Sau đại chiến thế giới lần thứ II, rất nhiều nước phải đẩy nhanh sự phát triển nền kinh tế để mau chóng hàn gắn những vết thương của đất nước, phục hồi nền kinh tế đã bị chiến tranh tàn phá. Ở một số nước, nhất là những nước châu Âu, công nghiệp đã được vực dậy và đã có những bước phát triển lớn lao. Vào khoảng phần tư cuối thế kỷ XX, nhờ những phát minh và những bước đột phá khoa học, có những nước đã vượt qua tình trạng kém phát triển, nâng cao mức sống với nhịp độ tuy khác nhau, nhưng đều là những kết quả rất tốt đẹp. Tuy nhiên, những tiến độ đó cũng dẫn theo không ít hiện tượng bất lợi cho nhân loại: sự gia tăng thất nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo và những bất bình đẳng ngày càng phổ biến hơn, hiểm họa môi trường đe dọa con người nhiều hơn v.v…
Trong khi đó, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ vẫn mang lại những thành tựu vĩ đại, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ điều khiển, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano và hơn cả là sự xuất hiện máy tính hiện đại cùng hệ thống Internet v.v…Những thành tựu ấy đã tạo điều kiện để từng bước hình thành một nền kinh tế mới: kinh tế tri thức (Knowledge Economy). Đến đây thì sự phân hóa giữa phát triển và chậm phát triển càng gia tăng. Tại diễn đàn kinh tế OECD năm 2001, Ban thư ký OECD đã có một báo cáo, trong đó nói rằng, những quốc gia có chính sách phát triển kinh tế tri thức đã tăng trưởng rất nhanh, còn những quốc gia khác đã tụt hậu ngày càng rõ rệt hơn. Đầu thế kỷ XX, khoảng cách thu nhập bình quân giữa nước giàu nhất so với nước nghèo nhất là 10 lần, thì đầu thế kỷ XXI, khoảng cách đó là 400 lần. Sự không cập nhật tri thức mới trong quá trình lão hóa tri thức tăng tốc, nhất là sự bất cập với công nghệ mới, công nghệ cao là yếu tố hàng đầu của sự phân hóa phát triển - kém phát triển. Khoảng 30 năm lại đây, lượng kiến thức nhân loại thu được về khoa học và công nghệ bằng tổng số kiến thức đó trong hai ngàn năm trước đó. Theo dự báo, đến năm 2020, những tri thức khoa học sẽ tăng khoảng 4 lần so với năm 2000.Để giải quyết bài toán phát triển, nhân loại phải tính đến yếu tố con người, năng lực sáng tạo tri thức mới của nó và từ đó, phải tư duy lại về vấn đề giáo dục. Trong bài viết “Giáo dục - một sự không tưởng cần thiết”, Jacques Delors, nguyên Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đã viết: “Đối mặt với nhiều thách thức mà tương lai sắp sẵn, nhân loại xem giáo dục như một biện pháp cần thiết để nhằm thực hiện được những lý lưởng hòa bình, tự do và công bằng xã hội v.v…Giáo dục có vai trò căn bản trong sự phát triển cá nhân và xã hội. Giáo dục không phải là phương thuốc thần kỳ và cũng không phải là một công thức kỳ diệu để mở cánh cửa đi vào một thế giới trong đó mọi lý tưởng đều có thể thực hiện được, mà chỉ là một trong số các phương tiện chính sẵn có thúc đẩy hình thái phát triển nhân loại sâu sắc hơn, hài hòa hơn và do đó, làm giảm bớt tình trạng nghèo khổ, sự bài trừ, sự ngu dốt, sự áp bức và chiến tranh”.
Trước tình hình của một thế giới đầy biến động và bất định, giáo dục phải giúp cho con người có đủ khả năng vượt qua những thách thức, giải quyết được những mâu thuẫn nảy sinh trong thời đại. Đó là:
- Mâu thuẫn giữa toàn cầu và cục bộ: sao cho con người sống như một công dân toàn cầu mà không mất gốc;
- Mâu thuẫn giữa phổ biến và riêng lẻ: vừa tham gia vào sự giao lưu văn hóa toàn cầu vừa giữ được truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc;
- Mâu thuẫn giữa truyền thống với hiện đại: thích ứng nhanh với hiện tại mà không quay lưng lại quá khứ;
- Mâu thuẫn giữa dài hạn với ngắn hạn: tập trung vào giải quyết những vấn đề tức thời nhưng vẫn phải lo đến những vấn đế chiến lược lâu dài;
- Mâu thuẫn giữa cạnh tranh và sự quan tâm đến bình đẳng về cơ may: phải giải quyết đồng thời 3 động lực sao cho khuyến khích được cạnh tranh đồng thời lại tăng cường hợp tác và đoàn kết gắn bó để phát triển.
