Home Văn hóa Tin văn hóa Kỷ niệm về Bác

Kỷ niệm về Bác

Email In PDF.

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010) Ngày Nay giới thiệu đến độc giả một số ghi chép kỷ niệm về Bác của ông Vũ Văn Bồi – người đã có 4 năm gắn bó với Bác, trông nom ngựa phục vụ những chuyến đi công tác của Bác…

Tình huống bất ngờ

1Một ngày đẹp trời cuối năm 1950, Bác Hồ đi công tác về, tôi được phân công đưa Bác về qua sông Phó Đáy. Hôm đó nước lũ khá to vì trời có mưa lớn trên đầu nguồn. Cây cối, cỏ rác  trôi bồng bềnh khắp mảng sông, nước đục ngàu, lòng tôi phập phồng lo âu. Khi ra đến bến ôi thôi cái mảng Bác vẫn thường qua lại không cánh mà bay, ai đã chở qua sông để nó nằm gọn bên kia bờ? Làm thế nào bây giờ? Bác hỏi tôi: “Chú có bơi được không?”. “Dạ thưa Bác cháu bơi được ạ”. Nào tôi có bơi thạo đâu, chỉ biết võ vẽ, tôi tự nghĩ cũng phải liều. Nếu trên sông, nước chảy bình thường thì không sao, nhưng lại là con sông lũ lớn, tôi chưa gặp phải tình huống này bao giờ.

Tôi nói với Bác và anh bảo vệ ngồi chờ để tôi vượt sông lấy mảng. Tôi rẽ lau sậy đi ngược theo bờ sông phải tới trên 100 mét, tôi chuẩn bị tư thế như bước vào trận lũ, nín thở lao mình xuống dòng nước chảy xiết, tôi bơi theo kiểu khía cá, cuối cùng cũng sang được bờ sông bên kia, tôi với được cành lá phật phờ trên mặt nước cách phía dưới mảng hàng chục mét, sau đó tôi cố rướn lên, khi đến mảng mắt hoa lên, tay chân mỏi dừ.

Bác thấy tôi lên được mảng rồi, Bác gọi với sang “chú có mệt lắm không”, tôi mệt quá nhưng vẫn phải trả lời cứng với Bác “dạ thưa Bác cháu không mệt ạ”, “chú nói dối, cứ nghỉ trên mảng cho nó hoàn hồn, sau đó lại đưa mảng sang”. Được Bác động viên, cho phép, tôi phải ngồi lại trên mảng đến 15 phút sau mới lao đầu mảng quay lại bờ. Vào được đến bến tôi mới yên tâm, lần này có Bác ngồi ở giữa mảng, hai tay bác nắm lấy hai thành mảng, tôi đứng đầu mảng, còn đồng chí bảo vệ đứng đằng sau mảng. Hai cây sào dài chống xuống nước gần vút, chúng tôi cũng phải đưa mảng lên một quãng xa mới dám quay đầu mảng, bặm môi, bặm miệng cố gắng lắm mà con mảng cứ muốn níu chúng tôi lại, như muốn cuốn đi theo dòng nước. Bác động viên “cố lên các chú” thế là chúng tôi có thêm sức mạnh, đẩy sào vun vút đưa Bác vào bờ một cách an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng vượt sông lấy mảng đưa Bác về trên dòng sông lũ hung ác bình yên./.

Thật hú vía

Một buổi sáng đẹp trời cuối năm 1950, tôi và anh Lâm được phân công đưa một vị khách quý của Bác Hồ qua sông Phó Đáy để làm việc với Bác. Đồng chí ấy là Lê-ô-phi-ghe - ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, phụ trách giới thanh niên Pháp, người đi cùng là ông Xuân Thủy. Qua sông không bằng phương tiện nào khác thay cho cái mảng bằng bảy cây nứa. Ông Lê-ô-phi-ghe da trắng, cao, to, béo khỏe, mắt nâu, mặc bộ quần áo chững chạc, trông thật bệ vệ, chúng tôi chỉ đứng đến ngực ông, chân ông đi đôi giày đen bóng.

Ông chưa từng biết đi mảng, nhưng khi hai anh em chúng tôi xuống mảng đưa vào bờ, ông cũng hối hả bước xuống, chúng tôi chưa giữ chắc mảng, ông Lê-ô-phi-ghe đã chân trong chân ngoài, chiếc mảng bị đẩy ra ngoài, ông bị ngã xuống sông sâu, chìm nghỉm, không nhìn thấy đầu tóc. Hoảng quá, anh Lâm nhảy ngay xuống đội ông lên, tôi thì giữ mảng, người cứ run lên vì lo.

Chiếc mảng đã được giữ chắc chắn, người trên mảng, người dưới sông vừa đẩy vừa kéo ông lên, chiếc mảng nghiêng như muốn lật úp xuống, tôi phải giữ chắc lắm mới không bị lật. Khi ông lên được mảng, chúng tôi lại phải giữ thật chắc để ông Xuân Thủy bước vào.

Ông Lê-ô-phi-ghe ngồi giữa mảng, hai tay giữ vào thành mảng, tôi thấy người ông run lên, không hiểu vì rét hay ông sợ cú ngã vừa rồi. Quần áo, đầu tóc ông vẫn ướt sũng. Chỉ vài phút sau hai anh em chúng tôi đưa hai ông vào bờ an toàn. Lỗi này cũng do chúng tôi một phần không giữ chắc mảng ngay từ đầu.

