Home Văn hóa Tác giả - Tác phẩm Dương Hướng Minh Danh họa của kháng chiến và sắc màu hiện thực Việt Nam

Dương Hướng Minh Danh họa của kháng chiến và sắc màu hiện thực Việt Nam

Email In PDF.

th_B_Ho_tac_tuong_Cac_MacHơn một thập kỷ nay, khi mà các cây bút hội họa kinh điển Việt Nam ở thế kỷ 20 đã có vẻ “lắng xuống” và dừng trên các đỉnh riêng, chung của nền mỹ thuật hiện thực nước nhà, đấy là sự vắng bóng của họ ở thời thị trường tranh chứ không hẳn họ đã ngắt, dứt cuộc chơi dù nhiều người đã về bên kia thế giới. Cái chung ở họ như sự hiển nhiên của một thế hệ không màng đến các thương trường tranh như lớp trẻ bây giờ đang dốc lực bứt phá – nửa muốn lợi nhuận, nửa muốn thành danh theo đúng nghĩa của thời hiện đại thế kỷ 21.

Ấy thế mà Dương Hướng Minh (1919 – 2008) lại xuất hiện trước công chúng như một ký ức nghệ thuật còn nóng hổi chất kháng chiến và trữ tình đương đại. Sự xuất hiện ấy của một cây bút đã về với tiên tổ họ Nguyễn của ông vừa tròn hai năm, ông có tên thật là Nguyễn Văn Tiếp, sinh ra ở thôn Xuân Bản, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với một sự nghiệp được cách mạng giao phó cho ông “sứ mệnh trải nghiệm thời đại mà vẽ”, cho nên ông sáng tác rất nhiều và đã vẽ rất lung linh các sắc màu kháng chiến mà cả đời ông cũng như một số họa sĩ nổi danh khác đã “đánh hết cơ số hòa sắc cuối cùng” của đời mình cho sự nghiệp kháng chiến cũng nóng hổi các dấu chân lãng mạn đô thị và cách mạng chính trường chống Pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ cứu nước và cùng mở đường vinh quang cho cả dân tộc tự giành độc lập, tự giành tự do.

Nói vậy là ở chính ông đã hầu như không màng đến một chút lợi nhuận để có tiền…nuôi nổi các con (nếu không có người vợ đảm của ông)…để có tiền mua được những căn hộ di rời khỏi các đơn nguyên tập thể “chuột rúc”, và cũng cần có tiền để có thể nuôi dài cuộc đời được vẽ (lúc nào cũng thiếu thốn phương tiện thể hiện tác phẩm của mình)…nhưng nỗ lực của ông đã được trả quả bằng sức lao động đáng kinh ngạc là ông đã để lại số tác phẩm hội họa cả chất và lượng thật đáng tôn vinh nhưng chưa bao giờ được công bố tổ hợp các tác phẩm này, nếu không muốn nói tranh của ông có nhiều cuộc “viễn du” triển lãm đoạt giải thưởng quốc gia, quốc tế, đó là tác phẩm “kéo pháo” đã luân chuyển trên nhiều quốc gia và được làm quà tặng của các nguyên thủ (cho Trung Quốc, được trưng bày ở một số nước đông Âu như Nga, Pháp, Thụy Sĩ…) và như tranh của ông đã có mặt ở các bảo tàng Việt, đã được “vua biết mặt, chúa biết tên”, tức là đã được Bác Hồ đón nhận (bức tranh  Kéo pháo), gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bộ sưu tập, trong đó có tác phẩm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do” (1980) có bố cục Bác Hồ đang căn dặn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp với câu nói như thế;…Bây giờ, sau 2 năm ông ra đi, các tổ chức, bạn bè cùng các thành viên trong gia đình của ông mới có điều kiện thực hiện cái việc “tổng kết và tổ hợp” cho ông với một triển lãm đầy đủ nhất tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với hơn 100 tác phẩm bao gồm các chất liệu sơn mài, sơn dầu, thuốc nước, mực nho, bút sắt…từ nguyên tác đến ký họa, từ sơ họa đến kiện toàn, từ cái gần đến cái xa của bút pháp tạo hình đơn, kép, tung, hoành cùng hòa sắc đàn trải và thu không trong vắt…nhưng rất Dương Hướng Minh thật rõ ràng trong “vàng chói”, “nâu non”, “xanh mạ” và “đen nhấn của các đường công tua”…như thể ở ông đã tập trung nhiều cách vẽ, cách diễn đạt của kỹ thuật đa năng không có ở trường đào tạo mà phài  nhiều họa sĩ mới tập hợp được cách vẽ chuyên sâu như vậy. Đấy là cái tài của ông.

Người ta thường nói “Người làm sao, của chiêm bao làm vậy”, hiểu theo cách suy luận này về ông thì phải hợp cả hai chiều: Cuộc đời riêng ông và cuộc đời cách mạng đã tạo nên “của giả” trong nhiều tác phẩm và bút pháp Dương Hướng Minh với sức cần cù lao động, linh hoạt sáng tạo, trong đó có cả hào hoa và khắc nghiệt - hào hoa của thời trai trẻ Bắc kỳ, khắc nghiệt của cả ba cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, chống Nhật và chống Mỹ đã thúc đẩy mọi thành phần, mọi tầng lớp trí thức, công, nông, binh đã hy sinh và cống hiến cho đất nước và dân tộc, trong đó có ông. Cho nên tranh Dương Hướng Minh có tính hào hoa của thời kỳ ông học Mỹ thuật Đông Dương (1938 – 1943) ở Hà Nội đã cho cách nhìn của ông “dẽ ngang” qua siêu thực và thụ cảm các điển tích huyền thoại dân tộc với các tác phẩm “Huyền thoại về cội nguồn Âu Cơ – Lạc Long”, “Huyền thoại Tiên Dung – Chử Đồng Tử”, “Giai nhân”, “Vườn mộng”, “Trăng gió – bướm – hoa” “Quan họ”, “Tuổi trẻ nữ sinh”…và đặc biệt ở ông là họa sĩ chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút để làm nên một diện mạo thời đại ở mọi lúc, mọi nơi trên chiến tuyến Bắc, Trung, Nam : Có khi ông là nhà báo, có khi ông nhập đoàn quân Nam tiến, rồi là biệt động miền Đông Nam Bộ, có khi ông đi theo đoàn tàu thủy tập kết cán bộ từ Nam ra Bắc, có khi  ông công tác ở Tổng cục Chính trị, có khi ông làm ở Bộ Văn hóa, rồi trở lại làm thầy dạy đại học Mỹ thuật Công nghiệp và rồi vẫn trở lại nghề làm báo cho đến khi nghỉ hưu…chỉ cần những bước chân chiến sĩ như ông, ngoài các ghi chép chữ nghĩa, ông thật là người hạnh phúc được ghi chép các phác thảo hội họa để làm cơ sở cho các tác phẩm về sau như: “Bác Hồ tạc tượng Các Mác ở hang Pác Pó”; “Trường Sơn” (1980); “Giáp trận” (1990); “Giáp trận II” (1999); “Kéo pháo”  (1957); “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do” (1980); “Toàn cảnh chiến khu Thiện Thuật và chiến khu Quang Trung” (1959); “Gốc cây Thau làng Tràng” (1959); “Cây đa chùa Gốc Xạ” (1959); “Trạm liên lạc gốc cây Chò” (1959); “Hang Mỏ Gà trên núi Phượng Hoàng” (1959) và “Quang cảnh đồn Phai Khắt” (1959)…rồi đến “Du kích vùng cao” (1979)…đã nói lên toàn bộ chiến trường Cao – Bắc – Lạng đã, đang và sau viễn cảnh của cuộc kháng chiến 9 năm (1945 – 1954) kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, trấn động địa cầu, làm cho người xem vẫn thấy nóng rực cái tinh thần chuẩn bị và đã khởi nghĩa toàn quốc khi Bác Hồ còn ở hang Pác Pó cùng nhiều tác phẩm khác đặc tả toàn cảnh chiến khu, toàn cảnh chiến đấu của Vệ quốc quân và những binh đoàn ra trận thời chống Mỹ cứu nước…Nhìn vào chuỗi sê ri vẽ tranh của ông, ta thấy cách làm việc của ông như một mệnh định là cứ ghi chép, ghi chép và ghi chép rồi để dành các ký họa đến cuối chặng đường đời ông mới hoàn thiện nó thành tác phẩm. Ở đây có một luyến tiếc là số lượng ghi chép ký họa của ông phải cần có tuổi đời kéo dài hơn nữa mới đủ sức và tài lực hoàn thiện các ghi chép này trên bình diện tác phẩm kiện toàn…

