Làng quê Việt Nam hình thành từ bao giờ? Thật khó có thể đưa ra một câu trả lời chính xác ngay cả đối với một học giả chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này. Song, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Làng quê Việt Nam được hình thành trong quá trình chinh phục và khai mở tam giác châu thổ đồng bằng Bắc bộ. Đó là buổi đầu hình thành các cộng đồng cư dân nông nghiệp đầu tiên mà sự ánh phản đầy gian khổ nhưng cũng hết sức hào hùng thông qua truyền thuyết “Sơn Tinh Thuỷ Tinh”. Trải năm tháng thời gian, từ buổi đầu sơ khai ấy cho đến hôm nay chúng ta có một hệ thống “làng quê” vô cùng phong phú, nơi lưu giữ văn hóa tiềm tàng đáng tự hào với thế giới nếu như làng quê Việt Nam còn nguyên vẹn.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một văn hóa làng. Chiến tranh là cơ bản nhưng cũng không thể không kể đến ý chí chủ quan nhất thời, ấu trĩ trong cách nhìn nhận đánh giá di sản văn hóa của ta cách đây một thời gian chưa xa. Năm 2005, Bộ VHTT (cũ) đã ra quyết định công nhận làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là di sản văn hóa cấp quốc gia. Đây là một làng quê cần bảo tồn, tôn tạo. Nếu Hội An (Quảng Nam) là bảo tàng sống về nếp sống của cộng đồng cư dân đô thị cổ, thì làng Đường Lâm là một bảo tàng sống về nếp sống của “Cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước”!
Làng Đường Lâm sau khi thống kê còn rất nhiều di sản nguyên vẹn so với các làng của đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt là còn lại một chiếc cổng làng. Chiếc cổng này thuộc địa bàn làng Mông Phụ (một trong 09 làng làm nên đơn vị hành chính xã Đường Lâm). Cổng làng Mông Phụ có thể nói là một chiếc cổng cổ nhất còn lại. Cổng cổ không phải chỉ do niên đại xây dựng mà nó cổ bới cách quan niệm “mộc mạc” của một cộng đồng dân cư lúa nước. Thông qua cách xây dựng này mà suy đoán, triết lý về nhân sinh quan của một làng quê thuần nông.
Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn). Không giống với các làng khác, cổng có “vọng lâu” cho tuần đinh canh giữ. Cổng có cửa cuốn tò vò chia làm 03 lối chính phụ. Đôi khi còn qui định rõ ràng cho việc đi lại của dân làng vào cửa nào những ngày nào trong năm. Cổng làng Mông Phụ án ngữ trên con đường chính dẫn vào làng. Cổng có hai mái dốc lợp ngói ri (như một cái nhà cổ), tường xây đá tổ ong, có hai cánh bằng gỗ lim đóng mở theo quy định của làng. Làng Mông Phụ nếu nguyên vẹn phải còn 05 cổng trên 05 lối đi chính vào làng. Tiếc thay nay chỉ còn có một. Khoảng những năm tám mươi của thế kỷ trước, chiếc cổng này được “trên” huy động phá. Cũng thật hay cho quan niệm của “dân” khi chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới, cha bảo con, vợ nhủ chồng: “Đừng có dại dột mà làm cái việc thất đức ấy”! thế là không một người thợ cày nào dám tham gia vào việc ấy. Cổng làng Mông Phụ tồn tại cho đến ngày nay.
Cổng làng Mông Phụ bao đời nay vẫn thế, mỗi sáng tinh mơ lại ồn ào thức dậy. Trâu bò của thợ cày, thợ cấy gồng gánh ra đồng, trẻ con náo nức đến trường. Biết bao nhiêu công việc thường ngày của một làng quê cứ lặp đi, lặp lại mỗi ngày hai buổi đi về. Đơn giản, bình dị mà sao da diết nhớ nhung. Tình cảm ấy đã nâng bước chân bao lớp người đi trước làm nên một cốt cách, một truyền thống tốt đẹp trên mảnh đất này. Giá trị ấy thấm sâu trong từng ngôi nhà, từng làng xóm và bền chặt trong một cộng đồng dân cư. Mặc cho những biến thiên của thời gian, cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn nguyên một làng cổ như một minh chứng đầy thuyết phục và tiêu biểu cho văn hóa lúa nước một thời rực rỡ của đồng bằng Bắc bộ.
Cổng làng của các làng quê Việt Nam hình thành khi các cộng đồng cư dân nông nghiệp tồn tại độc lập như một đơn vị cư trú dưới tên gọi: làng, thôn. Cổng làng hình thành cũng đồng nghĩa với việc xác định “biên giới” giữa làng này với các làng khác. Bên cạnh đó cổng làng còn bao hàm ý nghĩa tự vệ của một cộng đồng cư dân. Cũng từ đây, sản xuất nông nghiệp mang tính gia trưởng (tự cấp tự túc) của các làng quê vốn đã đóng kín, khi có cổng làng lại càng củng cố thêm tính đóng kín của các cộng đồng này dưới mọi góc độ.
Đó là mối quan hệ hữu cơ trong suốt tiến trình tồn tại của các làng quê Việt Nam mà không thể khẳng định cái nào quan trọng hơn cái nào trong khái niệm cụ thể cũng như chiều sâu văn hóa phi vật thể. Tính đóng kín của các cộng đồng cư dân cũng bộc lộ một nhược điểm lớn là việc du nhập cái “mới” vào hết sức khó khăn. Song, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn mặt ưu điểm của các “Cộng đồng cư dân nông nghiệp” là nơi bảo lưu văn hóa rất tốt! Có thể thống kê một cách cơ học: Làng nào còn cổng làng thì văn hóa truyền thống được bảo lưu tốt hơn. Chính nguyên nhân này mà làng Mông Phụ (xã Đường Lâm) được Bộ VHTT quyết định là di sản văn hóa cấp quốc gia.
Về Đường Lâm, lang thang trên những con đường làng rồi bất ngờ lạc vào một ngõ sâu hun hút. Một mình mình nghe tiếng bước chân mình rộn vang trong từng ngõ nhỏ. Những con ngõ với những tường đá ong sừng sững âm thầm đổ bóng mà thấy thời gian hình như ngưng trệ trên mảnh đất này. Mọi sự đổi thay của một thời tao loạn hình như không có ý nghĩa gì. Chỉ còn lại rêu phong trên những tường đá ong giãi dầu cùng năm tháng. Ta như được đi ngược thời gian trở về với hồn cốt của một nền văn hóa lúa nước mà hiện nay không thể dễ dàng bắt gặp ở những làng quê khác.
Chẳng biết từ bao giờ hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã đi vào tâm thức người dân Việt Nam như một nét đẹp bất biến mỗi khi nghĩ về quê hương. Người đi xa trước khi bước chân ra khỏi cổng làng còn ngoái đầu nhìn lại. Lịch sử của làng là một dòng chảy liên tục, dẫu cho trai thời loạn khi đất nước lâm nạn đao binh có người ra đi không bao giờ trở lại. Rồi ai đó ra khỏi làng dài rộng những bước chân hải hồ trên con đường mưu sinh, hay cô gái làng một chiều nao sang sông làm dâu xứ người, chắc hẳn trong sâu thẳm lòng mình vẫn còn lại một góc quê. Không phân biệt sang hèn, người vinh thăng trên con đường hoạn lộ, kẻ thành công trên thương trường. Không thể không thể kể đến những mảnh dời ghập ghềnh nhòa bóng lầm lũi kiếm ăn… Tất cả vẫn bồi hồi chung một nối nhớ làng nhớ quê! Phải chăng ám ảnh ấy chính là hồn cốt của một vùng đất, một dân tộc./.
Hà Nguyên Huyến