Home Văn hóa Tác giả - Tác phẩm Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm - Người đi tìm lá diêu bông cuối cùng

Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm - Người đi tìm lá diêu bông cuối cùng

Email In PDF.
Trong đời thi sỹ Hoàng Cầm có năm cuộc tình. Cuộc tình nào cũng đều góp phần không nhỏ làm cho trái tim ông loạn nhịp. Ông sinh ra trên mảnh đất Kinh Bắc, nơi có những câu quan họ mượt mà, tình tứ mà người nghĩ ra lời, hát lên điệu xưa phải là người Đệ nhất thiên hạ đa cảm, một cái đuôi mắt xô đổ nửa cuộc đời. Cái thiên khí địa khí Kinh Bắc mới đẻ ra một Hoàng Cầm thi sỹ coi tình yêu như sương, coi người tình như lệ, coi cuộc tình như tiếng thở dài.

Nhà ông tuy không giàu nhưng cũng đủ tiền cho con đi học xa. Bố ông làm nghề bốc thuốc bắc, trọng chữ nghĩa, sau này đã từng mắng Hoàng Cầm có viết được như ông Phan Bội Châu thì viết, bằng không bẻ bút đi kiếm nghề nuôi vợ con. Nhà ông ở gần ga xe lửa Sen Hồ, một ga xép, tàu Hà Nội lên hay tàu phủ Lạng Thương về, chỉ dừng lại độ mươi phút, người gồng gánh buôn bán lại lật đật lên tàu, vài ông ký ông phán tay cầm ô, tay xách va li mây lên tàu, lua tua những vạt áo dài trong gió bấc. Không biết vì sao mà cái ga xép ấy trong thơ Hoàng Cầm cứ hiện lên màu xám.

Cái làng ông, nửa làng nửa chợ, dăm gánh hàng xén, một lò rèn, vài hàng những người sơn tràng, thợ ngõa, thường mua cơm nồi. Các bà các chị buôn từ Nam, Phòng lên hay từ phủ Lạng Thương về ăn cơm đĩa, thêm canh cua và cà muối. Cái phố nhỏ nhoi và ngắn như một cái ngõ thế thôi nhưng không buồn. Cuối phố có cây đa rất già, già đến nỗi trong ruột của nó có cái hốc rất to. Mỗi khi đám bạn của Cầm nhại tiếng gõ búa của ông thợ rèn “cùng... kiệt, cùng   kiệt” bị ông đuổi thì cả lũ trốn vào hốc cây.

Gánh hàng xén của mẹ ông không góp phần quan trọng vào việc nuôi sống gia đình, nhưng lại là nguồn nuôi dưỡng, gieo mầm thi hứng cho đời ông sau này. Có khi mẹt hàng xén không được rậm rạp như của người khác, mà phần nhiều là hàng rẻ tiền, như vài tá cặp tóc hai lá, ít kim băng, cúc bấm, lơ hồng, băng phiến, mực tím, ngòi bút lá tre... Cũng có dạo trường vốn hơn, mẹt hàng của bà có thêm vài lọ nước hoa, tá khăn mùi soa hoặc bộ xà tích. Lại có dạo ăn cụt cả vốn, hai mẹt hàng chỉ dồn lại một mà vẫn lèo tèo dăm gói mực tím, dúm kim băng... Có thế chăng nữa, bà vẫn vui vẻ cho Cầm đều đặn tiền để mua Chinh phụ ngâm, Hoàng Trìu, Trê cóc, Hoa Tiên, Lục Văn Tiên, Nhị độ mai... Không biết bà mẹ hàng xén có muốn cậu con trai của mình sau này thành thi sỹ hay không nhưng thấy cậu thích đọc thơ, thích ngâm thơ là bà hài lòng. Trọ học xa, tối thứ bảy và ngày chủ nhật Cầm mới về nhà, những buổi tối như vậy, cả nhà ăn cơm xong, dưới ngọn đèn dầu, cậu con trai khôi ngô, mắt to, da trắng lại đĩnh đạc đọc thơ cho cả nhà nghe. Bố thì trầm ngâm, bóng đổ lên tường im phăng phắc, còn mẹ thì gà gà gật gật. Bà vừa nghe vừa ngủ, giọng đọc lảnh lót của cậu quyến rũ bà.

