Home Đời sống Con người Vài nét về dân tộc Cơ-Ho

Vài nét về dân tộc Cơ-Ho

Email In PDF.

Dân tộc Cơ-ho có gần 145.857 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Cộng đồng Cơ-ho còn có các nhóm địa phương là Xrê, Nộp, Cơ dòn, Chil, Lát, Tring. Nhóm Xrê có số dân đông nhất, tập trung ở cao nguyên Di Linh. Tiếng Cơ-ho thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer.

Người Cơ-ho Lâm Đồng đang vui trong lễ hội cồng chiêngNgười Cơ-ho sống chủ yếu bằng lúa rẫy và lúa nước. Nhóm Xrê làm ruộng nước và định cư từ lâu, còn những nhóm khác sống bằng rẫy. Công cụ làm rẫy gồm: rìu, dao xà gạc, cuốc xà bát , gậy chọc lỗ...

Người Cơ-ho biết làm vườn, trong vườn trồng mít, bơ, chuối, bo bo, đu đủ... Nhiều buôn làng sống định cư và chuyên canh cây cà phê, dâu tằm.

Mỗi buôn của người Cơ-ho thường là bà con họ hàng gần xa với nhau. Người con gái đóng vai trò chủ động trong hôn nhân. Hôn nhân một vợ, một chồng bền vững, đôi vợ chồng sống tại nhà vợ.

Người Cơ-ho quan niệm có nhiều vị thần: Nđu là thần tối cao, sau đến thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, thần Núi, thần Sông, thần Đất, thần Lúa... Có nhiều nghi lễ liên quan đến cây lúa như: Lễ đâm trâu, lễ gieo giống, lễ rửa chân trâu... Lễ đâm trâu (nho sa rơ-pu) là một nghi lễ linh đình, thường được tổ chức sau khi thu hoạch xong mùa màng, chuẩn bị vào mùa rẫy mới. Trong các nghi lễ này, người Cơ-ho dùng nhiều nhạc cụ cổ truyền. Bên bếp lửa và ché rượu cần, già làng kể cho con cháu nghe nhiều sự tích, truyền thuyết, huyền thoại, giảng giải thơ, ca dao về giống nòi và quê hương.

Vốn văn học nghệ thuật dân gian Cơ-ho rất phong phú. Thơ Cơ-ho được gọi là Tam pla, giàu chất trữ tình. Người Cơ-ho có nhiều vũ khúc cổ truyền thường trình diễn trong các dịp hội lễ. Chiêng, trống da nai, khèn bầu, khèn môi, đàn 6 dây, sáo... là những nhạc cụ cổ truyền với âm sắc độc đáo và có cấu tạo mang bản sắc dân tộc.

Theo TTXVN