Home Văn hóa Tin văn hóa Văn Miếu Quốc Tử Giám với đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Văn Miếu Quốc Tử Giám với đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Email In PDF.

van-mieuVăn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng vào thời nhà Lý, thế kỷ XI. Với chức năng là nơi thờ Khổng Tử với những nghi lễ tế trang trọng được tổ chức hàng năm, vừa là nơi đào tạo bồi dưỡng tri thức Nho học của Nhà nước. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một cơ quan rất quan trọng của triều đình thời bấy giờ.

Những người được bổ nhiệm đứng đầu Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều là những Đại Khoa, những nhà khoa bảng lớn, có tri thức và tài năng đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước và dân tộc. Với bề dày gần 1000 năm, nơi đây đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Là một trung tâm giáo dục lớn nhất nước ta thời xưa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đồng thời cũng là nơi hun đúc nên bao truyền thống văn hóa giáo dục quý báu trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống trọng hiền tài của dân tộc. Cũng vì thế, các thế hệ người Việt Nam xưa và nay đều tôn vinh Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày nay đã trở thành một khu di tích đặc biệt quan trọng, một địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm thu hút được hàng triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng là điểm văn hóa du lịch được đón các đoàn khách quốc tế và nguyên thủ các nước đến thăm nhiều nhất. Trong các cuốn sổ lưu niệm hiện đang lưu giữ tại Văn Miếu, chúng ta có thể đọc được không ít những dòng lưu bút xúc động của các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất cũng như những người dân bình dị từ mọi miền quê. Tất cả đều chung một niềm tự hào trước truyền thống văn hóa hào hùng và thiêng liêng của dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã viết : “Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của nước ta, tượng trưng của truyền thống văn hiến của nước nhà”. Tổng thống các nước: Mỹ, Pháp, Nga, Singapo, Chi lê… Vua và Hoàng hậu Thụy Điển, Thái tử Bỉ, Công chúa Thái Lan… và vô số khách du lịch quốc tế khi đến đây cũng đều bày tỏ sự trân trọng trước những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Có được như vậy, tất cả đều nhờ vào sự thừa hưởng, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người xưa và chúng ta đã biết trân trọng, biết giữ gìn bảo vệ và phát huy nó.

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay gồm 3 khu vực: Hồ Văn, vườn Giám và khu Nội tự. Các nhà nghiên cứu ngày nay đều thống nhất nhận định rằng quy mô, vị trí hiện tại của Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn tương tự như thời mới xây dựng. Những lớp kiến trúc của Văn Miếu hiện còn đều là kiến trúc thời Hậu Lê và đầu triều Nguyễn. Bờ tường gạch bao quanh Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây bằng gạch vồ, loại gạch phổ biến thời Hậu Lê, Hồ Văn trước đây còn có tên là Minh Đường là nơi tụ khí huyệt, đảo Minh châu nơi thường diễn ra những buổi ngâm vịnh bình thơ của các văn nhân sĩ tử thời xưa. Ở cạnh trường học nên vườn Giám chính là nơi nghỉ ngơi hoặc diễn ra các sinh hoạt sau giờ học của các học trò Quốc Tử Giám. Nếu tính cả ba khu vực, bao gồm hồ Văn, vườn Giám và khu Nội tự, thì tổng diện tích của khu di tích là 54.331m2.

baovemoitruongXác định giá trị đặc biệt của quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, những năm qua, Thành phố và Ngành văn hóa – thông tin đã đầu tư khá nhiều kinh phí cho nơi này. Nhờ vậy, đã phục dựng lại khu Nhà bia, Nhà Thái học, dựng tượng thờ các danh nhân, xây dựng nhà Chuông, nhà Trống…. Đặc biệt là cải tạo lại hồ Văn – vườn Giám, những công trình trọng điểm của di tích. Chính sự quan tâm đầu tư này đã góp phần gìn giữ, tôn tạo các giá trị độc đáo của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Nhằm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời cũng để đánh thức tiềm năng, phát huy tác dụng của di tích, tới đây, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ triển khai dự án: “Khai thác phát huy giá trị di tích”. Theo đó sẽ tiến hành quy hoạch lại đảo Minh Châu, trên đảo sẽ xây nhà Bát giác là chỗ họp mặt, bình thơ của các văn sĩ. Xây dựng hai chiếc cầu đá đặt cạnh nhau (Song Kiều) nối giữa đảo Minh Châu với bờ. Trên lan can và thành cầu có trang trí các họa tiết hoa lá, cảnh vật, các điển cố Nho học, các giai thoại văn học – giáo dục nổi tiếng của nước nhà. Có thể coi đây là một “nhịp cầu văn học” (Văn Kiều) xung quanh hồ Văn, sát tường đặt những tấm bia đá, hoặc ốp lát vào tường thành bia, trên đó trích dẫn những bài thơ, phú, bài văn nổi tiếng, khắc họa chân dung các nhà văn hóa giáo dục, các sự tích học hành, thi cử… tất cả nhằm tạo cho hồ Văn có được cái Hồn Văn của nó.

Tại khu vườn Giám, do lợi thế nằm ngay sát khu vực chính của di tích nên hướng phát huy hiệu quả cũng dễ hơn. Trung tâm sẽ nghiên cứu tái hiện tại đây nhiều những hoạt động trưng bày mang tính giáo dục truyền thống về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám như: Các cảnh học tập vui chơi, giao lưu văn hóa của trường Quốc Tử Giám ngày xưa. Các hoạt động được định hướng theo ý nghĩa xã hội và ý nghĩa lịch sử sẽ gắn khu vườn Giám với khu Nội tự. Ví dụ như phối hợp với các ngành giáo dục tổ chức các hoạt động như trao bằng tốt nghiệp, lễ báo công, tuyên dương học sinh giỏi, giáo viên tiêu biểu; tổ chức các Hội thảo nhằm giới thiệu về truyền thống giáo dục nước nhà, tổ chức phòng trưng bày các dụng cụ, đồ dùng giảng dạy, giáo vụ trực quan… Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu phục dựng lại một số hoạt động truyền thống như: Bình văn, bình thơ, cảnh lớp học chữ Hán thời xưa, lễ vinh quy bái tổ…

Một trong những hoạt động rất có ý nghĩa nhằm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của cán bộ, nhân viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám là xây dựng thành công bộ “Hồ sơ bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc (1442 1779)” đệ trình ủy ban UNESCO quốc tế đăng ký vào danh sách đề cử tham gia chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu á - Thái Bình Dương. Nếu Hồ sơ này được phê duyệt sẽ là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa để kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần.

Xuân Canh Dần này, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám càng trở thành một địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới vui xuân. Tại 3 khu vực của di tích: Nội tự, vườn Giám và hồ Văn đều tổ chức các hoạt động vui chơi mang tính văn hóa truyền thống để phục vụ du khách đến vui xuân. Ở khu Nội tự có trưng bày, triển lãm các tác phẩm thư pháp, cho, tặng chữ đầu xuân, giải cờ tướng, nói chuyện, bình thơ cùng nhiều hoạt động khác. Tại vườn Giám và hồ Văn là các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa dân tộc như đu quay, nấu cơm thi, múa rối nước…

Một sắc thái xuân giàu chất văn hóa dân gian, mang đậm nét Thăng Long – Hà Nội đang diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong dịp Tết Canh Dần này. Đó cũng là những món quà rất có ý nghĩa dâng tặng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

TS. Đặng Kim Ngọc

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...