Trên cái sân ga xép đìu hiu ấy, khi con tàu phì phò dừng lại, có một chiều thứ bảy không giống những chiều thứ bảy khác, cậu bé Cầm đã gặp một người con gái. Thứ bảy học xong, cậu lên tàu ở Phủ Lạng thương, chiều đã về đến Sen Hồ. Trước khi về nhà bao giờ cậu cũng qua chỗ mẹ bán hàng...

songduong

Có một buổi chiều như vậy... Cô gái đang cúi xuống mua hàng của mẹ. Dáng hình cô gái toát lên điều gì đó lạ lùng và khi cô gái ngẩng lên thì Cầm như người bị thôi miên, ánh mắt của cậu đăm đắm không rời mắt cô gái. Cô gái không có vẻ đẹp rực rỡ. Cô chưa đẹp, song có ma lực. Chỉ cái áo lụa nâu, hoa chìm bó sát người, quần cũng lụa đen, đôi guốc sơn. Một sự thanh thoát mộc mạc vốn có ở lứa tuổi ấy. Khuôn mặt không có nét  kiêu sa nhưng cũng không phẳng lặng. Đôi má phơn phớt lông tơ, có chút ửng hồng nơi gò má. Làn môi thật tươi và duyên dáng. Các đường cong bí ẩn còn ở bước sơ khai.

Nhưng cái làm cho cậu bé Cầm choáng ngợp lại là đôi mắt của thiếu nữ. Đôi mắt của nàng, cho đến khi về già, mỗi khi nhớ lại, trái tim ông không thể bình yên. Đó là đôi mắt đen láy, dưới làn mi dài và rợp, ánh mắt cứ như sương, như khói, vừa là thật vừa như ở miền huyền diệu.

Cuộc gặp gỡ người thiếu nữ lần ấy như một tiếng sấm báo hiệu mùa giông gió ái tình bắt đầu. Không ai hiểu tại sao cậu bé lại si tình sớm thế? Đó là mối tình đầu tiên, nỗi si mê đầu tiên của trái tim đa đoan. Chính cuộc tình này làm cho Hoàng Cầm suốt cuộc đời canh cánh một cuộc tìm kiếm.

Cô gái xinh đẹp ấy mới mười sáu tuổi, tên Vinh, là con ông giáo Lợi, nghe đâu người ở Tuyên xuống dạy học. Mẹ Vinh có gánh hàng khô ở chợ Huyện. Cô gái chỉ cơm nước trong nhà, thỉnh thoảng trông hàng cho mẹ. Hoàng Cầm vẫn gọi nỗi si mê của mình khi mười ba tuổi là tình yêu chứ không phải là sự phải lòng chốc lát. Đã là tình yêu thì cậu phải thổ lộ. Cậu bắt đầu nắn nót viết lá thư tình đầu tiên trong đời. Cậu không mất thì giờ suy nghĩ để chọn chữ gì, cậu đặt bút và viết luôn giòng đầu tiên: Em gửi chị Vinh của em… sau đó là đến những câu tràn trề cảm xúc, thắm thiết yêu đương mà cậu nhớ được trong các sách báo thời đó.

Tuần sau chị Vinh gặp Cầm, chị như không để ý đến Cầm, mãi sau chị mới bảo, chị đọc thư em rồi, viết hay lắm. Rồi xoa đầu Cầm, khen em dạo này lớn ghê. Chỉ có thế thôi nhưng Cầm không thất vọng, trái lại cậu còn nôn nao mấy tuần liền. Một lần Vinh đi hái củi và cho Cầm đi theo. Nước khe Ngũ Khê hơi sâu, chị Vinh bảo Cầm có giỏi thì cõng chị sang bên kia khe. Thế là Cầm không đăn đo, bế xốc Vinh lội ào ào qua bên kia. Sang bên kia rồi, Vinh vẫn không buông tay và cứ úp mặt vào cổ Cầm. Mấy phút ấy cậu bé Cầm đã cảm nhận sự nóng ấm và thơm tho của Vinh. Đến khi Vinh bỏ tay tuột xuống, Cầm thấy mặt Vinh đỏ như gấc chín, còn Cầm thì nóng ran người.

Ngày đó, củi nhiều trôi dạt hai bên bờ, vừa nhặt củi Vinh vừa cất tiếng hát nho nhỏ, Cầm nghe như tự đầu nguồn vẳng đến. Vinh tiện tay nhặt chiếc lá khô đang trôi trên mặt nước đưa cho Cầm. Cầm hỏi lá gì, Vinh cười ngất bảo lá... diêu bông, người ta tìm lá diêu bông để bói tìm chồng, em mà tìm được lá diêu bông chị cũng lấy em làm chồng...

Cầm thả chiếc lá ấy xuống giòng nước cho trôi đi và ngẩn ngơ nhìn mãi.