Một lý thú khác là tài vẽ ký họa chân dung chiến sĩ và tài nhân của Dương Hướng Minh cũng cho ông cái lý trường tồn của kỷ vật, kỷ niệm với các diện mạo mà ông bắt gặp, quan hệ bạn bè, đồng chí như “chùm” ký họa quý giá của ông về anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và các cán bộ, chiến sĩ trong số 34 người đầu tiên thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, rồi đến ký họa chân dung Tổng Bí thư Trường Chinh (ngày còn trẻ); Nhà thơ, Đạo diễn sân khấu Thế Lữ; Giáo sư Viện sĩ Trần Văn Cẩn; Giáo sư Tiến sĩ Phạm Huy Thông; Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng; Nghệ sĩ Nhân dân Ba Du; Giáo sư Lê Thước; Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm; Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu…Và ở đấy ta thấy ông đã lựa chọn để cấu thành các tác phẩm “Lão nông hồ hởi” (màu dầu 1967); “Nhà giáo Đặng Đình Áng” (màu dầu 1965); “Chân dung lão nông ca sĩ Quan họ Bắc Ninh” (màu dầu 1940); “Chân dung dì” (màu dầu 1967)…cũng cho ta thấy một cách nhìn biểu cảm chân dung khá sâu sắc với bút pháp từ ký họa đến kiện toàn mà ông thể hiện thật đúng người, đúng chất của ông và của cả nhân vật: vừa nghiêm túc mà hóm hỉnh, vừa dân gian mà bác học.

th_Keo_phao

th_CON_NGU_1956

Một điều đáng quý khác ở họa sĩ Dương Hướng Minh mà ít họa sĩ khác có được là ông thích vẽ trẻ em và thiếu phụ, nó giống như cách nhìn tuệ nhãn (trong thuyết nhân quả), có sinh sôi, có ngợi ca người mẹ thông qua cách vẽ và bố cục của ông làm người ta thấy các giấc ngủ hay nụ cười trong mơ hết sức bình yên của trẻ thơ, đối lại là sự mãn nguyện trên gương mặt người mẹ đang cầm con gấu bông để chờ con thức giấc mà trao cho (Mẹ và con); đặc biệt ông càng tinh tế trong cách đặc tả trạng thái con trẻ như tác phẩm “Con ngủ”, là ông đã vẽ bé Nam (con trai ông lúc 3 tháng tuổi) với sự biểu cảm “cái ngủ mà ngủ cho ngoan” thật hoàn thiện – bé Nam bây giờ đã gần 6 chục tuổi đời và đang nối nghiệp ông…

th_Huyen_thoai_Au_Co_va_Lac_Long_Quan th_Giai_nhan

Còn nhiều và nhiều nữa các tác phẩm của ông được “bộc bạch” ở cuộc triển lãm có ý nghĩa tổ hợp “Dương Hướng Minh, tranh và đời” đã gây ra sự liên định qua chiến tranh, sự luân ái với cách nhìn của ông về trẻ thơ và sự đồng cảm trong cách thể hiện chân dung từ ký họa đến kiện toàn…đã đánh giá ông “vượt trội sức vóc tự thân bởi thời cuộc”, dù ông là họa sĩ được đào tạo chính quy nhưng ở ông chỉ dựa vào cái “chính quy” đó chút ít để thể hiện một tài năng thiên bẩm, một ý chí điều tiết các mẫn cảm tinh thần mà suốt cuộc đời ông đã dành cho hội họa. Ông ra đi là để người ta nhìn lại ông cho rõ ràng hơn, cho khẳng định hơn qua tư chất gợi cảm tận cùng của sắc màu kháng chiến và lãng mạn trữ tình của ông đã hiến dâng với cơ số tác phẩm hiện hữu phải nói đến hàng ngàn ký họa, hàng trăm tác phẩm và qua đó càng luyến tiếc khả năng của con người bị “giới hạn” qua tuổi vãn chiều đã, đang và vẫn còn nợ trước kiếp nghiệp của minh trong nguyện ước hiến dâng, ở ông chỉ có hội họa của ông đã làm mà vẫn cứ nợ. Lưu luyến cùng Dương Hướng Minh, tôi chỉ xin nhắc nhớ lại câu nói của danh họa Bùi Xuân Phái trước lúc sắp ra đi: “Tôi thấy mình càng cao tuổi càng vẽ rất trẻ trung, càng phối màu rất đẹp…nhưng bây giờ là lực bất tòng tâm”.

Với tôi cũng là người có tuổi, cũng theo đòi nghiệp vẽ và cũng tự nhận thức rằng sức người là có hạn, trời đã cho thì cứ vẽ đi, hạnh phúc của mỗi con người là tự biết cách đi hết con đường của mình và tôi đã ghi nhận Dương Hướng Minh đã đi hết con đường của chính ông, còn ở ông vẫn và đã nợ cái nợ của hội họa thì cứ nói thế cho vui. Các bạn trẻ nhớ nhé…

 

(Bài: Họa sĩ Trịnh Yên)

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...