- Mâu thuẫn giữa sự phát triển phi thường về tri thức với năng lực có hạn của con người trong tiếp thu tri thức mới: phải tính đến sự thay đổi mô hình giáo dục, phương thức giáo dục và nhất là giúp cho con người được học hành thường xuyên;
- Mâu thuẫn giữa trí tuệ và vật chất: không chạy theo lối sống thiếu tôn trọng người khác vì lợi ích cá nhân, vượt lên chính mình để giữ được giá trị cơ bản nhất mà ta gọi là đạo đức.
Nền giáo dục mà nhân loại định hướng nói trên chỉ có được khi mà trong xã hội thực hiện được phương thức giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời. Nhân loại đã từng phấn đấu để giáo dục đến với từng con người (Education for all) và cố gắng để mọi người đều thấy trách nhiệm xây dựng giáo dục (All for Education). Nhưng, ở thể kỷ này, điều đó chưa đủ. Vấn đề là ai cũng học tập, ai cũng phải có nghĩa vụ học vì một đất nước, vì một thế giới phát triển, học hỏi trong những thời gian và không gian cần thiết, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn v.v…, ai cũng có thể làm trò và ai cũng có thể làm thầy để mỗi người được đi vào nhiều dạng khác nhau của tri thức, để tiếp thu những tri thức mà nhân loại sáng tạo ra, và cũng là để tự mình góp phần tạo ra những tri thức mới. Xã hội ấy - xã hội có nền giáo dục như vậy - được gọi là xã hội học tập (Learning Society).
Cấu trúc tổng quát của nền giáo dục trong xã hội học tập là một hệ thống các thiết chế giáo dục. Những thiết chế này được chia thành hai loại hình: Loại hình giáo dục chính quy và loại hình giáo dục không chính quy (Formal Education and Non-formal Education). Loại hình giáo dục chính quy hợp thành hệ thống giáo dục ban đầu (Initial Education) và hệ giáo dục tiếp tục (Continuing Education). Hệ giáo dục ban đầu gồm các loại hình giáo dục chính quy từ nhà trẻ, trường lớp mầm non hoặc mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường dạy nghề các cấp, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng và đại học. Hệ thống giáo dục không chính quy rất đa dạng về các loại hình trường lớp và các thiết chế có chức năng giáo dục như trường lớp bổ túc văn hoá, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật tư nhân, các lớp học nghề gắn với cơ sở sản xuất, các lớp dạy nghề tư nhân, nhà văn hoá, câu lạc bộ, bưu điện văn hoá xã v.v…
Ở nước ta, trong Luật Giáo dục năm 2005, hệ giáo dục tiếp tục được gọi là hệ giáo dục thường xuyên. Thực ra, giáo dục thường xuyên là một chính sách quốc gia, bảo đảm cho mỗi con người được học tập từ lúc lọt lòng cho đến cuối đời, chứ không phải là hệ thống giáo dục dành cho những người không học tại hệ thống giáo dục ban đầu. Mặt khác, quan niệm hệ giáo dục thường xuyên gồm những trường lớp không chính quy cũng lại không chuẩn xác. Sự “đứt khúc” giữa giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục là cách thức tổ chức giáo dục không đúng, bởi đã có giáo dục thường xuyên thì giữa các loại hình giáo dục dù chính quy hay không chính quy vẫn phải bảo đảm tính liên tục, tính liên thông, tính nối tiếp… Nếu thiếu những tính chất đó thì sẽ không thể có được nguyên tắc “làm cho con người có cơ hội học tập trong bất kỳ thời gian và không gian nào”. Ngay cả khái niệm giáo dục không chính quy mà ta đang dùng cũng chưa phản ánh được sự phát triển các hệ thống giáo dục của thế giới hiện đại. Vì vậy, trước khi đi sâu vào những vấn đề cụ thể chúng ta phải thống nhất với nhau về một số khái niệm.
