Home Di sản Việt Nam Ca trù dưới con mắt người ngoại quốc

Ca trù dưới con mắt người ngoại quốc

Email In PDF.

Người ngoại quốc đã viếng nước Việt Nam xưa nhất, có lẽ là Linh Mục Giovanni Filippo De MARINI, vào thế kỷ thứ XVII.  Ông đã viết  một quyển sách ghi lại những nhận xét của mình về nước Việt Nam và nước Lào. Sách viết bằng tiếng Ý, đã được ông Francois- Celestin Le Comte dịch ra tiếng Pháp dưới tựa là "Histoire nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao" (Lịch sử mới lạ của các vương quốc Đông Kinh và Lào Thuở ấy, người ngoại quốc gọi nước Việt là Đông Kinh), xuất bản tại Paris, nhà xuất bản G.Clouzier, năm 1666, 436 trang, trong đó có những đoạn về âm nhạc từ trang 71 đến 74, trang 171 và 182. Nhưng tác giả chỉ miêu tả rất nhiều về truyền thống Ca Trù mà không có một đoạn nào về các loại nhạc khác.

"Đào nương tập hát rất kỹ ... khi đã hứa hát nơi nào thì các cô bằng đủ mọi cách săn sóc tiếng hát của mình. Trong lúc đó, đào nương tránh chuyện chăn gối với chồng hoặc với tình nhân nhiều ngày trước buổi trình diễn. Các cô mặc dầu rất thích ăn thịt bò nhưng nghĩ rằng thịt bò có thể làm cho tiếng hát bớt trong, cách hát không được thoải mái nên các cô không ăn mà tìm thịt ếch để ăn vì trong dân gian nói rằng ăn thịt ếch thì tiếng hát trong trẻo hơn".

altÔng còn cho rằng nếu đào nương có thanh, có sắc nhiều lúc đã được vua chúa để ý và tuyển vào trong cung làm đến bậc vương phi. Ông còn được xem những điệu múa và theo ông các động tác rất uyển chuyển, mềm mại.

Ông còn miêu tả nhiều hơn nữa nhưng vì thời gian hạn chế nên chúng tôi chỉ tạm dịch vài điểm như trên đây.

Bắt đầu thế kỷ XIX, những nhà dân tộc học Pháp mới đến Việt Nam. Các ông Georges Dumoutier, Georges Cordier, Ernest Le Bris,  và nhiều nhà nghiên cứu khác đều không quan tâm đến Ca Trù. Họ chỉ nghiên cứu Âm nhạc dân gian như các điệu hò, lý, và âm nhạc thính phòng. Đặc biệt hai ông Cadière và Orband nghiên cứu rất sâu về âm nhạc cung đình Huế và Lễ Nam Giao.

Cũng trong thời gian đó, chánh  phủ thuộc địa toàn quyền tại Đông Dương đã có gởi một phái đoàn nghiên cứu âm nhạc dưới sự điều khiển của nhà âm nhạc học Gaston Knosp. Phái đoàn này đã đii khảo sát âm nhạc của ba nước Việt Nam, Lào và Cao Miên (ngày nay gọi là Campuchia), từ năm 1898 đến năm 1904, và đã viết một báo cáo bằng tiếng Pháp vào năm 1911 cho chánh phủ Pháp, bằng tiếng Đức, được xuất bản trong tạp chí của Viện quốc tế nghiên cứu dân tộc học (Internationales Archives fur Ethnographie), quyển XX, từ trang 112 đến trang 239. Bản báo cáo tiếng Pháp được đăng trong Bách khoa từ điển (Encyclopédie de la Musique et Dictionnaire du Conservatoire) do ông Albert Lavignac làm chủ biên, quyển V in tại Paris, nhà xuất bản Delagrave, năm 1922, giữa các trang 3100 và 3146. Mặc dầu  đã được đăng trong Bách khoa từ điển, bài này không có giá trị về Dân tộc âm nhạc học và chứa đầy sai lầm lớn. Sự đánh giá của tác giả cũng không có tính chất khoa học vì đã gặp những người giải thích không thông hiểu rõ âm nhạc Việt Nam.

Ông Gaston Knosp đã có nghe Ca Trù nhưng không nhận biết đó là Ca Trù hay Hát Ả đào. Trong một chương về những người ca, ông xếp Ca nương Ca Trù ngang hàng với những cô lái đò hò mái nhì trên sông Hương và ông chỉ thêm một câu "các bài hát đó rất dài, rất chán". Ông đã từng chủ quan đánh giá một cách không chính xác về các làn điệu của những bài hát Việt Nam mà ông cho là thua xa các bài hát của người Cao Miên ! Lúc đó, chẳng biết đào nương đã dùng bàn phách để phụ hoạ cho tiếng hát chưa mà ông Gaston Knosp chỉ ghi rằng các đào nương dùng hai miếng gỗ cứng gõ vào nhau (có lẽ ca nương gõ sênh). Ông còn cho rằng phần đông ca nương tánh nết không tốt và có hơi lả lơi nên những người nào lập gia đình xong thì không còn đi hát nữa.

