Home Văn hóa Phong tục - Lễ hội Lễ hội hoa và dấu ấn văn hóa Năm mới 2010

Lễ hội hoa và dấu ấn văn hóa Năm mới 2010

Email In PDF.
le-hoi-hoa-ha-noi-2010-lai-lo-canh-hoa-tan-nguoi-heo-4Không hẹn mà gặp, đúng vào dịp Năm Mới tại Thủ đô Hà Nội và ở xứ sở hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) đều tưng bừng diễn ra lễ hội hoa. Vẻ đẹp của hoa, vẻ đẹp của thiên nhiên được tôn vinh đúng vào những ngày đầu tiên của Năm Mới, tạo nên những dấu ấn đặc biệt, mở màn cho chuỗi các hoạt động hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội hoa Hà Nội - ấn tượng và đặc sắc

Lễ hội Hoa Hà Nội 2010 diễn ra bên Hồ Hoàn Kiếm từ ngày 30/12/2009 và bế mạc vào tối 3/1/2010. Tiết trời Hà Nội những ngày diễn ra Lễ hội Hoa cũng như ủng hộ lòng người, với phảng phất mưa nhẹ khiến không gian hồ Gươm vốn đã đẹp, nay được khoác thêm chiếc áo hoa nhiều màu sắc càng trở nên lung linh, huyền ảo. Vẻ đẹp của hoa, vẻ đẹp của thiên nhiên được tôn vinh đúng vào dịp Năm Mới, tạo nên dấu ấn đặc biệt, mở màn cho chuỗi hơn 80 hoạt động hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Lễ hội Hoa Hà Nội là tâm điểm thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng Thủ đô, các tỉnh lân cận, cũng như du khách quốc tế trong dịp Năm Mới 2010. Cả tuyến phố Đinh Tiên Hoàng được biến thành một không gian rộng lớn và khoáng đạt của hoa, đáp ứng nhu cầu ngắm cảnh, thưởng hoa của du khách.

Níu giữ du khách lâu nhất chính là biểu tượng Thăng Long - Hà Nội cao 2,5 mét, được kết từ 2.500 bông cúc vàng do Công ty Điện hoa Việt Pháp thực hiện; Hình ảnh Chiếu dời đô bằng gỗ khảm trai nổi bật trên nền của 30.000 bông hoa Tulip được chuyển từ Hà Lan sang; Chiếc áo dài kỷ lục với tà áo dài 10 m được kết từ 1.000 đóa hoa, thể hiện sự tài tình của nghệ nhân hoa quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng; Chiếc bình sen làm bằng mây tre lớn nhất cao tới 5m; Tháp hoa cao 6m và 9 con rồng chầu được kết từ hoa quả tươi.

Hình ảnh cây cầu Long Biên huyền thoại bắc qua dòng sông Hồng chở nặng phù sa, tàu điện Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX; hay việc mô phỏng một Hà Nội của làng lúa, làng hoa với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, những chiếc xích lô trở trầu cau trong lễ ăn hỏi... đưa du khách sống lại với không gian của Hà Nội xưa. Ruộng lúa vàng rực với những cánh cò trắng- hình ảnh quen thuộc của đồng quê; chiếc giếng cổ cùng những chum, vại nước... gợi không gian làng quê Việt cũng được khắc họa ở đây. Lau và tre cũng có mặt tại lễ hoa, tạo nên những không gian riêng cho Lễ hội hoa lần thứ hai này.

Toàn bộ đường dạo quanh hồ cũng được trang trí bằng các chậu hoa cỡ đại đủ màu sắc. Thậm chí có những gốc cây cũng được trang trí hoa trên nền cuội trắng tạo vẻ đẹp riêng. Trên mặt hồ Hoàn Kiếm là bè hoa kết nổi mang con số 1.000, tượng trưng cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Không chỉ tạo ấn tượng đẹp về vẻ đẹp đặc sắc của hoa Hà Nội, sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân đất Kinh Kỳ cũng được thể qua nghệ thuật sắp đặt hoa và các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Thăng Long - Hà Nội. Cả tuyến phố Đinh Tiên Hoàng lúc nào cũng tấp nập người đến chiêm ngưỡng hoa, trong đó nhiều du khách nước ngoài tỏ ra rất thích thú.

Xứ sở Hoa Đà Lạt hướng tới Thăng Long - Hà Nội nghìn năm

Festival Hoa Đà Lạt (diễn ra trong 4 ngày từ 1/1 đến 4/1) cũng tạo ra một dấu ấn văn hóa đặc biệt trong những ngày đầu tiên của năm mới 2010, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Lễ hội có nhiều  hoạt động tôn vinh vẻ đẹp của hoa và  nghề trồng hoa.

Đà Lạt trong những ngày Festival thực sự trở thành một Thành phố Hoa, với diện tích khoảng 11.000m2 dọc theo bờ Hồ Xuân Hương, trải dài khoảng 1 km theo đường bộ. Tổng diện tích hoa dùng để trang trí cho thiết kế này là 3.500m2. Đây là lượng hoa lớn nhất từ trước đến nay phục vụ cho Festival hoa Đà Lạt. Những loài hoa được đem về trang trí tại đây như: tulip, hoa hồng, loa kèn, lyly, cẩm chướng, hoa cúc, hồng tiểu muội, dạ yên thảo, mào gà, phong lữ đồng tiền, trạng nguyên, hoa dừa cạn, hoa xác pháo, băng xê, vườn hoa đào… Sự hấp dẫn của hoa đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với lễ hội.

Với chủ đề ''Đà Lạt - thành phố ngàn hoa'', Festival Hoa Đà Lạt 2010 nhằm giới thiệu tiềm năng và thế mạnh về hoa Đà Lạt hiện tại và tương lai. Điểm mới của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ đó chính là không gian hoa trên diện rộng, để cả thành phố Đà Lạt thực sự trở thành một vườn hoa rực rỡ sắc màu chào đón du khách. Rong_ket_bang_hoa

Hướng về Thủ đô yêu dấu, tại sân khấu khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2010, Ban tổ chức dựng hai con rồng bằng hoa, mỗi con dài 54 mét. Tại lễ khai mạc, đã có những hoạt cảnh tôn vinh những người có công đầu mang nghề trồng hoa đến với thành phố. Điều thú vị, họ chính là những người Hà Nội. Phiên chợ hoa và hội thi cắm hoa chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là một hoạt động được đông đảo du khách quan tâm.

Trong khuôn khổ của Festival Hoa Đà Lạt 2010 còn có các hội thảo về nghề trồng hoa, Hội chợ thương mại quốc tế, Gala âm nhạc những ngôi sao trẻ, Đêm hội rượu vang và các hoạt động thể thao như: Ngày hội xe đạp đôi, Giải Gofl Đà Lạt mở rộng, Giải leo núi chinh phục Langbian…

Với những hoạt động phong phú, hấp dẫn, Festival Hoa Đà Lạt ngày càng khẳng định thương hiệu, thu hút ngày càng đông du khách đến với lễ hội này: Nếu như 2005, Festival Hoa Đà Lạt thu hút 120 nghìn lượt khách, lễ hội năm 2007 thu hút 150 nghìn lượt khách, thì với Festival Hoa Đà Lạt 2010 đã có khoảng 300 nghìn lượt khách tới thăm quan. Ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Festival Hoa Đà Lạt ngày càng mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố Đà Lạt với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đà Lạt hiện đang có 3.000 héc-ta hoa xuất khẩu. Hoa Đà Lạt chủ yếu được xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hà Lan và các nước ASEAN. Doanh thu từ xuất khẩu hoa năm 2008 là 90 triệu đô-la. Hoa đang góp phần làm cho xứ sở mộng mơ Đà Lạt thêm giàu, đẹp...

Mặc dù, ban tổ chức của hai lễ hội hoa đã có nhiều cố gắng để tạo nên những dấu ấn đặc biệt cho các lễ hội này trong dịp Năm Mới. Ý thức của đa số người tham gia lễ hội cũng tốt hơn, tôn trọng vẻ đẹp của hoa. Thế nhưng vì lượng người đổ về các lễ hội hoa quá đông, nên xảy ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự.

Với những lễ hội lớn như Lễ hội Hoa Hà Nội và Festival Hoa Đà Lạt thì khó có thể tránh khỏi những hạn chế trong khâu tổ chức đến chất lượng phục vụ du khách. Nhưng những “hạt sạn” này cần được khắc phục, để những người tham gia được hưởng trọn vẹn niềm vui trong các lễ hội sắp tới./.

Mai Hồng

Ngay-nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...