Hệ thống giáo dục ban đầu gồm các trường lớp được tổ chức với phương thức chính quy nên khi nói đến giáo dục ban đầu, trong xã hội thường dùng thuật ngữ giáo dục chính quy hay giáo dục trong nhà trường (School Education). Giáo dục chính quy là hệ giáo dục có thể chế và cấu trúc chặt chẽ, có những quy định mang tính pháp chế về tuyển sinh, thi tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ, nội dung chương trình và sách giáo khoa, phương pháp dạy học, thiết bị học tập, biên chế năm học, thời gian cho mỗi tiết học, chế độ nghỉ v.v…
Những hoạt động của các thiết chế giáo dục trong hệ thống này được quản lý chặt chẽ, việc thực hiện chương trình giáo dục phải tuân thủ các pháp lệnh mà đặc trưng cơ bản là tính đồng nhất (Uniformity) và tính cứng rắn (Rigidity) với các cấu trúc ngang và dọc (tuổi- lớp; chu trình - cấp bậc)…
Giáo dục không chính quy được hiểu là hệ thống giáo dục ngoài nhà trường (Out of Schooling Education) có cấu trúc đa dạng, linh hoạt, mềm dẻo, theo cấp lớp hoặc không theo cấp lớp, có những phương thức sát gần với giáo dục chính quy như học theo chương trình gần giống như của hệ thống giáo dục chính quy nhưng quy định về thời khoá biểu, niên chế năm học, chế độ nghỉ hè có thể khác hẳn.
Những phương thức học không chính quy để được cấp văn bằng ở nước ta như phương thức tổ chức học ở các trường vừa học vừa làm trước đây (theo đúng chương trình của hệ chính quy, nhưng sách giáo khoa có thể riêng), có thêm những hoạt động khác như lao động sản xuất, dạy nghề…, được thế giới gọi là giáo dục cận chính quy (Quasiformal Education). Phương thức học tập theo chương trình chính quy, bỏ bớt một số môn học, soạn sách giáo khoa riêng, vẫn được cấp văn bằng (tương đương với văn bằng của hệ chính quy) như học trường lớp bổ túc văn hoá được gọi là giáo dục bán chính quycần gì học nấy”, không có chương trình cố định, không có sách giáo khoa, không cấp văn bằng, chứng chỉ. Đó là giáo dục phi chính quy (Informal Education). (Paraformal Education). Ngoài ra, còn có những thiết chế giáo dục thực hiện phương thức “
Hiện nay, tại các trung tâm học tập cộng đồng, người ta tổ chức học các chuyên đề để giúp học viên có kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, thực hiện đúng Luật giao thông, Luật hôn nhân gia đình, nắm được một số công nghệ hoặc kỹ thuật sản xuất để vận dụng ngay trên đồng ruộng… là hình thức học tập phi chính quy. Song, Luật Giáo dục 2005 vẫn xếp phương thức này vào khái niệm giáo dục không chính quy.
Đảng đã có Nghị quyết (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và X) về xây dựng xã hội học tập và Chính Phủ đã ban hành Quyết định 112/2005/QĐ-TTg về kế hoạch và chỉ tiêu xây dựng xã hội học tập đến năm 2010. Tại Đại hội X, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có sự khẳng định phải chuyển mô hình giáo dục hiện hành sang mô hình giáo dục mở- mô hình xã hội học tập. Để chuyển một mô hình (mà nhiều người hiểu rằng, phải thay đổi cơ cấu hệ thống, chương trình và sách giáo khoa, phương thức quản lý… theo những mục tiêu giáo dục mới) cần đến một cuộc cải cách giáo dục. Nhiều người dân đã đề đạt với Nhà nước nguyện vọng này bởi mô hình giáo dục hiện nay đã không còn khả năng thích ứng với những thay đổi lớn lao của đất nước và của thế giới. Chúng tôi cho rằng, nguyện vọng đó hoàn toàn chính đáng./.
(Còn tiếp)
GS. TS Phạm Tất Dong