Home Di sản Việt Nam Sống trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Sống trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Email In PDF.
Chỉ khi thực sự được hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, chúng ta mới cảm nhận được tình yêu với cồng chiêng của đồng bào các dân tộc ở cao nguyên nắng gió này. Chính họ đã thổi hồn và tiếp thêm sức cho di sản này tiếp tục "sống" cùng đất trời và con người Tây Nguyên...

Di sản sống trong lòng nhân dân

Tại nhà rông văn hóa Mơ-rông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh chúng tôi được chứng kiến nghệ nhân người Jrai Rơ Chăm Uêk say sưa chỉnh chiêng để những bộ chiêng sẽ vang lên những tiếng đẹp nhất, rộn rã nhất trong ngày hội. Nghệ nhân Rơ Chăm Uêk là một trong hai nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi nhất ở Gia Lai. "Đồ nghề" của nghệ nhân Rơ Chăm Uêk rất đơn giản: một chiếc búa và một chiếc đe, ông gõ vài tiếng ở một góc này của chiêng, rồi lại chuyển sang góc khác. Chỉ sau một vài lần như thế, việc chỉnh chiêng đã hoàn thành và nghệ nhân Rơ Chăm Uêk lại chuyển sang các chiêng khác...

cong-chieng-2

Ở Gia Lai còn có một nghệ nhân chỉnh chiêng tài danh khác: nghệ nhân Nay Phai (ở huyện Krông Pa). Cha của Nay Phai cũng là một nghệ nhân chỉnh chiêng. Có lẽ cứ nghe mãi, nghe mãi, nên khi chỉnh chiêng, Nay Phai cảm thấy đó là những "âm thanh của Giàng mách bảo". Nghệ nhân 58 tuổi này chỉ cần đánh lên đã biết là âm thanh đó phù hợp với bộ chiêng nào. Ông có thể chỉnh chiêng của người Jrai, Ê-đê, Ba-na... ở vùng Tam giác các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và Đăk Lăk.

Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng cũng như của từng gia đình. Cồng chiêng với đồng bào là một linh khí- phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh, đồng thời là phương tiện để chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng. Đây cũng là một loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào các dân tộc. Trong không gian hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên, tiếng cồng, chiêng vang lên lúc réo rắt như con suối chảy qua ghềnh đá, lúc dồn dập, dũng mãnh như con thú say mồi, khi ầm vang như tiếng sấm sét, lúc đằm thắm, nhẹ nhàng như tiếng con chim chơ-rao gọi bầy…. Âm thanh king koong đánh thức ngàn xanh, vọng vang khắp các buôn làng, ngân xa qua nhiều con suối, ngọn núi.

Chính vì thế, cồng chiêng được các tầng lớp nhân dân bảo tồn và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi khi nghe tiếng cồng chiêng vang lên, thì già, trẻ, gái, trai đều thấy náo nức, mặc những trang phục đẹp nhất, để cùng nhảy múa, đánh cồng chiêng, cùng hòa bước chân nhịp nhàng trong vòng xoang. Chúng tôi đã thực sự cảm thấy sự cần thiết, sự gắn bó của cồng chiêng với đồng bào khi nghe tiếng cồng chiêng do các nghệ nhân và diễn viên làng Mơ-rông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) gióng lên dưới bóng những cây goòng (một loại cây thiêng trồng ở nghĩa địa) trong ánh chiều tà để tái hiện lễ Pơ-thi (lễ bỏ mả); hay khi chứng kiến nhân dân làng Ôr, xã Kông Lơng Khơng, thị trấn Kbang tưng bừng nhảy múa với bàn chân trần, với nụ cười tươi trên môi và ánh mắt long lanh trong buổi lễ tái hiện lại lễ đâm trâu mừng chiến thắng...

Cũng làng Ôr, chúng tôi đã được nghe Nghệ nhân Jram kể Hơ-mon và hát bài hát trong lễ mừng lúa mới của người Ba-na. Nghệ nhân 60 tuổi này là một trong số ít các nghệ nhân còn biết kể Hơ-moon và biết cách dựng nhà rông. Ông kể ông học đánh chiêng và hát hơ-moon từ khi lên 9-10 tuổi và bây giờ lại tiếp tục dạy cho con cháu đánh chiêng, hát Hơ-moon và làm nhà rông để giữ mãi bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ăn miếng cơm lam ngọt lịm, uống ngụm rượu ấm nồng, những cái bắt tay thật chặt, bước chân chúng tôi như lưu luyến mãi bên ngôi nhà sàn của người Ba-na trong nắng và gió Tây Nguyên vàng rực...

Bảo tồn giá trị văn hóa Tây Nguyên

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở VH,TT&DL Gia Lai) - người chuyên nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên nhấn mạnh: từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận và di sản phi vật thể của nhân loại, thì công việc bảo tồn cồng chiêng và các di sản văn hóa của Tây Nguyên nói chung và ở Gia Lai nói riêng có chiều hướng tiến triển tốt hơn: "Trước năm 2004, sở văn hóa Gia Lai có điều tra, lúc đấy con số là 5.126 bộ. Năm 2008 tăng lên hơn 400 bộ và hiện nay là 5.655 bộ. Đó thực sự là một tín hiệu vui. Trước kia, lớp thanh niên họ ít quan tâm tới cồng chiêng, nhưng bây giờ vào làng thì chúng ta thấy có rất nhiều em nhỏ đánh cồng chiêng. Trong tâm đồng bào yêu quí và hào hứng trở lại với văn hóa của chính họ. Điều đó là tốt nhất, là khả năng hiện thực nhất để không gian văn hóa được bảo tồn..."

Hiện nay, nhiều gia đình ở Gia Lai còn giữ được 5 bộ cồng chiêng. Đặc biệt, hai hộ ở Ia Grai lưu giữ được 9 bộ cồng chiêng và coi như gia bảo các dòng tộc truyền lại. Hiện trong toàn tỉnh Gia Lai có hơn 600 đội cồng chiêng. Đây là lực lượng quan trọng, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

cong-chiengTheo ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH,TT&DL Gia Lai, so với các tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai có số lượng cồng chiêng lớn nhất ở khu vực. Tỉnh Gia Lai cũng tổ chức nhiều liên hoan cồng chiêng, khuyến khích việc sử dụng cồng chiêng ở các buôn, làng và đưa việc giảng dạy về cồng chiêng vào các trường dân tộc nội trú:"Chúng tôi duy trì thường xuyên hàng năm ở các xã, cấp buôn làng đều tổ chức thi sinh hoạt cồng chiêng ở dưới buôn làng và ở cấp huyện thì chúng tôi thi ở cấp huyện 2 năm/1 lần, thậm chí 1 năm/1 lần; cấp tỉnh thì 4 năm một lần. Chúng tôi đã tổ chức 7 lần ở cấp tỉnh. Chúng tôi đưa vào trong trường học, đặc biệt là đưa vào các trường phổ thông dân tộc nội trú để làm sao cho các em dân tộc Jrai và Bana biết đánh cồng chiêng để không làm mai một các giá trị của dân tộc mình. Cùng với việc này thì chúng tôi cũng khuyến khích các trường nội trú và các em sinh hoạt đi học mặc trang phục của đồng bào mình".

Còn theo ông Măng Đung - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai: "Cồng chiêng là máu thịt của đồng bào, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên là con người đã cảm thấy rạo rực, muốn đến với nhau, cùng nhảy múa, cùng hoà nhịp trong vòng xoang. Cồng chiêng vì thế không bao giờ bị mất. Cũng giống như cây trong rừng, nếu để di sản đó phát triển tự nhiên và ta vun đắp, chăm bón thì cồng chiêng phát triển mãi cùng đời sống. Chúng ta đừng bao giờ bắt nó phải phát triển như sự mong muốn chủ quan của chúng ta. Nó có sẽ cách thức tồn tại riêng của nó. Đến giờ phút này, chúng ta có thể tin tưởng văn hoá truyền thống không bao giờ bị mai một và nó là nền tảng để đồng bào sống mãi với Tây Nguyên"./.

Thông tin trong Box:

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng.

Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Từ xa xưa, cồng chiêng gắn bó với mọi hoạt động của cộng đồng cư dân Tây Nguyên. Chính đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho cồng chiêng Tây Nguyên để những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người Tây Nguyên, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây Nguyên là bằng chứng độc đáo, là nét đặc trưng của truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên./.

Thạch Thảo

Ngay-nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung