Home Văn hóa Tin văn hóa “Người của công chúng” và thái độ cần thiết đối với họ

“Người của công chúng” và thái độ cần thiết đối với họ

Email In PDF.
 th_mc_thanh_bachTrong mấy ngày gần đây dư luận khá xôn xao xung quanh việc một số nghệ sĩ có tên tuổi (Thanh Bạch, Mỹ Lệ, Thu Minh) đòi thưa kiện tạp chí Mốt vì đã đưa họ vào danh sách trao giải “mặc phản cảm nhât” của năm. Thoạt nhìn thì có vẻ đây chỉ là câu chuyện “um sùm” của mấy ca sĩ thích tạo “xì-căng-đan” để nổi tiếng nhưng sau khi theo dõi thì mới vỡ lẽ sự việc này liên quan đến một vấn đề hết sức căn bản của luật pháp và sinh hoạt văn hóa – xã hội, liên quan đến trách nhiệm của công luận đối với anh chị em nghệ sĩ - một bộ phận có vị trí nhất định trong đời sống xã hội chúng ta mà gần đây mọi người quen gọi là “người của công chúng”.

Liên quan đến chủ đề “người của công chúng” hiện đang có nhiều vấn đề phải bàn, trước hết là trách nhiệm của họ đối với xã hội và ngược lại. Nhưng trong bối cảnh liên quan đến giải “mặc phản cảm nhất” của Viện Mốt thì bài báo này chỉ đề cập đến trách nhiệm của báo chí và công luận trong quan hệ với “người của công chúng”.

Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy một bộ phận dư luận cho rằng ban tổ chức (tạp chí Mốt và Viện Mốt) có quyền đưa ra giải “mặc phản cảm nhất” vì đó là quyền của tạp chí Mốt với tư cách là “cơ quan công luận”; là “đại diện cho đại chúng” vì đã là “người của công chúng” và “có thu nhập cao nhờ vào sự ủng hộ của công chúng thì phải bị công luận thay mặt công chúng giám sát” (điển hình là ý kiến của tác giả Thế Lâm trên báo Lao Động online, ngày 5/1/2008).

Một bộ phận khác, khá đông đã phân tích trên rất nhiều khía cạnh và thể hiện thái độ bất bình đối với hình thức trao “giải ngược” và cho rằng hình thức này là không phù hợp với tập quán, tuyền thống tốt đẹp trong quan hệ con người Việt Nam. Họ lên án khía cạnh phản nhân văn của tên giải và chất vấn ban tổ chức về yếu tố luật pháp của giải, cho rằng tạp chí Mốt và Viện Mốt đã lạm dụng lợi thế có tạp chí riêng và nhân danh văn hoá để áp đặt các giải thưởng bất đắc dĩ cho các công dân, làm tổn thương danh dự “người của công chúng”. Có nghệ sĩ còn phàn nàn rằng cái giải mà Viện Mốt áp đặt cho nghê sĩ còn tệ hơn cả việc ngày xưa người ta cạo trọc bôi vôi lên đầu các cô gái nhẹ dạ rồi kéo đi bêu khắp làng. Hủ tục lệ làng xưa cũng chỉ nằm trong phạm vi của một làng, một xã, còn cái giải “mặc phản cảm nhất” là bêu tên cả nước, thậm chí vượt ra khỏi biên giới.

Còn ban tổ chức giải thì giải thích sao về việc này? Nhà thiết kế Minh Hạnh, đại diện tạp chí Mốt và Viện Mốt, là người từ nhiều năm nay đóng vai trò chủ đạo của giải, đã chính thức trả lời với báo chí vào ngày 5/1/2008 rằng, giải ăn mặc của Fadin (bao gồm giải “mặc phản cảm nhất”) là nhằm “đi tìm vẻ đẹp đích thực của trang phục Việt Nam trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mà vẫn phát huy được vẻ đẹp hiện đại”, đồng thời định nghĩa khái niệm “phản cảm” như sau: “Phản  cảm không phải là hở hay kín mà những gì đi ngược lại cảm xúc mà cảm xúc đó dựa trên cơ sở của bản sắc văn hoá, tạo nên cảm xúc khó chịu” (http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/vn/tinnhacviet/19924/index.aspx).

