Câu đối Tết

Email In PDF.

cau-doi-3Làm câu đối, thách hoạ đối, chơi câu đối... vốn là hình thức sinh hoạt độc đáo và tao nhã của người Việt Nam. Nó thể hiện trí thông minh sắc sảo, cách xử sự linh động và cao thượng, thế giới quan lành mạnh cũng như những mong ước tốt đẹp về cuộc sống thường ngày. Tết đến, câu đối lại càng khó thể thiếu trong niềm vui đón chào năm mới của mỗi gia đình. Ngày xưa, câu đối thường treo lên cột, khắc trên khung mái, hoặc viết lên cổng, cửa, tường nhà, đền miếu, đình chùa... Đặc biệt, hai hàng cột gỗ hai bên bàn thờ phải treo câu đối, còn phía trên bàn thờ là hoành phi, cuốn thư - tất cả làm cho không gian thờ cúng trở nên cân bằng vuông vức như có khuôn phép, tạo cảm giác hài hoà, trang trọng và linh thiêng.cau-doi-4

Câu đối được làm từ nhiều chất liệu: có loại sơn son thiếp vàng để dùng lâu dài, có loại làm bằng giấy bồi (gọi là liễn) hoặc cắt bằng giấy màu, viết bằng mực nho... để dễ thay đổi theo từng năm, từng mùa cho mới, cho hợp hoàn cảnh. Ngày thường, câu đối chỉ treo trên bàn thờ. Ngày Tết thì treo ở nhiều nơi, thậm chí những người ham mê và muốn giữ tục lệ cũ còn chơi câu đối giấy, dán suốt từ ngoài cổng vào trong nhà! Câu đối có thể mua sẵn hoặc nhờ, thuê người viết, nhưng hay nhất vẫn là do tự chủ nhân làm ra.

Mỗi câu đối gồm hai vế có số chữ bằng nhau, ý nghĩa và luật bằng trắc đối chọi hoặc tương hợp nhau. Câu đối thể hiện những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên và cuộc sống trần thế, về năm mới và mùa xuân, đề cao đạo lý cùng những quan niệm đẹp, cầu mong mọi việc tốt lành...Mơ ước năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và có nhiều bạn bè, ngày Tết người ta thường dán ở hai trụ cổng câu đối:

Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai
(Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến
Nhà có người vào, lắm vật vào)
Còn trên hàng cột ở hiên nhà thì lại thường dán câu đối ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới, như:
Sơn thuỷ thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh
(Non nước thanh cao - xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú - cảnh đời đời)
Câu đối dán, treo trong nhà mang nội dung thiết thực, gần gũi hơn (dù vẫn thể hiện ước vọng chung). Có thể là câu đối cầu thọ, cầu phúc như:
Thiên tăng tuế nguyệt niên tăng thọ
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường
(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ
Xuân khắp thế giới, phúc khắp nhà)
Hoặc câu đối cầu đức như:
Tổ tông công đức thiên niên thịnh
Tôn tử hiếu hiền vạn đại vương
(Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh
Hiếu hiền con cháu vạn đời lưu)
Hay câu đối cầu toàn (phúc - an - vinh - phú), như:
Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
(Năm mới - hạnh phúc, bình an đến
Ngày xuân - vinh hoa, phú quý về)

Dịp Tết, thường phải có câu đối đỏ - màu đỏ vốn được coi là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt (máu, lửa). Nó vừa nổi trội, vừa hài hoà với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai... làm tươi sáng thêm không khí Tết, tạo cảm giác ấm áp trong mùa xuân mới./.

Văn Hiến

Ngay-nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...