Home Di sản Việt Nam Nhạc cung đình Huế

Nhạc cung đình Huế

Email In PDF.

Ban nhạc cổ truyền đầu thế kỷ 20
Nhạc Cung Đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian, nhờ có tay nghề cao mà họ được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.

Trong cả ba miền đất nước ta đều có những loại nhạc trong dân gian gắn liền với đời sống con người từ lúc sơ sanh đến khi trở về với cát bụi, bắt đầu từ những điệu hát ru, đồng dao, hò, lý, đối ca nam nữ cho đến hò đưa linh về cõi chết. Ca nhạc thính phòng có Ca Trù miền Bắc, Ca Huế miền Trung, Ca Tài Tử miền Nam . Trên sân khấu có hát Chèo, hát Tuồng, Cải Lương và Bài Chòi. Âm nhạc trong tôn giáo lại có các lối tán tụng trong Phật giáo, các điệu Chầu văn, Hầu văn, Rổi bóng.

Nhưng riêng Nhạc Cung Đình chỉ có tại kinh thành Huế, một bộ môn âm nhạc hết sức độc đáo và vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị độc đáo của nó. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đây là bộ môn âm nhạc duy nhứt được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc.

altTrong khuôn khổ một bài viết ngắn, không thể đi sâu vào việc phân tách các bài bản để cho thấy hết sự đa dạng của thang âm điệu thức hay sự phong phú của tiết tấu trong Đại nhạc hay Tiểu nhạc. Bài viết này chỉ đề cập đến hai khía cạnh nhỏ của bộ môn Nhạc Cung Đình đặc sắc của chúng ta, đó là giá trị về lịch sử và giá trị về nghệ thuật.

Trong Khâm Định Đại Thanh Hội Điển Sự Lệ (quyển 538, tờ 3b) xuất bản năm 1908 (Thư viện Hội châu Á: Société Asiatique) có ghi rành rẽ chi tiết của dàn Nhạc Cung Đình có mặt cùng một lúc với phái đoàn hữu nghị do vua Quang Trung phái sang Trung Quốc cầu hoà với triều đình nhà Thanh dưới thời vua Càn Long (1789), mà sử gia nhà Thanh đã gọi là "An Nam Quốc Nhạc". Từ đó có thể suy luận rằng do vua Càn Long phong cho vua Quang Trung tước An Nam Quốc vương mà sanh ra tên An Nam Quốc nhạc để chỉ dàn nhạc Cung Đình Việt Nam .

Năm 1802, dàn nhạc đổi tên là Việt Nam Quốc nhạc vì vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đặt tên nước là Việt Nam.

Trong đoạn miêu tả dàn nhạc Cung Đình Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 18, người viết sử ghi tên nhạc khí bằng chữ Nôm gồm: 1 cái cổ (trống), 1 cái phách (sinh tiền), 2 cái sáo, 1 tam huyền tử (đờn tam), 1 hồ cầm (đờn nhị), 1 cái đờn song vận (nguyệt cầm), 1 đàn tỳ bà, 1 tam âm la. 

Ngoài ra còn có đoạn tả các vũ sinh mặc áo rộng thêu rồng, thắt lưng màu xanh, đầu bịt khăn, tay cầm quạt xanh. Nhạc công mặc áo màu vàng, thắt lưng màu xanh dương và đầu bịt khăn giống như vũ sinh. So sánh số nhạc khí của dàn Nhã nhạc hay Tiểu nhạc ngày nay, chúng ta thấy rằng cũng không có gì thay đổi.

Ngược dòng thời gian thì ngoài các tư liệu lịch sử, tài liệu về khảo cổ cũng giúp chúng ta xác định tính cổ đại của Nhạc Cung Đình. Những chi tiết về một dàn Đại Nhạc cung đình xuất hiện đầu tiên trong sử sách có lẽ là vào đời nhà Trần, trong quyển “An Nam chí lược” của Lê Tắc.

Đời Hậu Lê có thêm nhiều bộ sử ghi lại sự kiện năm Thiệu Bình thứ tư (1437) dưới thời vua Lê Thái Tông (1434 - 1442), nhà vua giao cho Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng có nhiệm vụ định ra Nhã Nhạc cho triều đình. Lương Đăng muốn sắp đặt dàn “Đường thượng chi nhạc” giống như dàn nhạc “Triều hạ yến hưởng chi nhạc” của nhà Minh và “Đường Hạ chi nhạc” giống như các dàn nhạc “Đơn bệ đại nhạc” và “Giáo phường ty nữ nhạc” của nhà Minh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức trai di tập thì Nguyễn Trãi đã dưng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ vua giao phó vì không tán thành quan điểm trên của Lương Đăng. Bức thơ của Nguyễn Trãi là bài học quí giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chánh đối với nền âm nhạc dân tộc, trong đó có những suy tư về âm nhạc rất sâu sắc như:

"Hoà bình là gốc của Nhạc

Thanh âm là văn của Nhạc

Hài hoà là tính chất của Nhạc

Thần mong rằng Bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là Bệ hạ đã đánh mất cái gốc của Nhạc".

Ngoài ra còn những quyển sử khác có ghi đôi nét về Nhạc Cung Đình qua các thời đại như “Quốc triều thông lễ” (dưới triều Vua Trần Thái Tông), “Trần triều đại diễn” (dưới triều vua Trần Dụ Tông), “Lê triều hội điển”, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ v.v...

Những bài thuộc loại Cửu tấu ngoài âm nhạc còn có lời ca được ghi đầy đủ trong quyển “Đại Nam Hội điển sự lệ”, như trong Miếu Triệu Tổ (miếu thờ Nguyễn Kim), tên các bài ca phải có chữ Hoà như:

Hàm hòa (trong lúc nghinh thần), Gia hòa (lúc hiến lụa), Tương hòa (trong lúc sơ hiến, dưng rượu lần đầu), Dự hòa (trong lúc á hiến, dưng rượu lần thứ nhì), Ninh hòa (trong lúc chung hiến, dưng rượu lần cuối cùng), Mỹ hòa (lúc dâng trà), Túc hòa (lúc dọn các lễ vật), An hòa (lúc tiễn thần), Ưng hòa (lúc mang đuốc đi sau khi đốt sớ).

Trong Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử thì tên những bài hát phải có chữ Văn, trong loại Yến nhạc tên bài hát phải có chữ Thành (dưới triều Gia Long), chữ Khánh (thời Minh Mạng thứ 18) hay chữ Phúc (thời Minh Mạng thứ 21) v.v...

So với các bộ môn khác, Nhạc Cung Đình có một giá trị nghệ thuật rất cao mà trước tiên là vì triều đình có đủ quyền lực chánh trị và khả năng tài chánh để qui tụ những nhạc sĩ cũng như nhạc công tài năng từ khắp nơi trong đất nước, rồi tạo nhiều điều kiện thuận tiện cho họ luyện tập kỹ thuật, trau giồi nghệ thuật để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.

Các nhạc khí được dùng trong Nhạc Cung Đình cũng được đóng rất kỹ, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đờn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo.

Dàn nhạc cũng đa dạng và qui mô hơn các dàn nhạc khác.

Dàn Đại Nhạc, gồm kèn, trống và bộ gõ, có thể có đờn nhị. Kèn cũng có nhiều loại: kèn đại, kèn trung, kèn tiểu, không phải loại kèn đồng như suona của Trung Quốc mà ta gọi là "kèn song hỷ". Kèn dùng trong Nhạc Cung Đình là loại kèn bầu, bát kèn làm bằng gỗ.

Trống có đủ loại, từ trống lớn nhứt là đại cổ, qua các trống tiểu cổ, một cặp trống võ (tiếng cao tiếng thấp, có âm có dương), trống một mặt, có bồng, có trống cơm.

Tiểu nhạc hay Nhã nhạc gồm những nhạc khí dùng dây tơ, sáo trúc (vì vậy có khi dàn nhạc được gọi là Ti trúc tế nhạc). Dây tơ có loại dây khảy như đờn nguyệt hai dây, đờn tam ba dây, tỳ bà bốn dây. Có đờn dùng cung để kéo như đờn nhị.

Bộ gõ bằng gỗ có mõ và phách tiền, bằng kim khí có chuông to chuông nhỏ, đại la, tiểu la, chập choã. Bộ gõ tuy chỉ gồm ba nhạc khí mà có trống bịt da một mặt, có tam âm la bằng kim khí, đặc biệt có sinh tiền, một nhạc cụ vô vùng độc đáo với ba chức năng: gõ, cọ quẹt và rung.

Như vậy, các dàn nhạc chẳng những đa dạng và qui mô mà còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Khi hoà đờn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng.

Trong dàn Nhã nhạc ta có thể nghe tiếng chững chạc trang nghiêm của đờn nguyệt, tiếng chuyền tiếng rơi vào nhịp ngoại, tiếng chầy, tiếng "phi" bay bướm của tỳ bà, tiếng trong nhờ nhạc công đờn nhị dùng tay mặt kéo cung, tay trái vuốt ve "nên lời dịu ngọt", tiếng đục của đờn tam đem tiếng thổ chen vào tiếng kim của tam âm la, với tiếng nỉ non vi vút "như tiếng hạc bay qua" của hai ống sáo. Tất cả các nhạc khí ấy cùng hoà nhịp theo tiếng trống bảng dìu dặt, tiếng trống khi khoan khi nhặt, khi đánh nhịp chánh diện, khi vào nội phách khi ra ngoại phách. Toàn bộ dàn Nhã nhạc, liên tục trong 10 bài ngự, từ nhịp điệu khoan thai của mấy bản Phẩm Tuyết Nguyên Tiêu lúc mở đầu, lần lần dồn dập qua các bài Hồ Quảng, Liên Hoàn, Bình Bán, Tây Mai, Kim Tiền, rộn rã từ Xuân Phong, Long Hổ đi đến náo nhiệt qua cấp điệu như tiếng vó ngựa trong bài Tẩu Mã.  

Cũng không có ưbộ môn âm nhạc truyền thống nào lại có nhiều thể loại nhạc khác nhau như Nhạc Cung Đình, gồm có Giao nhạc (dùng trong Lễ Nam Giao, nhà vua làm lễ tế trời đất ba năm một lần), Miếu nhạc (dùng trong các miếu), Ngũ tự nhạc (năm lễ tế thần), Đại triều nhạc (tấu trong các lễ lớn như Lễ Vạn thọ, tiếp Sứ thần), Thường triều nhạc (tấu khi vua lâm triều thường lệ), Đại yến nhạc (tấu trong các buổi yến tiệc), Cung trung chi nhạc (dùng trong cung phủ), Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc (dùng trong các dịp nguyệt thực, nhật thực).

Lại không có bộ môn nào huy động nhiều diễn viên và xiêm y phong phú như Nhạc Cung Đình.

Cuối cùng, Nhạc Cung Đình còn đặc biệt ở điểm bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn.

Về Lễ nhạc, một số bài bản trong các dàn nhạc lễ bát âm ngoài Bắc, Ngũ âm trong Nam, đều từ Nhạc Cung Đình mà ra. Các điệu Ba Hồi Chín Chập trong nhạc lễ miền Nam cũng bắt nguồn từ Tam Luân Cửu Chuyển. Các bài Đánh thét do lối Thiết nhạc. Những bài Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Tiểu Khúc, trong nhạc lễ miền Nam cũng từ các bài bản trong Tiểu nhạc của Nhạc Cung Đình Huế được thay đổi phù hợp với quan niệm thẩm mỹ miền Nam.

Trong nhạc thính phòng, 10 bài ngự Thập thủ liên hoàn, các bản Lưu Thủy, Kim Tiền cũng từ Nhạc Cung Đình mà có. Dàn nhạc thính phòng nhiều nhứt cũng chỉ có tới sáu nhạc khí (ngũ tuyệt: tranh, nguyệt, nhị, tỳ, tam hoặc tranh, nguyệt, nhị, tỳ, độc huyền, thêm ống sáo). Nhã nhạc cũng thuộc loại thính phòng nhưng sử dụng nhiều nhạc khí hơn, lại có được ba nhạc khí thuộc bộ gõ nên càng đầy đủ và đặc sắc.

Nhạc Tuồng trong Nhạc Cung Đình phong phú hơn của Bình Định hay Quảng Nam, vì tại Huế tập trung những nhà viết tuồng có tên tuổi cũng như các đào kép giỏi từ các nơi.

Riêng các điệu múa cung đình có nhiều nét riêng rất độc đáo, chẳng hạn như điệu Lân Mẫu Xuất Lân Nhi, tuy là múa lân nhưng không phải loại lân diễu võ dương oai, đạp pháo, leo cột để lấy tiền, mà diễn tả tình phu thê đầm ấm, tình mẫu tử nồng nàn.

Điệu múa Cung đình LÂN MẪU XUẤT LÂN NHI

Hay điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng phối hợp ánh đèn lung linh huyền ảo với dáng đi uyển chuyển, đội hình thay đổi đa dạng. Và không có điệu múa nào trên thế giới mà vũ sinh vừa múa theo tiếng nhạc lại chuyển đội hình từ bề dọc đến bề cao, vũ sinh chồng chất đến bốn năm từng. Đánh giá rõ điều này nên các chuyên gia Nhựt Bổn khi ghi hình điệu múa Hoa đăng cho Đài truyền hình NHK đã khéo sử dụng ánh sáng vừa đủ để nhìn được gương mặt và xiêm y của diễn viên, lại thấy rõ những ánh đèn hoa đăng khi ẩn khi hiện rất nghệ thuật.

Âm nhạc Cung đình Việt Nam rất phong phú và đa dạng, hiện Trung tâm Bảo vệ Di tích Cố Đô Huế đang chấn chỉnh các dàn nhạc, các điệu múa, sưu tầm những bản nhạc xưa, nay còn được các nghệ nhân nhớ và được bè bạn trên thế giới rất hoan nghênh./.

 

.

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung