Trong lễ hội truyền thống ở Việt Nam có những lễ hội chi phối hầu hết các gia đình trên mọi miền Tổ quốc như: Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan, Tết Trung Thu và một số lễ hội có ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn như: hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng) và Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang)... Gần đây nhà nước và nhân dân quan tâm đến lễ hội đền Hùng, Giáng Sinh và Phật Đản.v.v…
Cùng đón Tết và cùng du Xuân đến với các lễ hội của tháng Giêng. Xuất phát từ Thủ đô Hà Nội Lễ hội gò Đống Đa, nơi ghi dấu công ơn của người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chiến thắng oanh liệt quân ngoại xâm vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) bằng trận đánh Đống Đa - Ngọc Hồi (mồng 5 tháng Giêng) giải phóng kinh thành Thăng Long. Đặc biệt trong lễ hội này có tục rước rồng lửa đã trở thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.
Qua sông Hồng ta tìm về Lễ hội Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên. Lễ hội diễn ra tại xã Đông Anh, ngoại thành Hà Nội từ ngày 6 đến 16 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người đã có công xây thành Cổ Loa, trị vì Âu Lạc trong 50 năm vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Trong dịp lễ hội tái hiện nhiều tích xưa như rước vua sống, lễ ươm gươm tại đền Sái, rước cỗ bỏng, đám rước thần uy nghiêm của 12 xóm. Trong phần hội có nhiều trò chơi như: chơi đu, thổi cơm thi, hát ca trù, hát chèo, hát tuồng… và hội kéo dài đến hết ngày 16 tháng Giêng thì làm lễ tạ.
Xuôi về cửa biển Đông Bắc – Quảng Ninh đến với Lễ hội Đền Cửa Ông - một di tích thắng cảnh cấp Quốc gia để được hòa mình cùng không khí lễ hội, tưởng nhớ người anh hùng dân tộc có công trấn ải vùng cửa Suốt và cũng là con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tảng.
Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, gồm ba khu vực chính: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thành quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ. Trong chiến tranh, đền Trung và đền Hạ đã bị phá hủy, ngày nay đền Hạ đã được phục hồi. Đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng; đền Quan Châu; đền Quan Chánh và chùa. Đền còn thờ Hoàng Cầu, một tướng lĩnh người địa phương có công dẹp giặc.
Đền Cửa Ông nổi tiếng linh thiêng từ khi mới chỉ là một thảo am dưới gốc cây cổ thụ bên bờ cửa Suốt, du khách tìm đến dâng hương trẩy hội cũng là để thưởng ngoạn một thắng cảnh trên bến dưới thuyền. Nếu đi bằng đường thủy ven vịnh Hạ Long, qua vịnh Bái Tử Long là đến sát cửa đền Hạ, cũng có thể đi bằng đường bộ qua thành phố Hạ Long 40km đến Cửa Ông. Lễ hội đền Cửa Ông diễn ra từ ngày 2 tháng 1 âm lịch và kéo dài đến hết xuân.
Rời Cửa Ông, tạm chia tay với các vị anh Hùng chúng ta cùng khai Xuân Lễ hội Chùa Hương (từ mùng 6 tháng Giêng kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch). Hàng năm, mỗi độ xuân về, khi hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quán Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.
Nét thanh tịnh của miền đất Phật tạo cho con người, cảnh vật hòa lẫn vào không gian lễ hội. Hàng trăm con thuyền lớn nhỏ tấp nập vào – ra bến Đục, dòng suối Yến nhộn nhịp du khách ngồi thuyền vãng cảnh hòa cùng núi non, hương khói chùa chiền mờ ảo, lung linh… Vẳng đâu đây tiếng kinh từ núi vọng ra lan tỏa vào dòng suối Yến, như gieo vào lòng người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn đến cái chân – thiện – mỹ.
Lần theo câu ca:
"Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu"
Hành hương lên Yên Tử dẫu chỉ một lần trong đời đã là ước nguyện của nhiều tăng, ni, phật tử và du khách thập phương, dẫu có mỏi gối chồn chân, đường trơn, đèo dốc. Yên Tử nổi tiếng với hệ thống chùa chiền, là cái nôi của Phật giáo Việt Nam với dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và là một thắng cảnh thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội xuân được bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch.
Sau khi đại thắng hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1285-1288) mang lại thanh bình cho đất nước, vào lúc triều đại nhà Trần hưng thịnh nhất, Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - đã nhường ngôi cho con để yên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành. Trần Nhân Tông đã tạo dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm, mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả 3 vị được gọi chung là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển của triết học và tư tưởng dân tộc học Việt Nam trong các thế kỷ XII, XIII, XIV. Phát triển cùng thiền phái Trúc Lâm là việc xây dựng và hình thành quần thể kiến trúc gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng… Quần thể kiến trúc đồ sộ được đặt trong tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng trải dài gần 20km, tạo thành khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.
Không biết từ khi nào Lễ hội Yên Tử được tổ chức lần đầu, nhưng cứ mỗi độ xuân về, hàng vạn tăng ni Phật tử và du khách thập phương lại về chốn bồng lai thanh tịnh giữa núi non điệp trùng, bảng lảng sương mây, tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên, để lòng người thêm hân hoan, thấm dần đạo lý từ bi của nhà Phật, thành tâm nguyện cầu bình an, phúc lộc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bảng lảng cùng sương khói đầu Xuân, du khách đến với Hội chùa Côn Sơn - Chí Linh – Hải Dương thăm nơi thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), thăm một thắng cảnh, một di tích lịch sử gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Nguyễn Trãi. Lời hịch "Bình Ngô đại cáo" như vẫn còn sang sảng đâu đây. Từ đáy lòng mọi người đều tự hào về đức độ, tài năng của Nguyễn Trãi và đau xót trước nỗi oan nghiệt mà ông gánh chịu.
Trở về mảnh đất Kinh kỳ đến với Hội Lim – Bắc Ninh, là lễ hội văn hóa dân gian lớn của vùng Kinh Bắc, hội tụ gần như đầy đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh - mảnh đất có nhiều lễ hội dân gian.
Đến hẹn lại lên cứ đến ngày 13 tháng Giêng hằng năm, Hội Lim lại mở trong niềm vui gặp gỡ, giao hoà của hàng vạn con người. Du khách thập phương lại tìm cơ hội được về “dan díu” với lời ca và người quan họ. Một không gian trải rộng khắp thị trấn Lim và 2 xã Liên Bão, Nội Duệ đâu cũng âm vang những làn điệu, lời ca và cả những nét rất đặc trưng của văn hoá quan họ. Ai đến vùng Lim trong những ngày hội đều được chào đón bằng những câu ca quan họ và tấm lòng chân tình của người dân nơi đây. Du khách đến hội còn được hòa mình vào các làn điệu dân ca quan họ cùng các liền anh liền chị, các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống như: cờ người, tổ tôm, điếm, múa lân, đu quay, đánh vật, đập niêu, chọi gà, kéo co, thi dệt vải... diễn ra sôi động theo đúng nghi thức, thể hiện những nét văn hóa riêng, độc đáo của vùng quê Kinh Bắc.
Ngược dòng không gian địa lý chúng ta vào mảnh đất phương Nam, đến địa phận huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên, dừng lại trên đỉnh đèo Quán Cau chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một di tích thắng cảnh cấp quốc gia… với tên gọi: Đầm Ô Loan.
Lễ hội Đầm Ô Loan được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội cầu ngư được hình thành cách đây khoảng 300 – 400 năm, mang nét đặc trưng của văn hoá dân gian truyền thống vùng duyên hải miền Nam Trung bộ. Lễ hội không chỉ đơn thuần là việc tổ chức vui chơi giải trí trong ngày xuân, mà còn mang ý nghĩa tín ngưỡng của nhân dân vùng sông nước Tuy An – Phú Yên. Tuy chỉ diễn ra trong một ngày nhưng lễ hội thu hút hàng vạn lượt người trong và ngoài tỉnh đến dự.
Từ Phú Yên theo dòng hành hương đến tỉnh biên giới Tây Ninh giáp ranh giữa Việt Nam – Camphuchia để cùng vãn cảnh Lễ hội Núi Bà, một ngọn núi cao và đẹp nằm giữa vùng đồng bằng Nam bộ - cách thị xã Tây Ninh 11 km.
Núi Bà - thường được gọi là Núi Bà Ðen, theo truyền thuyết, có một người con gái tên là Lý Thị Thiên Hương - con của quan Tri huyện Hoang Hóa (nay là vùng đất Củ Chi - Hậu Nghĩa - Trảng Bàng) đi Núi lễ Phật. Lúc bà đến núi thì gặp giặc Xiêm, thấy bà xinh đẹp nên chúng toan hãm hiếp. Để giữ gìn trinh tiết bà đã nhảy xuống hố sâu trước cửa chùa tự vẫn. Đến khi vua Gia Long đi đánh giặc Xiêm bị vây ở Núi, trong cơn mộng ngài gặp bà. Bà bày vẽ nhà vua kế sách thoát ra khỏi vòng vây của giặc.
Sau khi bình định giặc Xiêm, nhớ ơn phù trợ của bà Nhà vua sắc phong cho Núi là Linh Sơn. Phong cho Bà Lý Thị Thiên Hương làm Linh Sơn Thánh Mẫu. Nhà vua còn cho làm một bức tượng bà bằng đồng đen nguyên chất, nên dân gian gọi là Bà Đen. Hiện nay bức tượng này còn được thờ nguyên bản tại chùa Tổ Đình Phước Lâm - Vĩnh Xuân.
Hằng năm vào dịp Xuân về, từ chiều 30 Tết Nguyên Ðán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch – đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng, dân chúng Nam bộ kéo về lễ Ðiện Bà đông như nước chảy. Mọi người tin rằng lễ Ðiện Bà để cầu phù hộ, giải tỏa nhu cầu tâm linh, cũng là dịp thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà. Nơi đây, nhà chùa có cơm chay đãi khách. Thậm chí nếu khách muốn lưu lại chùa một, hai ngày vẫn được nhà chùa thết đãi nồng hậu - vì rằng ở chốn tu hành, đồng tiền không có nghĩa và người mộ đạo ai cũng như ai. Gần đỉnh núi là Miếu Sơn Thần. Dừng tại đây, du khách có thể ngắm toàn cảnh hồ nước Dầu Tiếng - một công trình thuỷ lợi đẹp và lớn ở nước ta hiện nay.
Ngoài những lễ hội chính trong tháng Giêng, hầu hết các lễ hội khác cũng được mở để chào đón du khách về lễ đầu năm và thưởng ngoạn những thắng cảnh, cùng những tập quán vui Xuân trên mọi miền đất nước như: Hội đền Hạ Lôi - Mê Linh ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, tưởng niệm Hai Bà Trưng; hội "Cơm hòm" ở Phổ Yên, Thái Nguyên ngày 6 tháng Giêng kỷ niệm người đàn bà vô danh thời Hậu Lê có công bày mưu đánh giặc Minh; về Nam Định chiêm ngưỡng lễ hội hoa, cây cảnh của làng nghề truyền thống Vị Khê; đến Hòa Bình để được xem hội Chơi hang, hội Xên bản, Xên mường của người Thái; lên Sơn La cùng thả hồn vào những cánh rừng ban trắng trong ngày hội hoa ban; chơi núi, du thuyền độc mộc trên thắng cảnh hồ Ba Bể. Ngoài ra, người Tày, Nùng Tây Bắc còn có hội Lồng Tồng, người Dao có hội Tết Nhảy, người Mông có hội Sắc bùa, hội chơi núi chơi xuân ; người Khơ me Nam Bộ có hội mừng năm Mới...
Ngược vào miền Trung với Lễ hội Quán Thế Âm (ngày 19 tháng 2 âm lịch) tại khu danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn, đây là một trong 15 lễ hội được công nhận cấp Quốc gia. Lên Tây Nguyên xem hội đua Voi ở bản Đôn; vào An Giang lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ; về Hương Trà – Thừa Thiên Huế lễ hội Hòn Chén; trở về cố đô Hoa Lư Ninh Bình – mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Lê - Lý với các dấu ấn lịch sử, thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội; về nguồn - Phú Thọ tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, đây là lễ hội lớn của Quốc gia diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Đặc biệt năm nay du khách về với Hội Gióng Phù Đổng để cảm nhận một lễ hội truyền thống đang được đề cử là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần. Là một trong những lễ hội lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, được tổ chức ở nhiều nơi để kỷ niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trung tâm của lễ hội là nghi thức tái hiện lại chiến công của Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Theo truyền thống, lễ hội chính diễn ra từ mùng 6 đến 12 tháng 4 âm lịch và hiện nay thường là từ mùng 6, mùng 7 đến mùng 10 nhưng khâu chuẩn bị đã được bắt đầu từ mùng 1 tháng Ba âm lịch.
Có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng cùng hướng tới một một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn: những vị anh hùng chống ngoại xâm; những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế... Với tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, các ngày hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Lễ hội vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc nhưng cũng vừa là những không gian du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa, các lễ hội ở nước ta còn gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân./.
Thanh Phượng