Cuộc sống ở nơi hoang vu hầu như không có dân cư ấy thật thiếu thốn đủ điều, trừ lương thực được chở từ Vân Nam - Trung Quốc sang, thì không có một điều kiện nào cho sinh hoạt văn hóa tinh thần. Trong đại đội thanh niên xung phong của tôi, tôi là người duy nhất đã tốt nghiệp cấp III phổ thông (tức trung học phổ thông bây giờ), được giao phụ trách văn nghệ của đại đội, nghĩa là phải tìm mọi cách để tạo nên những trò giải trí tự biên tự diễn, làm cho không khí đỡ buồn tẻ. Bao nhiêu bài hát của thời kháng chiến chúng tôi đã đưa ra hết, chỉ dựng được vài màn đồng ca nghe lắm cũng nhàm. Lúc này, tôi nhớ lại những cuốn sách văn học nước ngoài tôi đọc được trong tủ sách khá lớn mà thầy mẹ tôi đã kịp sơ tán về nông thôn hoặc được các thầy giáo kể lại suốt mấy năm học cấp III. Bây giờ tôi cứ tùy hứng đem kể lại cho đồng đội. Hầu hết đó là những câu chuyện rút từ văn học Pháp: Những người khốn khổ của Victor Hugo, Eugénie Grandet của Balzac, các vở kịch của Molière, các truyện ngắn của G. de Maupassant... Cứ hằng đêm, sau mục sinh hoạt công tác của đại đội, anh em tập họp quanh một bếp lửa rừng, hát vài bài “lấy khí thế” rồi nghe tôi kể chuyện. Thực ra lúc này tôi không nghĩ gì đến “nghệ thuật kể chuyện” hay thêm mắm thêm muối cho câu chuyện tăng phần hấp dẫn - mà chỉ nhớ thế nào kể thế ấy, và dĩ nhiên vẫn ít nhiều sống lại những cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đọc hay nghe kể. Vậy mà, thật đáng ngạc nhiên và thú vị, đêm nào anh em cũng chăm chú nghe tôi, nhìn vào những nét mặt, những đôi mắt, và những tiếng chặc lưỡi hay xít xoa, tôi biết anh em đang theo dõi không rời một giây mọi chi tiết trong câu chuyện kể, thông cảm với từng nhân vật, biểu lộ thái độ với từng sự việc. Chính người kể chuyện cũng thấy hưng phấn. Và điều mà tôi nhận thấy rất rõ là qua câu chuyện, những đồng đội của tôi - những thanh niên vẫn quen với tay cày tay bừa, phần lớn chưa bước chân khỏi làng quê lam lũ, cũng chưa được học hành nhiều, lại có thể hiểu biết thêm và thông cảm với cuộc sống và những con người vốn rất xa lạ với mình. Hơn thế, nhiều anh em trước đây chỉ biết đến người Pháp qua khái niệm “thực dân Pháp”, hay qua những chiếc máy bay mang hiệu cờ tam tài trút bom đạn xuống làng quê, phố chợ... Sau những buổi kể chuyện, thường tôi được nghe những câu nói như:
- Thì ra ở Pháp có cả những ông chủ, những ông quan độc ác, nhưng cũng có số đông người bị bóc lột, khổ lắm mà cũng tốt lắm!
- Cứ thế thì ở Pháp có bao nhiêu người không đi theo thực dân, không muốn đánh ai cả!
- Mình mà gặp những người Pháp nghèo khổ, tốt bụng mình gọi là anh em ngay.
Tôi biết những câu nói như thế rất thực tâm, kết quả của những câu chuyện nghe kể từ các tác phẩm văn học Pháp. Có lẽ chính những tác phẩm đó - ở đây chỉ thông qua truyền miệng - đã thay thế cho bao nhiêu bài giảng chính trị, lời giải thích của các cán bộ tuyên huấn kiểu như “chúng ta chống lại bọn thực dân Pháp nhưng không chống lại nhân dân Pháp”.
Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, sau khi rời ghế nhà trường, tôi được chứng kiến tác dụng của các tác phẩm văn học trong sự giao lưu tinh thần, trong sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa những con người bình thường thuộc các dân tộc khác nhau.
Sau đó, trong thực tiễn làm công tác văn học - báo chí, có điều kiện đi đây đi đó, còn rất nhiều dịp tôi được chứng kiến tác dụng rất tự nhiên của sự giao lưu văn học, một tác dụng tự bản thân các tác phẩm văn học tạo nên, không cần đến một động thái tuyên truyền hay giảng giải nào. Tôi nhớ: những người công nhân mỏ Quảng Ninh mang theo vào lò than tập sách dịch các vở kịch của Shakespeare, giữa giờ giải lao ngồi tranh thủ đọc cho nhau nghe dưới ánh những ngọn đèn đất tù mù; những cán bộ kỹ thuật cầu Hàm Rồng, ngay sau một đêm vật lộn với dầm, xà, tay búa, mối hàn để nối lại nhịp cầu vừa bị bom đạn Mỹ đánh hỏng, lại hỏi tôi rất nhiều về Jack London, nhà văn Mỹ tác giả cuốn tiểu thuyết Gót sắt mà các anh chị vừa đọc. Đó cũng là những cô thanh niên xung phong ở một cung đường Quảng Bình, trong một lán trại bên vách núi, vây quanh một nhà văn trẻ đi thực tế, nghe kể chuyện Don Quichotte của Cervantès và nghe đọc thơ Neruda, mải mê đến quên cả giờ đi lấy cơm trưa... Những chuyện như thế, kể không hết được. Tôi không nói đến trường hợp các tác phẩm văn học của Nga (kể cả Liên Xô cũ) và Trung Quốc mà khoảng 3, 4 thập niên trước đây đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong thị trường sách dịch Việt Nam, và ảnh hưởng của hai nền văn học đó đối trong đời sống tinh thần của nhân dân ta là điều quá hiển nhiên. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến các tác phẩm của những nền văn học không phải gần gũi với chúng ta lắm trong khoảng 50 năm trở lại đây, thậm chí nền văn học của những nước mà quan hệ chính thức với chúng ta từng có những năm trắc trở hay sóng gió. Tôi cũng không muốn tìm dẫn chứng cho những gì gọi là ảnh hưởng văn học ở tầng lớp trí thức, một tầng lớp mà hoàn cảnh hay chức năng công tác của họ thường yêu cầu họ tiếp xúc với các sản phẩm văn hóa nước ngoài và sự tiếp nhận ảnh hưởng từ đó là một hiện tượng có ý thức ở các mức độ khác nhau. Tôi muốn nói chủ yếu đến những con người bình thường, những con người không phải lúc nào cũng có điều kiện để mua một cuốn sách, hay ngồi hàng giờ để nghe nói về một cuốn sách. Nhưng, chính vì vậy mà tác động của những tác phẩm văn học nước ngoài đối với họ càng có ý nghĩa và càng làm ta xác nhận rằng tác phẩm văn học chính là một phương tiện giao lưu tinh thần vừa đơn giản vừa có hiệu quả.
Những năm gần đây, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện, thị trường sách dịch phát triển khá rộng, khối lượng sách dịch tăng lên khá lớn, kể cả sách văn học. Thoạt nhìn, có thể nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến một sự giao lưu văn hóa - văn học phong phú. Về tác động thực tế của sự giao lưu này, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu sâu. Tuy vậy, qua những quan sát bước đầu, và trên quan điểm cho rằng sự giao lưu văn hóa thông qua văn học, cụ thể là sách văn học, hoạt động này cần được khuyến khích và đẩy mạnh, chúng tôi xin nêu một số gợi ý:
- Cần có đầu tư vật chất đáng kể để cho sách văn học dịch đến được đông đảo công chúng. Giá các cuốn sách dịch, đặc biệt những cuốn nên đọc, hiện còn quá cao đối với người đọc bình thường. Trong khi đó những người dịch vẫn chưa nhận được thù lao đúng mức để đầu tư lao động nhiều vào dịch thuật. Thỏa thuận chính thức về luật bản quyền trên phạm vi quốc tế càng làm nhiều người ngại dịch sách, kể cả cuốn sách mình thấy hay (bản thân người viết bài này đã gặp không ít trường hợp như vậy). Một số cơ quan văn hóa nước ngoài cấp quỹ đã có những việc làm hỗ trợ sách dịch nhưng chưa được bao nhiêu. Vấn đề ở đây là đầu tư vào giao lưu văn hóa, trong đó có văn học, cần được quan niệm dựa trên những yêu cầu đặc điểm của văn hóa, mọi sự tính toán chịu ảnh hưởng của giao lưu kinh tế đều không thích hợp.
- Hiện nay, lĩnh vực xuất bản và phát hành sách kể cả sách văn học đang bị chi phối nặng nề bởi quy luật lợi nhuận của thị trường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chọn và in sách dịch, khiến cho người ta chỉ tìm đến những cuốn sách bán chạy, phù hợp với một số thị hiếu không hẳn lành mạnh, trong khi lại bỏ qua những tác phẩm có giá trị, có ý nghĩa văn hóa và là tiêu biểu cho một nền văn hóa. Như vậy cần có sự tác động có ý thức để việc giới thiệu văn học nước ngoài đi đúng hướng, mang đến hiệu quả tinh thần tốt đẹp nhất.
- Cần chú ý đào tạo và xây dựng một đội ngũ cán bộ dịch thuật, đúng hơn, đội ngũ dịch giả có đủ tâm huyết và nhất là trình độ để chọn lựa và chuyển dịch các tác phẩm văn học vốn là tập trung tinh hoa ngôn ngữ của một dân tộc. So với thời kỳ trước cách mạng, ngày nay chúng ta hơn hẳn về số lượng người biết tiếng nước ngoài, nhưng lại hiếm người có trình độ uyên thâm và kỹ năng sử dụng sánh ngang được với một số các bậc tiền bối đã từng học và nắm vững tiếng Pháp. Đây cũng là một lĩnh vực cần có kế hoạch đầu tư.
Câu chuyện tuy không mới nhưng trong hoàn cảnh của khuynh hướng hội nhập quốc tế hiện nay, chúng tôi nhắc lại cũng không thừa. Trên đây chỉ xin nêu một số ý kiến sơ sài liên quan đến một khía cạnh của giao lưu văn hóa mà chúng tôi nghĩ là rất phù hợp với sự quan tâm của tổ chức UNESCO chúng ta.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi còn chưa đề cập sự giao lưu theo chiều ngược lại, đó là giới thiệu và dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, một công việc cũng rất quan trọng, rất đáng xúc tiến và cũng gợi lên không ít vấn đề để trao đổi và giải quyết. Chủ đề đó, chúng tôi xin dành cho một bài viết khác./.
Nguyễn Chí Tình