Home Giáo dục Tâm lý Hướng tới ngày gia đình Việt Nam 28/6: La mắng và dạy con - chuyện tử tế!

Hướng tới ngày gia đình Việt Nam 28/6: La mắng và dạy con - chuyện tử tế!

Email In PDF.
Hiếm lòng cha mẹ nào không thương con, chiều chuộng con như bản năng. Để giữ thái độ nghiêm khắc uốn nắn con lại đòi hỏi cha mẹ phải cố gắng vượt qua chính mình. Câu ngạn ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” như là một phương châm giáo dục đề cao tính chất nghiêm khắc để uốn nắn con cái trong văn hoá Việt.

La mắng khi dạy con - bạo hành núp bóng yêu thương

Việc con cái bị cha mẹ la mắng nhẹ nhàng hay nặng nề, thậm chí dùng roi vọt dường như không có gì trái với thuần phong mỹ tục. Đầu xóm ồn ào bà nọ chửi con như hát hay vì “nó ngu”, “nó lười”, “nó láo”, “nó hậu đậu”… Điệp khúc xoe xóe với cả mớ từ ngữ rủa sả khiến hình ảnh mẹ hiền bỗng thành cay nghiệt như mẹ Cám, chân dung nhân cách con thì nát bét. Cuối xóm dù inh tai nhức óc nhưng chép miệng: con họ họ dạy, cực chẳng đã chứ ai muốn thế làm gì. Thông cảm và nghĩ tới phiên mình cũng khó tránh khi gặp chuyện con cái cần rèn giũa.

imagesLũ trẻ từ bé xíu tới chưa hết vị thành niên thì rõ là lắm điều trái mắt cha mẹ. Ngó đâu cũng thấy những thứ “chưa nên người”, từ nếp ăn nếp chơi, học hành hay chia sẻ uốn nắn tâm lý tế nhị lúc con vượt qua những bước ngoặt lứa tuổi với những đoạn khủng hoảng rất tự nhiên khiến hành vi của chúng trái khoáy so với kỳ vọng.

Chính sự xót xa, nóng ruột cho tương lai của con lại là nguyên nhân hàng đầu khiến bậc phụ huynh trở nên thiếu kiềm chế khi con chưa được như mong muốn. Công cuộc uốn nắn trở thành chiến tranh. Phụ huynh la mắng ầm ầm, đứa con – “tội đồ” hoặc phản ứng ồn ào không kém hoặc dúm dó chịu trận. Hệ lụy về tinh thần và thể xác của các bên tham chiến là không thể lường hết ngay lúc đó và lâu dài.

Sau mỗi cuộc la mắng con, cha mẹ phờ mệt vì nỗi âu lo càng như vô vọng thêm vì lối truyền đạt ồn ào ấy nào giúp trẻ dễ hiểu cha mẹ mong mỏi điều gì cho chúng và chúng phải làm gì đâu. Mệt còn vì nhân cách người làm cha mẹ tổn thương bởi nghĩ lại việc mình tuôn ra cả tràng những lời lẽ chát chúa trong trạng thái thiếu kiểm soát.

Phần đứa con chịu cơn thịnh nộ mỗi lúc một mất tự tin vào khả năng có thể thực hiện những công việc thiết thân, nói gì đến sáng tạo. Nó dần trở nên trơ lỳ, mọi lời răn dạy ồn ào của cha mẹ chuội đi đâu chứ chả hề lọt tai nửa từ. Thậm chí rất nhiều hoàn cảnh thương tâm đã xảy ra: đứa con bị mắng oan, ức chế dẫn tới tâm thần, tự sát.

Mắng con khi dạy dỗ - hành vi bạo lực gia đình?

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, việc mắng con trong quá trình dạy dỗ sẽ bị coi là hành vi bạo lực gia đình nếu như hành vi đó có tính chất cố tình lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con.

Lòng tự trọng hay sự tự tạo ra hình ảnh của một con người, đều căn cứ vào nhận thức của người đó về chính bản thân họ. Trẻ em thường dựa vào những ý kiến và hành vi ứng xử của những người khác đối với chúng để làm nền tảng xây dựng lòng tự trọng. Đứa con hàng ngày bị mẹ mắng chửi là ngu, vô tích sự sẽ nghĩ mình đúng là như vậy.

Đứa trẻ có thái độ và tình cảm tích cực đối với các hành vi của cha mẹ và những thành viên khác trong xã hội sẽ nuôi dưỡng tình yêu thương, quan tâm đến người khác, có lòng tự trọng cao. Nếu trẻ thường xuyên bị chỉ trích, phê bình, bị quở trách rằng chẳng bao giờ làm được việc gì đúng cả, hoặc bị xem thường thì sẽ luôn lo sợ, mặc cảm, thất thoát lòng tự trọng. Lời nhục mạ chua cay của cha mẹ có sức mạnh phá huỷ nhân cách khủng khiếp hơn cả đòn roi.

