Home Văn hóa Tác giả - Tác phẩm Những ca khúc về pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Những ca khúc về pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Email In PDF.
Vào ngày 07/05 cách đây 56 năm về trước, khi mà các cánh quân ta từ nhiều hướng tràn xuống cánh đồng Mường Thanh, đánh chiếm sở chỉ huy quân viễn chinh Pháp, bắt sống tướng Đờ cát, kết thúc huy hoàng chiến dịch Điện Biên Phủ và công cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là một trong những đỉnh cao trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn chấm dứt sự xâm lược, ách cai trị của thực dân Pháp trên đất nước ta cũng như bán đảo Đông Dương. Nói đến chiến thắng Điện Biên phủ chúng ta không thể không nhắc đến sự đóng góp của lực lượng pháo binh non trẻ của quân đội ta cũng như công sức và xương máu của bộ đội đưa pháo vào trận địa. Điều đó được phản ánh qua ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như: bài hát “Con voi” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, ca khúc “Hò kéo pháo” nhạc và lời của nhạc sĩ Hoàng Vân, bài “Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo” nhạc và lời của nhạc sĩ Trọng Hùng và Xuân Sách .v.v.

2

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh non trẻ của quân đội ta đã gây kinh hoàng và bất ngờ cho đội quân viễn chinh Pháp qua việc nhả đạn chính xác từ trên các điểm cao xung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ xuống các cứ điểm của quân Pháp ở phía dưới. Trong những ca khúc viết về chủ đề pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có một bài hát đã miêu tả một cách trìu mến hình ảnh khẩu pháo của quân ta ở chiến trường như chú voi với đủ “cái vòi, 4 chân và đuôi” đó là bài hát “Con voi” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Bài hát được chia thành 2 phần: phần 1 là những câu hát miêu tả về con voi cũng như hình ảnh chú voi thép được kéo ngược lên trận địa: “Con voi con voi cái vòi đi trước, hai chân trước mà đi trước mà hai chân sau đi sau còn cái đuôi đi sau rốt. Tôi xin kể nốt cái chuyện con voi, cái vòi đi sau hai chân sau lại đi trước hai chân trước đi sau còn cái đuôi không biết đi đằng nào…”; phần 2 miêu tả hình ảnh chú voi thép ở trên điểm cao trút bão lửa vào đầu giặc “Lên cao voi tớ lên đây rồi... ầm... ầm... voi ơi voi voi gầm lên voi thét lên tan xác chúng nó ra tan xác chúng nó ra ơi voi. voi này voi voi ơ hò hơ...là voi.”

Nếu như bài hát “Con voi” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát miêu tả hình ảnh khẩu pháp của quân đội ta như là con voi thép trút bão lửa lên đầu giặc thì ca khúc “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân lại là bức tranh sinh động về công cuộc kéo pháo vất vả, khó khăn từ dưới đất lên các điểm cao của bộ đội ta. Để kéo một khẩu pháo lên một điểm cao xung quanh Điện Biên Phủ, bộ đội huy động hàng chục chiến sĩ đứng thành hai hàng, hai tay kéo dây thừng và miệng hát “Hò dô ta nào” để tập trung sức kéo pháo nhích từng đoạn ngắn, vượt qua đèo, núi lên trận địa. Bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân được chia thành 2 đoạn, phân ngắt bởi các câu hò “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo, Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi…”. Ngay sau phần hò mở đầu bài là đoạn 1 với những câu hát nói lên lòng căm thù quân giặc và ý chí quyết tâm đưa pháo lên trận địa trên các đỉnh núi cao của bộ đội ta “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù. Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù”. Sau phần hò giữa bài là đoạn 2, nội dung miêu tả công việc kéo, bảo vệ pháo vất vả, khẩn trương vào ban đêm của bộ đội ta, để cho những chú voi thép vượt qua đèo núi vào trận địa trước khi trời hửng sáng “Gà rừng gáy trên nương rồi, dấn bước ta đi lên nào! Kéo pháo ta sang qua đèo trước khi trời hửng sáng. (Hai ba nào!) Sắp tới nơi còn một đợt nữa thôi, vai ướt đẫm sương đêm, đẫm mồ hôi. Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi…. Dù lửa nóng trong bom đạn, bốc cháy xung quanh ta rồi. Nắm chắc tay không buông rời, quyết tâm bảo vệ pháo...”  ca khúc “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân được viết ở thể hành khúc, nhịp đi, tính chất âm nhạc trầm hùng, khỏe khoắn.

Trong những ca khúc viết về chủ đề pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có một bài hát mà nội dung như là một câu chuyện kể về người anh hùng Tô Vĩnh Diện đã dũng cảm hy sinh lấy thân mình chèn pháo đó là bài hát cùng tên “Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo”, nhạc và lời của nhạc sĩ Trọng Hùng và Xuân Sách. Ca khúc được viết ở thể loại hành khúc, cấu trúc gồm 2 đoạn, nhịp điệu chậm, tính chất kể chuyện, tha thiết. Đoạn 1: lời ca miêu tả công việc kéo pháo vào trận địa vất vả, khó khăn của bộ đội ta vào ban đêm “Đêm khuya rồi, sương lạnh lùng thấm qua vai áo người chiến sỹ kéo pháo qua đèo. Hai ba! Hai ba. Càng về khuya tiếng càng bé, càng về khuya dốc đèo càng cao. Rớm máu đôi tay buốt tận xương. Pháo ơi, pháo nặng nề, pháo hãy cùng ta đêm nay sang qua đèo. Dô hò dô, dô hò dô. Nghe chim hót “khó khăn khắc phục” trong đêm trường….”. Đoạn 2: nội dung kể về câu chuyện người anh hùng Tô Vĩnh Diện đã anh dũng hy sinh lấy thân mình chèn vào hai bánh của khẩu pháo khi dây thừng bị đứt để bảo vệ pháo cho chiến dịch. Máu của anh đã tô thắm đỏ thêm dòng máu Lạc Hồng của dân tộc “Pháo ta đang lên dốc cao mà dây kéo pháo đứt tung. Đứt dây rồi pháo lao xuống vực thẳm. Bám chắc vào pháo lôi đoàn người đi. Chiến sỹ Tô Vĩnh Diện lòng bừng bừng quyết hy sinh giữ lấy pháo của mình. Lao thân vào chèn pháo. Hai bánh xe đè lên người. Pháo đứng lại đây rồi. Pháo ơi! Dính máu người chiến sỹ. Một dòng máu Lạc Hồng. Gương anh hùng Tô Vĩnh Diện phút lâm nguy anh đã quên mình lấy thân mình chèn pháo…”.

Có thể nói, mỗi ca khúc viết về chủ đề pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một câu chuyện với những cảm xúc, nội dung khác nhau kể về công cuộc kéo pháo vất vả, gian lao và hy sinh vào trận địa của bộ đội ta và để rồi sau 55 ngày đêm chúng ta đã toàn thắng, như nhà thơ Tố Hữu đã nói “9 năm làm một Điện Biên nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Ngoài ra, các bài hát này cũng là những trang sử bằng âm thanh để các thể hệ mai sau có thể hiểu hơn về công việc gian khổ và vinh quang mà cha ông đã làm trong quá khứ qua đó giáo dục lòng yêu nước, yêu giống nòi cho thể hệ trẻ.

Nguyễn Quang Vinh

Ngay-nay


 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...