Một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý trong khuôn khổ Festival Huế năm nay là triển lãm “Các dân tộc thiểu số Việt Nam, Lào, Campuchia” (tại Cung Diên Thọ, Đại Nội-Huế). Triển lãm do nhiếp ảnh gia người Pháp Sebastien Laval thực hiện, giới thiệu gần 100 bức ảnh lưu giữ về các tập quán, sinh hoạt cộng đồng, tập tục văn hoá… của người dân tộc thiểu số ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó có 3 dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Kô ơ tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo nghệ sỹ Sebastien Laval, những hình ảnh này không chỉ là ký ức, mà còn là “nhân chứng” ghi lại những nét đẹp văn hoá của các dân tộc thiểu số. Bên lề Festival Huế vừa diễn ra tuần qua, Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện ngắn về đề tài này.
Thưa ông, hơn 100 bức ảnh được giới thiệu ở cung Diên Thọ lần này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của người xem. Ông có thể cho biết thông điệp gửi đến công chúng qua hình ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam, Lào, Campchia là gì?
Điều tôi muốn nói ở Festival Huế lần này không chỉ là giới thiệu đến công chúng 3 thủ đô cổ xưa là Huế, Ăng-co, Luông-pra-băng những thắng cảnh du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách tham quan, mà còn là nơi người dân sinh sống cùng với di tích. Nhưng rất ít người nhận ra điều ấy. Tôi cho rằng bảo tồn di sản trong cuộc sống hiện đại là rất quan trọng. Vì thế, nhận lời mời của chính quyền tỉnh Poi-tu Sa-răng, tôi tham dự Festival Huế lần này để giới thiệu triển lãm về các dân tộc thiểu số của mình. Tôi cũng muốn giới thiệu sâu về những dân tộc thiểu số ở 3 nước láng giềng để mọi người, công chúng hiểu thêm về họ, về những gì đang diễn ra và tác động tới họ.
Thành phố Huế không phải là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vậy tại sao ông quyết định chọn Huế để giới thiệu các bức ảnh của mình?
Đúng! Huế không phải là “Thủ đô” của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhưng ở các huyện vùng sâu, vùng xa ở Huế có 3 dân tộc thiểu số sinh sống. Có lẽ nhiều người dân Huế cũng chưa biết điều này. Trong dịp Festival Huế lần này tôi đã thực hiện cuộc triển lãm cùng nhiều người dân Huế, sống ở huyện Nam Đông (Huế) đã lâu năm, nhưng hỏi về chuyện họ có biết những đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông hay không thì họ cũng không biết gì nhiều. Vì thế, triển lãm của tôi giúp họ hiểu thêm về những dân tộc đang sinh sống xung quanh họ. Bản thân tôi muốn đóng góp một chút gì đấy để những dân tộc thiểu số Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Cũng tương tự như vậy, tôi muốn người dân Lào, Campuchia hiểu rõ hơn về những cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần gũi với họ.
Có thể thấy rằng những bức ảnh này đã và đang lưu giữ một phần ký ức, văn hóa và lịch sử của các dân tộc thiểu số 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Vậy, ông chụp và “lưu giữ văn hoá” của các dân tộc thiểu số như thế nào?
Công việc của tôi không quá phức tạp. Tôi đến nhiều vùng miền xa xôi để tìm hiểu cuộc sống của họ. Tôi đến các bản làng, xin phép già làng, trưởng bản để cùng ăn, ở, tìm hiểu cuộc sống của họ. Tôi trò chuyện với họ để có thể hiểu thêm về họ, xin phép được chụp ảnh về cuộc sống của họ. Tôi chụp rất nhiều bức ảnh về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Có cả người Kinh, có cả người dân tộc. Tôi không chụp về trang phục của họ mà tôi tìm hiểu những điều ẩn giấu đằng sau đó và trong thời buổi toàn cầu hoá, bản sắc dân tộc của họ như thế nào? Liệu có bị mất đi, liệu có bị pha tạp? Làm gì để giữ lại được những nét đẹp đó? Cuộc sống của họ trước đây như thế nào, bây giờ ra sao? Đó chính là cái thôi thúc tôi chụp những bức ảnh về họ. Và thế rồi, cuộc sống của họ hiện lên, có khi rất nhanh chỉ và ba phút tôi có thể chụp được một tấm ảnh ưng ý kể về cuộc sống của họ. Nhưng cũng có khi để chụp được một bức ảnh tôi cũng phải tốn khá nhiều thời gian, mất tới vài ngày chẳng hạn. Nhưng cái được lớn hơn cái mất. Những bức ảnh chính là “nhân chứng” về một thời kỳ đã qua. Tôi đã hiểu thêm về cuộc sống của họ, về những gì tưởng như rất xa xôi, nhưng thực ra lại rất gần gũi với mình.
Được biết sau Festival Huế, ông sẽ tiếp tục thực hiện một số dự án mới về đề tài các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Xin ông cho biết cụ thể hơn?
Kế hoạch sắp tới của tôi là tiếp tục chụp về 54 dân tộc của Việt Nam. Những ngày ở Huế làm tôi rất vui khi đã giới thiệu được những công việc của mình. Sau Huế tôi sẽ ra Hà Nội, vào Sài Gòn để tiếp tục công việc của mình. Đối với tôi, việc tìm hiểu, giữ lại sự bản sắc văn hoá của các dân tộc bằng hình ảnh là rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam là một đất nước rất giàu truyền thống văn hoá.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./.
H.Điệp
A1: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Pháp Sebastien Laval
A2: Một bức ảnh về người dân tộc thiểu số của Sebastien Laval trưng bày ở cung Diên Thọ.