Từ đó đến thế kỷ XX, không thấy nhà nghiên cứu ngoại quốc nào quan tâm đến Ca Trù nữa. Đến năm 1976, chúng tôi về nước để gặp gỡ các nghệ sĩ của các bộ môn. Chúng tôi nhờ Hội Nhạc sĩ Việt Nam giới thiệu với nhiều nghệ nhân và đã ghi âm tiếng hát hai bà cụ Quách Thị Hồ, NguyễnThị Phúc ; tiếng đàn của nhạc sư Đinh Khắc Ban và tiếng trống chầu của nhà thơ Trúc Hiền. Chúng tôi tuyển lựa một vài bài Hát Nói, Bắc Phản, và Tì Bà hành để ghi trong dĩa hát dưới nhãn hiệu UNESCO chung với những bài Quan họ được thông dụng. Số : EMI- ODEON 064-18310. Sau này dĩa hát đó được tái bản dưới nhãn hiệu CD Auvidis No. D8035, collection UNESCO Seri Musique et musicien du monde (Âm nhạc và Nhạc sĩ thế giới) Viet Nam : Ca Trù et Quan Họ. Sau khi dĩa hát đầu được xuất bản UNESCO đã mua gần 400 dĩa để gởi cho các Thư viện và các trường Đại học khắp năm châu. Chúng tôi đã thấy dĩa hát đó trong phòng lưu trữ các tư liệu nghe nhìn của trường Đại học Honolulu, Đại học Corneil, đại học Sorbonne ; của UNESCO và Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO... Sau đó, Tổng thư ký của cơ quan này, Ông Jack Bornoff và Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc theo phương pháp đối chiếu và lưu trữ tư liệu âm nhạc (Centre d'études comparatives de la musique et de la documentation) tại Tây Bá Linh đã đồng ký tên trên một bảng khen và cảm ơn nghệ sĩ  Quách Thị Hồ đã tham gia vào loạt dĩa UNESCO. Trong thư kèm theo, hai vị đã nói rằng các nghệ sĩ Ca Trù đã giữ vững di sản nghệ thuật của nước Việt Nam tức là gìn giữ một của quí của nhân loại.

Bên Anh, có một chàng thanh niên Barley Norton, sau khi nghe dĩa hát đó, đã tìm chúng tôi tại Paris để được nghe chúng tôi thuật lại cuộc điền dã năm 1976 và sau đó, anh có ý sang Việt Nam để học và nghiên cứu Ca Trù.

Anh đã dành mấy năm trời của mình để sang Việt Nam học tiếng Việt, học đánh đàn Đáy, Hát ả đào, đánh đàn Nguyệt, hát Chầu văn với nghệ sĩ trong nhóm Thái Hà và khi trở về nước đã soạn và bảo vệ một luận văn Thạc sĩ về nghệ thuật Ca Trù và một luận án Tiến sĩ về hát Chầu văn. Trong những buổi giới thiệu nghệ thuật Ca Trù và Chầu văn, anh tự mình minh hoạ làm cho thính giả trên các nước Châu Âu và ở Việt Nam rất ngạc nhiên và thán phục.

Cô Alienor Anisensel, người Pháp, chuyên dạy đàn Piano, sau khi nghe dĩa hát đó mà tình cờ cô đã mua tại hiệu Fnac, Paris, có ý muốn tìm hiểu thêm Ca Trù. Cô đến Bảo tàng viện Con người gặp con trai tôi là Tiến sĩ Trần Quang Hải để tìm cách học Ca Trù. Con trai tôi lại bảo cô phải đến tìm tôi vì tôi đã nghiên cứu Ca Trù từ năm 1976 và đã theo dõi sự tiến triển của Ca Trù từ đó đến nay.

Cô đã bỏ cả công việc trong 2-3 năm trời, sang Việt Nam 2 lần và ở dài hạn để học tiếng Việt và hát Ca Trù, gõ phách với ca nương Thuý Hoà trong nhóm Thái Hà. Trở về nước, cô đã đúc kết những điều đã học hỏi được ở Việt nam và soạn một luận văn Thạc sĩ và bảo vệ thành công.

Năm 1994, tôi đã được nhạc sư Tôn Thất Tiết giới thiệu các nghệ sĩ của nhóm Thái Hà mà ông đã tài trợ trong một thời gian. Chúng tôi đã họp sức với nhà Văn hóa Thế giới (Maison des Cultures du Monde) tổ chức mời hai nhóm Ca Trù và Nhạc Cung đình Huế sang biểu diễn tại Paris. Ban gíam đốc của Nhà Văn hóa quyết định xuất bản hai dĩa hát về Ca Trù và Ca nhạc Huế dưới nhãn hiệu CD INEDITS W 260070 : "Viet Nam Ca Trù". Đặc biệt dĩa này được báo Le Monde de la musique (Thế giới Âm nhạc) xếp vào hạng Choc (sốc) cao hơn cả 4 sao vì khi nghe nhạc này tâm hồn người nghe bị chấn động.

Trong các trường Đại học Sorbonne, Ecole pratique des hautes études en sciences sociales (trường Cao đẳng Khoa học xã hội) khi chúng tôi giới thiệu và phân tích Ca trù, các giáo sư và sinh viên đều tỏ ra thích thú. Nhiều người tìm mua dĩa hát và sách về Ca Trù. Tôi biết chắc không phải người ta chỉ khen ngoại giao vì có mấy giáo sư tôi quen đã không ngần ngại mua vé để nghe Ca Trù trong ba đêm liền. Năm 1988, tôi được thỉnh giảng tại Đại học Hawaii vùng Manoa theo chương trình Fulbright scholarship. Trong 40 tiết , tôi đã dành 3 tiết cho Ca Trù. Tôi không ngờ trong 30 sinh viên có một chàng thanh niên mà tôi thường gọi tên Michael rất chăm chỉ và đã bắt đầu học tiếng Việt. Cậu rất thích Ca Trù đến mức tôi không ngờ rằng cậu đã học thêm, nghe thêm Ca Trù và sau này, cậu đã trở thành Giám đốc Quĩ Ford tại Hà Nội và với cương vị đó Michael đã giúp rất nhiều cho Ca Trù.

Bên Mỹ, Giáo sư Stephen Addis đã nghe và ghi âm nhiều bài bản Ca Trù. Ông đã kí âm một số bài hát nói. Chẳng những ông biết nói tiếng Việt mà còn đọc được chữ Hán nên hiểu rõ nội dung của những bài hát nói và đã dịch lời Việt ra tiếng Anh của một số bài để cho thính giả Mỹ hiểu được nội dung. Nhưng ông không biểu diễn được Ca Trù như anh  Barley Norton.

Ba nhà học giả kể trên sỡ dĩ hiểu rành rọt nghệ thuật Ca Trù vì đã biết nói tiếng Việt, đã sống một thời gian trong nước Việt, đã tiếp cận với những nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Trù và có người còn bỏ thời gian khổ luyện cách ém hơi, nhả chữ, nảy hạt của kĩ thuật hát, các khổ đàn, khổ phách rất tinh vi, tế nhị trong nghệ thuật Ca Trù.

Sau thời kì hội nhập, trong tương lai chắc sẽ còn nhiều người nước ngoài tìm hiểu một cách thấu đáo các bộ môn nghệ thuật khác của Việt Nam. Chúng ta  càng phải cấp bách sưu tầm, chấn chỉnh và hệ thống hoá những di sản âm nhạc của những bậc tiền bối sáng tạo và truyền đạt qua nhiều thế hệ, những môn nghệ thuật đã chịu thử thách của thời gian, để giới thiệu với người nước ngoài một nền âm nhạc dân tộc có bề dày lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.

Riêng về bộ môn Ca Trù, chúng tôi mong rằng chánh quyền và các cơ quan hữu trách trong chánh phủ Việt Nam thấy rõ tình hình Ca Trù hiện nay và cụ thể giúp đỡ cho sự phát triển của bộ môn này.

Ngoài việc tôn vinh các nghệ nhân cần nên giúp đỡ một số người cao niên có đủ điều kiện vật chất để truyền lại một di sản phi vật thể vô cùng quí báu cho thế hệ trẻ. Đồng thời các tổ chức nghiên cứu nên cấp bách ghi âm, ghi hình các nghệ nhân cao niên để giữ lại bằng hình ảnh và âm thanh cách đàn, cách hát trước khi các cụ vĩnh viễn ra đi.

Những hiểu biết cơ bản về Ca Trù và về những bộ môn âm nhạc truyền thống khác sẽ được giảng dạy trong các trường từ Tiểu học đến Đại học.

Các cơ quan truyền thông đại chúng nên có những buổi giới thiệu Ca Trù trong những "giờ vàng" để khán, thính giả có thể theo dõi.

Báo chí, nhà xuất bản cũng nên quan tâm đến việc giới thiệu những sinh hoạt về Ca Trù, xuất bản những sách báo, CD, DVD ... về Ca Trù để phổ biến rộng rãi nghệ thuật này trong đại chúng.

Các chuyên gia nghệ nhân, nghệ sĩ nên tổ chức những buổi giới thiệu một cách giản dị và hấp dẫn nghệ thuật Ca Trù bằng những bài thuyết trình ngắn gọn mà đầy đủ, những tiết mục minh họa được các nghệ nhân lão thành và những nghệ sĩ trẻ tuổi biểu diễn. Đối tượng không phải chỉ là những người sành nghề biết thưởng thức Ca Trù mà là những thanh niên sinh viên, học sinh. Khi các bạn trẻ hiểu được thì sẽ yêu thích, tìm tòi học hỏi, luyện tập Ca Trù. Khi có một số nghệ sĩ trẻ biểu diễn Ca trù cho những thính giả trẻ, lúc đó chúng ta mới an tâm rằng nghệ thuật Ca Trù đã có một sinh lực mới và sẽ không bao giờ bị quên lãng nhờ ngọn lửa thiêng đã được nhen nhúm trong lòng của các bạn thanh niên nam nữ./.

GS.TS. Trần Văn Khê

alt

 

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung