Năm 1945, các quốc gia thành lập UNESCO đã ký một văn bản thoả thuận thể hiện niềm tin "cơ hội đầy đủ và bình đẳng cho giáo dục". Kể từ thời điểm đó, giáo dục cho mọi người trở thành một phần nhiệm vụ của UNESCO thực hiện những cơ hội thành hiện thực. Bắt đầu từ năm 1948, một số công cụ pháp lý ràng buộc giáo dục là một quyền. Tuyên ngôn về nhân quyền nói rằng "mọi người đều có quyền được học tập" (Điều 26). Hôm nay, mục tiêu vẫn không thay đổi: tất cả mọi người đều có cơ hội tìm hiểu và hưởng lợi từ giáo dục cơ bản; không phải là một đặc ân - đó là một quyền của con người.
2. EFA là mối quan tâm của cả cộng đồng
Dưới sự lãnh đạo của UNESCO và bốn cơ quan khác của Liên hợp quốc (Quỹ Nhi đồng LHQ, Chương trình Phát triển của LHQ, Quỹ Dân số LHQ và Ngân hàng Thế giới), năm 1990, các quốc gia họp ở Jomtien (Thái Lan) để thống nhất một tầm nhìn mới về giáo dục cơ bản. Năm 2000, 164 Quốc gia và các đối tác đã gặp nhau tại Dakar (Senegal) để tái khẳng định cam kết toàn cầu của họ và thông qua Sáu mục tiêu Giáo dục cho Mọi người. Những mục tiêu này thể hiện một cái nhìn toàn diện: giáo dục thời thơ ấu; khả năng đọc, viết; kỹ năng sống cho thanh thiếu niên và người lớn... Ba mục tiêu phải hoàn thành trước năm 2015: phổ cập giáo dục tiểu học, 50% người trưởng thành biết đọc, viết và bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục.
3. EFA là sự phát triển tất yếu
Giáo dục phổ biến tới tất cả cá nhân và cộng đồng. Đây là nền tảng của tất cả mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ được thông qua vào năm 2000. Đối tượng giáo dục kỹ năng và kiến thức là trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, giúp mọi người có môi trường bền vững, mức sống tốt và an toàn hơn. Bản báo cáo Học tập: Kho báu nội tại của Uỷ ban quốc tế về giáo dục (GD) cho thế kỷ XXI (International Commission on Education for the Twenty-first Century) thuộc UNESCO do chủ tịch Jacque Delors đọc vào tháng 4 năm 1996 cho rằng: giáo dục thế kỷ XXI phải dựa trên bốn trụ cột "Học để biết, học để làm, học để làm người, học để chung sống". (Mới bổ sung trụ cột thứ 5: Học để sáng tạo). Năm trụ cột này phải đặt trên nền tảng "Học tập suốt đời" và xây dựng một "Xã hội học tập". Nói cách khác, giáo dục tạo điều kiện cho chúng ta phát triển toàn diện. Một thế giới của hòa bình, hữu nghị, công lý và bình đẳng phụ thuộc vào nhiều yếu tố - giáo dục là trung tâm trong số đó.
4. EFA thực sự phải dành cho tất cả mọi người
Phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại đối với các bé gái và phụ nữ trong giáo dục. Ngày nay, hơn 55% trẻ em gái không được tới trường và hai phần ba phụ nữ trưởng thành không biết chữ. Những nỗ lực đặc biệt - từ việc tuyển dụng giáo viên nữ tới hỗ trợ các gia đình nghèo nhằm tạo sự thân thiện với trường học - là cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu cân bằng giới trong giáo dục. Bên cạnh đó, một số nhóm người khác có thể không được chú ý, bao gồm dân bản địa và các nhóm dân cư nông thôn vùng sâu, trẻ em đường phố, người tàn tật, dân tộc thiểu số và dân du mục. Phương pháp giáo dục mới phải thích hợp với các nhóm nói trên chứ không phải chỉ tiếp cận họ bằng cách tăng cơ hội cho các trường học tiêu chuẩn.
5. EFA là dành cho mọi lứa tuổi và trong tất cả các chương trình
Sáu mục tiêu của EFA ủng hộ tất cả mọi người được hưởng lợi từ giáo dục cơ bản - từ trẻ nhỏ ở nhà đến các chương trình mầm non, giáo dục tiểu học, thanh thiếu niên, thanh niên và người lớn. Giáo dục cho tất cả nhấn mạnh rằng không ai là quá trẻ để bắt đầu học hay quá già để có thể làm toán. Giáo dục không chỉ diễn ra trong các trường học mà học tập có thể bắt đầu trước khi học tiểu học và tiếp tục trong suốt cuộc đời. Để thiết lập các giai đoạn, gia đình và cộng đồng phải được khuyến khích thúc đẩy môi trường giáo dục toàn diện. Trong thực tế, giáo dục cơ bản giúp gia đình và cộng đồng có thể đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức.
6. EFA có nghĩa là chất lượng học tập
Những động lực để học hoặc để vượt qua khó khăn học tập chỉ đến khi giáo dục được xem là cần thiết - chất lượng của học tập phụ thuộc vào điều này. Người trưởng thành đi học hoặc tham dự một khóa học chính quy nên chú trọng học tập kiến thức và kỹ năng sử dụng giá trị đó trong cuộc sống với mục đích rằng mình có thể làm những việc mà trước kia mình không thể hoàn thành. Chất lượng của nền giáo dục phụ thuộc vào phương pháp giảng dạy, quy trình học tập cũng như môi trường đào tạo. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của cung ứng giáo dục là đáp ứng nhu cầu của người học và có nội dung thiết thực liên quan đến cuộc sống của họ.
7. EFA và những tiến bộ đáng ghi nhận
Bản Báo cáo Giám sát Toàn cầu về giáo dục cho mọi người (GMR) của UNESCO được xuất bản hằng năm cho biết tiến độ thực hiện sáu mục tiêu của EFA; so sánh tình trạng giáo dục giữa các quốc gia và xác định xu hướng đồng nhất. Từ năm 2000, các ấn bản chứng tỏ đã có sự tiến bộ đáng kể trong giáo dục và cho thấy rằng các mục tiêu giáo dục là khả thi, ngày càng có nhiều trẻ em đến trường – đặc biệt là các bé gái, mặc dù mục tiêu cân bằng giới tính đã kết thúc từ năm 2005. Học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh trung học đã tăng gấp bốn lần so với học sinh tiểu học ở vùng cận Sahara (châu Phi), ở Nam và Tây Á – những vùng được cho là khó đạt được các mục tiêu của EFA. Khảo sát dữ liệu của 70/110 quốc gia cho thấy dân chúng chi tiêu cho giáo dục đã tăng lên như là một phần của thu nhập quốc dân. Các mục tiêu khác như mở rộng chăm sóc và giáo dục mầm non (mục tiêu 1); thúc đẩy học tập kỹ năng cho những người trẻ và người lớn (Mục tiêu 3) là khó hơn để đo lường, nhưng rõ ràng là nỗ lực để phát triển các chính sách giáo dục phù hợp đã mang lại kết quả khả quan.
8. EFA phải đối mặt với nhiều thách thức
Tiến độ thực hiện các mục tiêu EFA hiện chưa đủ nhanh để hoàn thành vào năm 2015. Theo tính toán gần đây, khoảng 75 triệu trẻ em thất học và khoảng 776.000.000 người trưởng thành (ước tính 16% dân số thế giới) bị mù chữ. Tại các trường học, hàng triệu người đã bỏ học mà chưa được đào tạo giáo dục cơ bản. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, tỷ lệ học sinh/ giáo viên ở nhiều nước đang vượt quá ngưỡng 40:1. Ước tính toàn cầu cần 18 triệu giáo viên để có thể phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2015. Hơn nữa, giáo dục không phải là tất cả, cơ hội cho thanh thiếu niên đang còn học tập hoặc đã thất học vẫn còn thấp ở nhiều nước đang phát triển. Nghèo đói, cô lập địa lý, giới tính, ngôn ngữ và sắc tộc là một trong những trở ngại chính ngăn chặn con đường phổ cập giáo dục. Tăng số lượng và chất lượng của giáo viên, cải thiện trường học và quản lý hệ thống giáo dục, giải quyết tác động của HIV và AIDS - tất cả điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm cung cấp các cơ hội học tập tốt hơn.
9. EFA cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người
Muốn đáp ứng mục tiêu EFA cần phải có tài chính, con người, phương tiện kỹ thuật, các cơ quan chức năng và đặc biệt là yếu tố chính trị. Công việc của UNESCO là duy trì sự đồng thuận quốc tế thông qua Nhóm công tác EFA và các cuộc họp cấp cao hằng năm. Chúng tôi cần sự trợ giúp từ các cơ quan, ngân hàng phát triển… Chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới đang đưa các nguồn vốn ngày càng tăng vào giáo dục. Tuy vậy, vẫn còn một chặng đường dài để đáp ứng nhu cầu phổ cập giáo dục tiểu học - ước tính 7 tỷ USD viện trợ mỗi năm. Viện trợ này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc liên kết thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia. Dân sự hóa xã hội là một chìa khóa quan trọng để vận động tăng kinh phí và đưa ra những giải pháp, cơ hội học tập cho các nhóm dân cư. Chia sẻ kiến thức, hợp tác và xây dựng sự đồng thuận quốc tế là điều kiện tiên quyết để gia tăng những nỗ lực chung và sử dụng nguồn lực đó một cách tối ưu.
10. EFA có hiệu ứng số nhân
Bằng cách thúc đẩy các cá nhân tự quản lý và duy trì sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ, giáo dục sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho các gia đình và cộng đồng. Nói cách khác, đứa trẻ có mẹ thất học thì khả năng không được tới trường cao gấp hai lần đứa trẻ có mẹ học hành đầy đủ. Giáo dục cho tất cả là như vậy! Đây là điều cần thiết và là nền tảng cho tất cả mọi người có cơ hội thành công tốt hơn, khắc phục tình trạng phân biệt đối xử và sự bất công dưới mọi hình thức./.
Nguồn: UNESCOPRESS