Home Thông tin & Truyền thông Tin tức - Sự kiện Làm phát thanh ở Dinh Độc Lập

Làm phát thanh ở Dinh Độc Lập

Email In PDF.
Năm 1967, đang là một phóng viên của phòng Thời sự - Chính trị Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được điều động sang làm biên tập viên phòng A1 (tức phòng Thời sự) của Đài Phát thanh Giải phóng, bộ phận B trên A, mật danh là C55. Nhiệm vụ của chúng tôi bấy giờ là khai thác các nguồn tin từ Thông tấn xã Giải phóng, ghi âm và chép lại các chương trình phát thanh của Đài Giải phóng B và các nguồn tin khác để hằng ngày xây dựng các chương trình phát thanh hỗ trợ cho Đài B. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiệm vụ đến gặp gỡ, phỏng vấn các cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam ra nghỉ dưỡng ở các trại điều dưỡng để có nhiều tiếng động, có tin, bài phong phú hơn.

Là những thanh niên, sinh viên mới rời ghế trường Đại học, chúng tôi đều rất tự hào được khoác trên người bộ quân phục, vì lúc đó, đơn vị C55 được phiên chế như một đơn vị quân giải phóng. Trước khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi đều ước ao được đi vào chiến trường, cầm súng chiến đấu hoặc làm phóng viên chiến trường. Nhưng, ngoài một vài chuyến đi ngắn vào chiến trường Quảng Trị, Tây nguyên, phần lớn thời gian, tôi vẫn ở Hà Nội làm biên tập viên. Những lúc đọc tin, xem báo về những trận quân ta pháo kích hoặc tấn công vào Dinh Độc Lập, chúng tôi cứ ước ao có một ngày nào đó mình sẽ được theo chân các chiến sĩ giải phóng tiến vào tận Dinh Độc Lập. Thậm chí, có nhiều đêm, tôi đã nằm mơ thấy mình vào được Dinh Độc Lập. Không ngờ ước mơ đó đã biến thành hiện thực đối với tôi trong chiến dịch mùa Xuân đại thắng 1975.

Cuối tháng Ba năm 1975, khi những cánh quân của ta đang thần tốc tiến công, giải phóng từ Tây nguyên, Trị Thiên đến duyên hải miền Trung, tôi được điều động đi làm phóng viên chiến trường, tham gia vào một phân đội đặc biệt gồm nhiều nhà báo quân đội như các anh Lê Hào, Tư Đương, Võ Văn Lục, Khánh Toàn, Vĩnh Ổn…, bám sát các mũi tiến quân để làm tin bài gửi về cho Đài TNVN, cho Đài Giải phóng và Báo Quân đội nhân dân. Đoàn chúng tôi có mật danh là SƠN CA, đi trên một ô tô tải có máy phát VTĐ, kéo theo một máy nổ để chủ động liên lạc gưỉ thông tin về trung tâm theo giờ quy định.

Lần lượt vượt qua nhiều tỉnh đã giải phóng, vừa đi vừa phản ánh cuộc sống mới ở một vùng giải phóng đang hằng ngày mở rộng bao la, chúng tôi đến Sân bay Bù Bông vào chiều ngày 28/4. Các đơn vị bộ đội vẫn rầm rập tiến về phía trước, trong khi máy của chúng tôi bị hỏng đèn, không liên lạc được với Hà Nội để nhận chỉ thị. Đến khi thay được đèn cho máy, chỉ thị ngắn gọn từ Hà Nội là phải bám ngay cánh quân gần nhất, hành quân thần tốc để vào Sài Gòn, vì thời cơ giải phóng Sài Gòn, giải phóng toàn miền Nam đã điểm! Rời Bù Bông ngay trong đêm hôm đó, chúng tôi bám theo tiểu đoàn công binh 91 thuộc sư đoàn công binh 470, đi suốt ngày 29/4, và đến chiều thì đến Đồng Xoài, gặp một bộ phận sư đoàn 320, đang hành tiến.Cùng với các đơn vị của 320,470, chúng tôi đi vào liên trạm quân lực 5, đóng ở đồn điền cao su Thuận Lợi. Cả một vùng đồi núi bát ngát nườm nượp những đoàn quân với đủ loại khí tài, suốt đêm 29/4 như náo nức dưới những ánh đèn, ánh lửa.Trạm trưởng Nguyễn Văn Hoàng cứ xuýt xoa: “Các anh sướng thật! Có lẽ ngày mai đã có mặt ở Sài Gòn rồi.Tôi là người Sài Gòn mà chưa được về.Có vào Sài Gòn nhớ tìm nhà tôi ở phố Phú Lâm B, đường Bà Hom đó nghen!”.

