Home Văn hóa Phong tục - Lễ hội Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ miền biên cương Xứ Lạng

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ miền biên cương Xứ Lạng

Email In PDF.

Sách "Đại nam nhất thống chí”có ghi “Đền Kỳ Cùng ở xã Vĩnh Trại - Châu Thoát Lãng (nay là tỉnh Lạng Sơn). Nơi tả ngạn sông Kỳ Cùng có thần Giao Long. Đền rất linh hiển nên mỗi khi sứ bộ đi qua đây đều sửa lễ cáo yết rồi mới sang đò”. Cùng với đổi thay của thời gian, lịch sử, đền Kỳ Cùng cũng đã có sự thay đổi, pha trộn giữa nét truyền thống và nét hiện đại. Từ thế kỷ thứ XVIII, đền Kỳ Cùng đã lưu giữ bước chân của Ngô Thì Sĩ bởi không khí tưng bừng, náo nhiệt trong ngày hội đầu xuân, bởi vẻ đẹp thiên tạo của bến đá Kỳ Cùng. Ông đã coi đó là một trong 8 cảnh đẹp của Xứ Lạng. Ngày hôm nay, bến đá Kỳ cùng vẫn còn đó, vẫn giữ được vẻ đẹp ban sơ của thuở ban đầu và lễ hội đền Kỳ Cùng vẫn níu giữ bước chân bao du khách xa gần.

le-hoi-den-kt-cungDiện mạo của đền Kỳ Cùng ngày nay không còn là một ngôi đền nhỏ làm bằng đất, lợp ngói. Nhưng kiến trúc của đền Kỳ Cùng ngày nay vẫn tôn trọng và mang dáng dấp của ngôi đền nhỏ ngày xưa. Đền vẫn được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, với không gian chính gồm 3 cửa vòm cuốn với 2 trụ gạch vuông, phía trên được đắp nổi các hoa văn, trên cùng là bộ tam khí gồm: đỉnh và lọ hoa thờ hai bên. Phía ngoài được xây dựng với kiến trúc gạch tháp chồng diêm mang tính chất gác chuông. Trong đền vẫn còn lưu giữ được các Hoành phi, Đại tự có niên đại từ thời Lê - 1784 và thời Nguyễn cùng nhiều đồ thờ tự như: chuông, ngai, tàn, lọng, đỉnh đồng và các pho tượng cổ có giá trị niên đại và mỹ thuật cao.

Hằng năm từ ngày 22 đến hết ngày 27 tháng Giêng, người dân Lạng Sơn và du khách thập phương lại nô nức trảy hội đền Kỳ Cùng. Theo truyền thuyết, trước đây khi mới được xây dựng, đền Kỳ Cùng thờ thần Giao Long... Qua quá trình biến đổi, tác động của lịch sử, đền đã thay việc thờ thần Giao Long bằng thờ quan Tuần Tranh, một vị quan thời nhà Trần được cử lên đánh giặc ở Lạng Sơn. Nhưng binh sĩ của ông hay ốm đau, khi lâm trận thường bị thua. Bước đường cùng, ông đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn, trở thành Thần sông.

Đến thời hậu Lê, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được bổ nhiệm lên Lạng Sơn. Ông đã có công khởi xướng, mở mang buôn bán, khai phá thành chợ Kỳ Lừa. Ông cũng đã viết sớ minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh. Sau khi ông Thân Công Tài mất, nhân dân đã lập đền Tả Phủ (nay ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) thờ ông. Cảm kích trước công ơn và tấm lòng nghĩa hiệp của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hằng năm, vào giờ Ngọ, người dân địa phương lại mở hội rước kiệu ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài ở Đền Tả Phủ. Đến ngày 27 tháng giêng là ngày kết thúc hội, cũng vào giờ Ngọ, nhân dân lại làm lễ tiễn biệt, rước kiệu ông Tuần Tranh đã không quên ơn đến thăm ông Thân Công Tài. Những người tham gia rước kiệu là thanh niên trai tráng mặc trang phục lộng lẫy gọi là "Đồng Nam". Một tốp thiếu niên mặc đồng phục gọi là “Đồng Tử” khiêng đỉnh hương trầm, có đội múa rồng, múa sư tử vây xung quanh. Đoàn rước đi vòng qua các dãy phố, cứ đến ngã ba, ngã tư lại thực hiện động tác quay vòng, thu hút sự quan tâm của du khách. Các gia đình dọc hai bên đường có đoàn rước kiệu đi qua đều chuẩn bị sẵn mâm lễ cầu tài, cầu lộc, cầu an. Nhiều gia đình còn quay lợn, mời bạn bè đến chơi đón đoàn rước, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, gia đình an khang thịnh vượng. Trong mấy năm gần đây, nhiều gia đình ở các nơi khác cũng dựng rạp tại dọc hai bên đường để đón đoàn rước tạo không khí ngày hội thêm tưng bừng.

Phần hội còn có các trò chơi dân gian như: Cờ người, chọi chim, đẩy gậy... Đặc biệt có trò chơi đốt đầu pháo diễn ra ngày 23, 24 tháng giêng. Các đầu pháo theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 (không có số 7 vì người dân quan niệm số 7 không tốt). Đầu pháo có gắn đầu kim loại, cuốn vải cẩn thận, rước ra sau đền làm lễ cúng thần. Sau đó, được đem ra đốt. Khi pháo nổ, vòng kim loại bay lên không trung rơi xuống, mọi người cùng tranh nhau cướp đầu pháo. Ngày diễn ra trò chơi dân gian đốt đầu pháo bao giờ cũng náo nhiệt và hấp dẫn mọi ng­ười hơn cả. Ai cũng bị cuốn vào trò chơi với một tâm trạng háo hức. Sự chen lấn, xô đẩy không gây cho mọi ng­ười cảm giác khó chịu mà còn làm cho không gian của lễ hội thêm phần sôi động. Những ai tranh được đầu pháo thì đem đến trình với thần Đền và Ban Tổ chức lễ hội để nhận phần thưởng. Cùng với phần thưởng được trao, những người thắng cuộc mang đầu pháo thờ tại gia đình để cầu may mắn, bình yên. Mỗi đầu pháo chỉ được thờ một năm. Đến mùa hội năm sau, những gia đình có đầu pháo đem ra đền làm lễ tạ rồi trao lại đầu pháo cho đền.

Tham gia lễ hội, khách xa gần không chỉ cảm nhận đ­ược sự chuyển mình của đất n­ước và con ng­ười Xứ Lạng mà còn cảm nhận đ­ược đời sống tâm linh rất phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang đậm chất núi rừng. Ở đó ẩn chứa sâu sắc những giá trị chân - thiện - mỹ của người dân xứ hoa Hồi.

 

Mai Hảo

 

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...