Ông Xuân Thủy lấy quần áo mang sẵn cho ông Lê-ô-phi-ghe thay, hai ông lại ung dung đi theo con đường mòn đầy lau sậy vào lán Bác làm việc. Bác Hồ từ trên cầu thang tre bước xuống sân lán ra đón vị lãnh tụ thanh niên nước Pháp, hai vị bắt tay nhau ôm hôn thật lâu, thể hiện mối tình quốc tế Việt – Pháp lúc bấy giờ./.

Sợ xanh mắt

Cuối tháng 3 năm 1951 Đại hội II của Đảng họp ở Chiêm Hóa bế mạc, tôi chuẩn bị ngựa cho Bác trở về cơ quan làm việc. Đi theo Bác có tôi và anh Chiến, đi cùng Bác còn có một vị khách. Tôi chuẩn bị hai con ngựa cho ăn no, yên cương chắc chắn. Khi Bác và ông khách ra đến đường goòng (đường sắt) chở than từ Đầm Hồng về Chiêm Hóa (những cái goòng đẩy bằng sức người rộng khoảng 60 phân), đi bên cạnh đường goòng được vào chục mét, tôi thấy Bác và ông khách cùng xuống ngựa, Bác bảo hai anh em chúng tôi “Các chú đi ngựa cho Bác để Bác đi bộ nói chuyện với chú Chân” (sau này tôi mới biết đồng chí Chân là Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ). Thế là Bác và đồng chí Chân đưa ngựa cho chúng tôi, hai chúng tôi lên ngựa và tôi nghĩ miên man “sao Bác lại nhân hậu đến thế? Bác không đi ngựa nói chuyện cho đỡ mệt”. Sau này tôi mới hiểu tai vách, mạch rừng Bác phải nói nhỏ với đồng chí Chân những chuyện trong nội thành lúc bấy giờ. Chúng tôi phải kìm ngựa đi chậm lại, để Bác và đồng chí Chân đi cách chúng tôi khoảng 10 mét.

Khi đến bờ suối sâu, hai thanh ray và một chiếc cầu qua suối, những thanh tà vẹt vừa sắt, vừa gỗ cách nhau khoảng 20 phân để người đi bộ bước qua dễ dàng hơn, tôi dắt ngựa men theo lòng suối, đồng chí Chiến dắt ngựa qua cầu, tôi đã thấy lo, ra được nửa cầu, ngựa không chủ động được do nhìn xuống lòng suối sâu, chân bước loạng choạng, nó tụt 4 chân xuống những thanh tà vẹt, bụng nằm úp lên trên, đầu lắc lư nhìn về phía tôi (ngựa muốn chủ vì tôi chăm sóc nó) như thầm nhủ cầu cứu. Đồng chí Chiến cũng thấy lo, mặt tái đi bảo tôi “làm thế nào hở cậu?”. Tôi còn lo hơn đồng chí nhiều, ngàn cân treo sợi tóc, nhìn xuống lòng suối tôi cũng còn hoa cả mắt huống chi con vật. Con ngựa vàng thẫm Bác vẫn thường đi công tác, nhỡ nó làm sao tôi biết ăn nói thế nào với Bác đây? Tôi là người chịu trách nhiệm chính. Tôi chưa nghĩ được cách nào đưa ngựa qua khỏi những thanh tà vẹt. Con ngựa vẫn nằm úp bụng trên cầu thở phì phò, tôi lo quá Bác và đồng chí Chân đã đi cách chúng tôi vài chục mét. Tôi bảo đồng chí Chiến đứng xa ra, tôi cởi dây thắng đai (dây thắt bụng ngựa), nhấc yên cương ra khỏi lưng nó, được nới bụng, lại không vướng, nó cựa quậy vẫy vùng hết sức vài lần như thế, bỗng con ngựa nghiêng được mình, chúng tôi đỡ thêm nó, nó lăn ùm xuống bờ suối, dưới bờ suối là bãi cỏ rác dày đặc. Thật may 4 chân nó rơi xuống trước vào đúng bãi cỏ rác, tôi vội vàng lao xuống xem nó có bị thương không, rất may ngựa không bị thương ở đâu cả, chỉ xây xát vài chỗ lúc cựa quậy trên thanh tà vẹt quái ác kia. Con ngựa  đã đứng lên, điềm nhiêm nhai cỏ, tôi thở phào nhẹ nhõm, dắt ngựa lên đường. Bác thấy lâu quá chúng tôi không đi kịp, bác quay lại hỏi “sao chậm thế các chú?”. Tôi phải báo cáo thực với Bác về sự việc vừa xảy ra, bác hỏi “ngựa có sao không?”. “Dạ thưa Bác ngựa vẫn bình yên ạ”. Bác lại nói tiếp “lần sau các chú rút kinh nghiệm không được làm liều, làm ẩu nghe chưa?”. “Dạ thưa vâng”!

Bác quay lại đi về phía đồng chí Chân vẫn đứng đợi, chúng tôi đóng yên cương lên lưng ngựa, trở về cơ quan an toàn. Tôi bảo đồng chí Chiến “không dại nào giống dại nào, lần sau ta phải cẩn thận, không sai phạm như lần này nữa có phải không đồng chí?”./.

Ngay-nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...