Sáng sớm 30/4, chúng tôi tới vùng kho quân nhu dể lĩnh lương khô và đồ hộp, thì các anh ở đây cho biết: “Đoàn của ông Văn Tiến Dũng vừa rời đây đi trước, có cả xe công binh kéo mấy ống sắt dài để làm cột cờ.Ta vào chiếm được Sài Gòn là sẽ dựng cột sắt lên làm cột cờ cho cao!”. Mười giờ sáng, xe chúng tôi vẫn đi trong những cánh rừng rậm xanh ngát. Ngồi trên xe tôi vẫn áp tai nghe cả đài ta, đài địch. Chúng tôi sung sướng khi một vài tin, bài của mình nói về không khí trên đường chiến dịch được phát trên làn sóng. Bài hát “Tiến về Sài Gòn” hào hùng, rộn rã được phát đi phát lại chen vào những bản tin, phóng sự của cả Đài TNVN và Đài Giải phóng. Đó là hiệu lệnh mà khi rời Hà Nội chúng tôi đã được phổ biến: Lúc nào trên Đài phát đi bài hát đó thì mọi cánh quân chủ động tìm cách tiến vào Sài Gòn nhanh nhất. Lúc này, ai trong chúng tôi cũng đều thấy sốt ruột, muốn có cánh mà bay ngay tới với những cánh quân đầu tiên. Khốn nỗi, xe chúng tôi là xe chở binh khí nặng nề, cả đoàn chúng tôi lại không một ai biết đường vào Sài Gòn, mà phải vừa đi vừa trải bản đồ ra để tìm đường. Có lúc lạc đường, phải xuống xe hè nhau tháo rơ moóc, rồi đẩy ngược trở lại, vừa rất mệt, vừa tốn thêm nhiều thời gian, lại bị tụt xa với các đoàn quân... 12 giờ trưa, vừa gặp đường 13 ở ngã tư Chơn Thành, tôi vặn máy thu thanh. Làn sóng Đài Sài Gòn đây rồi.Nhưng không còn những giọng nói vàng vọt, ủ ê, khét mùi chống cộng của đài ngụy cũ nữa. Vang lên bên tai tôi là tiếng nhạc và tiếng hát vui tươi của thanh niên sinh viên Sài Gòn. Thế là các bạn trẻ Sài Gòn đã làm chủ Đài phát thanh. Nhiều thanh niên nam nữ lần lượt phát biểu, ca hát, chào mừng đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. “12 giờ trưa hôm nay, cờ Giải phóng đã cắm trên Dinh Độc Lập!” Đó là thông báo của các bạn sinh viên truyền đi trên làn sóng Đài Sài Gòn.

...Phải đến chiều tối, xe chúng tôi mới tới được cửa ngõ Sài Gòn qua lối Trảng Bàng - Củ Chi.Xe lách đi chậm chạp giưã dòng thác người ngược xuôi, những đoàn quân ngụy đầu hàng đi ngược ra khỏi thành phố, những đoàn quân ta tiến vào, lại phải tránh các ụ chống chiến xa mà bọn ngụy dựng lên từ mấy tuần nay chưa kịp phá bỏ.Tới được Đài Phát thanh Sài Gòn thì đã gần 12 giờ đêm. Đã đủ mặt cả mấy cánh quân: Anh Thanh Nho, Giám đốc Đài Giải phóng B từ R về, anh Cần, anh Hanh, Phó Giám đốc Đài Giải phóng A từ Hà Nội vào theo đường số I, và cánh quân của chúng tôi, cùng với các nhân viên của Đài Sài Gòn cũ. Chúng tôi vui mừng hàn huyên, và lần đầu tiên sau mấy tuần hành quân thần tốc, chúng tôi không phải ăn lương khô nữa, mà được húp những tô mì tôm nóng hổi, thơm ngon do những chị nhân viên Đài Sài Gòn nấu, bưng ra. Tôi được phân công đi làm ngay một phóng sự “Sài Gòn ngày đầu trong cuộc sống mới”. Sáng sớm 1/5, tôi tới Dinh Độc Lập. Cả một rừng người với cờ hoa, biểu ngữ náo nức đón chào một ngày mới, ngày đầu tiên sống trong độc lập, tự do. Tôi đưa thẻ công tác đặc biệt và được một chiến sĩ cắp tiểu liên ngang ngực dẫn vào chỗ Dương Văn Minh đang bị quản chế. Đây là một căn phòng ở cánh gà bên phải Dinh Độc Lập. Cùng ở trong phòng với Minh còn có Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng và Nguyễn Văn Hảo, Bộ trưởng Kinh tế của nội các cuối cùng mà ông Minh vừa lập ra hôm 28/4 chưa kịp ra mắt. Lúc này, toàn bộ các nhân vật còn lại của nội các ngụy quyền đang bị quản chế tại phòng họp nội các, vì sáng 30/4 chính là buổi ra mắt của cái nội các hụt ấy, nên họ đến đây khá đầy đủ. Tôi thực hiện cuộc trao đổi, phỏng vấn với Dương Văn Minh trong khoảng 10 phút. Thực ra, lúc đó cũng không có gì nhiều để nói, chủ yếu là tôi phải lấy cho được tiếng nói của ông Minh để sử dụng trong phóng sự của mình. Tôi hỏi ông Minh về những cảm nghĩ khi người Mỹ đã vội vã rút đi và những cảm nghĩ ban đầu của ông ta về các chiến sĩ giải phóng. Minh và sau đó là Nguyễn Văn Hảo đã kể về “thành tích” của họ khi đã giữ lại được 17 tấn vàng không cho “ông Thiệu” mang đi khi ông ta chạy ra nước ngoài. Cả ông Minh và thuộc hạ là ông Mẫu và ông Hảo đều tỏ ra rất sốt ruột, vì cho đến lúc đó, khoảng 9 giờ sáng ngày 1/5 rồi mà vẫn chưa thấy “các vị trong Chính phủ Cách mạng lâm thời” đến để nhận “bàn giao”.

Từ trên cửa sổ tầng hai của căn phòng, có thể thấy nhiều chiếc xe tăng của quân đội ta đậu ở các góc khác nhau trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Nhiều tốp chiến sĩ của ta, sau những chặng hành quân dài và các trận đánh căng thẳng, giờ đây đang thư thái hưởng những giây phút hoà bình đầu tiên, quây quần trên các thảm cỏ mượt xanh, dưới bóng râm của các cây cổ thụ. Một số chiến sĩ ta tụ tập bên máy nước ven các bồn hoa, tắm giặt thật tự nhiên, thoải mái. Bên ngoài cổng Dinh, liên tiếp các đoàn người từ mọi ngả dồn về, băng rôn, biểu ngữ, cờ hoa nườm nượp, tiếng hô, hát mừng cách mạng đã về. Lúc này, ngưòi chiến sĩ dẫn tôi vào gặp Dương Văn Minh lại từ cửa phòng bước vào, ra hiệu cho tôi: thời gian tiếp xúc theo quy định đã hết. Tôi đi xuống khoảng sân rộng của Dinh Độc Lập, đến bên một tốp chiến sĩ đang quây quần bên một chiếc xe tăng. Đó là Vũ Đức Sơn, 23 tuổi người quê Hải Dương, Vũ Quang Hùng, 23 tuổi, quê Thanh Hoá, Nguyễn Tiến Kỷ, 22 tuổi, quê Thái Bình, và anh Ính, người Hải Dương, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, thuộc đoàn Ba Vì, tức K86, lữ đoàn 203. Các anh cho biết, đơn vị vào Dinh Độc Lập lúc 2 giờ chiều hôm qua, 30/4, sau khi quân đoàn 2 đã cắm cờ trên nóc Dinh.

dinhdoclap

Dinh độc lập

Tôi rời Dinh Độc Lập và ùa ra đường phố náo nức cờ hoa. Thấy tôi mặc bộ đồ quân giải phóng từ Dinh Độc Lập đi ra, một tốp các em học sinh ùa đến. Trên tay các em là những lá cờ giải phóng còn tươi mới, và trên đầu các em giương cao tấm băng rôn “Chào mừng đoàn quân giải phóng thành phố Hồ Chí Minh” - lớp 12 Huỳnh Khương Ninh. Một thiếu nữ trong bộ đồ trắng, mặt đỏ hồng với những giọt mồ hôi lấm tấm trên má, trên trán, tiến lại chào tôi và hỏi: “Chú ơi, chú có biết ba cháu không, ba cháu là Trần Hữu Khuê, đi giải phóng từ mấy năm nay...”. Tôi hỏi và được biết, em là Trần Thị Khánh, 18 tuổi, ở 171B Hoàng Đạo, Sài Gòn 3, hôm nay cùng các bạn trong lớp 12 Huỳnh Khương Ninh đến đây đón chào quân giải phóng, hy vọng được gặp mặt người cha sẽ về trong những đoàn quân vào giải phóng Sài Gòn. Một công chức làm việc ở Bộ Kinh tế Sài Gòn cũ là ông Nguyễn Ngọc Thanh, ở 129A Nguyễn Huệ, thấy tôi ghi chép bằng cái bút bi “đặc biệt” - ruột bi nhưng vỏ là giấy quấn lại cho chặt, liền rút ngay chiếc bút bi trên túi áo đưa cho tôi, và “xin anh giải phóng cho tôi được giữ làm kỷ niệm chiếc bút của anh”. Biết tôi cần đi làm phóng sự, ông đã tự nguyện chở tôi trên chiếc xe honda dạo khắp Sài Gòn, đến những địa điểm mới lạ như chợ Thị Nghè, công trường Con Rùa, khu Bàn Cờ, nhà máy điện Chợ Quán, Viện Đại học, chợ Bến Thành, cảng Bến Nghé... để chứng kiến biết bao niềm vui dạt dào của đồng bào ta, ghi lại những hình ảnh ban đầu của một Sài Gòn mới. Và, thiên phóng sự đầu tiên tôi thực hiện ở Sài Gòn trong ngày 1/5 đã được phát nhiều lần trên Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng trong ngày 2/5/75./.

Nguyễn Trương Đàn

Ngay-nay

 


 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung