chức săn bắn trộm bán cho những nhà hàng đặc sản, lại có quá đông khách hàng chọn thú rừng làm món ăn khóai khẩu... một hệ thống vô tình và hữu trách như vậy sẽ dẫn đến sự tuyệt diệt của muôn loài là điều cầm chắc. Những việc làm tích cực cho bảo vệ môi trường sinh thái một cách có ý thức của con người tuy chưa nhiều nhưng có tác dụng tích cực cho nhận thức và hoạt động chung, chẳng hạn có những gia đình quây trang trại vườn cây của mình để cho những đàn cò – đàn chim bay về trú ngụ quanh năm hay từng mùa vụ chim về tránh rét, tạo nên tính đa dạng thân thiện cho môi trường.
- Thái độ của xã hội trước những hành vi tốt xấu với sinh thái.
Hệ thống luật pháp của các quốc gia các tổ chức về bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái tự nhiên về các hoạt động tích cực bảo vệ và cải tạo môi trường của toàn thể cộng đồng, là những biểu hiện hàng đầu có tính văn hóa sinh thái tự nhiên; tất nhiên như vậy vẫn chưa đủ, bởi vì một khi con người không tự giác bảo vệ môi trường thì không có sự răn đe hành chính nào có thể kiểm soát nổi hành vi của con người, nhất là những hành vi phá hoại. Do đó cần có sự cảm hóa con người, làm sao cho mọi người không những nhận thức được tầm quan trọng của sinh thái tự nhiên mà bắt buộc họ bảo vệ môi trường sinh thái một cách tự giác, coi sự bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sự sống còn của chính mình.
Như vậy cùng với sự giám sát bảo vệ môi trường sinh thái của luật pháp, cần thiết phải tạo dư luận – công luận xã hội rộng khắp và liên tục biểu dương và lên án những hoạt động có văn hóa và phản văn hóa đối với môi trường sinh thái. Trước hết là tạo dư luận khen – chê tại những cộng đồng dân cư, từ thôn xóm xã phường đến các tổ chức xã hội, tai mắt của mỗi người dân như là những kiểm soát viên môi trường, động viên hay lên án tức thì những hoạt động đó, nó có tác dụng tích cực hạn chế các hành vi phá hoại môi trường. Dư luận xã hội trong từng cộng đồng cần thiết phải được văn bản hóa, đưa vào quy ước hoạt động của cộng đồng, như hương ước các làng xã, tộc ước các dòng họ, nội quy hoạt động của các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Các hương ước cũ trước đây, đều có đưa vào các nội dung bảo vệ nguồn nước, rừng cây quý, cảnh quan cộng đồng, bảo vệ đồng ruộng và các khu vực cộng đồng ... Ngày nay nên hoàn thiện các hương ước các làng xã, đưa vào trong đó mục bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của cộng đồng, như là một bắt buộc đối với mọi thành viên của cộng đồng. Thứ hai là sự đăng tải trên báo chí thông tấn phát thanh truyền hình rộng rãi, tạo cho toàn xã hội ý thức bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên một cách bền vững hơn. Vụ nhà máy bột ngọt VEDAN ở Bà Rịa – Vũng Tàu xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải trong nhiều năm liên tục, bị báo chí - truyền hình tố cáo liên tục, có tác dụng tích cực cảnh báo cho toàn xã hội, và cho đến nay nhà máy VEDAN đã hoàn thiện được hệ thống xử lý nước thải, đúng với tiêu chuẩn quy định; song việc nhà máy VEDAN chưa chịu đền bù thiệt hại cho nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng của môi trường, cần thiết phải được công luận phán quyết tích cực hơn.
Văn hóa sinh thái tự nhiên, qua đó cho đến cùng là hoạt động bảo vệ tự nhiên của chính con người, nhằm mục đích cao cả duy nhất là bảo vệ bền vững chính cuộc sống, sự tồn tại, sự phát triển và hạnh phúc của con người./.
Bùi Thiết