Ngoài nguyên nhân núp bóng yêu thương kể trên, mệt mỏi sau một ngày làm việc, lo toan căng thẳng trong cuộc sống thường nhật của cha mẹ cũng có thể trút vô cớ xuống đầu con. Khi mắng oan con cái, khái niệm xin lỗi dường như không bao giờ tồn tại với các ông bố, bà mẹ. Nhiều khi con cũng có lỗi nhưng thường bị mắng nhiều hơn các lỗi mắc phải.

Việc phụ huynh la mắng con cái như một thói quen phản giáo dục tạo nên khuôn mẫu hành vi mà những thế hệ tiếp nối rất có thể lặp lại. Mỗi người từng bị cha mẹ la mắng đều vô thức mang trong ký ức của mình "một bộ sưu tập'' những lời mắng mỏ. Khi họ sa vào hoàn cảnh tương tự cha mẹ trước đây, những lời đó tuôn ra tự nhiên.

Tránh la mắng - nghệ thuật kiểm soát tình huống giáo dục gia đình

Yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp giáo dục nhân bản. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ em. Ngay cả khi việc phê bình, góp ý với con là không tránh khỏi phụ huynh cũng có thể biến điều đó thành một “hoạt động nghệ thuật”.

Phụ huynh hiểu đúng khả năng của lứa tuổi con và mức độ năng lực của con sẽ tránh được kỳ vọng quá đáng gây áp lực cho cả cha mẹ và con. Thật ra con cái chú ý đến lời dạy dỗ của cha mẹ nhiều hơn là họ tưởng. Đa số thanh thiếu niên đồng ý với cha mẹ về các vấn đề cơ bản như giá trị của sự chân thật hay tầm quan trọng của giáo dục nên người.

Khi la mắng, cha mẹ thường mong con cái sửa đổi ngay để đạt kết quả tức thì, nên bị “phản pháo” hoặc trẻ không chịu nghe lời sẽ khiến họ mất bình tĩnh. Tốt nhất cứ để cho trẻ nói, sẽ biết nên khuyên nhủ con điều gì. Nếu con bướng, thay vì áp đặt một chiều, thử cùng con giải quyết khó khăn, đặc biệt là những đứa con ở tuổi thành niên. Bậc cha mẹ sáng suốt sẽ nén lòng bỏ qua lỗi không lớn hoặc tạm thời như: đầu tóc, quần áo, bạn bè, thậm chí một số cách ăn nói..., chỉ thật sự lo lắng nếu con có biểu hiệu của một khuynh hướng khó chấp nhận như muốn bỏ học hay quá hỗn hào.

Khi có lỗi con cần một cơ hội giãi bày. Biết nguyên nhân đích thực, quản lý được mức độ trầm trọng, nguy cơ bùng phát giận dữ của cha mẹ sẽ giảm bớt.

Cũng rất cần tránh lối nhận xét kiểu ''chụp mũ''. Cha mẹ nhận xét, nhắc nhở về khuyết điểm nhưng không buông những lời nhận xét ám chỉ, xúc phạm, là sổ toẹt mọi cố gắng của trẻ.

Cha mẹ cũng có nhu cầu xả ức chế. Lúc đó nghệ thuật là phê phán bằng cách diễn tả cảm xúc. Dù giận dữ thế nào cũng không được xúc phạm nhân cách hay tính tình của con. Thay vì nhiếc con là “ngu đần”, “hư hỏng”, “vô tích sự”, cha mẹ nói lên cảm xúc của mình: “Con thi trượt mẹ buồn quá”. Thể hiện cảm xúc khơi gợi và dẫn dắt con tốt hơn là lời đao to búa lớn.

Đừng tiếc lời xin lỗi. Sau khi mắng con quá đáng, người bố nói: “Ban nãy bố giận quá, nên hơi quá lời, con đừng trách bố nhé”. Người mẹ cũng có thể bảo: “Chắc con ghét mẹ lắm vì mẹ mắng con phải không”. Chỉ cần thế, trẻ em đủ vị tha để không bùng phát phản ứng tiêu cực.

Cha mẹ có thể hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, sẽ nhớ lại cảm giác đã phải hứng chịu và lòng thương con giúp tránh đi la mắng.

Không dễ đạt được sự cân bằng tâm lý ấy ở những bậc cha mẹ yêu con, lo cho con cháy lòng nhưng có thể xem là tập một phép thiền được chứ? Xem con là một mục tiêu để hành thiền, tĩnh để hiểu trước khi bực bội.

Điều quan trọng là để trẻ được cảm thấy chúng là người được yêu quý và luôn được đánh giá tốt trong mắt cha mẹ. Dù có khiếm khuyết, nhưng con vẫn có thể làm được những điều tuyệt vời vì là đứa con đặc biệt mà cha mẹ tin tưởng nhất. Sự công bằng ấy là khởi nguồn cho con hình thành ý thức sửa lỗi một cách tự giác./.

ThS. Đinh Thị Phương Thảo


 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung