Với Quê nội và Tảng sáng, Võ Quảng dẫn ta vào sinh hoạt của một làng quê có tên là Hòa Phước, ven sông Thu Bồn, giữa những ngày sôi nổi trong và sau Tháng Tám - 1945. Đằm thắm trong một tình yêu, một nỗi niềm nhớ thương vừa vời vợi, vừa sâu thẳm, truyện của Võ Quảng dường như không chú ý, hay nói đúng hơn, không nhằm lạm dụng cái lạ, cái riêng trong dấu ấn của từng vùng. Hòa Phước là quê của tác giả, của một người con vùng quê Ngũ Hành Sơn, sông Thu Bồn, Cửa Hàn, Cửa Đại... nhưng cũng là của anh, của tôi, của tất cả. Nghe chuyện Hòa Phước của tác giả cũng như là nghe kể về quê hương của chính mình. Rõ ràng khi Võ Quảng viết “hết mình” trong một tình yêu “quê nội” thì cũng là khi Võ Quảng đã gặp tất cả chúng ta - những người hẳn ai cũng khao khát một tình yêu quê. Và tình yêu quê hương, như xưa nay vẫn vậy là một tình yêu không biên giới. Yêu quê mình và đồng thời yêu quê bạn. Yêu nơi mình sinh ra và yêu nơi mình ghé đến. Rồi chính do sự hòa nhập, sự đổi trao, sự bổ sung đó mà biết nâng tình yêu quê hương cụ thể lên tình yêu Tổ quốc.
Những trang Võ Quảng chan chứa một tình yêu quê, và cùng là chan chứa một tình yêu Tổ quốc. Nếu nói có một hàm lượng trữ tình và một chất thơ nồng đậm ở Võ Quảng thì theo tôi chính là được khơi lên từ đó.
Hai nhân vật chính đi suốt Quê nội, Tảng sáng, tham gia vào tất cả các sự cố, gắn nối các mảng khối hành động - đó là hai cậu bé có tên Cục và Cù Lao. Cả hai dường như có hao hao hình bóng tác giả. Giá trị lớn của bộ truyện mà Võ Quảng đã dồn hết mọi tâm lực, cùng kỷ niệm cả một thời trẻ sống hết mình với quê hương, khao khát đến với cách mạng, chính là ở sự sống của hai nhân vật này. Trong hình ảnh Cục và Cù Lao có sự hiện diện, sự hoá thân, sự sống động trở lại của tất cả tuổi thơ chúng ta, mỗi người có thể có một khuôn mặt riêng không giống nhau; nhưng ai lại chẳng có ít nhiều cái ngộ nghĩnh ấy, cái tinh nghịch ấy, cái ham say chơi đùa ấy, cái khôn ranh hoặc vụng dại ấy. Ai trong chúng ta lại chẳng có một tuổi thơ tuy thiếu nghèo hoặc no đủ về vật chất và tinh thần có khác nhau, nhưng đều có cùng một khao khát muốn làm việc tốt, muốn được khẳng định về nhân cách, muốn vươn lên những việc quá sức mình, muốn nhanh chóng thành người lớn, muốn được giao những việc quan trọng... Ở Cục và Cù Lao quả Võ Quảng đã phát hiện được một cái gì thật nghiêm trang và hệ trọng, và cũng thật là điển hình cho cả một thế hệ trẻ thơ, trong cái vẻ riêng ngộ nghĩnh, không lắp lại của nó.
Từ sự sống của hai nhân vật trong cảnh quan một miền quê khó quên được ấy, tôi muốn xếp Quê nội và Tảng sáng của Võ Quảng vào trong một văn mạch với Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Gió đầu mùa và Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Quê mẹ của Thanh Tịnh, Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, Một đám cưới và Chuyện người hàng xóm của Nam Cao, Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, và Cỏ dại của Tô Hoài...
Bộ sách viết về một thế hệ trẻ thơ có thêm một ngày khai sinh nữa là Cách mạng tháng Tám.
Rõ ràng với Quê nội, Tảng sáng Võ Quảng đã bổ sung thêm vào danh mục bảo tàng văn chương hiện đại một cái tên riêng là Hoà Phước. Nếu không có Võ Quảng, hoặc nếu Võ Quảng không có Quê nội và Tảng sáng thì Hoà Phước sẽ lẫn vào trong trăm ngàn tên thôn làng khác ở bất cứ nơi đâu. Đã có một thôn Vỹ Dạ, một làng Thiện Vị trong thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính; có một làng Đông Xá hoặc Vũ Đại trong văn Ngô Tất Tố, Nam Cao... Bây giờ có thêm một Hoà Phước, như một tên chung gợi bao tò mò và ngưỡng vọng cho lớp lớp các thế hệ trẻ, về một miền quê - quê của tuổi thơ, quê của cách mạng.
