Home Thông tin khác Hỏi - Đáp về UNESCO

Hỏi - Đáp về UNESCO

Email In PDF.
Bà Bạch Thị Hiếu, Quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO khuyến nghị kỷ niệm vào năm nào?”
Khoá họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Pa-ri, Cộng hoà Pháp từ ngày 20-10 đến 20-11 năm 1987, đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam, vào năm 1990.

Tại Nghị quyết quan trọng này, cùng với việc khẳng định những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, Đại hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”

Thực hiện Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1990 nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới.

Ông Vũ Văn Tùng, Thành phố Vũng Tàu hỏi: “Có bao nhiêu địa danh tại Việt Nam được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới? Có bao nhiêu di sản vật thể và phi vật thể”

Có 5 địa danh tại Việt Nam được UNESCO đưa vào danh sách Di sản vật thể thế giới là:

Di sản văn hoá thế giới:

- Quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO ghi vào Danh mục các Di sản văn hoá thế giới năm 1993 theo hai tiêu chí (Ciii) và (Civ). Trong đó, (Ciii) đánh giá Quần thể di tích Cố đô Huế là biểu trưng nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến đã mất của Việt Nam vào thời kỳ hưng thịnh nhất của nó đầu thế kỷ XIX và (Civ) đánh giá đây là điển hình nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông, gồm 16 hạng mục, trong đó đáng chú ý là hệ thống Cug điện trong Tử Cấm Thành, Hoàng Thành, Kinh Thành, các lăng tẩm, đàn Nam Giao, Văn Miếu, Võ Miếu, Chùa Thiên Mụ, Hồ Quyền…

- Khu Đô thị cổ Hội An, được UNESCO ghi danh vào năm 1999 theo hai tiêu chí (Cii) là minh chứng vật chất nổi bật về sự giao lưu giữa các nền văn hoá trong lịch sử, và tiêu chí (Cv) là ví dụ điển hình về truyền thống định cư của loài người.

- Thánh địa Mỹ Sơn, được UNESCO ghi danh năm 1999 theo tiêu chí (Cii) là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và tiêu chí (Ciii) là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh ở Châu Á đã bị biến mất.

Di sản thiên nhiên thế giới:

- Vịnh Hạ Long, được UNESCO ghi danh hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1994 theo tiêu chí (Niii) về giá trị cảnh quan và năm 2000 theo tiêu chí (Nii) về địa chất, địa mạo. Triển vọng Vịnh Hạ Long tiếp tục được ghi nhận theo các tiêu chí khác (Đa dạng sinh học và đa dạng văn hoá).

- Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, được UNESCO ghi danh năm 2003 theo tiêu chí (Ni) là một minh chứng về qua trình hình thành và phát triển của vỏ trái đất (hệ núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong vùng địa máng Trường Sơn tiêu biểu nhất cho hệ đá vôi Cacbon-Pecmi. Đây là một trong những vùng Kát cổ rộng lớn, bị chia cắt mạnh và phát triển liên tục, được hình thành trên 400 triệu năm.

4 loại hình văn hóa của Việt Nam được UNESCO đưa vào danh sách Di sản phi vật thể thế giới là:

- Nhã nhạc Cung đình Huế, được UNESCO ghi danh năm 2003 là Kiệt tác Văn hoá Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. Nhã nhạc có giá trị nổi bật với nghi thức đại chúng và những nghi lễ tôn giáo và như một nguồn của cảm hứng cho âm nhạc Việt Nam đương đại.

- Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây nguyên, được UNESCO ghi danh năm 2005. Khác với Nhã nhạc cung đình Huế - di sản phi vật thể được công nhận trước đó – Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận không chỉ ở “bản chất âm nhạc” mà cả ở “không gian văn hóa” - môi sinh hữu cơ của âm nhạc cồng chiêng.

- Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, được UNESCO ghi danh năm 2009 vào danh sách Di sản văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Quan họ Bắc Ninh được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục.

- Ca trù, được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ về Ca trù được đánh giá như sau: Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội những Ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam.

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam