Home Di sản Việt Nam Thạp đồng Đông Sơn

Thạp đồng Đông Sơn

Email In PDF.

Văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về nền văn hóa này đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Phòng trưng bày chuyên đề: Tiếng vọng Đông Sơn - Hiện vật mới phát hiện 2004 - 2009 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được coi như một “hiện tượng” của khảo cổ học với hơn 100 hiện vật lần đầu tiên được công bố, chủ yếu là đồ đồng, đồ gốm của thời kỳ Đông Sơn.

Có nhiều hiện vật chưa từng xuất hiện trong các sưu tập văn hóa Đông Sơn trong nước cũng như trên thế giới như: sưu tập đèn ở di chỉ Làng Vạc (Nghệ An) phản ánh một tư duy tín ngưỡng của cư dân Đông Sơn, chiếc trống đồng có kiểu dáng và hoa văn khác lạ trang trí hình người kéo thuyền được tìm thấy ở Tây Nguyên…Và chiếc thạp có chân trổ thủng cũng là một hiện vật vô cùng độc đáo, là một trong hai chiếc thạp có chân trổ thủng chưa từng thấy xưa nay trong sưu tập đồ đồng Việt Nam.

Thạp là loại đồ đựng của cư dân Đông Sơn. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trong thạp có đựng than tro người chết. Đó là tục hỏa táng của người Đông Sơn và tục này nằm ngoài phật giáo. Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy những Thạp có chứa xương người. Đó là chiếc “tiểu” của những ngôi mộ được cải táng. Những hiện tượng trên cho chúng ta thấy sự phong phú, đa dạng về táng thức của cư dân Đông Sơn trong quan niệm về sự sống và cõi chết.

Chiếc Thạp trưng bày trong chuyên đề: Tiếng vọng Đông Sơn được phát hiện ở bên bờ lở sông Hồng, trong không gian liền kề (Đào Xá). Thạp thuộc loại trung bình, dáng quả nhót (đặc trưng của văn hoá Đông Sơn), miệng loe đứng (loại không có nắp) thân thuôn, đáy lõm gần bằng, quai kép hình khuyên tạo nổi hình sống trâu với nhiều gờ nổi. Trải qua thời gian tồn tại, patine của thạp rất bóng, vẫn ánh lên màu xanh biếc xen lẫn màu vàng xám. Thạp gần như nguyên vẹn, chỉ sứt nhỏ phần gờ miệng, với đường kính 25cm; đường kính đáy 22cm; cao 31cm. Quan sát các băng hoa văn trang trí phủ kín mặt ngoài thạp có thể nhận thấy đó là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, đồng thời cảm nhận được phần nào “thế giới quan” của người Đông Sơn xưa.

Từ trên xuống dưới, với phong cách chạm khắc nổi và chìm các băng hoa văn và đường chỉ là hình ô trám lồng và vòng tròn đồng tâm (dạng chữ S), vòng tròn tiếp tuyến, răng cưa có núm nổi, chấm nổi... Trong mỗi mô-típ trang trí ấy lại có sự kết hợp tài tình, những biến thể hài hoà tạo nên những đường nét vô cùng uyển chuyển. Nổi trội trong bức tranh sinh động là hai băng văn chủ đạo, tạo điểm nhấn quan trọng cho toàn bộ tác phẩm. Băng phía trên là hình ảnh chim lạc, chim công trong các tư thế con bay, con đậu, con mỏ dài, mỏ ngắn cắp những chú cá to quá sức với cổ dài cách điệu... dường như đại diện cho cả thế giới tầng trên. Phía dưới, nằm cách những mô-típ trang trí đan cài là hình ảnh đại diện thế giới loài người với vũ hội (cầu mùa) vô cùng náo nhiệt. Con người cũng vẫn với tư thế hoá trang lông chim, theo hướng ngược chiều kim đồng hồ đặc trưng của người Đông Sơn, song, trong vũ hội ấy là sự trình diễn “sưu tập” của các loại nhạc khí và vũ khí. Không chỉ có vậy, nếu như hình các “nhạc công”, “vũ công” ở bên dưới choán tới 4/5 băng văn trang trí, thì ở phía trên, nhỏ thôi nhưng rất đáng chú ý là đàn chim lạc mỏ ngắn bay dẫn đường, như hướng đạo cho toàn bộ các hoạt động của con người.

Về cơ bản, các mô-típ trang trí thể hiện trên thạp giống với lối bố cục trên các trống đồng nhóm sớm (trống Hoàng Hạ), song sự đặc sắc ở đây chính là ở chỗ, có lẽ đây là lần đầu tiên những trang trí ấy được thể hiện sinh động trên thạp đồng - một trong những loại hình di vật đặc trưng của văn hoá Đông Sơn.

Nếu như trước đây, khi nói về thạp đồng người ta thường biết tới chiếc thạp Đào Thịnh nổi tiếng kích thước lớn, hoạ tiết trang trí và đặc biệt là những khối tượng tròn trên nắp thạp phản ánh tín ngưỡng phồn thực, thì nay với chiếc thạp mới tìm thấy ở Đào Xá lại cho chúng ta những hiểu biết mới về cách biểu đạt đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người Việt cổ hơn hai nghìn năm trước. Song, sự đặc sắc ấy khi được xem xét toàn diện lại không chút gì xa lạ trong phức hệ di vật Đông Sơn rất thống nhất trong nội dung và hình thức thể hiện.

Thạp đồng là loại vật dụng rất đỗi gần gũi với đời sống sinh hoạt của người Đông Sơn, cho dù sử dụng trong đời sống thường nhật hay trong các nghi lễ tôn giáo, mai táng... song, vượt lên trên hết đó là nơi gửi gắm bao tâm tư, ước vọng của cư dân lúa nước Đông Sơn, sâu sắc hơn là quan niệm về thế giới nhân sinh cao cả, mà cho đến hôm nay không hẳn trong mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra và hiểu biết được.

(Theo dulichvietnam.org)

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung