Home Văn hóa Tin văn hóa Chu Lượng & hành trình tìm lại sự hồn nhiên

Chu Lượng & hành trình tìm lại sự hồn nhiên

Email In PDF.
Chu Lượng là một cái tên quen thuộc với những ai yêu mến loại hình nghệ thuật múa rối nước. Người ta biết đến Chu Lượng không chỉ bởi tài năng của một họa sĩ tạo hình mà còn bởi cái tâm huyết với nghề, sự đam mê đến tột cùng, cháy bỏng vẻ đẹp nguyên thủy ẩn tàng trong hồn rối. Để có được những tác phẩm tạo hình ưng ý và sống động nhất, nghệ sĩ Chu Lượng đã phải rong ruổi qua biết bao miền quê, phải sống với từng nhân vật rối. Có lẽ bởi sinh ra từ ruộng đất nên đồng quê trong lành vẫn là nơi Chu Lượng cảm thấy thân quen, bình dị. Chỉ khi trở về đồng quê của văn minh lúa nước, nơi chú tễu hồn nhiên sinh ra, Chu Lượng mới tìm được câu trả lời cho những khắc khoải trên hành trình tìm về cội nguồn vẻ đẹp của rối nước. Thì ra vẻ đẹp đó chẳng ở đâu xa, mà ở ngay trong những điều bình dị, nó ẩn chứa trong mỗi dáng vẻ, nụ cười, mỗi gương mặt của những người nông dân. Những điều tưởng chừng hết sức giản đơn mà thật đáng quý.

Chu Lượng của ngày hôm nay đã được kết tinh hun đúc từ những ngày anh còn thơ ấu, khi theo cha đến xưởng vẽ. Tình yêu với rối nước của anh cũng lớn dần cùng với tuổi thơ và những tháng năm cuộc đời... Càng ngày anh càng nhận ra sự hấp dẫn lạ kỳ của múa rối nước, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa để gặp nhau trong sự cộng cảm đến vô cùng.

chu-luong1Chu Lượng đã mang thế giới riêng của mình chia sẻ với mọi người. Chính vì thế, lòng anh luôn cảm thấy ấm áp. Bởi Chu Lượng luôn khát khao những nhân vật rối tri ân của anh vượt ra ngoài phạm vi của sân khấu thủy đình để được thực sự sống và hòa nhịp trong cuộc sống hiện tại. Năm 2007, anh thực hiện triển lãm “Mặt nước hồn người” gây một ấn tượng mạnh trong giới nghệ sỹ về nghệ thuật tạo hình và sắp đặt. Cùng anh trở về sau một ngày làm việc tại nhà hát múa rối Thăng Long, trong căn nhà của anh – một thế giới của rối và nghệ thuật tạo hình, cuộc trò chuyện của chúng tôi về rối nước ngẫu nhiên bắt đầu.

PV: Trong nghệ thuật múa rối, khâu tạo hình rối là một khâu vô cùng quan trọng trong việc tạo hình hài và cái hồn của múa rối. Vậy việc tạo hình phải dựa trên một nguyên tắc nào?

Chu Lượng: Trước tiên có thể nói trong nghệ thuật múa rối nước và nghệ thuật rối nói chung thì khâu tạo hình là vô cùng quan trọng. Nghệ thuật rối xuất phát từ khâu tạo hình. Có con rối thì mới có nghệ thuật múa rối nên nghệ thuật tạo hình rối đóng một vai trò rất quan trọng, đó là phần chính, phần hồn, phần hồn thứ hai là diễn viên. Nghệ thuật rối nước của chúng ta đầu tiên bắt nguồn từ Đồng Bằng Bắc Bộ - nơi của những người nông dân thuần khiết, họ là những nghệ nhân làm điêu khắc và họ thường làm điêu khắc ở chùa, còn khi nông nhàn thì họ nghĩ ra trò chơi rối nước và khâu tạo hình đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật rối nước.

PV: Sức sáng tạo của người tạo hình rối thể hiện như thế nào?

CL: Các cụ ngày xưa đục đẽo những con rối bằng chính đời sống ở xung quanh họ. Chẳng hạn tôi là một cậu bé nông dân, sống ở một vùng quê, nơi đó có những người hàng xóm, người bạn thôn nữ. Chính những hình ảnh đó diễn ra hàng ngày va đập vào trí tưởng tượng, nên khi bắt tay vào làm con rối, vẽ rối, qua sức sáng tạo của các bàn tay nghệ nhân những nhân vật hiện lên sống động trông rất có hồn.

PV: Trên sân khấu những con rối thể hiện những động tác rất khéo léo, vậy bộ máy điều khiển rối có vai trò như thế nào?

CL: Tất cả phụ thuộc vào người nghĩ ra nó. Phải nói là bộ máy điều khiển rối là then chốt quyết định cho cái trò rối đó. Con rối từ dưới nước trèo lên cây cau thì nghĩ làm sao để con rối nhảy vút lên, hay một ông cụ trèo lên thuyền bơi thì phải làm sao có bộ máy bơi đươc. Vì thế, bộ máy có vai trò rất quan trọng.

PV: Trên sân khấu rối nước, sức hấp dẫn khán giả được tạo ra bởi sự kết hợp hài hòa con rối, ánh sáng và khói lửa. Vậy người nghệ sỹ đã kết hợp các yếu tố đó ra sao?

CL: Khán giả rất ngạc nhiên bởi tự nhiên từ một mặt nước rất êm ả như vậy con rồng từ dưới nước chui lên phun ra khói, lửa, tạo ra một không gian rất huyền ảo, đẹp lung linh. Ngoài đời lửa và nước là 2 thứ xung nhau nhưng khi bắt đầu lửa và khói được sử dụng trong rối nước thì chính lửa lại tôn vinh cho nghệ thuật rối nước và chính rối nước đã tạo cho lửa sáng hơn, đẹp hơn.

PV: Điều hấp dẫn nhất của nghệ thuật múa rối nước là gì?

CL: Nghệ thuật rối nước mang đầy đủ yếu tố về bản sắc văn hóa riêng của người Việt. Khi ta xem rối nước cái hiện lên rõ nhất là sự hồn nhiên thuần khiết của những nhân vật rối, nhưng thực sự chính là tâm hồn của người Việt. Điều đó được tạo ra bởi chính những nghệ nhân. Nghệ thuật rối nước đi ra từ đời sống của người nông dân, mang một tinh thần lạc quan yêu đời. Những con rối nước bình thường nhìn rất khô cứng, nhưng khi vào trò diễn thì chúng đem đến cho khán giả sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chẳng hạn những con phượng múa thể hiện tất cả yêu thương, hờn giận, sinh con đẻ cái và những con rồng cui từ dưới nước, những con cáo trèo lên cây cau. Đấy là cái gây ngạc nhiên cho khán giả.

PV: Quả là như vậy, thế mới hiểu vì sao có khá nhiều người xem rối đến bốn năm lần vẫn thấy hấp dẫn bởi những tình huống bất ngờ trong các trò rối. Tôi được biết, nhà hát múa rối Thăng Long định hướng năm 2010 sẽ hướng đến khán giả trong nước nhiều hơn nữa. Hy vọng rằng những nghệ sỹ tâm huyết với rối nước như ông sẽ tiếp tục sáng tạo khiến nghệ thuật rối nước luôn luôn được công chúng đón nhận, đặc biệt là khán giả trong nước. Xin cảm ơn nghệ sỹ đã trò chuyện cùng phóng viên và cũng là khán giả của môn nghệ thuật độc đáo này./.

HQ – MT

Ngay-nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...