Ý tưởng bắt nguồn từ công việc của gia đình
Tôi gặp Trang Nhã khi em ra Hà Nội chuẩn bị tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc. Cởi mở, tự nhiên và tự tin, em luôn thể hiện niềm lạc quan trong cuộc sống. Xuất thân trong một gia đình làm nông nghèo ở Đà Lạt, Trang Nhã không vì thế mà khuất phục trước hoàn cảnh, em đã không ngừng vươn lên để khẳng định mình và mong muốn có thể đóng góp cho xã hội. Ý tưởng về một loại cây 2 trong 1 bắt nguồn từ chính công việc trồng rau quả của gia đình. Thấy bố mẹ vất vả trồng rau mà thu nhập không đáng bao nhiêu, kinh tế của gia đình không đủ cho các con ăn học, người chị cả của Trang Nhã đã phải từ bỏ ước mơ trở thành kiến trúc sư để kiếm tiền phụ giúp gia đình, Trang Nhã nung nấu quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình. Em tâm sự:
“Ngay từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình em không được khá giả. Bố mẹ em trồng rau, vất vả cực nhọc quá mà cũng không dư dật. Em cứ nghĩ hoài về một cách nào đó để giúp ba mẹ, thay đổi cuôc sống. Lúc nhỏ chỉ nghĩ được là phải làm việc gì đó nhưng chưa biết làm cách nào. Khi lớn lên chút ít em nghĩ sẽ hướng vào loại cây trồng”.
Kết quả thi đỗ Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh của Trang Nhã cũng có nguyên cớ. Em nhất định phải học ngành công nghệ sinh học để có thể tạo ra một loại cây trồng nào đó khác đi, cho năng suất chất lượng sản phẩm cao hơn mà lại giảm công sức lao động của người trồng. Vừa học, Trang Nhã vừa tìm tòi nghiên cứu để có thể thực hiện dự định của mình. Qua tìm hiểu em biết ở nước ta, cây cà chua đã từng được trồng ghép lên gốc cà dại nhằm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, kéo dài thời gian thu hoạch cà chua. Tuy nhiên, trong thực tế, việc ghép này mất rất nhiều công chăm sóc, phân bón mà hiệu quả vẫn không bằng việc bắt đầu trồng lại vụ khác. Vì vậy, Nguyễn Thị Trang Nhã nảy ra ý tưởng tạo ra cây ghép khoai tây – cà chua để vừa thu hoạch được cà chua, lại vừa thu hoạch được khoai tây. Lúc đó em mới là sinh viên năm thứ hai Đại học Nông lâm TP HCM.
Em tình cờ đọc trên một bài báo của một giáo sư nghiên cứu ngành công nghệ sinh học. Giáo sư đó nói rằng công nghệ sinh học phải là chiếc chìa khóa mở cánh cửa cho người nông dân trong tương lai, tạo ra các loại cây trồng, con giống mang giá trị kinh tế cao. Em nghiên cứu và thấy cà chua và khoa tây cùng họ, vậy thử làm xem có kết quả gì không.
Thành công từ quyết tâm
Nếu thành công, cách làm này sẽ làm tăng sản lượng nông sản trên cùng một diện tích đất, trong cùng một thời điểm; tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc. Thế nhưng ý tưởng trên của Nhã đã gặp không ít khó khăn: thiếu tài liệu, chưa có kinh nghiệm thực tế. Không nhận được sự giúp đỡ của giảng viên trong khoa với lý do thiếu cơ sở khoa học, Nhã đã tự mình mày mò ghép hai loại cây cà chua và khoai tây, sau đó mang cây đã trưởng thành đến trường cho giảng viên thấy kết quả đạt được: cây ghép vừa có quả, lại vừa có củ. Từ thực tế đó, Nhã mới được nhà trường đồng ý cho làm đề tài khoa học. Nhã mang cây ươm từ Đà Lạt lên TP HCM để ghép, đến khi cây ổn định lại mang về Đà Lạt trồng. Sau hai năm, Nhã hoàn thiện được quy trình ghép, trồng, chăm sóc, thu hoạch… và phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm.
Những khó khăn mà sinh viên chúng em gặp phải không hề nhỏ, em không có kinh phí để thực hiện đề tài, rồi vừa phải học để đảm bảo kết quả học tập tốt, vừa thuyết phục nhà trường cấp kinh phí nghiên cứu qua thực tế….Nhưng em vẫn quyết tâm thực hiện cho dù khó đến mấy. Em đi dạy thêm lấy tiền trang trải….
Khoai tây sau khi giâm từ 23 – 25 ngày và cà chua sau khi gieo từ 17 – 22 ngày được tiến hành ghép. Loại cây này sau khi ghép 15 ngày có thể đem trồng và chăm sóc bình thường. Mật độ cây ghép sống và sinh trưởng tốt đến trên 90%.Từ kết quả nghiên cứu, Nhã đã thuyết phục gia đình cho trồng thử loại cây hai trong một này trên diện tích 200 m2 trong vườn nhà, rồi sau đó trồng mở rộng trên 1.000 m2. Cách chăm sóc loại cây ghép này không khác với trồng khoai tây như trước đây. Phân bón tăng không đáng kể. Về chất lượng, kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng vitamin, tinh bột ở trái cà chua, khoai tây lai cao hơn gấp đôi cà chua, khoai tây thông thường…Tính ra, khi trồng trên diện tích đất một ha, cây trồng không ghép, hai vụ một năm, sẽ cho năng suất 95 tấn cà hoặc 60 tấn khoai. Trong khi đó, một vụ cây ghép sẽ cho năng suất 77 tấn cà và gần 40 tấn khoai. Tính giá khoai trung bình 7.000 đồng một kg và cà 2.000 đồng một kg, người trồng thu được khoảng 420 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón... sẽ thu được khoản lợi không nhỏ.
Em muốn người nông dân mình không còn quá vất vả bỏ công sức lớn mà thu hoạch không được bao nhiêu như cách làm từ trước đến nay. Với loại cây ghép này, chắc chắn sẽ có lợi cho họ, công sức chăm sóc như vậy, phân bón hơn chút ít mà lại thu được cả quả lẫn củ. Chất lượng sản phẩm lại tăng nữa.
Sự thành công của đề tài khoa học này đang mở ra một triển vọng mới về vấn đề an ninh lương thực: Tăng sản lượng nông sản trên cùng một diện tích đất; khai thác tối đa năng suất cây trồng; tăng chất lượng dinh dưỡng cho người tiêu dùng...Việc ghép và trồng thành công cây cà chua - khoai tây này không chỉ giúp tiết kiệm diện tích đất, công chăm sóc, phân bón mà còn mở ra nhiều triển vọng mới về cây giống kháng bệnh cho nông dân.
Trang Nhã tốt nghiệp Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh với tấm bằng giỏi và được chuyển tiếp học cao học, nhưng em đã quyết định trở về mảnh đất Đà Lạt. Nhã xin vào làm ở Công ty Rừng Hoa Đà Lạt, vừa làm vừa nghiên cứu nhu cầu thị trường rồi mới chọn hướng đi mới. Hiện Trang Nhã đang tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc một cách đơn giản nhất để người dân có thể tự làm được.
Em nghĩ rằng, nếu chuyển giao độc quyền cho một doanh nghiệp sản xuất giống nào đó thì người dân vẫn không được hưởng lợi do vậy em sẽ tối ưu nhất quy trình ghép và chăm sóc cây sao cho đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất.
Trang Nhã còn rất nhiều dự định nghiên cứu nữa trong tương lai. Lấp lánh trong ánh mắt của nữ khoa học trẻ là niềm tin vào cuộc sống. Xung quanh chúng ta còn rất nhiều khó khăn, nhưng nếu cứ quyết tâm theo đuổi mục đích của mình thì sẽ có ngày thành công./.
Thu Hiền VOV