Là tác giả của một bộ truyện nổi tiếng, Võ Quảng còn là nhà thơ, với nhiều bài thơ hay cho lứa tuổi nhỏ.
Thơ Võ Quảng là thế giới của con trẻ và thế giới của hoa cỏ, loài vật, qua cách nhìn con trẻ.
Một thế giới vui ngộ, cái vui lao động, nẩy nở, sinh sôi.
Anh đom đóm, một đốm sáng, một sinh thể phát sáng nhỏ nhoi, đêm đêm chuyên cần “lên đèn đi gác”. Anh đi suốt đêm, cho đến khi gà gáy sáng mới “tắt đèn lồng” “lui về nghỉ”.
Chị chổi tre cần mẫn quét dọn khiến cho “nhà mát sáng, cả trong ngoài, gió khoan thai, bay vào cửa”.
Con bê lông vàng “đi qua vườn ớt, nhìn sau nhìn trước, đi qua vườn cà, đi vào đi ra, đi tìm mẹ nó”. Bê “không thấy mẹ” mà “thấy cái hoa nở”.
Nó bước lại gần
Nó đứng tần ngần
Mũi kề, hít hít
Tuổi trẻ chóng quên, và lại ham vui.
Gà mái hoa bỗng nhiên trái chứng, đổi nết. Hoá ra nó đang đi tìm ổ. Khi đã có ổ nó nằm yên để ấp. Nó mang lại niềm vui cho cả nhà.
Ai đó? Mời vào. Một hoạt cảnh thật vui, những “nhân vật” ở đây như Thỏ, Nai, Vạc, Gió chưa hề quen nhau mà đầy lòng hiếu khách.
Biết bao thế hệ ông bà nội ngoại, từng ngồi bên cháu trước những trang tranh truyện Mời vào để cùng nhận diện mấy vị khách lạ sau ba tiếng gõ cửa: Cốc, cốc, cốc.
Thế giới thiên nhiên trong Ai dậy sớm, một buổi sớm với vừng đông và đất trời, thật rạng rỡ, tinh khôi.
Một mùa xuân với “hoa cải li ti, đốm vàng óng ánh, hoa mùi tím tím, nõn nuột hoa bầu, hoa ớt trắng phau, xanh lơ hoa đỗ”.
Một mầm non “mắt lim dim” “nhìn qua kẽ lá”, thấy thế giới chung quanh vẫn còn chìm trong yên lặng.
Chợt một tiếng chim kêu
Chíp chiu chiu, xuân đến!
Tiếng chim như đánh thức cả đất trời và trịnh trọng thông báo cuộc chuyển mùa.
Thơ Võ Quảng luôn hàm chứa một cái gì đột biến trong bừng tỉnh, nẩy nở, sinh sôi.
Võ Quảng yêu hồn nhiên và thắm thiết thế giới hoa cỏ và loài vật quanh ta. Ông thổi vào chúng sự sống vui và làm cho các em cùng chúng ta vui cái vui của sự sống bình thường. Cứ như vậy ông góp phần làm giàu đời sống tinh thần của con người, bắt đầu từ tuổi thơ; và giúp cho con người kéo dài sự tươi tắn của tuổi thơ. Thơ Võ Quảng ít nói điều gì cao xa, to tát, trừu tượng. Ông chỉ nói những chuyện nhỏ nhẹ, bình thường, với giọng khiêm nhường, nhiều khi vui hóm, ngộ nghĩnh. Nhưng mặc dù vậy, hay chính vì vậy, thơ ông lại rất giàu ý vị giáo dục. Đó là chỗ, theo tôi thật sự là thành đạt trong thơ cho lứa tuổi thơ của Võ Quảng.
Ý kiến của Võ Quảng sau đây về thơ cho thiếu nhi cũng hoàn toàn phù hợp với thơ ông: “... với những mảnh vải thông thường nhà thơ có nhiệm vụ phải may thành những bức thảm đầy đủ màu sắc sinh động và tươi vui. Keo vật có mệt là vì những hạn chế đó. Và trong keo vật đó, người làm thơ có cảm giác không phải cố dốc hết sức ra, mà có lúc phải cố sức giảm sức đi, làm nhỏ lại, cố cho thơ trẻ ra và rũ hết những hiểu biết cồng kềnh”.
Gắn bó với tuổi thơ, Võ Quảng cũng đã dành hết tâm hồn và tài năng cho những thiên đồng thoại nhỏ nhắn và xinh xắn, hồn nhiên và đậm đà sự sống vui, làm gắn bó được nhu cầu ham hiểu biết và hướng về điều thiện của các lứa tuổi trẻ.
Sau Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, chúng ta thật sự được hưởng một niềm vui trẻ thơ mà không hời hợt hoặc khiên cưỡng trong mỗi truyện của Võ Quảng.
Đó là chuyện của Rùa muốn đi đây đi đó, nhưng lại ngại đi, chẳng phải vì bước chậm mà vì lười biếng, nên tìm cách bám vào vó ngựa, và thế tất là phải văng xuống đường, như một tai nạn giao thông với các mảnh vỡ trên lưng.
Đó là câu hỏi và lời giải vì sao lưng lão Hổ lại có vằn.
Đó là chuyện vì sao mắt Giếc lại đỏ hoe, Cút Lủi luôn luôn chui lủi, và Vượn lại có tiếng hú buồn?
Toàn bộ thế giới đồng thoại của Võ Quảng chứa đựng một triết lý sống, một kinh nghiệm sống thật hồn nhiên mà sâu xa. Đọc đồng thoại của Võ Quảng ta như càng được chứng minh khả năng tung hoành của tưởng tượng - điều mà chính tác giả cũng đã từng khẳng định: “không có chỗ nào gọi là xa xôi, không có vấn đề gì gọi là cao siêu mà truyện đồng thoại không vươn tới được”.
Những trang Võ Quảng, cả văn và thơ đều chan chứa một tình yêu thiên nhiên với cây cỏ, hoa trái, chim muông nơi cảnh sống quanh ta; cùng là chan chứa một tình yêu quê, nơi những người thân yêu cùng sống, nơi chứa đầy những kỷ niệm thời thơ ấu, nơi ghi nhận từng bước sự trưởng thành của đời người.
Vườn văn thiếu nhi của ta hôm nay quả có không ít người, thậm chí còn rất đông người. Nhưng nhìn vào tất cả họ lại thấy không có ai chuyên như ông. Họ còn làm nhiều việc khác. Có người chỉ viết bằng tay trái. Còn ông, suốt ngót 50 năm qua, ông chỉ viết cho thiếu nhi.
Dành cả một đời người cho một sự nghiệp vốn được xem là cao quý và thiêng liêng; cả một đời dành ra như vậy, nhưng có phải bất cứ ai cũng đến được đích không? Và nếu có đến được đích, và là một cái đích xa như Võ Quảng thì sự chăm nom và bù đắp của người đời là thế nào? Đó là câu hỏi không dễ trả lời, bởi biết bao lý do chủ quan và khách quan, nó gây nên đâu phải là ít những ngập ngừng, nản mỏi; hoặc sự bỏ cuộc giữa chừng, sự đi tìm những ngả đường khác...
Còn ông, là Võ Quảng, ông đã dứt khoát chọn nó cách đây hơn 50 năm, khi ông từ Khu Năm tập kết ra Bắc; với một dứt khoát sống hết mình, thật hết mình cho tuổi thơ.
Cuộc sống hôm nay người người, nhà nhà đang lo xoá đói giảm nghèo, và không ít người đang quyết liệt săn tìm sự giàu có. Giàu có được đo bằng địa vị xã hội, bằng tiền của, nhà đất, tiện nghi... Còn cái giàu có bên trong tâm hồn thì quả là khó tìm hơn, vì không dễ mấy ai để tâm đi tìm. Và người mong muốn cho sự giàu có đó, người góp phần làm nên sự giàu có đó, một cách cần mẫn, lặng lẽ, kỳ khu, suốt bao nhiêu năm, bằng cái nghề chẳng mấy khi chạm được vào sự giàu có là nghề văn, trong ý nghĩa chân chính của nó, lớp người đó thời nào cũng hiếm. Chế độ ta quả có sự chăm sóc để bớt đi sự hiếm hoi, nhưng đâu dễ đã hết được những bùi ngùi trong cảnh quan chung, và trong không ít tâm trạng, vì nhiều lý do đã được nói, hoặc còn chưa được nói đến.
Võ Quảng ra đi trong lặng lẽ đã 3 năm; sau khi đã để lại cho đời một tình yêu con trẻ hết mình và trọn đời; và với tình yêu đó, ông đã để lại cho nhiều thế hệ trẻ bao hành lý tinh thần quý giá, nó làm giàu có tâm hồn mỗi con người. Võ Quảng đã chăm chút biết bao nhiêu cho cái phần sống bên trong ấy của con người ngay từ tuổi thơ. Và ông còn nhắc nhở ta khi đã đi qua tuổi thơ, càng cần biết chăm chút hơn, nhân hậu hơn, với tất cả những gì thân thiết, cả những gì còn xa lạ, hoặc ngang trái trong vận hành đầy vất vả của cuộc đời, cả trong sự tự quên mình đi vì niềm vui và hạnh phúc của người khác./.
GS. Phong Lê