Cuối năm ấy bố mẹ Cầm dọn lên Bắc Giang, Cầm lại phải về Bắc Ninh trọ học. Thế là xa Vinh, có khi mấy tháng không nhìn thấy mặt nhau. Dù là rất nhớ nhưng tình yêu của cậu bé mười bốn tuổi chưa đủ đô sôi để xui khiến cậu một mình về Sen Hồ. Năm sau nhân dịp mẹ về Sen Hồ thu nợ trở lên, Cầm hỏi thăm Vinh, mẹ bảo cô ấy đã đi lấy chồng, đã theo chồng về Phủ. Cầm nghe mà lạnh xương sống. Cậu bỏ ăn ba ngày thức trắng năm đêm và làm gần trăm câu thơ tình vê chị Vinh. Đó là những câu thơ mở đầu cuộc đời thơ mà Hoàng Cầm khóc than và vĩnh biệt mối tình đầu của mình

Đến khi thi Diplom xong, một chủ nhật Cầm về Sen Hồ ăn cưới người bà con. Năm ấy Hoàng Cầm đã là chàng trai phong nhã lắm, comple, cà vạt, giày giôn... trông như một tài tử xi nê. Vô tình nhìn vào quán nước ven đường, Cầm không tin vào mắt mình nữa. Ai như chị Vinh? Là chị Vinh sao? Mà sao khác quá, tàn tạ quá. Không có lẽ là Vinh? Cậu nhìn mãi cho đến khi thiếu phụ ngẩng lên. Rõ ràng là chị Vinh thật. Nhưng sao chị không nhận ra Cầm. Cứ như không quen biết gì nhau. Tự ái Cầm bỏ đi nhưng lòng anh không yên. Cầm lại đi một mạch ra quán quyết nhìn tận mặt người con gái dễ nhạt phai kia nhưng quán đã đóng cửa, chỉ còn tấm liếp vô tình. Về Bắc Giang một tuần sau, Cầm nhận được thư của Vinh, lá thư duy nhất. Giữa tờ giấy trắng, chỉ có mấy câu: Cậu Việt đừng tìm Vinh nữa, Vinh đã lấy chồng. Cậu hãy quên chị đi và nếu thương chị thì đừng tìm chị nữa. Cậu buồn mất một tuần. Lần này là nỗi buồn cảm hoài chứ không đến nỗi thất kinh như ngày chị Vinh đi lấy chồng. Dù sao người ấy cũng đã có duyên phận, tiếc là duyên phận trắc trở. Vinh nói thế tức là chưa phải đã hết tình với Cầm. Thế nào Cầm cũng phải gặp lại Vinh.

Nhưng oái oăm thay, sau Cánh mạng, là kháng chiến. Và Cầm đã bỏ học để đi dễn kịch, đi kháng chiến và làm thơ.

Cho đến sau hòa bình năm 1954, ở phố Lò Đúc, Hoàng Cầm nhác trông thấy một người đàn bà, khăn nhung, áo nâu đi trên phố, nét mặt y như chị Vinh. Có lẽ là chị Vinh chăng? Ông hối hả quay trở lại đuổi theo thì không thấy bóng dáng người đàn bà ấy đâu cả. Ông tìm đi tìm lại giữa một quãng phố dài, ngó vào từng ngõ nhỏ nhưng người ấy như đã biến mất. Hoàng Cầm bải hoải cả người. Cái dư vị của mối tình đầu sao đắng quá vậy!...

Một đêm thu năm 1959, Hoàng Cầm không ngủ nằm nghe như có tiếng ai hát xa xa. Tiếng hát rất nhỏ, rất trong và rất xa, giống như tiếng hát của chị Vinh bên suối Ngũ Khê năm nào. Rồi tiếng hát trầm xuống thành tiếng đọc thơ. Và trong im lặng thăm thẳm ấy, vẳng lên giọng một người thiếu nữ, du dương, khoan thai, rung động đến từng câu một. Hoàng Cầm ngồi bật dậy, châm nến và cứ thê mà ghi ra giấy.

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm

Rừng chiều

Cuống rạ

Chị bảo, đứa nào tìm được lá diêu bông

Từ nay ta gọi là chồng.

Hai ngày sau em tìm thấy lá

Chị chau mày đâu phải lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy lá

Chị lắc đầu

Trông nắng vãn bên sông.

Ngày cưới chị em tìm thấy lá

Chị cười xe chỉ em trôn kim

Chị ba con

Em tìm thấy lá

Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.

Từ thuở ấy em cầm chiếc áo

Đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông ơi, hỡi diêu bông

Xong bài thơ (đó là bài Lá diêu bông) lòng thi sỹ thanh thản hẳn. Coi như món nợ tình đã trả xong. Nhưng cũng vì cái “Lá diêu bông” ấy mà Hoàng Cầm vướng vào mối tình với cô chủ quán cà phê đã mượn Lá diêu bông đặt tên cho quán mình. Đó là mối tình thứ tư của thi sỹ Hoàng Cầm, còn chuyện tình ta đang nói là mối tình thứ nhất.

(Ghi lại cuộc trò chuyện với Hoàng Cầm
ở nhà Lâm Huy Nhuận năm 1996)

Ngay-nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...