Home Văn hóa Tin văn hóa Nét xuân trên biên giới

Nét xuân trên biên giới

Email In PDF.
Sau những ngày đón Tết cổ truyền, tại một số địa phương trong tỉnh Lạng Sơn lại diễn ra lễ hội Lồng tồng để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời bà con nông dân cũng chuẩn bị bắt tay vào một mùa vụ mới. Gia đình anh Hứa Văn Công ở xã Thanh Long, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cũng như bao gia đình khác chuẩn bị cuốc hố, trồng rừng mới, nhưng với gia đình anh, Tết này còn là cái Tết đặc biệt vui. “Niềm vui lớn nhất trong năm nay là gia đình tôi đã được các chiến sĩ đồn biên phòng Na Hình hỗ trợ tiền và giúp xây nhà mới. Không như Tết năm trước vừa đón Tết, vừa lo nhà có thể đổ bất cứ lúc nào nếu trời mưa to, gió lớn”. Anh Công hồ hởi kể niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt.

le-hoi-long-tong

Cảm động và trân trọng trước sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, ngay từ ngày mùng 4 Tết, gia đình anh đã bắt đầu công việc đồng áng, làm vườn, chăm sóc rừng với quyết tâm không để gia đình rơi vào cảnh thiếu đói giáp hạt, vươn lên thoát khỏi danh sách các gia đình nghèo trong xã Thanh Long. Đó cũng là cách để vợ chồng anh cảm ơn sự giúp đỡ của các chú bộ đội biên phòng.

Không chỉ có gia đình anh Công được đón Tết trong ngôi nhà mới mà 17 gia đình nghèo trên địa bàn 3 xã biên giới Thụy Hùng, Thanh Long, Trùng Khánh, huyện Văn Lãng đều được đón Tết trong những ngôi nhà mới thắm tình quân dân. Thực hiện tốt phương châm 4 cùng: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, đồng thời, thực hiện tốt phong trào xây nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa cho đồng bào nghèo nơi biên giới và hải đảo, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình đã góp phần mang mùa xuân đến với các bản làng vùng biên sớm hơn, tưng bừng hơn, đoàn kết hơn.

Ngoài 1000 ngày công lao động xây nhà cho nhân dân trong năm vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Na Hình còn cùng nhân dân lao động sản xuất, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, hướng dẫn thiết thực, gần gũi như những người con, người anh em trong nhà, nên từ độc canh cây lúa, cây ngô, đến nay, bà con nhân dân ở ba xã biên giới đã biết thâm canh tăng vụ, đa dạng hoá cây trồng. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hoá khá hiệu quả. Đặc biệt, từ chỗ chỉ biết khai thác các nguồn lợi từ rừng, đến nay, bà con ở đây đã biết trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế vườn rừng. Nhờ vậy, mấy năm gần đây, tình trạng thiếu đói giáp hạt và tái nghèo ở 3 xã biên giới Thuỵ Hùng, Thanh Long và Trùng khánh đã giảm đáng kể. Không những thế tại 3 xã đã xuất hiện một số gia đình làm kinh tế giỏi. Việc chăm lo cho con cái đi học cái chữ, học kiến thức để sau này về xây dựng quê hương đã được bà con chú trọng.

bo-doiVới những người lính biên phòng, sự thay đổi ấy chính là niềm vui lớn, động viên họ gắn bó hơn, vui hơn mỗi khi Tết đến xuân về. Thiếu uý Nguyễn Xuân Thanh, đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Na Hình tâm sự: “Ban đầu, khi triển khai việc xây nhà đại đoàn kết cho dân, một số hộ gia đình còn lưỡng lự vì đang mùa gặt, tiền cũng chưa đủ. Chúng tôi đã cử cán bộ chiến sĩ xuống giúp dân gặt lúa. Sau đó cùng gia đình lên rừng chặt gỗ, xuống suối đào sỏi giúp dân làm nhà. Sau 22 ngày làm liên tục là xong một cái nhà khá khang trang. Làm nhà xong rồi chúng tôi vẫn thường xuyên đến gia đình hỏi thăm xem họ có còn vay nợ nhiều không và kịp thời giúp đỡ, không để các gia đình tái nghèo sau khi có nhà mới”.

Thực hiện tốt phương châm 4 cùng, các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Na Hình thấu hiểu những vất vả của bà con địa phương khi năm vừa qua, mưa, gió không thuận hòa. Trong dịp Tết Canh Dần năm 2010, đơn vị đã chuẩn bị 60 suất quà Tết để tặng cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo nơi biên giới. Đồng thời chủ động đến từng gia đình tìm hiểu, hộ nào không có gạo ăn trong dịp Tết thì hỗ trợ mỗi hộ từ 20 đến 30 kg gạo, góp phần cùng với địa phương đảm bảo tất cả các gia đình ở vùng biên đều có Tết. Thượng Tá Nguyễn Năng Nhạ, đồn trưởng đồn biên phòng Na Hình phấn khởi cho biết: “Tết Canh Dần năm nay, ngoài nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho bà con dân tộc đón Tết, Đồn còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, cùng bà con vui xuân đón Tết như những người con của bản”.

Khi hoa đào hoa mận đua nhau khoe sắc hồng hồng trắng trắng giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, cùng với các lễ hội xuân tưng bừng, rộn rã khắp làng bản thì cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na hình cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương với đồng bào vùng biên. Tình quân dân bền chặt đã khiến cho bà con dân bản coi họ như những người con, người anh, người em có uy tín trong nhà. Bà con nghe họ giảng dạy cái chữ, cùng học theo họ cách trồng rau, nuôi lợn, trồng rừng…. để sang năm mới có thóc đầy bồ, ngô treo vàng mái nhà, nuôi con lợn, con gà đều lớn nhanh, không lo thiếu gạo ăn./.

Mai Hảo
 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...