Từ xa xưa, Hà Nội được xem là chốn “Ngàn năm văn vật đất Thăng Long”, có truyền thống văn minh, thanh lịch; không chỉ thanh lịch trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày, mà còn được thể hiện trong cách cảm nhận cái đẹp. Có thể nói, cách ứng xử hay giao tiếp của người Hà Nội bao giờ cũng toát lên vẻ lịch thiệp, từ tốn và hòa nhã. Có được điều đó là do Hà Nội trầm tích một bề dày lịch sử, là nơi hội tụ nhân tài, nơi tiếp thu mọi tài hoa và chắt lọc, phát triển thành nét đẹp truyền thống của mình.
Ngày nay, bản sắc độc đáo của Hà Nội từ ngàn xưa vẫn đang được giữ gìn. Với sức sống dẻo dai, lòng yêu cái đẹp được hun đúc từ ngàn đời nay, người Hà Nội hôm nay vẫn đang bảo tồn những bản sắc riêng của mình, đồng thời tiếp nhận nhữngcái hay, cái đẹp của các vùng miền; từng người, từng gia đình vẫn đang ra sức giữ “nếp nhà” để muôn đời vẫn là thanh lịch.
Cuộc khảo sát đánh giá thực trạng cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội gần đây cho thấy hầu hết số người được hỏi có nhận thức đúng về khái niệm cảm thụ thẩm mỹ. Họ cho rằng, cảm thụ thẩm mỹ là thưởng thức cái đẹp. Đây là điều hết sức dễ hiểu bởi nhu cầu sáng tạo và thưởng thức cái đẹp là nhu cầu tự thân của mỗi người.
Bên cạnh đó, có một bộ phận lớn người được hỏi lại cho rằng, cảm thụ thẩm mỹ là sống đẹp. Phải chăng, thế hệ trẻ bây giờ có một hệ giá trị khác với cha anh họ. Trong chiến tranh, sống đẹp có nghĩa là cống hiến tuổi trẻ, cống hiến sức xuân cho dân tộc; song trong thời bình, những toan tính cho cá nhân đã xuất hiện, buộc thanh niên phải có cách nhìn khác về “sống đẹp”. Nhưng nói chung về nhận thức, cả hai thế hệ đều hiểu sống đẹp là sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa, có trách nhiện với bản thân và với xã hội.
Quan niệm coi cảm thụ thẩm mỹ là yêu thích văn học nghệ thuật được rất ít người lựa chọn. Có thể, cuộc sống ngày càng phát triển, con người càng có cơ hội tiếp xúc với những giá trị của cuộc sống bằng nhiều kênh khác nhau, mà văn học nghệ thuật chỉ là một trong những kênh thông tin đó.
Chúng ta biết: văn học nghệ thuật đang có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, chúng ta phải đối mặt với sự xâm nhập một cách ồ ạt của những sản phẩm văn hóa ngoài luồng không chỉ làm nghiêng lệch thị hiếu thẩm mỹ của người dân mà còn là mầm mống gây nên sự xuống cấp về nhân cách, đạo đức nhất là lớp trẻ.
Một trong những nét đặc trưng riêng của người Hà Nội xưa nay là phong cách thanh lịch. Không chỉ lịch lãm trong lối ăn mặc, mà cách ăn, nết ở của người Hà Nội đều toát lên vẻ thanh lịch. Tuy nhiên, có thể do đô thị hóa, mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, kéo theo phong cách ứng xử cũng khác trước.
Về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ở Hà Nội hiện nay, phần lớn người được hỏi đều bày tỏ quan điểm cho rằng, mối quan hệ này đang xấu đi. Đây là một điều hết sức lo ngại.
Để xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại đòi hỏi phải có những con người văn minh – thanh lịch - hiện đại. Do vậy, những đức tính cần có của người Hà Nội hiện nay theo đa số người được hỏi phải là thanh lịch, văn minh, học vấn cao, sáng tạo, trung thực... Bên cạnh, các đức tính khác như dũng cảm, vị tha, hiện đại, ý thức lập thân, lập nghiệp cũng được chú ý.
Từ thực tế, việc xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại đang trở thành vấn đề hết sức cần thiết có tính lâu dài và bền vững, đòi hỏi phải xây dựng một môi trường xã hội ổn định, môi trường văn hóa lành mạnh, một môi trường thiên nhiên trong xanh, sạch, đẹp.
Hiện nay, cách thức đánh giá thực trạng, hưởng thụ văn hóa – thông tin, nghệ thuật có tính thực tế hơn cả là dung hòa số lượng và chất lượng trên cơ sở phát triển về số lượng các dịch vụ văn hóa, các loại hình câu lạc bộ văn hóa, các trung tâm văn hóa nghệ thuật của thành phố, trung ương và các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các chương trình phát thanh, truyền hình cũng như chương trình hoạt động văn hóa dân gian ở đô thị. Theo hướng này có thể đánh giá thực trạng “hưởng thụ” văn hóa – thông tin, nghệ thuật của cư dân thành phố Hà Nội qua các lĩnh vực như sau:
Một là, thông qua các dịch vụ văn hóa của Nhà nước, tập thể và tư nhân như: phòng trà, ca nhạc; chơi điện tử; internet, cà phê internet; karaoke; vũ trường; vui chơi giải trí tại các điểm văn hóa; rạp chiếu phim để thưởng thức loại hình nghệ thuật thứ bảy; Nhà hát, điểm biểu diễn sân khấu cổ truyền, hiện đại và biểu diễn ca múa nhạc; văn hóa phẩm và đồ lưu niệm; phòng trưng bày tranh, ảnh, tượng; cho thuê sách, báo, băng hình, đĩa nhạc; mua, bán sách, báo cũ và băng hình, đĩa nhạc; quảng cáo; thời trang; in ấn, chế bản vi tính, photocopy; trang điểm, thư giãn thân thể (sơn - sửa móng tay, gội đầu, massage...); đồ giả cổ; truyền thần; nhiếp ảnh; trang trí nội thất và mỹ thuật công nghiệp nói chung.
Hai là, thông qua các câu lạc bộ văn hóa thể thao - nhất là tại các trung tâm văn hóa nghệ thuật. Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 23 nhà văn hóa của các ngành, đoàn thể, trường đại học. Các nhà văn hóa, các câu lạc bộ hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu thẩm mỹ và xã hội như:
- Bồi dưỡng phong trào văn hóa cơ sở: sáng tác ca khúc mới, kịch bản mới cho thiếu nhi, đội múa tập thể, sinh hoạt hè...;
- Tổ chức hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng;
- Hoạt động câu lạc bộ: câu lạc bộ đàn hát, sáng tác, nhiếp ảnh...;
- Phối hợp các đoàn thể nhằm xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật;
- Tổ chức các hoạt động đáp ứng việc thoả mãn thị hiếu, sở thích về nghệ thuật, thể dục thể thao như chơi đàn, võ thuật thiếu niên, hoạ thiếu nhi, đàn organ, vũ quốc tế, thời trang, v.v...
Ba là, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo chí và truyền hình. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 300 đơn vị báo chí với khoảng 500 đầu báo, kể cả các chuyên đề, chuyên san, phụ san, 34/35 nhà xuất bản của cả nước có cơ sở ở Hà Nội, v.v...
Bốn là, qua các loại hình văn hóa dân gian như:
- Sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo, lễ hội cộng đồng vào các dịp hội hè, lễ tết tại đình, chùa, nhà thờ, khu vui chơi giải trí trong và ngoài đô thị. Đây là dịp hồi sinh và tái tạo các sinh hoạt diễn xướng dân gian (nhảy múa, hát dân ca, sân khấu, hò diễn tuông, chèo, ca trù, quan họ, rối cạn...)
- Văn hóa ẩm thực đô thị là sự nối tiếp và nâng cao truyền thống tri thức ẩm thực và ứng xử dân gian trong điều kiện dịch vụ ăn uống theo lối công nghiệp phát triển ở thành phố.
- Các sáng tạo nghệ thuật dân gian như làm thơ, các câu lạc bộ ca trù, hát xẩm, vẽ tranh, nặn tượng, làm vật trang trí... theo lối truyền thống đang phát triển. Một số hình thức nghệ thuật sắp đặt – trình diễn theo ngẫu hứng cá nhân với các biểu trưng nghệ thuật Đông – Tây kim cổ mang tính trừu tượng cùng tính sống động theo kiểu hiện đại, hậu hiện đại cũng có mặt trong môi trường văn hoá.
- Các hình thức tập dưỡng sinh, thể dục thể thao được phát triển trong môi trường đô thị.
- Các hình thức truyền miệng dân gian (giai thoại, tiếng đồn, dư luận xã hội) cùng những “tin tặc” qua mạng internet, v.v...
Nhu cầu sinh hoạt văn hóa dân gian ngày càng phát triển ở đô thị. Văn hóa dân gian, văn hóa quần chúng và văn hóa bác học là ba chân kiềng của đời sống văn hóa đô thị hiện đại và chúng đều tác động đến sự cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội./.
Hồ Sỹ Vịnh - Nguyễn Duy Bắc