Tìm thấy tổ tiên cổ xưa nhất của loài người
Một trong những đột phá của khoa học thế giới năm 2009 là việc tìm thấy một sinh vật được cho là tổ tiên xưa nhất của loài người, và chứng minh rằng nhân loại không tiến hóa từ tinh tinh.
Trong suốt vài thập kỷ qua, nhiều nhà khoa học trên thế giới vẫn tin rằng lịch sử loài người bắt đầu cách đây chừng 3,2 triệu năm và chúng ta tiến hóa từ tinh tinh. Nhưng vào tháng 10, giới khảo cổ học xôn xao khi các nhà khoa học của Đại học California (Mỹ) công bố hình ảnh khung xương hoàn chỉnh của một sinh vật được cho là “tổ tiên cổ xưa nhất của loài người” trên tạp chí Science. Với những ngón tay thon dài, thân hình cao 1,2m và chiếc sọ khá nhỏ, Ardipithecus ramidus (hay Ardi) là bộ xương hóa thạch động vật giống người có niên đại cao nhất mà giới khoa học tìm thấy. Sinh vật thuộc giống cái này từng sống cách đây 4,4 triệu năm. Kết quả phân tích gene của "Ardi" chứng tỏ loài người và tinh tinh có tổ tiên chung.
Phát hiện nước trên mặt trăng
Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tuyên bố: “Nước có trên mặt trăng” vào ngày 14/11/2009, sau khi tàu vũ trụ của NASA phóng một tên lửa xuống cực nam mặt trăng. Phát hiện này mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người. Kết quả phân tích cho thấy nước tồn tại trên mặt trăng với khối lượng rất lớn. Vụ nổ đã làm bắn ra ít nhất 94,5 kg nước và đó mới chỉ là kết quả ban đầu.
Nếu lượng nước trên mặt trăng dồi dào, loài người có thể biến hành tinh này thành trạm dừng chân của phi thuyền trong các chuyến thám hiểm vũ trụ bằng cách xây dựng căn cứ trên đó. Các phi hành gia có thể dùng nước trên mặt trăng để uống; điện phân nước để tạo ra oxy và hydro – hai dạng nhiên liệu dành cho tên lửa đẩy. Ngoài ra các nhà du hành còn có thể dùng khí oxy để thở.
Nhà toán học Việt Nam giải quyết bài toán thế kỷ
Công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản chương trình Langland” của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu năm nay được tạp chí uy tín Time vinh danh là một trong 10 phát hiện khoa học tiêu biểu nhất 2009 trên thế giới.
Chương trình Langlands là một lý thuyết đầy tham vọng nhằm kết nối hình học và số học – hai nhánh quan trọng trong toán học. Công trình nghiên cứu của Bảo Châu đã "bắc một cây cầu cho biết bao nhà khoa học", như lời nhận xét của Time.
Sự hồi sinh của cỗ máy lớn nhất hành tinh
Máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider) là cỗ máy to nhất và phức tạp nhất mà con người từng chế tạo. Nó được thiết kế để thực hiện thử nghiệm khoa học lớn nhất trong lịch sử loài người: mô phỏng vụ nổ đã khai sinh vũ trụ. Để chế tạo máy gia tốc hạt lớn, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) phải lên kế hoạch trong 25 năm. Hơn 10.000 nhà khoa học và kỹ sư từ hơn 100 nước trên thế giới đã tham gia vào dự án chế tạo.
Cuối năm ngoái, máy gia tốc hạt lớn bắt đầu hoạt động và các luồng proton đã di chuyển trong cỗ máy. Nhưng 9 ngày sau nó phải ngừng hoạt động vì một sự cố kỹ thuật. Công việc sửa chữa kéo dài hơn một năm. Vào ngày 20/11/2009 máy hoạt động trở lại.
Sự hồi sinh của nó khiến giới khoa học trên khắp hành tinh thở phào nhẹ nhõm. Ba ngày sau đó sự va chạm trực diện giữa các hạt proton đã được ghi nhận.
Nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ
Trong nhật thực ngày 22/07/09, thời gian tối đa mà mặt trời bị che khuất là 6 phút 39 giây. Đây là nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Phải tới tận năm 2132 loài người mới có cơ hội chứng kiến nhật thực toàn phần có thời gian tương đương.
Một phần rộng lớn của trái đất, trải dài từ Ấn Độ đến Trung Quốc và Kiribati trên Thái Bình Dương, có thể nhìn nhật thực lần này. Ở Việt Nam cũng quan sát được hiện tượng này.
Robot đầu tiên tự nghiên cứu khoa học
Khoa học về trí thông minh nhân tạo có một bước tiến dài trong năm 2009, khi Adam – một robot do các chuyên gia Anh chế tạo – trở thành người máy đầu tiên trong lịch sử tự tìm ra tri thức khoa học hoàn toàn mới mà không cần tới sự hỗ trợ của con người. Kể từ tháng 4, nó tự tiến hành thử nghiệm về cơ chế trao đổi chất của men bia, suy luận sau khi biết kết quả thử nghiệm và lên kế hoạch cho lần thử nghiệm tiếp theo.
Robot đã hỗ trợ người trong các nghiên cứu khoa học suốt nhiều thập kỷ qua. Song Adam là người máy duy nhất tự thực hiện tất cả các bước trong nghiên cứu, từ đặt giả thuyết tới tiến hành thực nghiệm. Những người chế tạo Adam khẳng định rằng tiềm năng của trí tuệ nhân tạo không có giới hạn và một ngày nào đó máy móc có thể phát minh ra một thứ vĩ đại chẳng kém gì thuyết tương đối của Albert Einstein.
Chợ công nghệ lớn nhất từ trước tới nay
Nổi bật trong các sự kiện khoa học ở trong nước năm 2009 là Techmart Việt Nam ASEAN+3, với sự tham dự của 650 đơn vị. Đây là hội chợ quốc tế đa ngành lớn nhất từ trước tới nay. Chứng kiến mức độ sôi động trong trao đổi kiến thức và chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong khẳng định: Khoa học công nghệ đã có vị thế mới.
Hội chợ đã thành công vượt mong đợi, và "cho thấy nhu cầu bức xúc của xã hội về khoa học và công nghệ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá đây là một trong những sự kiện nổi bật của ngành năm 2009.
Việt Nam lần đầu tham gia Giờ Trái đất
Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên tham gia chiến dịch toàn cầu Giờ Trái đất, với sự hưởng ứng của 6 thành phố Hà Nội, Huế, Hội An, Cần Thơ, An Giang, Nha Trang và TP HCM. Trong một giờ đồng hồ, hàng triệu người dân và nhiều công trình công cộng nổi tiếng trên khắp cả nước đã tắt đèn, hưởng ứng khẩu hiệu “Tắt đèn, bật tương lai” nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu.
“Giờ Trái đất” đã giúp nhiều người nhận thức được mối liên hệ giữa sử dụng năng lượng và biến đổi khí hậu. Mỗi cá nhân chỉ với một việc làm đơn giản như tắt đi một bóng đèn không cần thiết cũng có thể đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết vấn đề môi trường cấp thiết toàn cầu.
Lần đầu công bố 3 kịch bản về Biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Nước biển sẽ dâng 75 cm và nhấn chìm một phần năm diện tích đồng bằng sông Cửu Long vào cuối thế kỷ - đây là nội dung của một trong ba kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lần đầu tiên vào tháng 9 vừa rồi. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việc công bố các nguy cơ giúp cho các cơ quan và công chúng hiểu rõ tương lai của môi trường sống và chuẩn bị tốt để đối phó.
Theo các chuyên gia, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được xây dựng, tính toán dựa trên kịch bản phát thải khí nhà kính. Theo đó, có ba kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam được xây dựng dựa trên ba kịch bản phát thải, đó là phát thải thấp, phát thải trung bình và phát thải cao.
Phát hiện 163 loài mới ở lưu vực Mekong
Vào tháng 9 năm 2009, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế thông báo các nhà khoa học phát hiện 100 loài cây, 28 loài cá, 18 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư, hai loài động vật có vú và một loài chim trong lưu vực sông Mekong. Trong số 163 loài mới có nhiều loài phân bố ở Việt Nam như tắc kè da báo (đảo Cát Bà), dơi mũi ống (ở khu vực đông nam nước ta), ếch cây xù xì (dãy núi Trường Sơn), rắn da vằn (đảo Hòn Sơn, Kiên Giang).
Trong giai đoạn 1997-2007, trung bình mỗi năm các nhà khoa học chỉ tìm thấy 106 loài./.