Theo tiêu chí công bố công khai thì không hiểu vì sao giải “mặc phản cảm nhất” chỉ dành riêng cho một giới duy nhất là nghệ sĩ, bộ phận nhạy cảm nhất trong nhóm “người của công chúng”? Trong khi đó vấn đề mặc và văn hóa mặc lại liên quan đến toàn dân, đến nhiều nhóm người của công chúng khác, trong khi đó những người hay ăn mặc kỳ cục, lập dị nhất lại thường rơi vào chính các nhà thiết kế thời trang. Càng kỳ lạ hơn là trong bốn tiêu chí mà ban tổ chức dựa vào để xếp hạng giải “mặc phản cảm nhất” thì hai tiêu chí có nội dung không liên quan gì đến cái mặc cả, đó là “1. Thường cố tình tạo ra scandal về nghề nghiệp” và “4. Xuất hiện trước công chúng với cách nói năng thô thiển, không lịch sự, không tôn trọng khán giả” (?)

th_mau_moi th_thuminh

Qua tiêu chí và định nghĩa của ban tổ chức giải và ý kiến của một bộ phận công chúng tôi nhận thấy trong xã hội chúng ta vẫn còn nhiều người có thói quen bình phẩm, nhận xét khen chê nặng về tình cảm, để cho các chuẩn mực chủ quan và cảm xúc chi phối. Nhưng họ thường quên rằng khi các cảm xúc “yêu”, “ghét” đã được công luận hoá và sau khi các “giải thưởng” được công bố công khai gây ra một hiệu ứng xã hội thì dù đó là để khen ngợi hay lên án thì những hoạt động bắt nguồn từ những cảm xúc đó đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đặc biệt là trước những nghệ sĩ mà họ công khai chỉ trích.

Trước khi bàn về yếu tố luật pháp của giải thưởng “mặc phản cảm nhất” của Viện Mốt, tôi xin được đề cập đến quan niệm phổ biến hiện nay ở nhiều nước về nhóm người gọi là “người của công chúng”. Trước hết “người của công chúng” phải là những công dân có đủ hành vi luật pháp, là người lao động chân chính. Họ có thể là danh nhân, là những người có tài năng xuất chúng, có công lớn với tiến bộ xã hội, nhưng cũng có thể đơn giản chỉ vì hoạt động của họ gắn bó với đời sống tinh thần của công chúng, hành vi của họ để lại những dấu ấn được quần chúng đón nhận, yêu mến mà nhờ đó trở nên nổi tiếng. Nhưng điều quan trọng nhất là hoạt động của tất cả những “người của công chúng” đều không đi ngược lại lợi ích cộng đồng, tiến bộ xã hội và phải được pháp luật ủng hộ (Ở đây không đề cập đến những nhân vật nổi tiếng thông qua các hoạt động mang màu sắc chính trị). Thực tế cho thấy tại nhiều quốc gia nhóm  “người của công chúng” được chú ý nhiều nhất là các ngôi sao trong lĩnh vực hoạt động giải trí và các kiện tướng thể thao.

Theo khái niệm chung đó thì “người của công chúng” chính là nhóm công dân có nhiều tiềm năng và tài năng của một quốc gia, là những người đang có những đóng góp hoặc có ảnh hưởng nhất định đối với đời sống xã hội. Ở một quốc gia từng một thời gian dài bị tư tưởng bảo thủ phong kiến và định kiến đè nặng như ở Trung Quốc, nay Chính phủ và nhân dân Trung Quốc rất coi trọng và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho người của công chúng, thậm chí gọi họ là “quốc bảo”, dù trong số đó không ít người đôi khi cũng phạm sai lầm.

Thái độ cho rằng bởi “họ đã là người của công chúng” và bởi “họ kiếm được nhiều tiền” thì đương nhiên phải “bị thế này, bị thế kia” nên được coi là một thái độ hẹp hòi, thành kiến đối với người có tài. Nếu “người của công chúng” không có tài thì làm sao họ được nhiều người yêu mến và ủng hộ? Nếu họ không có tài thì làm sao họ kiếm được nhiều tiền hợp pháp? Từ chỗ đó, có thể nói những hoạt động dù bất luận là khen hay chê hướng vào “người của công chúng” đều phải rất công bằng vì đó chính là thái độ gián tiếp đối với đại chúng, nếu ngược lại có thể tạo nên làn sóng phản ứng lan toả, lợi bất cập hại. Khen đúng chỗ đã khó, chê để có tác dụng uốn nắn, xây dựng lại càng khó. Còn chê mà không trúng đối tượng, không làm cho công chúng tâm phục khẩu phục thì cho dù là nhân danh “bản sắc văn hóa”, là “vị dân tộc”, là “giáo dục” nhưng để công chúng nghi ngờ là cách làm cửa quyền, áp đặt, có động cơ ác ý đối với những người mà họ yêu mến thì tác hại thật khôn lường. Nhìn từ một góc độ khác, nếu cơ chế khen chê mà không trong sáng lại nằm trong tay một số người thiếu công tâm thì rất có thể nó sẽ trở thành “cái roi” và “củ cà rốt” phục vụ cho những mục đích vụ lợi cục bộ, làm cho các chuẩn mực văn hoá và một số chuẩn mực xã hội có nguy cơ bị xáo trộn.

Nhưng trên đây cũng chỉ là nhận xét dựa theo nhãn quan tình cảm. Còn tính chất hợp pháp của việc sử dụng công luận, sử dụng cơ chế hành chính để khen chê như Viện Mốt đã làm thì cần căn cứ vào đâu? Theo chúng tôi vấn đề này liên quan ít nhất đến 3 bộ luật căn bản của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đó là: 1. Bộ luật Dân sự (liên quan đến khiển trách, đến lên án, đến xử lý trừng phạt mà về mục đích và ý nghĩa, dù muốn hay không, đều bao hàm trong  giải “mặc phản cảm nhất” của Viện Mốt), 2. Luật Báo chí (liên quan đến nghĩa vụ của báo chí đối với quyền chính đáng của công dân, bởi vì những người đang đòi kiện tạp chí Mốt là những công dân cho rằng họ bị báo chí xúc phạm danh dự) và 3. Luật Thi đua Khen thưởng (vì giải “mặc phản cảm nhất” của Viện Mốt nằm trong cơ chế của một hệ thống xếp giải hàng năm và được công bố với công luận). Các cơ quan, các tổ chức xã hội ở Việt Nam, theo quy định của Luật Thi đua và Khen thưởng, khi tiến hành một hoạt động mang tinh thần thi đua và khen thưởng cụ thể đều phải xin phép và được phép của các cơ quan chức năng hoặc Ban Thi đua Khen thưởng của Chính phủ. Fadin nên xem lại đã làm hết trách nhiệm với luật pháp, với các công dân, đặc biệt đối với những người có tài khi đơn phương đưa họ ra để khen hoặc lên án trước công luận?

Ở đây, trong khuôn khổ của bài báo rất ngắn, tôi chỉ xin đề cập đến một số điều khoản rất cơ bản của Luật Thi đua Khen thưởng của Nhà nước ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003. Điều 3 định nghĩa rất rõ về mục đích, về các hình thức khen thưởng cho mọi hoạt động thi đua và khen thưởng được quy định cho mọi tổ chức và mọi công dân Việt Nam, trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Không thể tìm thấy bất kỳ một quy định nào của luật pháp cho phép sử dụng bất kỳ một hình thức thi đua nào để trao giải “chê bai” dành cho công dân Việt Nam (bởi vì việc chỉ trích, lên án hay xử phạt đã có các cơ quan hành pháp thực hiện theo tinh thần của Bộ luật Dân sự bằng các hình thức xử phạt mang tính dân sự). Quan trọng hơn cả, Điều 6 của Luật Thi đua Khen thưởng quy định rất rõ về “tính tự nguyện” trong nguyên tắc thi đua rằng “a) Tự nguyện, tự giác, công khai; b) Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển”. Vậy thì, giải “mặc phản cảm nhất” có dựa trên tinh thần thi đua mà luật pháp quy định, có để cho các nghệ sĩ “trúng giải” được thực hiện quyền tự nguyện tham gia giải theo tinh thần của luật pháp, hay ban tổ chức đã dựa vào tinh thần xử phạt và cưỡng chế của Luật Dân sự dành cho các đối tượng vi phạm pháp luật?

Luật Thi đua Khen thưởng quy định rất rõ tại Điều 14 là “nghiêm cấm các hành vi: 1. Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi; 2. Cản trở hoặc ép buộc tham gia các phong trào thi đua; 3. Kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng; 4. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định khen thưởng trái pháp luật…” Với giải “mặc phản cảm nhất” hàng năm dành cho các nghệ sĩ Việt Nam liệu Viện Mốt có thể hiện các tinh thần và nguyên tắc trên của pháp luật? Liệu Viện Mốt có thể hiện đúng chính sách và thái độ của Đảng và Nhà nước ta đối với nghệ sĩ, đối với người có tài? Hay thông qua việc trao giải này ban tổ chức giải đã làm cho bạn bè quốc tế, cho hàng triệu bà con đang sinh sống ở hải ngoại càng xa cách, càng hiểu sai chính sách của Đảng và Nhà nước đối với văn nghệ sĩ, tạo thêm sơ hở cho một số kẻ xấu có cơ hội lợi dụng xuyên tạc vấn đề “quyền con người”, gây thêm khó khăn cho đất nước.

Mọi cuộc thi và trao giải thưởng trên đời này đều có một mục tiêu giống nhau là đi tìm người tài và tôn vinh cái đẹp của con người, đề cao những phẩm chất cao quý mang tính nhân văn, nhân bản. Những cuộc thi nghiêm túc tự cổ chí kim đều nhằm mục đích hướng thượng, cho nên các cuộc thi đó chỉ công bố những giải giỏi nhất, đẹp nhất. Xã hội sẽ ra sao nếu bỗng một ngày các cuộc thi thể thao Olympic công bố giải “người về bét”, còn các cuộc thi hoa hậu thì công bố giải “cô gái xấu nhất”? Cái đó sẽ được gọi là phi văn hoá, vô nhân đạo và phản tiến bộ.

Cuối cùng, xét từ giác độ đạo đức, tập quán, truyền thống và trình độ dân trí hiện nay của nhân dân ta, chúng tôi thấy việc một số cơ quan báo chí và một số tổ chức nghề nghiệp có xu hướng học đòi hoặc “vận dụng” quá đà một số công nghệ tạo sự kiện (PR) của giới truyền thông phương Tây, mà chủ yếu là giới truyền thông giải trí của Hoa Kỳ, trong đó có các trò chơi kiểu “bình chọn ngược” là chưa phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, là trái với quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam. Các “trò chơi bầu bán lộn ngược” và “xếp hạng lộn ngược” chỉ được các tờ báo lá cải ở các nước phương Tây thực hiện để tạo sự kiện giật gân vì mục đích kiếm tiền, thoạt nhìn thì có vẻ dễ dãi, vô thưởng vô phạt, nhưng họ đều không sở hở về luật pháp, đều chỉ dám thực hiện sau khi đã tiến hành những cuộc thăm dò xã hội học đối với hàng nghìn người. Không có một giải thưởng nào ở phương Tây dám cả gan sử dụng những cái tên oái oăm thô thiển có hàm ý xúc phạm đến nhân phẩm công dân như tên giải “mặc phản cảm nhất” do Viện Mốt Việt Nam đưa ra. Các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam thường đưa lại các thông tin một chiều về nội dung của các tờ báo lá cải phương Tây cũng vì mục đích giải trí, nhưng lại ít khi thông báo cho nhân dân ta biết rằng ở phương Tây luôn có một bộ phận rất đông những người có văn hóa và có lương tri không đồng tình ủng hộ, thậm chí tẩy chay các kiểu chơi vô bổ, thậm chí là vô văn hóa đó. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của Nhà nước nên cùng nhau rà soát lại các hoạt động thi thố và trao giải đang có dấu hiêu lan tràn hiện nay, mà ẩn nấp đàng sau đó thường là các mục đích vụ lợi hoặc đánh bóng tên tuổi, thương hiệu, nhưng hậu quả để lại thì khôn lường, tạo những kẽ hở để từng bước làm xáo trộn các giá trị đạo đức, các chuẩn mực văn hóa - xã hội lành mạnh.

 

Nhà báo Nguyễn Xuân Thắng
Tổng Thư ký Hiệp hội UNESCO Việt Nam,
Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Thế giới

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...